SƯU TẬP BÁO VỀ GƯƠNG NGƯỜI TỐT, VIỆC TỐT Ở NGHỆ AN CÓ BÚT TÍCH CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
30/11/2023 10:30:20 SA

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến việc nêu gương người tốt, việc tốt. Người từng nói với đồng bào, đồng chí cả nước: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp, cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp...”. Để việc tuyên truyền, giáo dục gương người tốt, việc tốt ngày càng được phát huy sâu rộng trong Nhân dân, tháng 6 năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xuất bản sách “Người tốt, việc tốt”. Bộ sách tập hợp những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu, lao động và sản xuất… được Chủ tịch Hồ Chí Minh biểu dương và thưởng huy hiệu của Người để nêu gương cho mọi người học tập và làm theo.
          Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối tượng người tốt, việc tốt cần phải nêu gương có rất nhiều, có ở mỗi ngành, mỗi giới, mỗi địa phương, miền ngược, miền xuôi, Việt kiều mới về nước,... đủ các lứa tuổi: Người tốt, việc tốt nhiều lắm. Ở đâu cũng có. Ngành, giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có”[1]. Bác cho rằng: “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”[2]. Vì vậy, để nhân những hạt giống đỏ, gương mẫu trong mỗi việc làm, gương mẫu trong đạo đức, lối sống… cần phải phổ biến sâu rộng, nhân rộng trong nhân dân và phát động phong trào thi đua học tập và làm theo tấm gương người tốt, việc tốt: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”[3].
Hiện nay, trong kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh còn lưu giữ hơn 2.000 bài báo, mẩu tin, bài về gương người tốt, việc tốt, được sưu tầm và cắt ra từ các loại báo và tin như: Báo Nhân dân, Báo Thủ đô Hà Nội, Báo Thái Bình tiến lên, Báo Sông Đào, Báo Tân Việt Hoa, Tin Việt Nam Thông tấn xã v.v... Đó là những gương người tốt, việc tốt thuộc nhiều lứa tuổi, nhiều thành phần, nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực khác nhau: Học tập, lao động, sản xuất, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thật thà, dũng cảm và những gương nghèo vượt khó...
        Mặc dầu trong hoàn cảnh ác liệt chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ song Bác luôn quan tâm tới gương người tốt, việc tốt. Hằng ngày, khi đọc sách, đọc báo, thấy gương người tốt, việc tốt Bác ghi chép, đánh dấu lại, cho xác minh, nếu đúng như bài báo đưa tin thì Bác thưởng huy hiệu. Trong đó, Nghệ An là tỉnh có rất nhiều gương người tốt, việc tốt được đăng trên các báo, được Bác Hồ thưởng huy hiệu. Đó là gương cảnh giác của 3 em học sinh: Nguyễn Đình Việt 14 tuổi, Nguyễn Thị Trinh 13 tuổi, Nguyễn Thị Tý 15 tuổi, học sinh lớp 5 Trường cấp 2 Nghi Kim, Nghi Lộc, Nghệ An thà hy sinh một buổi học, quyết không để kẻ gian trốn thoát. Vào Phiên chợ Chùa người ngày 9-5-1967, khi đang trên đường đi học đến gần sân bay Vinh thì 3 em phát hiện 1 tên khả nghi. 3 em đã không đến trường mà bày mưu tính kế, đánh lạc hướng, báo với bộ đội và công an để vây bắt tên gián điệp kia. Khi bị bắt, tên gián điệp thốt ra: “Không ngờ tôi bị sa lưới chỉ vì 3 em nhỏ”. Chính nó là tên gián điệp của Mỹ - Diệm có nhiệm vụ điều tra, quan sát sân bay của ta (Báo Quân đội Nhân Dân, ngày 1/6/1967).
Hay đó là tấm gương về mẹ Hộ 92 tuổi ở xã Đoài, Nghệ An, khi con ốm, mẹ đã hai lần đi thay con, lái 2 chuyến hàng vượt trên 100 km đường sông dưới bom đạn của máy bay giặc Mỹ (Báo Chính Nghĩa, ngày 19/11/1967). Hay gương tốt về em Lê Thị Liệu học sinh lớp 5 Trường cấp 2 xã Nam Đông, huyện Nam Đàn đã dũng cảm cùng bạn là Nguyễn Thị Hưng học sinh lớp 7 cùng trường cứu sống được 7 em gái nhỏ bị đuối nước trên sông. Về nhà em bị mệt, khi được bố mẹ các em nhỏ mang quà đến bồi dưỡng thì em từ chối: “Đó là em làm nhiệm vụ người thiếu niên mới, làm nhiệm vụ cháu Bác Hồ thôi. Em không dám nhận gì cả” (Báo Nghệ An, ngày 30/5/1967).
Đó còn là tấm gương về thầy giáo Chư (giáo viên Trường Phia - Khăm, huyện Kỳ Sơn) luôn chiến đấu anh hùng, kiên trì mở lớp (Báo Người giáo viên Nhân dân, ngày 17/8/1967). Hay gương về chị Ngô Thị Mai (Điều vận ở Bến phà X - Nghệ An, dù máy bay giặc Mỹ bắn phá ác liệt nhưng chị vẫn vững vàng, dũng cảm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao (Báo Nhân dân, ngày 5/3/1968). Và rất nhiều tấm gương người tốt, việc tốt khác ở Nghệ An được Bác Hồ tặng thưởng huy hiệu… Những việc làm của họ dù nhỏ, dù rất bình thường nhưng rất đáng được trân trọng, nêu gương.
Thực hiện lời dạy của Bác, trong những năm qua, các cấp, các ngành của tỉnh Nghệ An rất quan tâm đến việc giới thiệu gương người tốt, việc tốt trong toàn tỉnh. Đi đầu trong việc tuyên truyền, giới thiệu những tấm gương người tốt, việc tốt là Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An và Khu Di tích Kim Liên. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức nhiều cuộc thi viết, thi kể chuyện về “Người tốt, việc tốt làm theo gương Bác”. Khu Di tích Kim Liên tổ chức nhiều đợt triển lãm ảnh “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, giới thiệu những hình ảnh và bài viết về gương người tốt, việc tốt - là những tấm gương thầm lặng trong cuộc sống đời thường nhưng thực sự mang ý nghĩa lớn lao, có sự truyền cảm, lay động lòng người và có ảnh hưởng sâu sắc trong toàn xã hội được Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành trong cả nước chọn lọc để nhân dân trong và ngoài tỉnh tham quan, học tập./.
 

 
1.  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 15, tr.663.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập,  Sđd, tập 1, tr.284.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập,  Sđd, tập 15, tr.672.
  
Vương Nga

Thông tin tham quan

Liên kết website