HỒN DI TÍCH TRONG LỜI CA VỌNG CỔ
24/12/2020 9:18:01 SA
Lịch sử cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX có nhiều sự kiện đặc biệt gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Tôn Đức Thắng, hai vị Chủ tịch nước kính yêu tiêu biểu cho khối đại đoàn kết của cả dân tộc. Công lao của hai vị Chủ tịch đối với dân tộc ta thật là to lớn, sánh tựa trời cao biển rộng. Người dân Việt Nam từ già đến trẻ luôn yêu mến và dành cho hai Người hai danh hiệu đặc biệt mà ở người khác không thể có - đó là hai tiếng Bác Hồ và Bác Tôn

Ngôi nhà nới Chủ tịch Tôn Đức Thắng cất tiếng khóc chào đời
 
Từ quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh -  Kim Liên – Nam Đàn – Nghệ An  về với mảnh đất An Giang chúng tôi lại được về thăm xứ cù lao Ông Hổ quê hương của chủ tịch Tôn Đức Thắng. Trong tiết trời mát mẻ những cơn gió thoảng nhẹ tạo cảm giác thật thư thái dễ chịu. Cảnh vật nơi đây rất đỗi nên thơ với dòng sông Hậu hiền hòa với những chuyến đò ngược xuôi tấp nập, những con đường rợp bóng cây xanh, hai bên đường là những vườn xoài, ổi trĩu quả, thi thoảng  lại được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của một ngôi chùa cổ, một căn nhà cổ. Những con người nơi đây gây ấn tượng cho du khách bởi sự hiếu khách nhiệt tình và thân thiện.
 
Từ thành phố Long Xuyên qua bến phà Ô Môi trên dòng sông Hậu, chúng tôi vào thăm Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (xã Mỹ Hòa Hưng- thành phố Long Xuyên). Nơi đây còn lưu giữ những kỷ vật thiêng liêng, vô giá về thời niên thiếu, gia đình và quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Chúng tôi lên đền thờ dâng nén tâm hương tưởng nhớ Bác Tôn- người bạn chiến đấu và Người đồng chí vô cùng thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cộng sản chân chính sáng ngời đức hi sinh lòng dũng cảm, ý chí kiên cường mà rất đỗi bao dung nhân ái.
Vào thăm khu trưng bày, xúc động khi được thấy những hình ảnh những kỷ vật về gia đình cuộc đời và sự nghiệp cao cả của Bác Tôn. Đặc biệt ngôi nhà sàn nằm trong tổng thể không gian cảnh quan thoáng mát như bao ngôi nhà ở làng quê Nam bộ. Chính nơi đây ngày 20 tháng 8 năm 1888 chủ tịch Tôn Đức Thắng đã cất tiếng khóc chào đời và gắn bó những năm thời niên thiếu.
 

Ông Nguyễn Văn Tri - Nguyên trưởng Ban Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng
 
 Chúng tôi may mắn được gặp ông Nguyễn Văn Tri bà con thường gọi là bác Tám Tri. Là một người con của đất cù lao Ông Hổ, ông Tám Tri đã có 12 năm làm Chủ tịch xã Mỹ Hoà Hưng và 13 năm làm trưởng Ban quản lý Khu lưu niệm chủ tịch Tôn Đức Thắng. Ngay từ những ngày đầu thành lập khu lưu niệm, ông là người tham gia nghiên cứu tìm hiểu về cuộc đời của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, những năm tháng công tác tại đây, hơn ai hết ông càng thấm nhuần đạo đức cách mạng của Bác Tôn và ra sức học tập theo tấm gương của bác. Là người cán bộ tâm huyết trong việc gìn giữ phát huy những giá trị vô giá về quê hương gia đình và cuộc đời cao đẹp và sự nghiệp cách mạng cao cả của Bác Tôn. Điều đặc biệt nhất khi về đây là chúng tôi được nghe ông kể về cuộc đời Bác Tôn và những người thân trong gia đình không phải bằng một bài giới thiệu, một bài thuyết minh đơn thuần mà bằng những câu Vọng cổ của đờn ca tài tử, là niềm tự hào của người dân Nam bộ. Ông là người đam mê loại hình đơn ca tài tử nên ông đã sáng tác và trình bày nhiều bài vọng cổ, nhất là nhiều bài kể về cuộc đời Bác Tôn nhưng 2 bài ông tâm đắc nhất là "Người thiếu phụ đất Vĩnh Kim""Người mẹ đất phương Nam". Hai tác phẩm đã đạt giải cao trong các cuộc thi sáng tác các ca khúc về Bác Tôn của tỉnh An Giang. Qua lời ca sâu lắng đậm chất Nam bộ cho người nghe những câu chuyện xúc động sâu sắc. Chính từ công việc, từ tình cảm đối với người con ưu tú của quê hương mình, tâm nguyện của ông chính là muốn giữ gìn muốn truyền lại cho thế hệ sau "chất Người Tôn Đức Thắng" giáo dục cho mọi thế hệ cháu con Nam bộ và lan tỏa đến mọi miền trên đất nước Việt Nam.  Bởi thế ông ấp ủ ý tưởng và sáng tác những bài vọng cổ đó trong một thời gian dài mà ông nói vui "tui có bầu mãi mới đẻ được ra nó chớ". Nhớ những ngày ông xuống tận đất Vĩnh Kim – Tiền Giang quê nhà vợ Bác Tôn lặn lội suốt mấy ngày để tìm hiểu về các địa danh những câu chuyện kể để đưa vào lời hát
Rất nhiều đêm ông miệt mài viết, tự mình hát, chỉnh sửa từng câu hát, từng vần điệu...có những lúc ông khóc nghẹn bởi xúc động trào dâng.....Mỗi lần ông hát vẫn vẹn nguyên cảm xúc từ trái tim khiến ai nghe cũng cảm nhận sâu sắc. Lời ca lúc thì chất chứa căm thù trước tội ác của giặc, khi thì hào sảng bởi lòng yêu nước, tinh thần kiên trung của người chiến sĩ cộng sản, lúc lại lắng đi trong niềm xúc động, lúc nức nở nghẹn ngào trong nỗi đau chia lìa ... Từ những câu vọng cổ, ông như đã kể hết cả một cuộc đời một sự nghiệp cao cả của người chiến sĩ cách mạng trung kiên bất khuất, một người con tận trung tận hiếu của đất cù lao, cuộc đời người Mẹ (thân mẫu Bác Tôn) phải xa con từ lúc thiếu thời và tiễn con lên đường làm cách mang vì đất nước vì non sông và đến lúc người con trai ưu tú của bà gửi lá thư cùng tấm hình về biếu mẹ thì bà ra đi mãi mãi đã 2 năm...cuộc đời người vợ trẻ (Bác Tôn gái) suốt cuộc đời hi sinh cho chồng cho con, người vợ 26 năm chờ chồng đến lúc giọt nước mắt cho ngày tương phùng thì tuổi đã xế chiều...
“Trăng rớt qua hiên sau, gà tàn canh, đường khuya thưa vắng
Chim Cú kêu vang vang, sương mờ rơi, quằng cây lá khô
Người đi từ hoàng hôn, bình minh lên vẫn chưa quay về
Thân này dù gian nan, nguyện đảm đang giúp Anh yên lòng”
Qua lời hát của ông chúng tôi cũng như trở về mảnh đất năm xưa trong nỗi đau quân thù giày xéo đàn áp, nhưng sáng ngời ý chí của những con người trung kiên bất khuất- những con người đã viết nên những trang sử vẻ vang cho mảnh đất phương Nam yêu dấu…
Dù đã ở tuổi 72 với 40 năm tuổi Đảng, nhiệt huyết trong ông Tám Tri vẫn tràn đầy, ông vẫn tâm nguyện tiếp tục góp sức vào các hoạt động ý nghĩa cho quê hương mình. Tự hào về mảnh đất quê hương giàu truyền thống cách mạng - tự hào và tâm huyết trong sự nghiệp giữ gìn, phát huy những di sản về Chủ tịch Tôn Đức Thắng và lòng yêu tha thiết, đam mê hát đờn cả tài tử, mong giữ gìn di sản văn hóa tinh thần của quê hương Nam Bộ ông đã khởi xướng thành lập Câu lạc bộ hát đờn ca tài tử ở xã và  hiện nay được tổ chức sinh hoạt hàng tháng tại chính Khu lưu niệm. Câu lạc bộ duy trì suốt 4 năm qua và thu hút được sự tham gia của hàng chục người yêu đờn ca tài tử và thế hệ trẻ cùng tham gia. Từ những câu ca mộc mạc, đơn sơ đậm chất dân ca miền quê sông nước nhưng chứa đựng trong đó là cả tấm lòng, là bầu nhiệt huyết đam mê, chuyển tải những thông điệp về cuộc đời sự nghiệp cao đẹp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, về sự hy sinh của bao thế hệ cha anh, về sự anh dũng, kiên trung của bao chiến sỹ đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho dân tộc....và để lời ca mãi ngân lên hào sảng, đung đưa theo ghe xuồng xuôi ngược trên dòng sông Hậu mến thương, níu lòng du khách đến với quê hương Bác Tôn - Cù lao Ông Hổ.
   Cuộc gặp gỡ mà để lại những xúc cảm sâu sắc trong lòng mỗi chúng tôi. Bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong câu hát dân ca là tâm nguyện của người cán bộ đầy tâm huyết, cảm phục tài nghệ và tấm lòng của ông, bằng câu vọng cổ để chuyển tải nội dung di tích không chỉ là phát huy giá trị di tích lịch sử mà còn gìn giữ di sản tinh thần là niềm tự hào của người dân Nam bộ không bị mai một trong dòng chảy tất bật của cuộc sống hiện nay.
Nguyễn Thị Thanh
 

Thông tin tham quan

Liên kết website