NỘI DUNG CHÍNH CỦA TRIỂN LÃM "DI TÍCH LƯU NIỆM VÀ TƯỢNG ĐÀI CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI VIỆT NAM VÀ TRÊN THẾ GIỚI.
10/11/2022 3:39:58 CH

Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày tổ chức Unesco thông qua nghị quyết tôn vinh "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất" (1987-2022), Khu di tích Kim Liên phối hợp với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, triển lãm chuyên đề: "Di tích lưu niệm và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Việt Nam và trên thế giới". Xin trân trọng giới thiệu với quý khách gần xa nội dung chính của triển lãm đặc biệt này:
Với 200 hình ảnh, tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp, những dấu ấn nổi bật trên chặng đường hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tình cảm của nhân dân Việt Nam và thế giới đối với Người - Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất Hồ Chí Minh.
 
 
Phần 1: Di tích lưu niệm và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Việt Nam.
 
Vào những năm cuối thế kỷ 19 Thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân sống trong nô lệ, lầm than. Các phong trào yêu nước diễn ra khắp nơi nhưng đều thất bại, bởi chưa có đường lối lãnh đạo đúng đắn. Trong bối cảnh đó, ngày 19/5/1890 tại Làng Chùa, nay là Làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiếng khóc chào đời. Người sinh ra trong một gia đình nhà nho hiếu học, trên quê hương xứ Nghệ nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường chống ách thống trị. Truyền thống gia đình, quê hương, tinh hoa văn hoá xứ sở là mạch nguồn nuôi dưỡng tình cảm, phẩm chất cao đẹp của Người.
Khi Bác lên 5, Người cùng gia đình vào Huế sống trong một ngôi nhà nhỏ thuộc phường Thuận Lộc, sau này là di tích 112 Mai Thúc Loan, Thừa Thiên Huế. Thời gian này, bố Bác theo học trường Quốc Tử Giám, mẹ làm nghề dệt vải. Sau khi sinh người con út, mẹ Bác lâm bệnh và qua đời. Năm 1901, bố đỗ Phó Bảng và gia đình Bác về sống ở Làng Sen trong khoảng thời gian 5 năm. Thời gian này Bác được theo học các nhà Nho yêu nước; bước đầu làm quen với văn hoá phương Tây, nghe các bậc cha chú đàm đạo chuyện thời thế; cùng cha đi nhiều nơi, chứng kiến biết bao cảnh lầm than, đói khổ của đồng bào. Từ đây lòng yêu nước thương dân, ý chí giải phóng dân tộc của Người bước đầu được nhen nhóm.
Năm 1906, Người vào Huế lần thứ 2, tại đây Người theo học trường Quốc học Huế và tham gia phong trào biểu tình chống thuế của nhân dân Trung Kỳ, chứng kiến phong trào bị đàn áp dã man, từ đó Người nung nấu quyết tâm đi tìm đường cứu nước, giải phóng cho đồng bào. Người đi vào Nam và dừng chân dạy học ở trường Dục Thanh, Phan Thiết. Dù thời gian không nhiều nhưng người đã để lại ấn tượng về hình ảnh người thầy nhiệt huyết và giàu lòng yêu nước thương nòi.
Tiếp đó, Người vào Sài Gòn, vào ngày 05/6/1911, rời Bến Nhà Rồng Người lên tàu đi tìm đường cứu nước. Sau 30 năm bôn ba với bao khó khăn vất vả, đầu năm 1941, Người trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng, nhìn giang sơn gấm vóc Việt Nam, Người xúc động đọc vần thơ:
Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là
Đây suối Lê Nin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà.
Người chọn Cao Bằng để xây dựng căn cứ địa cách mạng đầu tiên, Cao Bằng trở thành cái nôi của cách mạng Việt Nam.
Tháng 5/1945 để thuận tiện chỉ đạo phong trào chung cả nước, Người đã chuyển đại bản doanh của Trung ương Đảng về Tân Trào, Tuyên Quang. Nhận thấy thời cơ đã chín muồi, Người phát động Tổng khởi nghĩa dành chính quyền trên toàn quốc, Cách mạng Tháng 8 thành công, chính quyền về tay nhân dân; Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng TW Đảng về Hà Nội. Tại số nhà 48 Hàng Ngang, Người soạn thảo "Tuyên Ngôn độc lập"; ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Người trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ đầu tiên ở Đông Nam, Châu Á. 
Nhưng nước nhà non trẻ vừa ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách bởi thực dân Pháp dã tâm xâm lược nước ta thêm một lần nữa. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến". Người cùng Chính phủ, TW Đảng trở lại chiến khu Việt Bắc, đề ra các chiến lược, sách lược quan trọng. Đặc biệt, ngày 06/12/1953 tại Tỉn Keo, Định Hóa, Thái Nguyên Bác cùng Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ; chiến dịch  dành thắng lợi, kết thúc 80 năm đô hộ của thực dân Pháp trên đất nước ta.  
Miền Bắc được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về thủ đô Hà Nội ở và làm việc trong Khu Phủ Chủ tịch - đây là nơi Người đã gắn bó trong khoảng 15 năm, là thời gian lâu nhất trong cuộc đời hoạt động yêu nước của Người. Để đồng cam cộng khổ với nhân dân, Bác chọn một ngôi nhà nhỏ vốn là nhà của người thợ điện phục vụ toàn quyền ở và làm việc tại đây từ tháng 12/1954. Với lối sống giản dị, yêu thiên nhiên mỗi lúc rỗi rãi Người thường cùng anh em trong cơ quan trồng cây, tăng gia sản xuất.
Sau này, khi đời sống nhân dân đã dần ổn định, Người mới đồng ý để Bộ Chính trị xây dựng ngôi nhà sàn nhỏ bên bờ ao cá, nơi đây Người đã tiếp thân mật một số đoàn khách quốc tế trong không khí thân tình, ấm áp để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn bè quốc tế.
Trong thời gian sống ở đây, Người vẫn thường đi bộ, rèn thể lực từ đường Xoài ra giàn hoa giấy, đây là nơi lưu lại bức hình cảm động của Bác và đoàn anh hùng dũng sỹ miền Nam khi đoàn ra thăm Bác vào năm 1965.  Khi giặc Mỹ điên cuồng leo thang bắn phá miền Bắc, để đảm bảo an toàn cho Bác, Bộ chính trị đã quyết định xây một ngôi nhà nhỏ, kiên cố để Bác ở và làm việc từ năm 1967. Chính tại đây vào lúc 9 giờ 47', ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi, để lại niềm tiếc thương vô hạn cho dân tộc Việt Nam. Để bày tỏ lòng tôn kính và ghi nhớ công lao to lớn của Người, thể theo nguyện vọng của toàn thể nhân dân; Đảng, Nhà nước đã cho phép bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, tượng đài chủ tịch Hồ Chí Minh trên khắp cả nước.
- Ở phía Tây Bắc, có nhiều công trình, trong đó tỉnh Cao Bằng tượng đài Bác Hồ được đặt ở trung tâm thành phố, là niềm vinh dự to lớn của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc ở Cao Bằng.
-  Đặc biệt tỉnh Quảng Ninh có tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô, được khánh thành ngày 22/05/1968, đây là nơi đầu tiên và cũng là nơi duy nhất được Bác đồng ý cho xây dựng tượng đài về Bác từ lúc Người còn sống.
- Toạ lạc ngay giữa trung tâm Ba Đình, Hà Nội là công trình lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - nơi giữ yên giấc ngủ của Người, là nơi hội tụ tình cảm của nhân dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế.
- Quảng trường và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên quê hương Nghệ An được xây dựng trang trọng ngay tại trung tâm thành phố Vinh; công trình được khánh thành trong dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh nhật Bác.
- Các công trình kỷ niệm mang tên Người được các địa phương xây dựng và trùng tu có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc như nhà tưởng niệm Bác Hồ ở đảo Trường Sa, Khánh Hòa. Đây là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho quân và dân trên đảo.
- Công trình tượng đài Bác Hồ ở Tây Nguyên là công trình văn hóa có ý nghĩa lịch sử, tiêu biểu của đồng bào các dân tộc các tỉnh Tây Nguyên.
Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặc biệt dành cho miền Nam tình yêu thương tha thiết nhất. Bác đi xa khi miền Nam vẫn chìm trong khói lửa chiến tranh, nhưng với niềm yêu kính Bác, nhân dân miền Nam đã bí mật lập bàn thờ, đền thờ Bác ở khắp nơi. Giờ đây nhiều công trình được xây dựng và tôn tạo vô cùng trang trọng như: Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Bác, ở Cần Thơ;  đền thờ Bác Hồ ở các tỉnh: Trà Vinh, Cần Thơ, Tiền Giang, Hậu Giang, Cà Mau...
 


Các em học sinh Trường THCS Kim Liên nghe thuyết minh tại triển lãm


 Quảng trường Hồ Chí Minh tại matxcova, Liên bang Nga
 
Phần 2: Di tích lưu niệm và tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trên thế giới.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam mà còn là Người chiến sỹ cộng sản quốc tế - nhà văn hóa kiệt xuất được nhân dân trên thế giới kính yêu với tình cảm chân thành. 
Để bày tỏ lòng tôn kính, ngưỡng mộ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, đồng thời để xây dựng tình đoàn kết hữu nghị với Việt Nam, nhiều địa danh có ý nghĩa quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người đã được đặt bia, gắn biển, trở thành di tích lưu niệm như: 
- Khách sạn Carlton cũ, thủ đô London, Vương quốc Anh, nơi Nguyễn Ái Quốc đã làm thuê kiếm sống và hoạt động từ năm 1914-1917.
- Nhà số 9, Ngõ Công Poanh, quận 17, thủ đô Paris, Pháp - nơi Người ở và hoạt động từ 1921-1923, đây chính là nơi Người sáng lập Hội liên hiệp các dân tộc thuộc địa và báo Người cùng khổ.
- Nhà số 13A, đường Văn Minh, Quảng Châu, Trung Quốc là trụ sở Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên, đây là nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã mở các lớp đào tạo cán bộ cách mạng Việt Nam.
- Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại bản Noọng Ôn, tỉnh U đon Thani - nơi Người đã sống và hoạt động trong phong trào yêu nước của Kiều bào Việt Nam ở Thái Lan với tên gọi Thầu Chín. 
- Di tích Tống Vương Đài, Cửu Long, Hồng Kông Trung Quốc - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, trở thành Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 02- 1930).
- Nhà tù Victoria Hồng Kông, Trung Quốc nơi Tống Văn Sơ bị bắt giam từ năm 1931-1933.
- Trường quốc tế Lê Nin, Người đã ở và theo học trong khoảng năm 1934-1936 và tham gia Đại hội VII Quốc tế Cộng sản.
- Phố Túc Vinh, Quảng Tây, Trung Quốc; nơi Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam năm 1942-1943, đây là nơi ra đời của tập thơ Nhật ký trong tù.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tich Hồ Chí Minh đã đi đến nhiều quốc gia ở khắp nơi trên thế giới, đến bất kỳ nơi đâu Người cũng để lại những ấn tượng sâu đậm về tình hữu nghị, đoàn kết. Giờ đây các công trình mang tên Người  như: tên trường học, đại lộ, quảng trường, tượng đài, khu lưu niệm...  được khánh thành ở nhiều nước: công trình ở Anh, nhiều địa điểm tại Pháp, các công trình tại các nước Liên Xô cũ, ở Trung Quốc, Thái Lan, Lào.
Ngoài ra, các hình thức nghệ thuật, sáng tạo về Hồ Chí Minh cũng được triển khai ở nhiều nước với sự đổi mới như xây dựng các góc, không gian Hồ Chí Minh tại các thư viện, bảo tàng; và hình tượng Hồ Chí Minh được xây dựng rất giản dị bên bộ bàn ghế mây ở thủ đô Mexico. 
Như vậy, thông qua triển lãm cho chúng ta thấy: Các di tích, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy điểm tương đồng giữa Việt Nam và thế giới thông qua giá trị, lý tưởng cao đẹp Hồ Chí Minh đã theo đuổi; qua đó làm tăng cường sự hiểu biết, củng cố niềm tin, thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với bầu bạn trên thế giới; góp phần giúp Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế, sánh vai với các cường quốc Năm Châu - như lúc sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
Triển lãm được cắt băng khai mạc và trưng bày tại Khu di tích Kim Liên từ ngày 05/11/2022; kính mời quý vị đến tham quan và nghe thuyết minh viên hướng dẫn trực tiếp.
Nguyễn Thị Thanh Huyền
 

Thông tin tham quan

Liên kết website