VẤN ĐỀ ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN TRONG DI CHÚC CỦA BÁC HỒ
26/03/2015 10:53:57 SA
"Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục, đào tạo cho họ, đào tạo thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết" (trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh).

"Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục, đào tạo cho họ, đào tạo thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết" (trích Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh).
 
          Trước lúc "đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê Nin và các vị cách mạng đàn anh khác", Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta một bản Di chúc lịch sử. Đó là những lời căn dặn cuối cùng, niềm tin yêu vô hạn của Người đối với chúng ta.
          Trong muôn vàn tình thương Bác dành cho nhân dân, có một mối quan tâm đặc biệt được thể hiện trong di chúc thiêng liêng đó là Đoàn viên thanh niên. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn coi trọng, kỳ vọng và hết sức quan tâm đến thanh niên. Bác xem "Thanh niên là con cháu của tôi".
         Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên". Người còn khẳng định: "Một năm khởi đầu là mùa xuân. Một đời người khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội".
          Trong Di chúc, ngay sau khi nói về Đảng, Bác dành nói về "Đoàn viên và Thanh niên". Lời lẽ giản dị, ngắn gọn nhưng đã thể hiện một cách cô đọng những tư tưởng và tình cảm của Bác đối với Đoàn viên thanh niên. Đầu tiên Bác khẳng định: "Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ". Đánh giá của Người cũng chính là sự tổng kết sâu sắc thực tiễn sinh động của tuổi trẻ Việt Nam. Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, Đoàn viên thanh niên từ thế hệ này đến thế hệ khác không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh. Nêu cao tinh thần cách mạng "Đâu cần Thanh niên có, đâu khó có Thanh niên", Đoàn viên thanh niên hăng hái rèn luyện, thi đua lập thành tích trên mọi mặt trận, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta viết nên trang sử vẻ vang trong cuộc đấu tranh dành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng CNXH. Bác đánh giá đúng thanh niên, tin tưởng vào thế hệ trẻ. Bác thấy được Thanh niên là lực lượng cách mạng to lớn. Đó là điểm nổi bật và nhất quán trong tư tưởng của Người. Bác luôn khích lệ, tạo điều kiện để phát huy vai trò, sức mạnh của Đoàn viên thanh niên và luôn quan tâm đặc biệt đến công tác thanh niên. Có thể nói, ở đâu và lúc nào, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chú ý đến Thanh niên và phong trào thanh niên. Người cho rằng, vận mệnh dân tộc và sự phát triển của đất nước luôn gắn liền với sự giác ngộ cách mạng và sự đóng góp của thanh niên. Thanh niên là lớp người tiêu biểu cho sức sống của một dân tộc. Chính vì thế, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn Đảng về Đoàn viên thanh niên: "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đào tạo cách mạng cho họ, đào tạo thành những người thừa kế xây dựng CNXH vừa "hồng" vừa "chuyên". Bác muốn Đoàn viên thanh niên phải được rèn luyện một cách toàn diện. "Hồng" đó là tư tưởng, đạo đức cách mạng, "chuyên" là kiến thức, năng lực, hiểu biết để làm việc. Cả hai yếu tố gắn bó với nhau. Người viết: "Việc giáo dục và học tập phải chú trọng đủ các mặt: Đạo đức cách mạng, giác ngộ XHCN, văn hóa, kỹ thuật, lao động và sản xuất". Bác còn nói rất cụ thể: "có tài mà không có đức ví như một anh làm kinh tế giỏi nhưng lại đi đến thụt két, thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài, ví như ông Bụt không làm hại gì, như cũng không có lợi gì cho loài người". Tuy nhiên, khi giáo dục Đoàn viên thanh niên thì việc giáo dục tư tưởng, đạo đức cách mạng được Bác chú trọng đưa lên đầu tiên. Người dạy Thanh niên phải "luôn luôn trau dồi đạo đức cách mạng" vì đạo đức là cái "gốc" của con người, cái nền tảng để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng. Cũng như "Sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Và thực tiễn cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chứng minh điều đó. Như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: "Suốt đời Hồ Chí Minh không ngừng chăm lo việc đào tạo con người từ tuổi mầm non, vun đắp những cái hay cái đẹp của con người, những anh hùng chiến sỹ thi đua, những người tốt việc tốt trong phong trào cách mạng của quần chúng".
          Trong Di chúc, Bác nêu rõ đào tạo con người vừa "hồng" vừa "chuyên" là để "thừa kế xây dựng CNXH". Bác đã từng dạy "Muốn xây dựng CNXH thì phải bồi dưỡng con người XHCN". Có nghĩa là phải lấy mục tiêu XHCN làm cơ sở rèn luyện "hồng" và "chuyên". Đào tạo Đoàn viên thanh niên phải từ thực tiễn xây dựng CNXH của đất nước. Đó cũng chính là mục tiêu, phương châm công tác thanh niên và phương hướng rèn luyện của Đoàn viên thanh niên.
          Trước lúc đi xa, Người còn căn dặn Đảng ta: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết". Lời căn dặn đầy tâm huyết, cháy bỏng của một con người vĩ đại - Con người mà cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang. Đó là niềm tin, tình yêu mãnh liệt của Bác đối với tuổi trẻ. Và đó cũng chính là cuộc đời của Bác. Đau xót trước cảnh đất nước lầm than, nhân dân nô lệ, người thanh niên Nguyễn Tất Thành với nhiệt huyết của tuổi 20 đã quyết chí ra đi, không ngại khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. Tại Quảng Châu- Trung Quốc, Người đã thành lập tổ chức "Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội" - nơi vun trồng hạt giống cách mạng từ những thanh niên cách mạng để từ đó làm tiền thân hình thành nên Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh. Bác và Đảng đã sáng lập và lãnh đạo, rèn luyện tổ chức Đoàn thanh niên để làm trường học XHCN cho thanh niên. Suốt cả cuộc đời mình, Bác là tấm gương tuyệt đẹp, sáng ngời về nhân cách và tư tưởng cho thế hệ trẻ Việt Nam học tập và noi theo.
          Đất nước thống nhất, Nam Bắc sum họp một nhà, việc "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau" như lời Bác Hồ dạy là điều kiện vô cùng quan trọng để đảm bảo cho công cuộc đổi mới đất nước dành được nhiều thắng lợi, đưa đất nước hội nhập vững bước đi lên.
          Đã hơn 45 năm Bác đi xa nhưng trong mỗi chúng ta chưa bao giờ vắng Bác. Bác vẫn còn sống mãi cùng Đoàn viên thanh niên trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Người đã hóa thân vào dân tộc, vào thời đại. Người hiện hữu trong những nếp nhà đơn sơ, mộc mạc ở quê hương. Như nhà thơ Chế Lan Viên đã viết:
                    "Người gửi lại một niềm tin
                    Còn như Người, Người đã hóa hương sen
                    Trở về cái Làng Sen muôn thuở
                    Mắt rưng lệ, ta đọc di chúc Người từng câu, từng chữ
                    Ngỡ như trước mắt, trên cao đâu đó, Bác nhìn".
          Năm 2015, cả nước tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị về "tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" chúng ta lại càng nhớ những lời căn dặn trong bản Di chúc lịch sử của Bác.
          Cùng với Đoàn viên thanh niên cả nước, tuổi trẻ Khu Di tích Kim Liên không ngừng nâng cao vai trò xung kích, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị, góp phần tích cực vào sự nghiệp "Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương", xây dựng Khu Di tích Kim Liên ngày càng vững mạnh, xứng tầm là Di tích quốc gia đặc biệt.
          Các phong trào thi đua, cuộc vận động ở Khu Di tích Kim Liên luôn được cấp ủy, lãnh đạo cơ quan quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện, được tuổi trẻ Đoàn viên thanh niên hưởng ứng tham gia và mang lại những kết quả có ý nghĩa thiết thực.
          Ngày ngày nhìn dòng người về thăm ngôi nhà Bác ở tại Kim Liên nối dài mãi như lòng kính yêu của nhân dân đối với Bác, chúng cháu lại nhớ Bác nhiều hơn. Mỗi khi nhắc đến Di chúc của Người về Đoàn viên thanh niên, chúng ta càng hiểu và kính yêu Bác, quyết tâm ra sức phấn đấu để thực hiện những lời Bác dạy, thực hiện những điều mong mỏi thiêng liêng của Người./.
 

 
                                                                          Lê Thị Hà
                                        Phòng Tuyên truyền giáo dục

Thông tin tham quan

Liên kết website