GIÁ TRỊ VĂN HỌC VÀ LỊCH SỬ TRONG NHỮNG VẦN THƠ CHÚC TẾT NĂM THÌN CỦA BÁC HỒ
10/02/2024 3:50:40 CH

79 mùa Xuân của cuộc đời, Bác kính yêu đã cống hiến và hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Dù bận trăm công nghìn việc nhưng cứ vào dịp tết cổ truyền, Người vẫn dành thời gian làm thơ gửi tới nhân dân. Đó là những vần thơ chúc Tết chan chứa tình cảm ấm áp thương yêu.
Xuyên suốt 22 bài thơ chúc Tết, từ bài thơ đầu tiên năm 1942 đến bài thơ cuối cùng năm 1969, Bác đã thể hiện trọn vẹn tinh thần lạc quan, ý chí, quyết tâm mạnh mẽ cùng niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nước nhà. Mỗi bài thơ là tình cảm trìu mến, thiết tha của Người gửi đến toàn dân. Đây còn là những lời dặn dò, những ước mong cháy bỏng của Bác trong không khí thiêng liêng của một năm mới đang đến. Và đó cũng chính là phong cách Hồ Chí Minh: giản dị mà gần gũi, thương dân và trọng dân. Bác luôn hiện hữu trong mỗi trái tim Việt Nam như “người Cha, người Bác, người Anh” ruột thịt.
Trong số 22 bài thơ xuân ngắn gọn nhưng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc, chúng ta cùng nhau đọc lại hai bài thơ Chúc Tết năm Thìn của Bác. Đó là Bài thơ Chúc tết năm Nhâm Thìn (1952) và năm Giáp Thìn (1964). Bằng lời thơ dung dị, ấm áp, thân thương, Bác Hồ chúc mừng, biểu dương, dặn dò, đồng thời nêu định hướng chiến lược và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước ta.
Bài thơ Chúc tết năm Nhâm Thìn (1952) cách đây 72 năm, Bác viết:

“Xuân này xuân Nhâm Thìn
Kháng chiến vừa sáu năm
Trường kỳ và gian khổ
  Chắc thắng trăm phần trăm.
  Chiến sĩ thi giết giặc
 Đồng bào thi tăng gia
Năm mới thi đua mới
Thắng lợi ắt về ta.
Mấy câu thành thật nôm na
Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân”.      
Lời thơ ngắn gọn, ngôn từ và cách diễn đạt giản dị, dễ hiểu đối với các tầng lớp nhân dân. Bác viết bài thơ này vào giai đoạn quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ vừa đánh thắng quân xâm lược Pháp trong Chiến dịch biên giới Cao - Bắc - Lạng năm 1950. Ta đã giải phóng một vùng rộng lớn, khai thông biên giới, phá thế bao vây của địch. Quân ta chuyển sang thế chủ động tổng phản công… Đó là cơ sở để Bác nhận định, chúng ta “chắc thắng trăm phần trăm”. Đúng như vậy, đến năm 1954 quân dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, buộc địch phải rút khỏi miền Bắc, nửa đất nước được giải phóng. Bác Hồ và Chính phủ về giải phóng Thủ đô Hà Nội. Trong giai đoạn miền Bắc đi lên xây dựng Chủ nghĩa xã hội để làm hậu phương lớn vững chắc cho tiền tuyến miền Nam. Với không khí thi đua quyết tâm chi viện sức người, sức của cho quân và dân miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược và đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào, đi đến thống nhất đất nước, Bắc Nam sum họp một nhà. Mặc dù thơ chúc Tết của Bác Hồ thấm đẫm tư tưởng cách mạng, nhưng ngôn ngữ không cao siêu, khô khan mà giản dị, dễ hiểu, giàu tình thân ái và mang âm hưởng hùng tráng có sức lay động lòng người. Thơ chúc Tết của Bác đậm đà chất thép nhưng ngời sắc xuân như nhà thơ Hoàng Trung Thông đã khái quát:
“Vần thơ của Bác vần thơ thép
Mà vẫn mênh mông bát ngát tình”
Lời thơ như lời hiệu triệu, là nguồn cổ vũ, động viên, xốc dậy tinh thần hăng hái chiến đấu và chiến thắng. Nhịp thơ 5/5 mà Bác Hồ sử dụng ở 8 câu thơ trên thật mạnh mẽ, dứt khoát, như nhịp trống vang thúc giục đoàn quân ra trận. Nhịp thơ này vào đầu năm mới càng có ý nghĩa nhiều hơn, thể hiện sự lạc quan, tin tưởng, khí thế hào hùng, mang lại sự “phấn khởi” cho toàn quân, toàn dân ta. Kết thúc bài thơ, Bác lại dùng hai câu lục bát, thể thơ mang đậm tâm hồn, cốt cách Việt với cảm xúc dạt dào, sâu lắng:
Mấy câu thành thật nôm na
Vừa là kêu gọi vừa là mừng xuân
Vừa là lãnh tụ, vừa là một nhà văn hóa lớn nên sự quan tâm và những lời căn dặn của Người lại càng trở nên sống động, tha thiết. Và có lẽ, vốn sinh ra, lớn lên, được nuôi dưỡng trong tiếng ru của mẹ với những câu hò ví dặm, những điệu hát phường vải bay bổng trên dòng sông Lam xứ Nghệ, cùng sự am hiểu chữ nghĩa, thơ ca của cha, lại được tiếp xúc với bao nhiêu chí sĩ yêu nước giỏi văn thơ và đầy khí phách nên Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất mê thơ, sành thơ và cũng đầy cảm xúc thi ca.
Bài thơ chúc Tết năm Giáp Thìn 1964, chỉ với sáu câu thơ lục bát bình dị, thân thuộc nhưng chứa đựng một nội dung, một niềm tin, hy vọng lớn lao của Bác:
  “Bắc - Nam như cội với cành
Anh em ruột thịt đấu tranh một lòng
Rồi đây thống nhất thành công
 Bắc - Nam ta lại vui chung một nhà
 Mấy lời thân ái nôm na
Vừa là kêu gọi vừa là mừng xuân”.
Năm Giáp Thìn (1964) cách đây tròn 60 năm, cả 2 miền đều giành những thắng lợi to lớn: Miền Nam anh dũng chiến đấu cho độc lập, tự do. Miền Bắc ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội, hết lòng chi viện cho chiến trường miền Nam. Kêu gọi chiến đấu và sản xuất để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, Bác có bài thơ gửi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ cả nước, nội dung nêu lên sự toàn vẹn của đất nước, không thể chia cắt. Giữa những ngày gian khó nhưng niềm tin tất thắng tỏa sáng trong thơ chúc Tết của Người. Mãnh liệt và truyền cảm, những câu thơ đã đem đến niềm xúc động cho đồng bào, chiến sĩ cả nước một lòng hướng về miền Nam ruột thịt, thân yêu. Và niềm hy vọng, niềm tin tưởng kháng chiến nhất định thắng lợi mà Bác truyền cho cả dân tộc như kim chỉ nam, soi đường cho nhân dân ta cùng tiến lên đánh thắng giặc Mỹ, bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc. Bài thơ chúc tết của Bác mang nội dung “Vừa là kêu gọi, vừa là mừng xuân” thể hiện quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân lại vừa ấm áp tình người của vị lãnh tụ kính yêu. Thơ chúc Tết của Bác là lời hiệu triệu, thôi thúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thêm quyết tâm đánh đuổi đế quốc Mỹ xâm lược ra khỏi đất nước, mang những dự báo về tương lai một năm mới. Đây vừa là lời chúc mừng năm mới của Bác, nhưng cũng là đường lối chỉ đạo toàn dân kháng chiến kiến quốc. Có thể thấy, thơ chúc Tết của Bác bình dị về hình thức nhưng lại cao đẹp về tình cảm, sâu sắc về nội dung, ý nghĩa. Thơ chúc Tết của Bác Hồ luôn tràn ngập tinh thần cách mạng chính nghĩa. Những dòng chữ có sức lay động mạnh mẽ, được ví như hồi kèn xung trận nhưng lại vô cùng giản dị và ấm áp như lời tâm sự ân tình: “Giọng của Người, không phải sấm trên cao/ Thấm từng tiếng, ấm vào lòng mong ước”.
Dù 55 năm Bác kính yêu đã đi xa nhưng cứ mỗi độ Tết đến xuân về vẫn còn vang vọng trong tim mỗi người Việt Nam lời thơ chúc tết của Bác với lời nói ấm áp, thân thương. Hôm nay, Toàn Đảng, toàn dân ta đang tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Học Bác để chúng ta thêm tự hào về một con người cao đẹp - không chỉ là một lãnh tụ vĩ đại của dân tộc mà còn là một nhà văn, nhà thơ lớn, nhà văn hóa lớn của nhân loại. Trong những ngày đầu xuân mới của dân tộc, chung niềm vui cả nước Mừng Đảng mừng Xuân Giáp Thìn 2024, chúng ta cùng nhau đọc lại những câu thơ chúc tết của Bác để vững tin phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh như sinh thời Bác hằng mong muốn./.
 
 
                                                          Lê Hà
 
 
 
 
 
 

Thông tin tham quan

Liên kết website