Bác Hồ với công cuộc giải phóng phụ nữ
31/10/2014 3:32:12 CH
Nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lòng mỗi chúng ta đều trào dâng một cảm xúc: niềm kính trọng, tự hào; sự cảm phục, yêu mến... Chắc hẳn, ai cũng bùi ngùi xúc động khi nghe câu hát quen thuộc "Bác Hồ, Người là niềm tin thiết tha nhất, trong lòng dân và trong trái tim nhân loại...". Người là lãnh tụ của dân tộc, bộn bề công việc, nhưng Bác vẫn luôn dành cho nhân dân ta những tình cảm ưu ái nhất, đặc biệt trong đó có phụ nữ.

 
 
          Nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong lòng mỗi chúng ta đều trào dâng một cảm xúc: niềm kính trọng, tự hào; sự cảm phục, yêu mến... Chắc hẳn, ai cũng bùi ngùi xúc động khi nghe câu hát quen thuộc "Bác Hồ, Người là niềm tin thiết tha nhất, trong lòng dân và trong trái tim nhân loại...". Người là lãnh tụ của dân tộc, bộn bề công việc, nhưng Bác vẫn luôn dành cho nhân dân ta những tình cảm ưu ái nhất, đặc biệt trong đó có phụ nữ.
          Bác Hồ đã khẳng định:“Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”, "Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng". Có thể nói, suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến phụ nữ và vấn đề giải phóng phụ nữ. Đối với Người, giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người cũng đồng thời là giải phóng người phụ nữ để thực hiện bình quyền. Công cuộc giải phóng phụ nữ là một cuộc cách mạng lâu dài và khó khăn. Ở bài báo "Nam nữ bình quyền", Bác nói: “Nhiều người lầm tưởng đó là việc dễ, chỉ hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em rửa bát, quét nhà, nấu cơm thế là bình đẳng. Lầm to, đó là cuộc cách mạng to và khó”. Và chính Bác là người đi tiên phong trong cuộc cách mạng lâu dài và gian khó đó.
          Bác là đại biểu Việt Nam đầu tiên tham dự Đại hội Quốc tế phụ nữ, tại diễn đàn này, Người đã bênh vực quyền lợi của người phụ nữ và mong muốn giải phóng họ. Bác cho rằng người phụ nữ Việt Nam sống dưới chế độ thực dân phong kiến đã chịu nhiều áp bức, bóc lột, đau khổ. Chính chế độ thực dân phong kiến đó đã đẩy nhiều người phụ nữ đến bước đường cùng. Muốn giải phóng họ, muốn chị em được tự do, bình đẳng, hạnh phúc không có con đường nào khác là con đường giành độc lập dân tộc, thiết lập chính quyền dân chủ nhân dân. Đặt vấn đề giải phóng phụ nữ trong mối quan hệ chặt chẽ với công cuộc giải phóng dân tộc nhưng Người luôn luôn chú ý đến những yêu cầu riêng của phụ nữ, những thiệt thòi mà họ phải chịu đựng. Người động viên, tạo điều kiện cho phụ nữ tiến bộ, xóa đi sự bất bình đẳng nam nữ. Bác quan tâm đến quyền lợi chị em trên 2 lĩnh vực cơ bản: trong hoạt động sản xuất, xã hội và trong hôn nhân, gia đình. Hai chức năng nặng nề mà người phụ nữ phải đảm nhiệm.
          Từ ngàn đời xưa, phụ nữ đã phải tham gia lao động và sản xuất với những công việc hết sức nặng nề. Phải giải phóng sức lao động của người phụ nữ đồng thời sắp xếp công việc hợp lý cho chị em, tạo điều kiện cho chị em cơ hội phát triển tài năng, trí tuệ, có địa vị xã hội như nam giới. Tuy vậy không phải thực hiện bình đẳng là có thể sắp xếp cho phụ nữ bất cứ việc gì, khâu công tác nào cũng như nam giới. Bác Hồ nói: “Phải đặc biệt chú ý đến sức lao động phụ nữ. Phụ nữ là đội quân lao động rất đông. Phải giữ gìn cho phụ nữ để chị em tham gia sản xuất được tốt”. Bác luôn nhắc nhở các cấp chính quyền, lãnh đạo các đơn vị sản xuất phải quan tâm đến những yêu cầu riêng của người lao động nữ, đồng thời luôn chú ý đến việc bồi dưỡng đào tạo về chuyên môn, văn hoá, kỹ thuật để họ có thể tham gia vào mọi công việc sản xuất, công tác trong tư thế bình đẳng với nam giới và có tương lai phát triển lâu dài.
          Hôn nhân và cuộc sống gia đình là một lĩnh vực mà người phụ nữ có vai trò và trách nhiệm lớn lao, nhưng họ cũng gặp rất nhiều khó khăn, vất vả. Từ thực tiễn cuộc sống của gia đình Bác, từ người mẹ hiền muôn vàn yêu thương của Người và từ những năm tháng sống cùng các gia đình lao động, Bác rất thấu hiểu và cảm thông với những lo lắng, băn khoăn của người phụ nữ trong cuộc sống gia đình, rất hiểu những nỗi khổ đau, thiệt thòi mà người phụ nữ phải gánh chịu do nạn phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong hôn nhân gia đình.
          Bác là Người rất tích cực đóng góp xây dựng Luật hôn nhân và gia đình và Người luôn theo dõi việc thực hiện đạo luật đó. Người nói “Luật lấy vợ, lấy chồng nhằm giải phóng phụ nữ, tức là giải phóng phần nửa xã hội”. Bác lên án những hành vi đánh đập phụ nữ, lên án hiện tượng cha mẹ cưỡng ép con cái lấy vợ lấy chồng, nạn tảo hôn và tệ yêu sách của cải trong việc dựng vợ gả chồng cho con. Bác dạy “Phải kính trọng phụ nữ. Chúng ta làm cách mạng là để giành lấy bình quyền, bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau... Đàn ông phải kính trọng phụ nữ. Nhưng Bác nghe nói còn có người đánh chửi vợ. Đó là điều đáng xấu hổ, như thế thì còn gì tình nghĩa vợ chồng. Như thế là phạm pháp luật, là cực kỳ dã man”.
          Nước ta có hơn 1000 năm Bắc thuộc, hơn 900 năm phong kiến với tư tưởng Nho giáo có nhiều tập tục cũ, lâu đời đã ăn sâu bám rễ, đã đè nặng trong cuộc sống của người dân, nên việc thực hiện quyền bình đẳng nam nữ, thực hiện Luật hôn nhân gia đình gặp rất nhiều khó khăn, nhưng không phải là không thực hiện được. Cần có một quá trình tuyên truyền, vận động, giáo dục lâu dài kết hợp với các biện pháp hành chính, luật pháp để đưa Luật đi vào cuộc sống.
Hơn ai hết Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp cho những người lao động bình thường, những phụ nữ vốn an phận thủ thường hiểu được tầm quan trọng, giá trị của phụ nữ trong xã hội mới. Người đã giáo dục họ và đưa họ vào con đường đấu tranh nhằm giải phóng chính mình khỏi những ràng buộc của lễ giáo phong kiến từ bao đời nay. Tư tưởng của Người về vấn đề giải phóng phụ nữ là hết sức đúng đắn, bởi lẽ trong xã hội mới, trong thời đại mà quyền con người được tôn trọng, thì giải phóng phụ nữ khỏi xiềng xích trói buộc đời mình để thực hiện bình đẳng, bình quyền là vấn đề mang tính nhân văn cao cả. Chỉ có sống trong không khí bình đẳng, dân chủ, thoải mái, người phụ nữ mới có thể phát triển toàn diện nhân cách của mình, mới có thể phát huy rực rỡ năng lực, trí tuệ và những phẩm chất, tinh thần tốt đẹp nhất của người phụ nữ Việt Nam để phục vụ gia đình và xã hội. Quả thật, tình cảm Bác dành cho phụ nữ được thể hiện qua từng việc làm, mỗi hành động. Người quan tâm đến những vấn đề tưởng như nhỏ nhặt trong cuộc sống riêng tư của chị em. Đồng chí Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác đã từng kể: Thường đi tới đâu hay làm việc gì Bác cũng nói đến phụ nữ và phong trào phụ nữ. Một lần tới một hội nghị, Bác không nhìn thấy phụ nữ ngồi hàng ghế đầu, Bác đã hỏi và khuyến khích chị em lên ngồi hàng đầu bình đẳng như nam giới. Một lần khác, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ra thăm Bác và xin phép được chụp ảnh với Bác nhưng Người không đồng ý, vì đoàn các đồng chí không có đại biểu phụ nữ trong Tỉnh ủy. Khi Bác về thăm xã Hiệp Hòa, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình đã căn dặn cán bộ nhân dân "phải giữ gìn sức khỏe cho phụ nữ để chị em tham gia lao động sản xuất được tốt".
 Bên cạnh một nhà chính trị, nhà quân sự tài ba, Bác còn là một nhà văn hóa cao cả. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác luôn canh cánh bên lòng là làm sao cho nước nhà được độc lập, thống nhất, nhân dân được tự do, hạnh phúc, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Đối với người phụ nữ, Bác đề cập những vấn đề rất thiết thực, cụ thể trong đời sống hằng ngày của họ. Đó là việc giải phóng phụ nữ trong hoạt động sản xuất, xã hội và trong hôn nhân, gia đình. Tình thương của Bác thật mênh mông, như nhà thơ Tố Hữu đã từng ca ngợi:
Bác ơi, tim Bác mênh mông thế.
Ôm cả non sông mọi kiếp người.
          Đến Tổng thống Mỹ Giôn - Xơn ngày đó cũng phát biểu: "Hồ Chí Minh là một nhà giao tiếp lớn, một nhà lãnh đạo biết tận dụng mọi thời cơ, để đạt được mục đích của mình, không bằng sức mạnh mà bằng lý lẽ phải trái. Đồng thời, hình ảnh bình dị, tốt đẹp, vị tha của ông tạo sức quyến rũ mạnh mẽ, cho nên được sự ủng hộ rộng rãi của nhiều người trong và ngoài nước, đối  với cách mạng và cuộc đấu tranh dành độc lập dân tộc".
          Đất nước chúng ta đang bước vào thời đại mới, bao nhiệm vụ nặng nề đòi hỏi sự nỗ lực vươn lên, tiếp nối truyền thống của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Khu Di tích Kim Liên sẽ không ngừng học tập nâng cao trình độ để bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương, xây dựng Khu Di tích Kim Liên thành trung tâm giáo dục truyền thống cách mạng, tuyên truyền tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nơi kết nối tình cảm của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, xứng đáng với danh hiệu Di tích quốc gia đặc biệt. Đó cũng là tâm nguyện của nhiều thế hệ phụ nữ Khu di tích Kim Liên.
          Đã hơn 45 năm Bác Hồ đi xa nhưng tư tưởng, tình cảm của Người mãi khắc sâu trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, 04 năm ngày phụ nữ Việt Nam, chị em chúng ta càng biết ơn và ôn lại những tư tưởng, tình cảm của Bác về giải phóng phụ nữ. Sự quan tâm của Bác dành cho phụ nữ là động lực để chúng ta tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu lập được nhiều thành tích xuất sắc, góp phần xây dựng quê hương đất nước ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với lời khen của Bác“Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”./.
Lê Thị Hà
                                                                         Phòng Tuyên truyền giáo dục

Thông tin tham quan

Liên kết website