NHỮNG DI TÍCH VÀ CÔNG TRÌNH LƯU NIỆM MANG TÊN ÔNG NGUYỄN SINH SẮC – THÂN SINH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
05/12/2023 5:35:30 CH

Khu di tích cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc tại tỉnh Đồng Tháp
      
 
Cuộc đời, sự nghiệp của ông Nguyễn Sinh Sắc trải qua bao nỗi thăng trầm, gian truân vất vả. Từ một cậu bé mồ côi cha mẹ, vốn thông minh hiếu học, ông  đã vượt lên số phận trở thành nhà Khoa bảng đầu thế kỷ XX. Được Triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm chức Thừa biện bộ Lễ ở Huế sau đó làm quan Tri huyện Bình Khê (Bình Định).  Vốn có lòng yêu nước thương dân, ghét  bọn cường hào ác bá  khi không làm quan nữa  ông đã  đi vào vùng đất mới – phương Nam, gieo mầm yêu nước, bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo. Cả cuộc đời của ông  đã mang hết tài năng, đức độ cứu nước, cứu dân, được nhân dân kính mến, yêu thương, đùm bọc như người thân ruột thịt. Để ghi nhớ công ơn của ông Nguyễn Sinh Sắc Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã bảo tồn, tôn tạo xây dựng một số Khu tưởng niệm, công trình mang tên ông tại một số địa phương trong cả nước. Bước đầu  xin được  thống kê  để mọi người  cùng tìm hiểu.
*Những ngôi Chùa  ở các tỉnh Nam bộ có ban thờ và Khu tưởng niệm ông Nguyễn Sinh Sắc
Chùa Hội Khánh - Bình Dương  
Theo những tư liệu - di tích lịch sử tại Bảo tàng tỉnh Bình Dương và nghiên cứu của Hòa thượng Thích Huệ Thông, khoảng cuối năm 1923, do bị mật thám Pháp theo dõi, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc từ Thủ Đức, Sài Gòn cũ, (nay là TP Thủ Đức -  TP HCM) đi đến nhà của Lê Đức ở tỉnh Thủ Dầu Một - nay là thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Sau đó cụ Nguyễn Sinh Sắc đến chùa Hội Khánh để gặp người đồng chí của mình là Phan Đình Viện tức cụ Tú Cúc. Cụ Phan Đình Viện quê Hà Tĩnh, tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục nên bị Pháp truy lùng, phải trốn vào Nam và ở chùa Hội Khánh từ năm 1922. Cụ Nguyễn Sinh Sắc hội ngộ với cụ Tú Cúc và Hòa thượng Từ Văn, vị trụ trì thứ 6 chùa Hội Khánh, một nhà sư uyên thâm Phật học và có tinh thần yêu nước. Cùng chung lý tưởng bảo vệ quê hương Tổ quốc, họ đã cùng nhau khởi xướng nhiều hoạt động cứu nước tại chùa Hội Khánh này. Từ cuộc gặp gỡ đó, họ đã quy tụ được những nhà yêu nước tại địa phương. Do ảnh hưởng uy tín của Hòa thượng Từ Văn khá lớn ở trong vùng nên họ quyết định thành lập Hội Danh dự yêu nước tại chùa Hội Khánh. Mục đích Hội là thông qua các buổi thuyết giảng giáo lý chấn hưng Phật giáo, các lớp dạy chữ Nho, dạy bốc thuốc… để truyền bá tư tưởng yêu nước. Trong thời gian ở tại chùa Hội Khánh, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn đi đến các vùng lân cận như Tân Khánh, Tương Bình Hiệp  để truyền bá Hội Danh dự yêu nước, đàm đạo về Y thuật, Phật học… Những hoạt động yêu nước, tấm lòng nhân hậu, thương người của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân nơi đây. Hiện nay, ở chùa Hội Khánh còn lưu giữ nhiều di vật liên quan tới quãng đời hoạt động của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Trong điện thờ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn giữ đôi câu đối do cụ viết. Nội dung đôi câu đối như sau: "Đại đạo quảng khai, thố giác khêu đàm để nguyệt / Thiền môn giáo dưỡng, quy mao, thằn thụ đầu phong" Nghĩa là: “Mở rộng đạo lớn như sừng thỏ, như mò trăng đáy nước / Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa, như cột gió đầu cây”.
 Chùa Tuyên Linh – Bến Tre
 Chùa Tuyên Linh nổi tiếng không chỉ là một trung tâm Phật giáo lớn của tỉnh Bến Tre mà còn bởi bề dày lịch sử Cách mạng. Nơi đây gắn liền với Tổ Khánh Hòa – một vị cao tăng của Phật giáo Nam Bộ, một nhà sư uyên thâm Phật pháp và là lá cờ đầu trong phong trào Chấn hưng Phật giáo nước nhà nửa đầu thế kỷ XX. Đặc biệt tại ngôi chùa này  này còn diễn ra cuộc hội ngộ giữa Hòa thượng Khánh Hòa với cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào khoảng cuối năm 1920, trong lần  cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cùng một vị cao tăng của chùa Từ Đàm ở Huế ghé lại và tá túc tại chùa Tuyên Linh. Trong thời gian lưu trú tại chùa Cụ Phó bảng  đã mở lớp dạy học, xem mạch, bốc thuốc cho nhân dân trong vùng. Tuy thời gian ở đây không lâu, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã có mối quan hệ với các ông Trần Văn An, Huỳnh Khắc Mẫn, Lê Văn Phát. Nhiều người trong số này về sau trở thành lớp Đảng viên đầu tiên của Đảng bộ Bến Tre.  Hiện nay trước cổng chùa có một tấm bia ghi  nội dung “Nơi đây năm 1920, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã đến đây gặp sư cụ trụ trì Lê Khánh Hòa để đàm đạo, mở lớp dạy phật tử, bốc thuốc giúp đồng bào nghèo”. Trong khuôn viên chùa có Khu lưu niệm Nguyễn Sinh Sắc khánh thành đưa vào sử dụng vào ngày 15-12-2020.
Chùa Giồng Thành và chùa Hòa Thạnh  – An Giang
Tại An Giang, chùa Giồng Thành (phường Long Sơn, TX. Tân Châu) và chùa Hòa Thạnh (xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên) là 2 địa chỉ mà cụ Phó bảng thường lui tới hoạt động, trở thành nơi minh chứng cho tinh thần cách mạng, lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc nói chung và nhân dân An Giang nói riêng. Tại chùa Giồng Thành từ năm 1925-1929, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc trên bước đường hoạt động cứu nước đã ở đây truyền bá tư tưởng yêu nước cho nhân dân Long Sơn và các vùng lân cận.  Năm 1929, cụ Phó bảng bị Pháp vây bắt tại ngôi chùa này, sư Điền đã bố trí cho cụ vượt thoát được về Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Tại xã Nhơn Hưng (Tịnh Biên), chùa Hòa Thạnh hay Hòa Thạnh Cổ Tự còn người dân địa phương gọi là chùa Cây Mít. Nơi đây vào những năm 1921-1923, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã về đây truyền bá tư tưởng yêu nước. Qua đó, nhân dân Nhơn Hưng và các vùng lân cận đã tiếp thu tinh thần yêu nước, thương dân từ cụ Phó bảng và dấy lên phong trào cách mạng mạnh mẽ. Ngày nay, những địa điểm này đã trở thành nơi lưu dấu ấn của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc năm xưa và là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống lịch sử, cách mạng, tinh thần yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ  trên quê hương An Giang.
Chùa Hòa Long – Đồng Tháp
 Thời gian cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc  về Cao Lãnh, cụ thường lui tới hoạt động tại chùa Hòa Long, trù trì chùa lúc này là Hòa thượng Thoại và Hòa Thượng Hấu có tinh thần yêu nước. Hoạt động của cụ Sắc lúc này là đàm đạo việc đạo việc đời nhiều lúc còn có cả Hòa Thượng Thích Thiện Chiếu chùa Linh Sơn ở Sài Gòn xuống tổ chức thuyết Pháp tại chùa Hòa Long “ Phật hóa tân Thanh niên”. Cụ Sắc mất vào đêm 26 rạng ngày 27.10 năm Kỷ Tỵ (27.11.1929) tại làng Hòa An. Nhân dân địa phương thương yêu, quí trọng cụ đã hùn tiền mua đất an táng cụ ở gần Miễu Trời Sanh (Chùa Hòa Long). Với vị trí tọa lạc bên cạnh Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, giữa Khu di tích và Chùa có xây dựng hoa viên, mở cổng phụ và đường nội bộ tạo lối liên thông giữa chùa Hòa Long với Khu di tích nhằm tạo sự giao lưu, giao thoa và cộng hưởng về các giá trị văn hóa lịch sử  của khu di tích Nguyễn Sinh Sắc với ngôi chùa Hòa Long – Ngôi chùa gắn với cuộc đời hoạt động của Cụ và công lao của tăng ni phật tử của chùa đã có công bảo vệ mộ Cụ.
Những di tích và công trình lưu niệm về ông nguyễn Sinh Sắc tại các địa phương
          Di tích huyện đường Bình Khê và tượng đài Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành tại tỉnh Bình Định .
Tại Bình Định đầu năm 2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức lễ khởi công xây dựng khu tưởng niệm ông Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê, với tổng diện tích 2,61 ha gồm các hạng mục: Đền thờ, nhà lưu niệm, nhà bia di tích. Di tích huyện đường Bình Khê, nơi ghi dấu một sự kiện lịch sử quan trọng, là niềm tự hào của nhân dân tỉnh Bình Định. Việc quy hoạch, xây dựng, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử khu tưởng niệm ông  Nguyễn Sinh Sắc tại di tích Huyện đường Bình Khê có ý nghĩa to lớn đối với thế hệ hôm nay và mai sau về tấm gương Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc – một nhà Nho yêu nước, thương dân  là nguồn động viên, cổ vũ các thế hệ sau tiếp bước phát huy mọi tiềm năng trí tuệ, tham gia bảo vệ và xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Năm 2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý  nguyện vọng của Đảng Bộ và nhân dân tỉnh Bình Định đề xuất được dựng tượng đài Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành tại Trung tâm thành phố Quy Nhơn. Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc và  Nguyễn Tất Thành do các nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, Vũ Đại Bình và Công ty TNHH một thành viên Bảo tồn di sản văn hóa thực hiện. Tượng cao 10,8m bằng chất liệu đồng, đặt trên bệ cao 4,7m bằng bê tông cốt thép bọc đồng.  Tượng đài đặt giữa không gian rộng 3.125m2 trong tổng thể khuôn viên quảng trường rộng lớn trung tâm thành phố Quy Nhơn có diện tích 11.000m2 với các hạng mục: Sân vườn, đường dạo bộ, bồn hoa, cây xanh, điện chiếu sáng… Tượng đài hướng ra phía biển
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế gồm:  Số nhà 112 Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc, thành phố Huế  - Nơi gia đình ông Nguyễn Sinh Sắc  sinh sống lúc  ông  ôn thi kỳ thi Hội  và cũng là nơi bà Hoàng Thị Loan trút hơi thở cuối cùng (1895 - 1901), trong nhà có tủ, có bàn, sách vở, bút nghiên của  ông  Sắc dùng để học tập; Nhà ông Nguyễn Sỹ Khuyến, làng Dương Nỗ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế nơi  ông Sắc dạy học (1898 -1901); địa điểm ngôi mộ bà Hoàng Thị Loan, trên núi Ba Tầng (núi Bân) xã Thủy An, thành phố Huế;  nhà nơi ông Sắc và hai con trai (Nguyễn Tất Đạt và Nguyễn Tất Thành) sống trong thời gian làm quan Thừa biện Bộ lễ trong Kinh thành Huế.
Tại tỉnh Đồng Tháp gồm: Di tích lăng mộ ông Nguyễn Sinh Sắc; bia biển ghi dấu nơi ở của ông Nguyễn Sinh Sắc tại nhà ông Năm Giáo, nhà Cả Nhì Ngưu.
Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất 1975, chính quyền địa phương và nhân dân tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức xây dựng lại phần mộ của ông  để tỏ lòng biết ơn và tôn kính. Công trình được khánh thành vào ngày 31/12/1977, với diện tích 3,6 ha sau này được mở rộng lên 9,1126 ha. Khu di tích được chia thành ba khu vực chính gồm: Khu lăng mộ ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhà sàn Bác Hồ và ao sen. Ngôi mộ của ông  Phó bảng quy về hướng Đông có mái hình cánh sen cách điệu giống hình dáng bàn tay xòe úp xuống, tượng trưng cho các tỉnh Đồng bằng sông cửu long luôn che chở và bảo vệ ngôi mộ người chí sĩ yêu nước. Mộ được ốp bằng đá hoa cương, nền mộ bằng đá mài hình lục giác không đều, mở rộng dần ra hai bên và phía trước. Phía trước mộ là ao sen hình ngôi sao năm cánh, chính giữa dựng một đài sen trắng cách điệu cao gần 7m, tượng trưng cho cuộc đời thanh bạch của ông  Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, và cũng là biểu tượng cho quê hương Đồng Tháp. Khu di tích mộ  ông Nguyễn Sinh Sắc là một quần thể kiến trúc văn hóa độc đáo, được Bộ văn hóa xếp hạng di tích cấp quốc gia ngày 09/4/1992.
Tại tỉnh Nghệ An: Nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm - Thân sinh của ông Nguyễn Sinh Sắc  (làng Sen ) nay là xóm Sen 2, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ an – Nơi ông Nguyễn Sinh Sắc sinh ra và lớn lên (đến 16 tuổi); 
Nhà quê Nội (nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc), làng Sen  nay là xóm Sen 2, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ an - Nơi ông Sắc sống cùng các con từ 1901 – 1906. Khoa thi Hội năm Tân sửu (1901), ông Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng, được Vua Thành Thái ban thưởng biển “Ân tứ ninh gia” (ơn Vua ban cho gia đình tốt) và cờ “Phó bảng phát khoa”, cho hưởng  lễ Vinh quy bái tổ. Trước vinh dự lớn lao đó, chính quyền và nhân dân Làng Sen đã góp công, góp của mua một ngôi nhà gỗ lợp tranh năm gian về dựng trên mảnh vườn rộng gần 2.500 m2 rồi mời ông Phó bảng về ở. Người anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Sinh Thuyết cũng làm nhà ngang để mừng em công thành danh toại; 
 Nhà thờ họ Nguyễn Sinh -  Nơi thờ tổ tiên dòng họ Nguyễn Sinh ở làng Sen  (Kim Liên). Ông Nguyễn Sinh Sắc là đời thứ 11 của dòng họ và  có nhiều đóng góp trong việc tu sửa nhà thờ họ. Ông chính là người đã khắc tạc vào đôi quyết nhà thờ đôi câu đối, nêu cao niềm tự hào và ý chí mạnh mẽ nhằm giáo dục con cháu trong họ. "Hồng Lạc giang san kình thiên trụ thạch; Liên Hoàng tả hữu bạt địa văn minh". Nghĩa là: "Núi sông Hồng Lạc như cột đá chống trời Con cháu Kim Liên, Hoàng Trù quyết xây đắp văn minh".
          Nhà cụ Hoàng Xuân Đường – Ông ngoại  của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Hoàng Trù (Kim Liên). Tết Mậu Dần (1878) trong chuyến đi chúc tết ở Làng Sen, cụ Hoàng Đường đã gặp cậu bé mồ côi Nguyễn Sinh Sắc và đưa về nuôi dạy như con đẻ.  Năm 1883, để chuẩn bị cho lễ thành hôn của hai con là Nguyễn Sinh Sắc và Hoàng Thị Loan, cụ Hoàng Đường đã dựng cho họ một ngôi nhà tranh ba gian làm chỗ ở riêng sau ngày cưới. Mái nhà tranh đơn sơ, giản dị này là tổ ấm uyên ương, ghi nhận những năm tháng hạnh phúc của gia đình. Tại ngôi nhà này hai người đã sinh ra ba người con ưu tú cho đất nước. Đó là cô Nguyễn Thị Thanh sinh năm 1884; anh Nguyễn Sinh Khiêm sinh năm 1888 và  năm 1890  cậu bé Nguyễn Sinh Cung cất tiêng khóc chào đời.  Ngôi nhà  và những kỷ vật  nơi đây đã trở thành những chứng tích lịch sử vô giá.
Các trường học mang tên Nguyễn Sinh Sắc: Hiện có hai ngôi trường mang tên Nguyễn Sinh Sắc đó là: Trường Trung học cơ sở Nguyễn Sinh Sắc tại địa chỉ: 38 đường Nguyễn Sinh Sắc, phường Quang Trung, thành phố KonTum, tỉnh KonTum. Nhà trường hoạt động từ học kỳ II năm học 2010 – 2011 và Trường Trung học cơ sở Nguyễn Sinh Sắc tại ấp Tây Hưng, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang được thành lập năm 2019.
Những con Đường mang tên Nguyễn Sinh Sắc:  Cho đến nay nhiều tỉnh thành đã có đường mang tên Nguyễn Sinh Sắc  như: Thành phố Vinh  tỉnh  Nghệ;  Quận Liên Chiểu – Thành phố Đà Nẵng; huyện Ngọc Hồi tỉnh Kon Tum; Thành phố Buôn Ma Thuột tỉnh  Đăk Lăk; Huyện An Nhơn tỉnh Bình Định; Thành phố Hội An tỉnh Quảng Nam; Thành phố Kon Tum tỉnh KonTum; Thành phố Huế tỉnh Thừa Thiên Huế;  Huyện Tịnh Biên tỉnh An Giang; Thị xã Sa Đéc tỉnh Đồng Tháp...
Quỹ khuyến học Nguyễn Sinh Sắc: Để ghi nhớ những đóng góp của ông Nguyễn Sinh Sắc đối với quê hương Đồng Tháp, đồng thời góp phần tạo động lực khuyến khích phong trào học tập, bồi dưỡng nhân tài. Hội khuyến học tỉnh Đồng Tháp thành lập quỹ khuyến học  Nguyễn Sinh Sắc. Ngoài mục đích khuyến học, khuyến tài vì sự nghiệp “ươm mầm” cho đất nước còn thể hiện sự quan tâm của xã hội chăm lo cho thế hệ trẻ, thế hệ tương lai của đất nước, giúp đỡ, động viên kịp thời cho nhiều sinh viên, học sinh vượt khó vươn lên với mong muốn các em có thêm nghị lực vượt qua khó khăn tiếp tục đến trường
Như vậy, có thể nói hiện nay trên cả nước có khá nhiều di tích, khu lưu niệm hay những công trình mang tên ông Nguyễn Sinh Sắc. Tất cả đều mang đậm dấu ấn cuộc đời  và sự ảnh hưởng của ông.  Do đó, việc bảo tồn  tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử - văn hóa các khu lưu niệm, các công trình mang tên ông Nguyễn Sinh Sắc cần phải được quan tâm tiến hành thường xuyên, liên tục và phải  coi đó vừa là niềm vinh dự, tự hào vừa là trách nhiệm lớn lao của nhân dân cả nước đối với một chí sỹ có tấm lòng yêu nước thương dân  -  Người đã có công sinh thành và dưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của dân tộc Việt Nam./.
                                                                                                                                                                                                                       Lâm Đình Hùng
Tài liệu tham khảo
1. Trang thông tin điện tử Bảo tàng Hồ Chí Minh
2. Báo điện tử CAND ngày 17 tháng 11 năm 2015
3. Trang Văn hóa Văn nghệ - Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Kiên Giang ngày 7 tháng 6 năm 2021
4. Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam ngày 10 tháng 11 năm 2020
5.Trang thông tin điện tử Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc
6. Nguyễn Sinh Sắc – Huecity- gov.vn
7. Trang Văn hóa – Đời sống báo điện tử Đồng khởi – tỉnh Bến Tre ngày 19 tháng 5 năm 2020
8. Tài liệu lưu tại Khu di tích Kim Liên.
 

Thông tin tham quan

Liên kết website