TÁC PHONG CHỦ ĐỘNG, LINH HOẠT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRONG CHUYẾN VỀ THĂM QUÊ LẦN THỨ 2 (08-10/12/1961)
06/12/2023 11:21:21 SA

Chủ tịch Hồ Chí Minh không câu nệ về “đối đẳng, chức vụ”, không bị ràng buộc bởi nghi thức ngoại giao mà luôn chủ động, linh hoạt và hết sức chú trọng đến mục tiêu, hiệu quả của công tác đối ngoại. Đúng như lời cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận xét: “Sự ứng xử linh hoạt của Hồ Chí Minh trong giao tiếp ngoại giao đã trở thành những câu chuyện huyền thoại”. Dù người đối thoại là nguyên thủ quốc gia, lãnh tụ Đảng, chính khách, trí thức hay chỉ là người công nhân, nông dân bình thường, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn chủ động trong ứng xử. Sự chủ động đó vừa tự nhiên, bình dị, chân thành vừa ân cần, tế nhị, được thể hiện hết sức sinh động và phong phú trong tư thế chủ động, với ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn và dễ hiểu, với nụ cười luôn đem lại sự bất ngờ làm xóa nhòa mọi khoảng cách, đem lại hiệu quả cao. Đơn cử trong chuyến về thăm quê lần thứ hai năm 1961 Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã thể hiện rất rõ điều đó.
 “Quê hương nghĩa trọng tình cao”. Suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng, dù bận trăm công nghìn việc vì đất nước, vì nhân dân, nhưng trong sâu thẳm trái tim mình, Người luôn giành một phần vô cùng sâu nặng cho quê hương. Với Người “Tình chung không làm mất tình riêng và tình riêng không lấn át tình chung”.
Với Bác, tình cảm của quê hương không chỉ dừng lại ở những kỷ niệm êm đềm, vui vẻ, tốt đẹp mà còn là sự ngưỡng vọng về một quê hương cách mạng, một “Nghệ Tĩnh đỏ”. Ấn tượng tốt đẹp về quê hương là “Nghệ tĩnh nổi tiếng cứng đầu” bao hàm thái độ bất khuất kiên cường của quần chúng nhân dân trước sự đàn áp dã man của kẻ thù. Trên con đường hoạt động cách mạng của mình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân lên hầu khắp các châu lục, các quốc gia lớn nhỏ, thông thuộc nhiều thứ tiếng nước ngoài. Vậy mà, một đêm trên đất Thái Lan, Người thốt lên “Xa nhà chốc mấy mươi niên, đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con”. Người vẫn giữ cho mình giọng Nghệ nằng nặng, trầm ấm, vang vọng của quê nhà. Cái chất Nghệ cao đẹp trong con người Bác là sự gạn đục, khơi trong tinh hoa văn hóa của quê hương, tiếp thu tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại; loại bỏ những phần lạc hậu, hạn chế mà lịch sử để lại.
Suốt 50 năm xa quê, đi qua bao miền đất xa lạ, tiếp xúc nhiều với nền văn minh Âu, Mỹ cùng những phong tục tập quán khác nhau. Vậy mà ở Bác vẫn đậm đà tính cách của một con người xứ Nghệ, chất phác, giản dị, thích ăn những món ăn có hương vị quê nhà, giành dụm thời gian trồng rau, nuôi cá… Bác luôn tâm niệm một điều rằng: Không thể ham muốn vị kỷ mà suy thoái nhân tâm. “Con người ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp là không có đạo đức”. Bác đã tiếp thu lối sống cần kiệm, quen chịu đựng trước những khó khăn, thiếu thốn của bà con quê nhà, nhưng Bác lại vươn cao, vươn xa hơn ở sự sáng suốt tìm con đường đúng đắn vượt lên để giành cuộc sống tươi đẹp hơn không chỉ cho riêng mình mà cho toàn thể nhân dân.
Ngoài hai lần Bác về thăm quê (năm 1957 và năm 1961), tình cảm sâu sắc của Người đối với quê hương còn được thể hiện qua nhiều bài viết, bài nói chuyện, nhiều bức điện và thư, Người gửi cho các tập thể và cá nhân. Theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 1930 đến trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng Bác Hồ có 9 bài báo, 31 bức thư; 11 bài nói chuyện; 3 bức điện; 2 lần về thăm; 1 lời đề tựa nói đến quê hương Nghệ An hoặc trực tiếp trò chuyện thân tình với cán bộ nhân dân quê nhà. Trong đó Bác giành cho quê hương Kim Liên, quê hương Nam Đàn 5 bức thư, 1 bức điện, 1 bài nói chuyện và một bài báo.
Mặc dù về thăm quê lần thứ hai (1961), nhưng quê nội và quê ngoại Bác cũng chỉ ở lại trong nửa buổi sáng mà thôi. Trong chuyến về thăm này, Bác Hồ quan tâm tới tất cả các mặt của đời sống xã hội: giáo dục (thăm trường Sư phạm miền núi), y tế (thăm trạm y tế và nhà hộ sinh Vĩnh Thành), Công nghiệp (thăm nhà máy cơ khí Vinh), nông nghiệp (thăm Hợp tác xã Vĩnh Thành, nông trường Đông Hiếu)…Đặc biệt, Bác rất chú trọng tới việc nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng đời sống mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội đối với các đảng viên và cán bộ (làm việc với Ban chấp hành Tỉnh ủy, gặp gỡ Đảng viên hoạt động lâu năm). Điều đáng chú ý là dù ở trong hoàn cảnh nào Người cũng giành sự quan tâm, ưu ái cho trẻ em, người già và phụ nữ…
Cũng trong chuyến về thăm và làm việc của Người tại quê hương lần thứ hai năm1961, tính chủ động, linh hoạt trong tư tưởng Hồ Chí Minh được bộc lộ rõ nét đó là: Khi vừa hạ cánh xuống sân bay Vinh, Sau khi nhận hoa từ các cháu thiếu nhi tặng, đồng chí Võ Thúc Đồng đã mời Bác lên xe đã kết hoa (xe của Quân khu IV mới nhận của Bộ Quốc phòng - được kết hoa và trải ga trắng lên ghế ngồi, vì lúc này cả Tỉnh ủy chỉ có một chiếc ô tô con). Bác nhìn thoáng qua rồi đi đến chiếc xe Gát – xe của anh em bảo vệ dẫn đường, đề nghị cuốn bạt lại để có thể nhìn được đồng bào và đồng bào cũng có thể nhìn thấy Bác. Khi về đến trụ sở Tỉnh, Bác không vào văn phòng mà đi thẳng đến nhà ăn, việc đón tiếp Bác tại văn phòng với lãnh đạo Tỉnh ủy đã không thực hiện được. Vào nhà ăn, Bác cẩn thận lật từng lồng bàn xem cơm của Tỉnh ủy. Bác khen đồng chí đồng chí Võ Thúc Đồng chăm lo đời sống anh em như thế là tốt.
Sáng ngày 9/12/1961, Bác gặp đại biểu cơ quan cấp Tỉnh, trên 3 vạn đồng bào tỉnh nhà tại sân vân động thị xã Vinh, Bác khen ngợi đồng bào và cán bộ Nghệ An về những thành tích đã thu được, nhắc nhở những việc mà đồng bào và cán bộ cần phải ra sức làm trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp, văn hóa, giáo dục, y tế, giao thông… nhằm “phấn đấu xây dựng tỉnh ta thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc” (Bác Hồ với quê hương Nghệ An). Sau buổi nói chuyện, Bác lên đặt vòng hoa tại đài liệt sĩ Thái Lão, Bác đốt hương dâng lên bia tưởng niệm mang dòng chữ “Đời đời Tổ Quốc ghi công các liệt sỹ 1930 - 1931”.
Sau đó, Bác lên thăm xã Kim Liên, nhưng điều bất ngờ không có trong kế hoạch là Bác về thăm làng Hoàng Trù - quê ngoại trước - nơi Bác sinh ra và sống thời thơ ấu. Bác đi thẳng vào nhà cụ Hoàng Xuân Đường - (ông ngoại Bác). Bác thăm nhà một lượt và nhận xét “nhà làm lại đã ngắn đi một gian so với nhà cũ”, sau đó Bác đến ngôi nhà nhỏ nằm ở phía bên phải nhà cụ Hoàng Xuân Đường. Chính ở ngôi nhà này, cậu Nguyễn Sinh Cung đã chào đời. Ngôi nhà cũ không còn nữa vì đã bán đi, nay chỉ còn một chiếc cột cũ là còn giữ lại được sau hàng chục năm sửa sang, thay đổi. Dựa vào cây cột ấy và trí nhớ của bà con trong làng, Ty văn hóa Nghệ An đã cho phục chế lại. Ở quê ngoại, mọi người ngồi quây quần quanh Bác, trò chuyện vui vẻ.  Bác hỏi thăm việc làm ăn và đời sống của bà con…  
Khoảng 9 giờ cùng ngày, xe ô tô chở Bác về đến Làng Sen. Khi về đến cổng nhà, những người thân trong gia tộc như cụ Nguyễn Sinh Mợi, Nguyễn Thị Quy… ra đón Bác, Bác đi từ đầu đến cuối nhà ngắm nhìn và sờ vào từng cột gỗ, tấm phên  với nét mặt suy tư, rưng rưng xúc động. Khi đến bên bàn thờ, Bác nói bàn thờ nhà Bác ngày xưa bằng tre và để thấp, không phải cao và bằng gỗ như thế này. Bác vào buồng và gian trong, ở gian cuối có kê một phản gỗ, Bác ngồi lên phản, chống tay và ngắm nhìn các kỷ vật của gia đình, sự xúc động bộc lộ trên từng động tác, cử chỉ của Người. Một lát sau, Bác đi xuống nhà ngang rồi đi ra ngoài. Bác đi đến nhà khách, một cụ già đứng lên rót nước mời Bác, Bác nói: Ở đây, tôi là chủ, các cụ là khách, để tôi mời nước các cụ, rồi Bác tặng thuốc cho các cụ (bấy giờ, chúng ta bố trí khoảng 30 cụ già hơn 60 tuổi ở nhà khách để tiếp đón và nói chuyện với Bác). Sau đó, Bác ra ngoài sân gặp anh em trong chi họ đại tôn. Tiếp đó, Bác nói chuyện với đồng bào. Trước hết, Bác khen ba điều tiến bộ của Nam Liên (đồng bào đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau; văn hóa tiến bộ; lực lượng quốc phòng cũng tiến bộ). Rồi Bác ân cần căn dặn nhiều điều: “phải củng cố Hợp tác xã cho tốt”, “phải lao động nhiều”, phải thực hành “kỹ thuật canh tác mới”. Bác cũng thẳng thắn phê bình “xã viên thiếu tinh thần làm chủ”, “Ban quản trị còn quan liêu”, yêu cầu làng xã phải “Xây dựng đời sống ngày càng no ấm lên, tức là xây dựng chủ nghĩa xã hội”; Người còn căn dặn đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu trong mọi công việc, trong tăng gia sản xuất, trong học tập. Nếu đảng viên không gương mẫu thì không xứng đáng là đảng viên, đoàn viên cũng thế. Sau những lời tâm sự đó, Bác căn dặn những việc mà quê nhà cần phải khắc phục để phấn đấu vươn lên. Kết thúc buổi nói chuyện, Bác cùng nhân dân hát bài “Kết đoàn” và Bác rời khán đài vào nói với đồng chí Võ Thúc Đồng bố trí cho Bác gặp các đồng chí cán bộ cốt cán của xã ở đền Kim Liên. Điều này không có trong lịch trình, chưa có phương án bảo vệ, do đó mọi người có ý mong Bác nói chuyện luôn tại lễ đài. Bác nghiêm mặt nói dù khó khăn đến mấy cũng phải bố trí cho Bác vào đền Kim Liên. Tại đền, Bác gặp khoảng 20 người, chủ yếu Bác nói về công tác cán bộ và dặn dò cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, quản lý hợp tác xã cho tốt.
Cũng vào chiều 09/12, Bác đến thăm nhà máy cơ khí Vinh, thăm trường sư phạm miền núi Nghệ An. Tại nhà máy cơ khí Vinh, khi mọi người đang ngồi chăm chú trong phòng họp thì Bác đã vào cổng từ lúc nào và đã đi thẳng xuống khu nhà ăn tập thể, sau đó Bác đi thăm xưởng máy, rồi Bác nói chuyện với tất cả cán bộ và công nhân của nhà máy. Bác nêu và khen ngợi những ưu điểm đã được nghe trong báo cáo. Bác còn nhắc nhở những khuyết điểm mà nhà máy còn mắc phải cùng với lời đề nghị rất thiết thực, rằng sản phẩm của nhà máy sản xuất ra cần đảm bảo thời hạn sử dụng cho nông dân, nếu không đảm bảo thì nhà máy phải sửa chữa miễn phí. Tại trường Sư phạm miền núi – nơi đào tạo giáo viên cho đồng bào các dân tộc trong tỉnh, Bác đã có một cuộc trò chuyện thật chân tình, vui vẻ với cán bộ và học sinh của trường.
Sáng ngày 10/12/1961, Bác lên máy bay đi thăm Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Thành – xã điển hình về trồng cây và là hợp tác xã nông nghiệp bậc cao đầu tiên của tỉnh. Đúng 7 giờ 30 phút ngày 10/12 khi chiếc trực thăng hạ cánh, Bác ung dung bước ra trước biết bao sự bất ngờ của mọi người dân. Trước khi nói chuyện với nhân dân, Bác gặp Đảng ủy và Ủy ban hành chính xã Vĩnh Thành. Sau đó, Bác đi ra khán đài vì “đồng bào đang chờ”. Trong lúc nói chuyện, Bác căn dặn nhiều điều: “Hôm nay Bác về không đi thăm Hợp tác xã khác trong huyện, trong tỉnh được là vì không có thì giờ. Các xã và hợp tác xã khác cần thông cảm, còn hợp tác xã đây chớ thấy Bác về thăm tưởng mình là nhất không đâu bằng nữa, rồi tự kiêu, tự mãn cho rằng không cần học tập ai nữa. Không phải đâu, phải học tập kinh nghiệm xã tiên tiến, hợp tác xã tiên tiến, xã viên tiên tiến…”.. Bác tặng huy hiệu cho 5 “ trai gái Đại phong” – 5 gương mặt tiêu biểu trong phong trào lao động sản xuất của xã Vĩnh Thành. Và như thường lệ, Bác cất nhịp cho toàn thể cán bộ, đồng bào hát bài hát “kết đoàn”.
Sau buổi mít tinh, Bác sang thăm nhà trẻ Vĩnh Tuy, bấy giờ do chị Hoàng Thị Úy và chị Nguyễn Thị Thân phụ trách nuôi dạy 20 cháu. Bác xem kỹ thùng chứa nước uống và bể tắm của các cháu. Bác ân cần, thăm hỏi, động viên và nhắc đồng chí chủ tịch xã “bây giờ còn nghèo nhưng về lâu dài phải chú ý xây dựng quỹ phúc lợi để làm nhà trẻ”. Các đồng chí ở Ban tổ chức định bố trí  Bác vào thăm nhà ông bà Thậm. Khi sắp đến nơi, Bác dẫn tay ông Thậm sang nhà bên cạnh - nhà ông bà Máy – một nhà tranh nghèo bên cạnh đường. Do không được chuẩn bị trước nên trong nhà đồ đạc, quần áo bừa bộn. Bác hỏi thăm tình hình đời sống, dặn dò các đồng chí cán bộ xã cùng đi với Bác phải quan tâm làm cho nhân dân có nếp sống văn hóa tốt hơn.
Từ nhà ông bà Máy, Bác đi thăm trạm y tế, nhà hộ sinh xã Vĩnh Thành. Khi vào nhà hộ sinh, Bác nhắc cô y tá giữ gìn, chăm sóc sức khỏe cho các bà mẹ để sớm phục hồi, trở về sản xuất theo hợp tác xã. Người nhắc nhở các đồng chí phụ trách vệ sinh ở đây còn kém, phải cố gắng thêm để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được tốt hơn.
Hơn 9 giờ, chiếc máy bay cất cánh đưa Bác đến nông trường Đông Hiếu – một mô hình xây dựng nông trường quốc doanh điển hình của miền Bắc, tiếng vang “phong trào 4 tốt” (sản xuất tốt, đời sống tốt, quản lý tốt, văn hóa tốt) nổi lên không kém gì “Gió Đại phong”, “Sóng duyên hải”, “Cờ ba nhất”, “Trống bắc lý”). Bác bước xuống, tươi cười nhận hoa từ các cháu thiếu nhi và nói chuyện với cán bộ, công nhân nông trường, đồng bào các dân tộc huyện Nghĩa Đàn. Sau buổi nói chuyện, Bác tặng thưởng huy hiệu cho ba đồng chí cán bộ nông trường gương mẫu trong học tập, có nhiều sáng kiến trong lao động (đồng chí Trần Kim Mạnh - Giám đốc, đồng chí Nguyễn Văn Lang – Tổ trưởng trồng trọt, đồng chí Võ Trọng Tạo – Tổ trưởng chăn nuôi). Buổi nói chuyện kéo dài khoảng một giờ đồng hồ và kết thúc bằng bài ca “kết đoàn” do Người bắt nhịp. Trước khi kết thúc buổi nói chuyện Bác nhờ “các cô, các chú ” chuyển lời chào của Bác và Trung ương Đảng đến các nông trường bạn và đồng bào địa phương.
Kết thúc việc đi thăm nông trường, Bác cùng một số đồng chí đi về nhà khách nông trường. Tại đây, Bác nói chuyện với các chuyên gia Liên Xô và chụp ảnh lưu niệm với mọi người. Bác dùng cơm và nghỉ trưa tại nhà khách nông trường. Bác gửi lời chúc tới các phụ lão, các cháu thiếu nhi và đồng bào các dân tộc. Bác hứa nếu nông trường tiếp tục làm tốt, Bác sẽ về thăm. Khoảng 15 giờ, Bác rời nông trường Đông Hiếu, máy bay hướng thẳng về Hà Nội, không quay trở lại Vinh, kết thúc chuyến thăm quê lần thứ hai của Người.
Như vậy, trong mọi hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi. Người luôn chủ động, sáng tạo vượt qua sự bố trí, xếp đặt để có thể thấu hiểu tình hình một cách xác thực nhất, để có thể gần gũi, hiểu, thông cảm và hòa mình vào đời sống của nhân dân lao động. Đúng như lời người xưa nói: “Thiếu nhiệt hứng tất không thành đại sự” và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn nên sự nghiệp lớn, tinh thần càng phải cao” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3).
Đến nay, đã 54 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, nhưng Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta muôn vàn tình thương yêu. Ngoài tình cảm chung ấy, Người còn để lại cho quê hương những ân tình đặc biệt trong hai lần Người về thăm quê, những lời căn dặn thiết thực đó đến nay vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi cán bộ, Đảng viên và nhân dân tỉnh nhà. Ngày nay, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người lãnh đạo đều cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, không thay đổi trong những vấn đề thuộc về nguyên tắc. Đồng thời để thực hiện những vấn đề chiến lược, quan điểm, đường lối chính sách của Đảng và nhà nước, những vấn đề có tính nguyên tắc thì sách lược cách mạng, các hình thức, phương pháp, cách thức tiến hành phải hết sức mềm dẻo, linh hoạt mới có thể đạt kết quả cao.

Phan Hằng

Thông tin tham quan

Liên kết website