MÙA SEN TRÊN QUÊ HƯƠNG BÁC
06/07/2020 3:36:19 CH
Từ bao đời nay, Hoa sen đã đi vào lòng người, đi vào cuộc sống và văn hoá của người dân Việt. Bông hoa sen vừa duyên dáng, mềm mại, thanh cao nhưng không kém phần cứng cáp, đĩnh đạc, tượng trưng cho những con người Việt Nam dũng cảm kiên cường nhưng đôn hậu và cởi mở.

Khắp đất nước Việt Nam chúng ta, đâu đâu cũng có hoa sen, từ Bắc chí Nam, hoa sen đua nhau nở, dâng hương sắc cho đời. Từ cái lạnh thấu thịt, buốt da nơi địa đầu Tổ quốc, đến cái nắng oi nồng của xứ sở miền Trung, hay với miền đất cực nam Nam Bộ với mùa nước nổi, hoa sen vẫn điềm nhiên nở, vẫn tỏa hương khoe sắc. Và tất nhiên không phải vô tình mà hoa sen lại được dùng để so sánh với hình tượng của Bác Hồ, quả thật là một sự so sánh tuyệt vời, bởi hoa sen hội tụ các yếu tố vừa đời thường lại vừa cao quý, tựa như con người bình dị và thanh tao của Bác vậy. “Tháp mười đẹp nhất bông sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”.
Bởi từ bùn đen, sen đã cố gắng vươn lên để làm được một điều kỳ diệu mà không có một loại hoa nào sánh được. Bác Hồ của chúng ta đã sinh ra và lớn lên từ Làng Sen trong những năm đen tối của người dân mất nước, Bác ra đi tìm đường cứu nước cũng xuất phát từ chính mảnh đất Làng Sen, để hôm nay dân tộc Việt Nam ta “Rũ bùn đứng dậy sáng lòa…” tắm mình trong những mùa xuân đổi mới của đất nước. Hoa sen và Bác, Bác và hoa sen tuy hai mà một, tuy một mà hai. Đó không phải là sự ngẫu nhiên mà có sự lựa chọn, chắt lọc tinh túy của tấm lòng người dân Việt Nam đối với Bác.
Có lẽ chính vì thế, mà hoa sen nở trên quê hương Bác và đúng mùa sinh nhật của Người lại càng có ý nghĩa thêm đặc biệt…
Mỗi độ tháng 5 về, khi hành hương về với Kim Liên quê hương của Bác, du khách đều cảm thấy thư thái, nhẹ nhõm và thích thú bởi cảnh sắc nơi đây ngập tràn trong sắc hồng và mùi hương thơm ngát của hoa sen. Hoa sen thi nhau nở rộ khắp mọi nơi làm cho cảnh vật làng quê thêm tươi mới, dịu bớt đi cái nắng rát ngày hè, không khí thêm trong lành, tinh khiết như để đón chào ngày sinh nhật của Người…
Bác Hồ của chúng ta đã sinh ra và lớn lên từ mảnh đất Kim Liên (nghĩa là sen vàng), hoa sen và Bác, Bác và hoa sen dường như đã gắn kết mật thiết tự bao giờ.
Xưa kia, mảnh đất này nổi tiếng có rất nhiều sen, sen đã gắn bó mật thiết với người dân nơi đây, nó làm nên tên đất, tên làng và nhiều địa danh như: Kim Liên, Cồn Sen, Bàu Sen, Đầm Sen…, sen đã làm cho cảnh sắc miền quê này thêm thi vị, hữu tình:
“Nhất vui là cảnh quê mình
Kim Liên sen tốt, Ngọc Đình chim kêu”.
Nhưng trong một khoảng thời gian dài, do quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh, hoạt động sản xuất phát triển, người dân khai thác hết mọi diện tích để trồng cây lương thực và chăn nuôi, bóng sen có lúc tưởng đã lụi tàn. Trăn trở với hai tiếng Làng Sen, không muốn nhìn thấy sen nơi đây ngày càng bị mai một, chính quyền và người dân xã nhà đã quyết tâm, đồng lòng tìm cách phục hồi làng quê bát ngát hoa sen, bằng cách thu hồi một số diện tích nuôi cá chuyển sang trồng sen. Cho nên những năm gần đây, sen đã được gầy dựng lại, không chỉ ở Kim Liên mà còn các xã khác của Nam Đàn. Ao nối ao, sen thơm suốt dọc đường của bước chân du khách. Hoa Sen cũng được trồng tại nhiều địa phương trên cả nước, nhưng đến quê Bác - trước không gian làng quê mộc mạc này ai cũng dâng trào một cảm xúc lạ thường.  Hè về, Sen quê Bác vào mùa trổ bông khoe sắc, thơm ngát, nối dài từ quê nội Làng Sen sang Hoàng Trù quê ngoại của Bác Hồ.
Nhiều bạn trẻ cũng trăn trở vì nét đẹp riêng của sen quê hương, sau nhiều năm tha hương đã trở về quê lập nghiệp từ cây sen, nhận trồng và chăm sóc nhân rộng các hồ sen tại địa phương, tạo đựng cảnh quan xanh – sạch – đẹp, để muôn nẻo đường của quê hương đi đâu cũng nhìn thấy sen. Giống sen ở đây được phát triển từ giống sen của làng và từ một số địa phương khác như sen Huế, sen cao sản, nhiều nhất là Đồng Tháp Mười - nơi có phần mộ của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Đây cũng là hướng đi mới để các thôn xóm, hợp tác xã cải tạo phần lớn diện tích ao hồ hoang hóa, sâu trũng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tạo ra sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho nông dân, đồng thời tạo cảnh quan xanh sạch đẹp, trở thành điểm nhấn văn hóa du lịch trên quê hương Bác. 
Đến cuối năm 2018, Hợp tác xã Sen quê Bác được thành lập. Ngành nghề kinh doanh chủ yếu là trồng và chăm sóc, cung ứng các giống sen; chế biến sâu các sản phẩm về sen, gồm: Các loại trà sen (trà hoa sen, trà lá sen...), nhóm sản phẩm từ hạt sen tươi, hạt sen sấy khô, sữa hạt sen; kim chi sen, củ sen muối; hương sen... Để các sản phẩm có được chất  lượng cao, HTX đã đầu tư dây chuyền, máy móc, thiết bị hiện đại, đồng bộ để chế biến sâu các sản phẩm từ sen. Hiện nay HTX đã cho ra đời 8 sản phẩm chế biến sâu về sen, trong đó đã có 3 sản phẩm đạt OCOP của huyện Nam Đàn, có 2 sản phẩm đang xây dựng hướng đến xuất khẩu là kim chi sen và trà ướp bông sen. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân nơi đây.
Ngày xưa, hoa sen góp phần làm nên khung cảnh thi vị, hữu tình cho mảnh đất Kim Liên, ngày nay không chỉ thế, nó đang chứng kiến và góp phần thay đổi cuộc sống, thay đổi bộ mặt miền quê, đồng hành cùng người dân nơi đây trong quá trình nông thôn mới, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Để bảo tồn và lan tỏa giống sen quê Bác, hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhằm phát huy tích cực những giá trị di sản văn hóa, tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa qua Khu di tích Kim Liên đã tổ chức trao tặng 130 gốc Sen hồng quý từ quê hương Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An cho Khu di tích K9, Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội.
Cuộc sống ngày càng đổi thay, nhịp sống ngày càng hối hả, mỗi người đang cần mẫn học tập, lao động từng ngày để góp phần dựng xây quê hương đất nước.  Nhưng có những lúc sống chậm lại, lặng nhìn và lắng nghe hơi thở của cuộc sống, chúng ta thấy rằng bao đời nay sen vẫn thế, vẫn vươn lên giữa bùn đen, vẫn dịu dàng khoe sắc tỏa hương cho đời, mang đến cho con người bao nhiêu sự ưu ái. Sen bình dị nhưng rất đỗi thanh tao, bất tử như chính cuộc đời của Bác Hồ kính yêu của chúng ta, giống như nhạc sỹ Thuận Yến đã từng viết: “Người là đài hoa sen, tỏa ngát hương đời”…

Phạm Thị Oanh – Phòng Tuyên truyền giáo dục

Thông tin tham quan

Liên kết website