HỌC Ở BÁC TỪ NHỮNG ĐIỀU GIẢN DỊ NHẤT TRONG HAI LẦN NGƯỜI VỀ THĂM QUÊ
28/08/2019 11:04:19 SA
Đã 50 năm kể từ ngày Bác đi xa, mỗi người con đất Việt và những người con xứ Nghệ nói riêng vẫn luôn tự hào bởi chúng ta đã có một tấm gương sáng, một di sản lớn - di sản Hồ Chí Minh. Người đã dâng hiến tất cả tình cảm, trí tuệ và cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một tài sản vô giá đó là tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, cao đẹp, kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và của thời đại.

Đã 50 năm kể từ ngày Bác đi xa, mỗi người con đất Việt và những người con xứ Nghệ nói riêng vẫn luôn tự hào bởi chúng ta đã có một tấm gương sáng, một di sản lớn - di sản Hồ Chí Minh. Người đã dâng hiến tất cả tình cảm, trí tuệ và cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho chúng ta một tài sản vô giá đó là tư tưởng và tấm gương đạo đức trong sáng, mẫu mực, cao đẹp, kết tinh những giá trị truyền thống của dân tộc, của nhân loại và của thời đại. Ở Người, đức tính giản dị, đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư luôn được thể hiện đúng chuẩn mực. Trong số những đức tính quý báu ấy đã được người thể hiện trong hai lần Bác về thăm quê.
Xứ Nghệ yêu thương, nơi có câu đò đưa thuở nhỏ Bác nghe, nơi khúc hát dân ca thẫm đẫm tình của mẹ…dù ở nơi phương trời nào Bác vẫn dành một góc nhỏ nơi sâu thẳm tận trái tim mình. Xa quê hương từ năm mười sáu, Người ra đi tìm đường cứu nước với hai bàn tay trắng, và hành trang Bác mang theo lúc bấy giờ là sự quyết tâm, chịu khó, cần mẫn của một chàng trai xứ Nghệ tuổi đôi mươi. Người đã dành nhiều thời gian đi nhiều nơi, học tập nhiều điều, làm nhiều nghề để kiếm sống và hoạt động cách mạng. Khi đã trở thành người đứng đầu của Đảng và Nhà nước Bác vẫn sống giản dị tiết kiệm như một lẽ tự nhiên trong sinh hoạt hàng ngày. Bác trở về thăm lại quê hương sau hơn 50 năm xa quê tìm đường cứu nước. Và trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác đã giành thời gian và tình cảm để trở về thăm quê 2 lần: lần thứ nhất vào mùa hè năm 1957, lần thứ hai vào mùa đông năm 1961. Cho đến hôm nay, trong lòng dân xứ Nghệ vẫn còn vẹn nguyên những kỷ niệm về những mẫu chuyện nhỏ mà sáng ngời đạo đức của Bác - một nhân cách lớn nhưng lại vô cùng giản dị, gần gũi. Quê hương đất nước kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Người , 62 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê lần thứ nhất, 58 năm Người về thăm quê lần thứ hai, cũng là dịp để chúng ta cùng ôn lại tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Người; đặc biệt, trong hai lần Bác về thăm quê.
Năm 1957, tình hình trong nước và thế giới có nhiều biến chuyển tốt đẹp. Miền Bắc sau ba năm khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh đã thu được một số thành quả. Do vậy, về đối ngoại, Bác muốn đi thăm, cảm ơn các nước anh em, bè bạn trên thế giới đã ủng hộ Việt Nam. Trước lúc lên đường Bác quyết định về thăm một số địa phương thuộc khu IV, trong đó có Nghệ An. Theo lịch trình, ngày 12 và 13/6/1957, Bác thăm tỉnh Thanh Hóa. Ngày 14 đến 16/6/1957, Bác về Nghệ An. Ngày 15/6, Bác thăm Hà Tĩnh. Sáng ngày 16/6/1967, Bác mới về quê cha, đất tổ ở Kim Liên, Nam Đàn. Đây là một nét văn hóa ứng xử rất phương đông nhưng ở đây chúng ta còn nhận thấy đẹp hơn nữa đó là Người đã chọn ngày về thăm quê nhà đúng vào ngày nghỉ cuối tuần - ngày chủ nhật.
* Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Làng Sen nơi gắn bó kỷ niệm thời niên thiếu
 ( Chủ nhật, ngày 16/6/1957)
 Người không muốn một nghi lễ đón tiếp tiễn đưa sang trọng dành cho vị lãnh tụ; Người cũng không muốn sử dụng 8 giờ thời gian vàng ngọc của một ngày làm việc theo qui định của nhà nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh  đã từng nói: "Thời gian quý báu lắm, một tấc bóng là một thước vàng" . Phải biết quý trọng thời gian của mình và thời gian của người khác.
Trước đó 11 năm (cuối năm 1946), tiếp anh, chị ruột của mình là bà Nguyễn Thị Thanh và ông Nguyễn Sinh Khiêm sau mấy chục năm trời xa cách, Bác cũng chọn ngày Chủ nhật. Chỉ qua một chi tiết nhỏ, cũng thấy Bác vô cùng phân minh, giữa việc công và việc tư. Trong suốt cuộc đời của Người, điều này cũng thể hiện rất rõ.
* Không ai bảo vệ tốt bằng nhân dân
Trên quãng đường từ Vinh về Kim Liên, để đảm bảo an toàn cho Bác, tỉnh nhà bố trí chiếc xe Pô bê đa bịt kín nhưng Bác đã nhanh nhẹn bước lên xe Gát 69 – là xe dùng để chở bảo vệ đi cùng, không có bạt căng ở trên. Mọi người băn khoăn, như vậy sẽ không đảm bảo an toàn cho Bác nhưng Bác bảo: Bác đứng trên xe này để nhân dân nhìn thấy Bác được rõ hơn. Bác rất tin tưởng vào nhân dân và khẳng định: không ai bảo vệ tốt bằng nhân dân. Hôm đó, Bác mặc bộ quần áo kaki, đi đôi dép cao su giản dị thường ngày. Đứng trên chiếc xe mui trần, Bác vẫy chào bà con và chứng kiến sự đổi thay của quê nhà. Trở về thăm quê sau bao năm xa cách, giờ đã là một vị chủ tịch nước nhưng Bác vẫn hết sức gần gũi, thân thương, trìu mến đối với nhân dân. Điều đó thể hiện cả trong tình cảm, tác phong, cử chỉ, lời nói của Người, giữa vị chủ tịch và nhân dân hầu như không có một khoảng cách nào.
 
*Bác chỉ cho phép loại bỏ những thứ đã thực sự hư hỏng
Trở lại với ngày 13/6 (trước 3 ngày Bác về Kim Liên), mãi tới 11 giờ đêm Bác mới về tới Vinh. Khi Bác đang nói chuyện với đồng chí Nguyễn Chí Thanh -
Bí thư Khu ủy khu IV ở trong phòng khách thì một đồng chí mời đồng chí phục vụ Bác ra kiểm tra phòng tắm. Nơi đó, đã để sẵn hai giá thau, mấy chiếc khăn mặt mới và một miếng xà phòng thơm cho Bác. Đồng chí Trần Quốc Hoàn  - lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Công an (đi cùng Bác) lúc đó có mặt ở đó thấy vậy bảo: "Hãy cất bớt đi, chỉ để một giá thau và miếng xà phòng là đủ".
Sau đó, đồng chí phục vụ Bác lấy trong túi xách ra một chiếc khăn bông trải lên giá thau, khăn vẫn trắng mềm, nhưng đã có đường chỉ khâu ở giữa. Đồng chí nói nhỏ nhẹ: "Khăn của Bác đã cũ, mòn như thế này, có lần tôi định thay chiếc khăn mới để Bác dùng, không ngờ Bác gọi tôi lại hỏi: Khăn của Bác đâu, nó còn dùng được, việc gì mà phải thay khăn khác".
Đồng chí phục vụ chỉ vào giữa khăn rồi nói: Đây là đường khâu của Bác và "tiết lộ" thêm rằng, mũ Bác đội cũng đã cũ lắm rồi, nhưng chưa ai dám đem thay. Đồng chí Trần Quốc Hoàn xác nhận câu chuyện và nói tiếp: Về đồ dùng, Bác chỉ cho phép loại bỏ những thứ đã thực sự hư hỏng. Bác làm như vậy vì cũng mong chúng ta làm như vậy. Phải giản dị, tiết kiệm, giảm đến mức tối thiểu việc chi tiêu cho riêng mình để tăng thêm sự đầy đủ cho người khác, đó là ý của Người.
Khi vào phòng ngủ, thấy ở giường nằm, trên chiếu còn trải thêm một lớp vải mềm, Bác khẽ bảo: "Chú Thanh, chú Khoát (Nguyễn Trương Khoát, Bí thư Tỉnh ủy - PV) cho cất bớt lớp vải này đi, dạo này trời nóng không cần đến". Đồng chí Nguyễn Chí Thanh nói: "Dạ thưa Bác, giường này nan thưa và cứng, chỉ trải một lần chiếu thôi thì sợ...". Bác  hiểu ý, liền nói để đồng chí Thanh yên tâm: "Thôi cứ để một lần chiếu là đủ".
* Chủ tịch nước cũng ăn cơm độn
Vào cuối năm 1961, Bác Hồ về thăm quê hương Nghệ An lần thứ 2  (từ ngày 8-10/12). Chiều ngày 8/12, sau khi làm việc với Tỉnh ủy Nghệ An, Bác đến thăm nhà ăn tập thể của cơ quan. Bác nhấc từng chiếc lồng bàn lên để thấy tận mắt khẩu phần ăn của cán bộ, nhân viên. Sau đó, Bác nhận lời mời ăn cơm tối cùng với các đồng chí lãnh đạo tỉnh. Bữa cơm hôm ấy, ngoài mấy món đơn giản, chị em phục vụ nhà bếp đã chọn gạo trắng để đãi Bác. Khi mọi người đã ngồi vào bàn ăn, Bác bảo một cán bộ đi cùng đưa gói cơm của đoàn ra. Đó là một gói cơm trắng độn ngô đỏ. Đồng chí phục vụ lấy dao cắt ra từng miếng, chia đều cho mọi người để cùng ăn với Bác. Lúc này các đồng chí Tỉnh ủy cứ nhìn nhau, không ai dám xới cơm trắng ra.
Hóa ra trước chuyến đi, bộ phận Văn phòng đã chuẩn bị cơm nắm cho Bác. Lúc này cả nước đang thực hiện ăn gạo độn màu để có đủ gạo chi dùng và dự trữ, Bác cũng thực hiện như bất cứ người dân nào. Một vị Chủ tịch nước mà giản dị đến mức không ngờ, nói luôn đi đôi với làm, làm một cách tự giác, đó là một trong nhiều đức tính quý báu của Bác, có sức lay động lòng người. Bữa cơm hôm đó, những người tham dự ai cũng đều xúc động, nghẹn ngào.
*Chia cà trong bữa cơm tại nhà ăn tỉnh ủy Nghệ An (1957)
Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm quê, cơ quan tỉnh ủy Nghệ An sửa soạn cơm mời Bác. Trong mâm cơm có đĩa cà muối mà Bác vẫn thích dùng. Câu chuyện được kể lại: Khi mọi người ăn gần xong thấy trên đĩa còn 2 quả. Bác trở đũa gắp bỏ lên bát anh Khoát - lúc bấy giờ là Bí Thư tỉnh ủy 1 quả, còn một quả Bác bỏ lên bát mình rồi nói:
- Còn đây chú một quả, Bác một quả ta cùng ăn cho hết
Làm chủ tịch nước mà Bác tự nhận cho mình quyền sống thật giản dị nhưng thật thanh cao. Tại sao Bác lại cần kiệm như vây? Người đã từng nói rằng:  " Mỗi đồng tiền bát  gạo mà chúng ta tiêu dùng đều là mô hôi nước mắt của nhân dân. Thương dân là phải tiết kiệm, lãng phí là không thương dân".
Lối sống giản dị tiết kiệm đồng cam cộng khổ với nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được báo chí nước ngoài nhiều lần nhắc đến. Nhà báo Mĩ Davits Hanbonston đã từng viết: " Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật kỳ lạ của thời đại này- hơi giống Găng đi, hơi giống Lê Nin và hoàn toàn Việt Nam... Hình như ông luôn luôn giữ được những giá trị vĩnh viễn của con người Việt Nam".
* Sản xuất và tiết kiệm phải đi đôi với nhau
Trong hội nghị đại biểu nhân dân Nghệ An ngày 14/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rằng: " Đồng bào ta cố gắng tăng gia sản xuất nhưng không chú ý tiết kiệm. Sản xuất và tiết kiệm phải đi đôi với nhau, nếu sản xuất mà không tiết kiệm thì cũng như rót nước vào cái ống không có đáy". Sau đó Bác lấy ngay ví dụ: trong dịp tết vừa rồi có huyện giết chết hơn 400 trâu bò ăn rồi không có trâu bò cày. Như mồng 5 tháng 5 vừa rồi ở Trung Quốc giỗ Khuất Nguyên - một nhà thơ giỏi, rất yêu nước. Vậy mà ngày xưa bọn phong kiến cũng nhân dịp đó để ăn uống để đi Tết, đi lễ. Đồng bào ta nói đả đảo phong kiến nhưng sự thật là làm quá phong kiến.
Sau đó Người nêu ra nhiệm vụ cho đồng bào tỉnh nhà trong đó Người nhấn mạnh: "Muốn cải thiện sinh hoạt phải tăng gia sản xuất, phải thực hành tiết kiệm". Khi trở về thăm về Làng Sen nơi gắn bó kỷ niệm thời niên thiếu một đồng chí cán bộ tỉnh xin phép Bác trồng hoa trong vườn, Người nói: "Hoa khoai lang vẫn đẹp". Ý Người là muốn trồng khoai lang để tăng gia sản xuất nên từ đó đến nay trong vườn nhà Bác cứ mùa nào thức nấy bà con trồng hoa màu.
* Bác có phải là vua đâu?
Sáng ngày 10/12/1961, Bác đến thăm HTX cao cấp Vĩnh Thành, lá cờ đầu về phong trào trồng cây toàn miền Bắc. Lúc Bác đang nói chuyện với cán bộ, nhân dân thì nắng lên cao. Đồng chí cán bộ huyện mượn được một chiếc ô ngần ngại định giương lên che nắng cho Bác, thì Bác quay lại hỏi:
- Thế chú có đủ ô che cho tất cả đồng bào không? Thôi, cất đi, Bác có phải là vua đâu?
Người chỉ xuống cả biển người phía dưới cũng đang đứng dưới nắng. Ai nấy đều cảm động trước cách xử sự của Người.
Kết thúc buổi nói chuyện, Bác còn dặn: "Bà con, các cô, chú nên về làm bù, hôm nay Trung ương và Bác về làm mất của bà con một buổi  cày...".
Luôn hòa đồng, bình đẳng với mọi người, cùng đồng cam cộng khổ trong mọi hoàn cảnh, không hề đòi hỏi một chút ưu tiên riêng cho bản thân mình. Phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nét tiêu biểu sáng ngời đạo đức của Người, là cội nguồn sức mạnh vũ bão của nhân dân mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo dựng để đưa sự nghiệp cách mạng đến thành công.
Đất nước bước vào thời kỳ mới, thuận lợi nhiều nhưng cũng không ít thách thức khó khăn, những bài học cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những câu chuyện nhỏ về quả cà pháo, bữa cơm độn ngô hay thăm quê vào ngày chủ nhật....thật giản dị nhưng là những bài học quý giá. Kỷ niệm 50 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hình ảnh, tư tưởng, tình cảm của Bác vẫn ngời sáng trong lòng mỗi người con Xứ Nghệ. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư là những hành động thiết thực nhất để mỗi chúng ta bày tỏ niềm tin yêu, kính trọng đối với Bác, tự nhắc nhở bản thân và những người xung quanh thực hành theo tấm gương của Người.

.                                         Nguyễn Thanh Long 
Trưởng BQL Khu Mộ
 

Thông tin tham quan

Liên kết website