CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH GIAI ĐOẠN 1890 - 1911
28/11/2019 11:28:13 SA
Chủ tịch Hồ Chí Minh (lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học là Nguyễn Tất Thành, trong nhiều năm hoạt động cách mạng lấy tên là Nguyễn Ái Quốc và nhiều tên gọi và bí danh khác nhau, khoảng trên 170 tên gọi và bí danh)

Sinh ngày 19 tháng 5 năm 1890 tại quê ngoại làng Hoàng Trù, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An (nay là làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Người được tổ chức UNESCO tôn vinh là anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất.
Quê nội của Nguyễn Sinh Cung là làng Kim Liên (tên nôm là làng Sen), cách Hoàng Trù khoảng 2 km cùng thuộc xã Kim Liên. Kim Liên là địa phương có truyền thống hiếu học, nhiều người đỗ đạt trong các kì thi thời phong kiến: trong 96 khoa thi Hương từ 1635 đ ến 1890 có 193 người đỗ tú tài và cử nhân. (Có tài liệu ghi từ năm 1635 đến năm 1918, qua 96 kỳ thi Hương và thi Hội, Kim Liên đã có 53 người đỗ đạt, Có tài liệu ghi trong thời gian 1635 - 1890 có 82 người ở Kim Liên đỗ Tú tài) Trong làng, nhiều người mở lớp chữ Hán để dạy học trò, số khoa bảng không nhiều, nhưng nho sỹ Kim Liên khá đông và Kim Liên trở thành nơi lui tới của các nho sỹ quanh vùng. Làng Kim Liên tự hào về quê hương mình là “đất văn vật chốn thi thư”. Đầu thế kỷ XX, đất Nam Đàn có bốn người học giỏi, được gọi là “Tứ hổ”
“Nam Đàn Tứ hổ là đây
Song, San, Lương, Quý một bầy bốn anh”
          Trần Quý Song - Người xã Xuân Liễu (Nam Xuân) đậu cử nhân khoa Giáp Ngọ, đậu tiến sỹ khoa Mậu Tuất, Phan Văn San - Phan Bội Châu - đậu Giải Nguyên khoa Canh Tý 1900, Trần văn Lương - Người xã Diên Lãm đậu cử nhân khoa Giáp Ngọ (1984), Vương Thúc Quý-  Người xã Kim Liên đậu cử nhân Khoa Tân Mão (1891).
Từ khi ra đời đến lúc lên 5 tuổi, Nguyễn Sinh Cung đã sống thời thơ ấu trong sự chăm sóc đầy tình thương yêu của ông bà ngoại và cha mẹ. Ông ngoại là Hoàng Xuân Đường, một nhà nho tuy chỉ đỗ “nhị trường” nhưng được dân làng mến gọi là cụ tú An, cụ mở lớp dạy chữ Hán cho con em trong làng ngay tại ngôi nhà của mình; bà ngoại là Nguyễn Thị Kép làm ruộng và dệt vải để nuôi gia đình, ông bà ngoại của Nguyễn Sinh Cung chỉ có hai người con gái là Hoàng Thị Loan và Hoàng Thị An.
Phụ thân của Nguyễn Sinh Cung là ông Nguyễn Sinh Sắc sinh năm 1862, con của ông Nguyễn Sinh Nhậm và bà Hà Thị Hy (vợ thứ của ông Nhậm). Ông Sắc lên 3 tuổi thì ông Nhậm qua đời, sau đó một năm thì bà Hy cũng mất. Ông Sắc phải ở cùng người anh trai cùng cha khác mẹ là Nguyễn Sinh Trợ (còn có tên gọi là  Nguyễn Sinh Thuyết), sau đó cụ Hoàng Xuân Đường xin anh Thuyết cho đón Nguyễn Sinh Sắc về nuôi ăn học. Năm 1883, cụ Hoàng Đường gả con gái đầu lòng là Hoàng Thị Loan cho Nguyễn Sinh Sắc và dựng cho hai vợ chồng một ngôi nhà nhỏ ba gian ở góc vườn để ra ở riêng. Trong căn nhà ấm cúng giản dị đó năm 1884 bà Hoàn Thị Loan sinh con gái đầu lòng là Nguyễn Thị Thanh; năm 1888 sinh con thứ hai là Nguyễn Sinh Khiêm;  Sáng ngày 19/05/1890 Nguyễn Sinh Cung  (Tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh) cất tiếng khóc chào đời.
Từ lúc ra đời đến tuổi lên 5, Nguyễn Sinh Cung sống ở quê nhà, được lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống hiếu học, cần cù trong lao động, tình nghĩa trong cuộc sống và bất khuất trước kẻ thù. Nguyễn Sinh Cung ham hiểu biết, thích nghe chuyện và hay hỏi những điều mới lạ, từ các hiện tượng thiên nhiên đến những chuyện cổ tích mà bà ngoại và mẹ thường kể. Ngay từ bé, tại mảnh đất Hoàng Trù, Nguyễn Sinh Cung đã cảm nhận được sự dạy bảo ân cần của ông bà ngoại, tình cảm thương yêu của cha mẹ đối với mình. Làng Hoàng Trù còn được biết tới là nơi diễn ra nhiều hoạt động  văn hóa của xứ Nghệ như hát Phường vải, dân ca...bởi vậy mà lời ru của mẹ, câu hát quê hương đã theo Nguyễn Sinh Cung từ thuở lọt lòng cho tới trước lúc đi xa:
“À ơi, con ơi mẹ dặn câu này
Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm
Làm người đói sạch rách thơm
Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền”
Những giá trị tinh thần ấy là khởi nguồn cho một khát vọng lớn lao; để cậu bé Nguyễn Sinh Cung trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất.
Tại kỳ thi Hương năm Giáp Ngọ 1894, ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ cử nhân trường Nghệ. Năm 1895, ông vào kinh đô Huế dự kỳ thi Hội khoa Ất Mùi song không đậu nên tiếp tục học ở Trường Quốc Tử Giám ở Huế để ôn luyện. Bà Hoàng Thị Loan quyết định cùng chồng và hai con trai vào Huế giúp chồng học tập, con gái Nguyễn Thị Thanh ở lại Hoàng Trù cùng Bà ngoại Nguyễn Thị Kép, vì vậy khi 5 tuổi, Nguyễn Sinh Cung cùng với gia đình chuyển vào Huế lần thứ nhất.
 Từ cuối năm 1895 đến đầu năm 1901, Nguyễn Sinh Cung sống cùng cha mẹ tại Huế, lúc mới vào Huế gia đình ở nhà Viện Đô Sát ở đường Đoàn Thị Điểm (nay là Trường cấp 1 Thuận Thành trong thành nội), 1 tháng sau Ông Nguyễn Sinh sắc xin được một chân thư ký ở trường Canh nông với đồng lương rất thấp là 15 đồng/tháng, lúc này gia đình chuyển vào ở nhờ nhà một người quen ở trong thành nội (nay là di tích số nhà 112, đường Mai Thúc Loan). Đó là những năm tháng gia đình ông Sắc sống trong cảnh gieo neo, thiếu thốn. Bà Hoàng Thị Loan làm nghề dệt vải, còn ông Sắc ngoài thời gian học, phải đi chép chữ thuê để kiếm sống, để học và dự thi.
Năm 1898, ông Nguyễn Sinh Sắc dự thi hội lần thứ hai nhưng vẫn không đỗ. Cuộc sống gia đình càng thêm chật vật khó khăn. Gần cuối năm 1898, theo lời mời của ông Nguyễn Sĩ Độ, ông Nguyễn Sinh Sắc về dạy học cho một số học sinh ở làng Dương Nỗ, tại ngôi nhà của ông Nguyễn Sĩ Khuyến (em trai ông Nguyễn Sĩ Độ), xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên, cách thành phố Huế 6 km. Nguyễn Sinh Cung cùng anh theo cha về đây và bắt đầu học chữ Hán tại lớp học của cha.
Hơn 5 năm sống ở kinh thành Huế, Nguyễn Sinh Cung thấy được nhiều điều mới lạ. So với quê hương xứ Nghệ, Huế có nhiều nhà cửa to đẹp, nhiều cung điện uy nghiêm. Nguyễn Sinh Cung cũng thấy ở Huế có nhiều lớp người, những người Pháp thống trị nghênh ngang, hách dịch và tàn ác; những ông quan Nam triều bệ vệ trong những chiếc áo gấm, hài nhung, mũ cánh chuồn, nhưng khúm núm rụt rè; còn phần đông người lao động thì chịu chung số phận đau khổ và tủi nhục. Đó là những người nông dân rách rưới mà người Pháp gọi là bọn nhà quê, những phu khuân vác, những người cu ly kéo xe tay, những trẻ em nghèo khổ, lang thang trên đường phố… Những hình ảnh đó đã in sâu vào ký ức của Nguyễn Sinh Cung.
Năm 1900, ông Sắc đi coi thi Hương ở Thanh Hoá, ông đưa Nguyễn Sinh Khiêm đi cùng còn Nguyễn Sinh Cung về ở với mẹ trong thành nội Huế.
Cuối năm 1900 Bà Loan sinh người con thứ 4, sau khi sinh con Bà Loan lâm bệnh nặng và ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý ( 10/02/1901).  Thời gian này ông Sắc đi làm đề lại tại trường thi Hương ở Thanh Hóa, khi mẹ mất em khát sữa Nguyễn Sinh Cung phải bế em đi xin sữa nên bà con thường gọi là Bé Xin (Tư liệu này đã có lần Bác Hồ kể cho các đồng chí phục vụ nghe), nhưng Bé Xin quá yếu cũng sớm qua đời tại Huế. Bà Hoàng Thị Loan qua đời, được chôn cất ở chân núi Tam tầng, thuộc dãy núi Ngự Bình, đến năm 1922 cô Nguyễn Thị Thanh đưa hài cốt mẹ về chôn cất tại Làng Sen, năm 1942 cậu Nghuyễn Sinh Khiêm đưa bà lên an táng tại ngọn núi Động Tranh, dãy núi Đại Huệ, xã Nam Giang, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An( Vị trí Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan hiện nay)
Được tin vợ qua đời, ông Nguyễn Sinh Sắc vội trở lại Huế, đưa con về quê. Sau khi thu xếp cuộc sống cho các con, được sự động viên của bà con trong họ ngoài làng, ông Nguyễn Sinh Sắc lại vào Huế dự kỳ thi hội năm Tân Sửu. Lần này đi thi ông mang tên mới là Nguyễn Sinh Huy.
Năm 1901, Nguyễn Sinh Cung theo cha trở về quê hương sống tại làng Hoàng Trù, về quê hương Nguyễn Sinh Cung được bà ngoại gửi đi học chữ Hán với thầy giáo Hoàng Phan Quỳnh tại làng Hữu Biệt, cách Hoàng Trù khoảng 3 km, trong ngôi nhà thờ của họ Phan Trọng (nay thuộc xã Nam Giang).
Tháng 5/1901, ông Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng khoa thi hội Tân Sửu.Ông được nhà vua cho hưởng lễ Vinh quy bái tổ, được nhà vua ban tặng biển “Ân tứ ninh gia” và cờ “Phó bảng phát khoa”(Cờ được đưa vào nhà thờ tổ họ Nguyễn Sinh). ông đưa các con  Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung về sống tại Làng Sen. Lúc này Ông Nguyễn Sinh Sắc vào sổ Làng cho 2 con trai, Nguyễn sinh Cung là Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Sinh Khiêm là Nguyễn Tất Đạt.
Năm 1902, Nguyễn Tất Thành được cha cho theo học với thầy giáo Vương Thúc Quý tại Làng Sen. Thầy Vương Thúc Quý là con trai của thủ lĩnh Chung nghĩa binh chống Pháp - Tú tài Vương Thúc Mậu, thầy Quý đỗ Cử nhân nhưng không ra làm quan. Ông Nguyễn Sinh Sắc muốn Nguyễn Tất Thành học chữ của thầy, nhưng điều quan trọng hơn là muốn học lòng yêu nước, thương dân của thầy Quý. Sống trong sự dò la của bộ máy thống trị từ làng đến tỉnh, nhưng thầy Quý không hề ngần ngại dạy cho học trò tư tưởng yêu nước, thương dân và chí làm trai phải giúp ích cho đời. Vào thời gian này, Nguyễn Tất Thành đã tỏ rõ là một học sinh nhanh nhẹn, thông minh, có trí nhớ tốt và bước đầu có những suy nghĩ sâu sắc. Điều này cũng do ảnh hưởng cách dạy của thầy Vương Thúc Quý, thầy thường dạy cho học sinh cách suy nghĩ để hiểu, chứ không theo cách “tầm chương trích cú”. Một lần thắp đèn, dầu vương ra sách, để thử sức học của học trò, thầy Quý ra câu đối:“Thắp đèn lên dầu vương ra đế”. Một học trò lớn tuổi liền đối một câu rất chỉnh:
“Đốt nhang rồi gió quạt bay tàn”.
Nguyễn Tất Thành cũng xin đối:
“Cưỡi ngựa dong thẳng Tấn lên Đường”
          Trong vế ra của thầy Quý có các từ “vương” và “đế”, vừa có nghĩa là “để dầu vương vãi ra đế đèn”, vừa ngụ ý chỉ các “bậc vua chúa, hoàng đế”; câu đối của Nguyễn Tất Thành có từ “Tấn” và “Đường”, vừa có nghĩa là “tiến lên đường” vừa hàm ý chỉ hai triều đại phong kiến trong lịch sử Trung Quốc - nhà Tấn xưng vương và nhà Đường xưng đế. Rõ ràng câu đối của Nguyễn Tất Thành rất chỉnh mà lại tỏ ra có khí phách của một con người luôn muốn vươn lên, không chịu khuất phục, nên được thầy khen. Nguyễn Tất Thành chỉ học với thầy Quý một thời gian ngắn, nhưng đã tiếp nhận ở thầy tấm lòng yêu nước, ý chí cầu tiến mạnh mẽ, có lối học thông minh, thanh thoát, không nệ cổ… Vì vậy, dù trước đó Thành đã đi học với các thầy giáo khác rồi, song cụ Sắc vẫn xem cụ Quý là “thầy giáo khai tâm” của con mình. Cụ muốn lấy thầy Quý, người đạo đức, học rộng, chữ viết đẹp, làm gương cho con mình noi theo. Những năm tháng học chữ Hán với các thầy đồ ở quê không chỉ đem lại cho Nguyễn Tất Thành “dăm ba chữ thánh hiền” mà còn đặt cơ sở cho việc thấu hiểu đạo lý của Nho giáo để ứng xử trong cuộc sống. Những tri thức đầu tiên tuy đơn giản song sâu sắc nên đã khắc sâu vào tâm trí Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh.
Tại quê nhà, Nguyễn Tất Thành được gửi đến học chữ Hán với các thầy giáo Hoàng Phan Quỳnh, Vương Thúc Quý và sau là thầy Trần Thân. Các thầy đều là những người yêu nước. Nguyễn Tất Thành được nghe nhiều chuyện qua các buổi bàn luận thời cuộc giữa các thầy với các sĩ phu yêu nước. Nguyễn Tất Thành dần dần hiểu được thời cuộc và sự day dứt của các bậc cha chú trước cảnh nước mất, nhà tan. Trong những người mà ông Sắc thường gặp gỡ có ông Phan Bội Châu. Giống như nhiều nhà Nho yêu nước lúc bấy giờ, Phan Bội Châu cũng day dứt trước hiện tình đất nước và số phận của dân tộc. Con người nhiệt huyết ấy trong lúc rượu say vẫn thường ngâm hai câu thơ của Viên Mai:
“Mỗi phạn bất vong duy trúc bạch,
Lập thân tối hạ thị văn chương”.
Nghĩa là:
“Mỗi bữa (ăn) không quên ghi sử sách,
Lập thân hèn nhất ấy (là) văn chương”.
          Câu thơ đã tác động nhiều đến Nguyễn Tất Thành và góp phần định hướng cho người thiếu niên sớm có hoài bão lớn.
Lớn dần lên, càng đi vào cuộc sống của người dân địa phương, Nguyễn Tất Thành càng thấm thía thân phận cùng khổ của người dân mất nước. Đó là nạn thuế khoá nặng nề cùng với việc nhân dân bị bắt làm phu xây dựng đường trong tỉnh, làm đường từ Cửa Rào, đi Xiêng Khoảng (Lào) nơi rừng thiêng nước độc. Những cuộc ra đi không có ngày về, nhân dân lầm than, ai oán.
Năm 1903, Nguyễn Tất Thành cùng anh trai theo cha lên dạy học tại Võ Liệt, huyện Thanh Chương. Giai đoạn đầu ông Sắc dạy học ở nhà thờ họ Lê Kim ở Nguyệt Bổng (nhà thờ này nay vẫn còn ở chân cầu Rộ), sau chuyển sang nhà ông Hàn Kháng, họ Phan ở Võ Liệt - là một họ khoa cử, có người nổi tiếng như tiến sĩ Phan Sĩ Thực. Ngôi nhà này đã bị tịch thu chia cho nông dân trong cải cách ruộng đất).
Năm 1904, bà ngoại Nguyễn Tất Thành ốm nặng và qua đời, ông Nguyễn Sinh Sắc bận lo việc nhà, Nguyễn Tất Thành được phụ thân gửi đến học chữ Hán với thầy đồ Trần Thân ở làng Ngọc Đình một thời gian ngắn. Sau này Nguyễn Tất Thành theo cha đến nhiều nơi như thôn Hạ; làng Đông Thái; làng Trung Lễ tổng Du Đồng phủ Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh quê hương của cụ Phan Đình Phùng…
Tháng 5/1905, Phan Bội Châu cử một thanh niên tên là Nguyễn Thức Canh đến Kim Liên tìm Nguyễn Tất Thành để rủ anh đi sang Nhật, nhưng Nguyễn Tất Thành còn đi theo cha ra Bắc nên không gặp được.
Tháng 7/1905, Nguyễn Tất Thành theo cha đến huyện Kiến Xương, Thái Bình, khi ông Nguyễn Sinh Sắc đi gặp một số sĩ phu đất Bắc trong số đó có ông Nguyễn Quang Đoàn, con trai nhà sỹ phu yêu nước Nguyễn Quang Bích.
 Những chuyến đi này giúp Nguyễn Tất Thành mở rộng thêm tầm nhìn và tầm suy nghĩ. Anh nhận thấy ở đâu người dân cũng lam lũ đói khổ, nên dường như trong họ đang âm ỉ những đốm lửa muốn thiêu cháy bọn áp bức bóc lột thực dân phong kiến. Trước cảnh thống khổ của nhân dân, anh đã sớm “có chí đuổi thực dân Pháp giải phóng đồng bào”.
Tháng 9/1905, thực hiện Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, loại trường Pháp - bản xứ (École franco-indigène) được mở tại Vinh, tỉnh lỵ của Nghệ An, với lớp đầu tiên của bậc tiểu học, thường gọi là lớp dự bị (Cours préparatoire). Chương trình học nặng về tiếng Pháp, chỉ có một số ít giờ học chữ Hán.
Ngay khi trường mới được thành lập, Nguyễn Tất Thành và anh trai là Nguyễn Tất Đạt được cha xin cho theo học lớp dự bị Trường tiểu học Pháp - bản xứ ở thành phố Vinh. Tại đây, lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành nhìn thấy dòng chữ “LIBERTÉ, ÉGALITÉ, FRATERNITÉ” (Tự do - Bình đẳng - Bác ái). Nguyễn Tất Thành tìm hiểu và biết đó là khẩu hiệu nổi tiếng của Đại Cách mạng Pháp năm 1789. Đối với Nguyễn Tất Thành, đó là những điều hoàn toàn mới lạ, vì vậy, rất tự nhiên, anh nảy ra ý muốn “tìm hiểu những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”.
Tuy nhiên, chưa hết năm học, khoảng cuối tháng 4/1906, Nguyễn Tất Thành dừng học ở trường Pháp - bản xứ tại thành phố Vinh để cùng cha lên đường vào Huế khi ông Nguyễn Sinh Huy vào nhận chức quan sau nhiều lần từ chối việc vào Huế làm quan.
Tháng 5/1906, Nguyễn Tất Thành cùng Nguyễn Tất Đạt theo cha vào Huế lần thứ hai trong dịp ông Nguyễn Sinh Sắc vào kinh đô Huế nhậm chức. Những người đỗ cùng khoa với ông Nguyễn Sinh Sắc đều đi làm thừa biện từ năm 1903, sau kỳ thi hai năm. Ông Nguyễn Sinh Huy không muốn đi làm quan, đã một vài lần lấy cớ ốm đau, chịu tang mẹ vợ... để nấn ná ở lại quê nhà. Song không thể trì hoãn thêm được nữa, ông phải vào Huế để chờ bổ nhiệm. Nhiều người vẫn nói “người ta làm quan để vinh thân, còn ông làm quan để che thân”.
Ngày 6/6/1906, ông Nguyễn Sinh Sắc được triều đình bổ nhiệm làm Thừa biện Bộ Lễ với hàm Hàn Lâm kiểm thảo tòng thất phẩm,[1] ông được phụ trách “công việc trường ốc”, trông coi việc học hành của trường Quốc Tử Giám nên thường xuyên có mặt ở Di luân đường (dùng làm giảng đường) của Quốc Tử Giám.
Từ tháng 7/1906, Nguyễn Tất Thành cùng cha và anh ở tại căn buồng trong dãy “thuộc viên”[2] cấp cho ông Nguyễn Sinh Sắc gần cửa thành Đông Ba. Dãy nhà này nguyên là trại lính “Phòng thành”, được sữa chữa lại làm nơi ở cho các quan nhỏ làm việc trong sáu bộ của Hoàng Triều. Anh em Nguyễn Tất Thành ngoài giờ học thay nhau lo việc nội trợ giúp cha.
Vào làm quan, ông Nguyễn Sinh Sắc càng thấu hiểu sự thối nát của triều đình phong kiến nhà Nguyễn và nỗi oán hờn của nhân dân ta đối với bọn chúng, ông chua xót nhận xét rằng:
“Quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ hựu nô lệ”
( Tại Di Luân Đường - Nơi Bác thường theo cha đi dự các buổi bình thơ, nay là ngôi nhà đường Hai tháng Tám)
           Nghĩa là: Quan trường là nô lệ, trong đám người nô lệ lại càng nô lệ hơn.
          Lúc bấy giờ các phong trào yêu nước do các sĩ phu khởi xướng với nhiều xu hướng khác nhau. Người thì ủng hộ chủ trương của Phan Bội Châu, người thì tán thành theo Phan Chu Trinh, có người lại theo xu hướng Duy Tân của “Đông kinh nghĩa thục” ở Hà Nội… Ông Nguyễn Sinh Sắc tuy cùng tham gia bình luận với các sĩ phu nhưng ông chưa hoàn toàn tin tưởng ở một chủ trương cứu nước nào. Ông cũng là người thức thời không bảo thủ, ông tán thành quan điểm của ông nghè Nguyễn Quý Song: “Muốn đánh Pháp phải hiểu Pháp, muốn hiểu Pháp phải biết tiếng Pháp”, ông cho con vào trường Pháp - Việt học tiếng Tây. 
Tháng 9/1906, Nguyễn Tất Thành cùng anh trai được cha xin vào học lớp dự bị tại trường tiểu học Pháp – Việt tỉnh Thừa Thiên, niên khóa 1906-1907, và tiếp đó theo học lớp sơ đẳng vào năm 1907-1908.
Trường tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên (trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba) được thành lập năm 1905, trên nền Đình chợ Đông Ba cũ, lúc đầu trường có tên “Thừa Thiên Pháp - Việt trường”. Đây là trường Pháp - Việt bậc tiểu học đầu tiên ở Huế. Trường dạy cả ba thứ chữ: Chữ quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán.
 Ngoài việc học ở nhà trường, Nguyễn Tất Thành còn thường xuyên nhờ người mượn sách ở Lầu tàng thư (nơi lưu trữ sách và các loại văn thư của triều Nguyễn) về đọc mở mang kiến thức, hiểu biết. Ngoài những kiến thức được học tại trường, những sự kiện chính trị mới cũng có tác động rất lớn người thanh niên trẻ Nguyễn Sinh Cung.
Tháng 4/1908, kinh đô Huế xôn xáo, náo động vì sự kiện: Do bị mất mùa liên tiếp 3 năm, nông dân sáu huyện của tỉnh Thừa Thiên kéo nhau về kinh thành, bà con vây quanh tòa Khâm sứ ở cầu Tràng Tiền để đòi giảm sưu, giảm thuế. “Họ đi tay không. Họ chỉ đòi giảm thuế. Để tỏ tình đoàn kết nhất trí, họ đều cắt tóc ngắn và gọi nhau là đồng bào”.
Trong thời gian ở quê nhà, cũng như thời gian ở Huế, cậu bé Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành đã nhìn thấy cảnh khổ cực, bị bóc lột trăm bề của nhân dân lao động, nhất là nạn sưu cao thuế nặng. Người cũng đã chứng kiến những cuộc đấu tranh của nhân dân lao động ở hai bên bờ sông Hương, trên cầu Tràng Tiền. Nguyễn Sinh Côn khi đó đang học gần cuối năm học sơ đẳng tại trường Trường tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên cũng tham gia những cuộc biểu tình này, khởi đầu cho cuộc tranh đấu suốt đời Người vì quyền lợi của nhân dân lao động.
Người thường đội chiếc mũ đập bẹp chóp để tỏ thái độ phản đối và đi đầu đoàn biểu tình để làm phiên dịch tiếng Pháp và đã trở thành một trong những hạt nhân của cuộc đấu tranh. Là phiên dịch nên khi đại biểu “nhân dân nói những gì chưa đúng, khi dịch lại Người thêm cho rõ nghĩa. Khi Pháp nói những gì xúc phạm đến đồng bào, Bác dịch lại thật to để nhen thêm ngọn lửa căm thù trong nhân dân, sự tác động đó trở thành sức mạnh của đoàn biểu tình”. (theo lời kể của đồng chí Vũ Kì – thư kí của Bác với lãnh đạo tỉnh Bình Trị Thiên năm 1979). Cuộc biểu tình kéo dài mấy ngày liền. Pháp đưa lính từ đồn Mang Cá lên bắn vào đoàn biểu tình tay không. Nhiều người bị đẩy xuống sông, máu loang trên cầu Tràng Tiền… Cuộc biểu tình chống thuế từ Huế lan ra các tỉnh Trung Bộ. Nhà cầm quyền Pháp đã đàn áp thẳng tay. Các chí sĩ yêu nước Trần Quý Cáp, Nguyễn Hằng Chi bị xử chém, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế bị đi đầy Côn Đảo. Cụ Phan Châu Trinh bị kêu án tử hình sau giảm xuống chung thân cũng bị đưa đi đày ở đảo Côn Lôn trong dịp này. Vì những hoạt động yêu nước, tham gia cuộc đấu tranh của nông dân, Nguyễn Tất Thành đã bị Thực dân Pháp để ý, theo dõi. Ông Nguyễn Sinh Sắc cũng bị chúng khiển trách với lí do đã để con trai có những hoạt động bài Pháp. Cả gia đình Bác là địa chỉ đen trong hồ sơ mật thám. Chị Bác, cô Nguyễn Thị Thanh bị tổng đốc gọi lên tra hỏi về việc nuôi dấu thủ lĩnh nghĩa quân Duy Tân hội. Bác và anh trai có tên trong hồ sơ mật thám Trung Kì.
Tuy bắt đầu bị thực dân Pháp theo dõi, nhưng tháng 8/1908, Nguyễn Sinh Côn (Tên gọi Nguyễn Tất thành ở Huế) được nhận vào trường Quốc Học Huế, theo thư của ông hiệu trưởng Quốc học Huế Sôkê gửi ông Khâm sứ Trung Kỳ. Tháng 9/1908, Nguyễn Tất Thành vào lớp Trung đẳng tại trường Quốc học Huế.
Trường Quốc học Huế được thành lập năm 1896 do Toàn quyền Đông Dương A.Rousseau ký, nhằm đào tạo một lớp công chức mới, lấy tên là Quốc học (Quốc gia học đường). Trường này sẽ đặt dưới quyền kiểm khán của ông Khâm sứ Trung kỳ. Là một loại trường đặc biệt, nên đối tượng được chọn vào trường Quốc học được quy định khắt khe: “Ngoài học sinh trường Quốc Tử Giám và Trường Hành Nhơn cũ, không một học sinh nào được nhận vào Trường Quốc học nếu chưa đủ 15 tuổi và quá 20 tuổi. Các đối tượng được vào học là:
1. Các công tử con hoàng thân.
2. Các tôn sinh con cháu các chi nhánh trong hoàng gia.
3. Các ấm tử hoặc những con quan mà được hưởng đặc quyền.
4. Học sinh trường Hành Nhơn và học sinh trường Quốc Tử Giám.
Thời kì này, Quốc học Huế có các lớp sơ đẳng, trung đẳng và cao đẳng. Trường dạy Pháp văn, Việt văn và Hán văn, ngoài ra còn dạy các môn khoa học khác. Tiếng Pháp là ngôn ngữ chính dạy trong trường. Trong thời gian học tại trường Quốc học Huế, Nguyễn Tất Thành được tiếp xúc nhiều với sách báo Pháp, cậu mượn cả sách báo mượn của những người lính lê dương trong quân đội Pháp.
Các thầy giáo của Trường Quốc học Huế có cả người Pháp và người Việt Nam, trong đó có những người yêu nước như thầy Hoàng Thông, thầy Lê Văn Miến. Và người có ảnh hưởng lớn tới Nguyễn Tất Thành là thầy Lê Văn Miến – một thầy giáo yêu nước, ông đã từng học xong trường Thuộc Địa và chuyển sang trường mĩ thuật Pari. Ông thường dành thời gian để nói chuyện với học sinh về những thành tựu dân chủ và văn minh của Phương Tây đồng thời luôn giáo dục học trò không quên giang sơn tổ quốc. Ảnh hưởng của những thầy giáo tân học như Lê Văn Miến và những sách báo tiến bộ mà anh được tiếp xúc, ý muốn đi sang phương Tây để tìm hiểu tình hình các nước và học hỏi thành tựu văn minh nhân loại đã từng bước lớn dần lên trong tâm trí Nguyễn Tất Thành.
Năm Nguyễn Tất Thành vào trường Quốc học cũng là thời kỳ mà Tân thư của Trung Quốc được lưu hành ở nhiều nơi, đặc biệt là trong giới sĩ phu yêu nước. Những tư tưởng cải cách của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu ở Trung Quốc đã thức tỉnh một số không nhỏ những người có học. Đất Thừa Thiên cũng dấy lên các phong trào đòi cải cách thông qua nhiều hình thức vận động, trong đó có cả cuộc vận động cắt tóc ngắn. Nguyễn Tất Thành đã tham gia vào phong trào cắt tóc ấy. Sau này, có lần Người kể lại, ngoài giờ học, Bác cũng cầm kéo ra chợ, vận động đồng bào cắt tóc, vừa cắt tóc giúp đồng bào vừa đọc bài vè cổ động cắt tóc:
Tay trái cầm lược/Tay phải cầm kéo/Cúp hề, cúp hề!
Bỏ cái ngu này/Bỏ cái dại này/ Cúp hề, cúp hề.
 Khi vào dạy học ở Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành đã đọc bài ca hớt tóc cho học trò trường Dục Thanh chép và khuấy lên phong trào hớt tóc ở Phan Thiết.
Trong thời gian ở Huế, Nguyễn Tất Thành nhìn thấy sự thối nát của các triều đại vua chúa và Bác thấy rõ bản chất của bọn thực dân Pháp. Hằng ngày trong lớp học, thầy giáo Pháp vẫn giảng rằng họ đem văn minh đến cho Việt Nam, Pháp bảo hộ và khai hóa đất nước Việt Nam, đem lại tự do, bình đẳng và bác ái cho mọi người. Nhưng những điều Bác nhìn thấy thì hoàn toàn trái ngược lại, người nông dân làm ra lúa gạo không có cơm ăn, thức ăn là nước muối pha loãng. Người nông dân làm việc cật lực thì lương rất thấp, họ bị đánh đập, mắng chửi thậm tệ. Chính bọn lính Pháp đã xả súng bắn vào những nhân dân biểu tình gây đổ máu ở cầu Tràng Tiền, chúng sai rải cát quét đi hàng tuần lễ mới hết… Những thực tế đó đã đặt ra cho Bác nhiều câu hỏi. Bác nhớ như in lời kêu gọi của cụ Nguyễn Hằng Chi nhà giáo bạn của cha Bác, người Hà Tĩnh đang dạy học ở Quảng Nam. Trong lời kêu gọi có đoạn: “Giặc Pháp mượn tiếng bảo hộ để ngược đãi nhân dân ta đã quá lắm. Hàng năm nộp thuế xong rồi người không chiếc áo lành, bụng không được no, khổ hết chỗ nói, nếu không một phen đứng dậy tỏ trình kêu nài thì sưu thuế hãy còn tăng mãi. Dân ta mười nhà thì chín nhà trống không, khó lòng gánh chịu được, Không lẽ cứ ngồi mà chịu chết. Chi bằng vùng đứng dậy để tìm lối sống”. Những ảnh hưởng từ những người thầy yêu nước, những sách báo tiến bộ và đặc biệt là chứng kiến cuộc sống khổ cực của người dân đang diễn ra trước mắt đã khiến chàng thanh niên yêu nước đặt ra câu hỏi: Ở đâu có bình đẳng bác ái? Tại sao quần chúng nhân dân đấu tranh hăng hái như vậy mà không thành công? Cách mạng Pháp đã làm như thế nào? Nguyễn Tất Thành tin ở dân, tin vào ý chí, sức mạnh của dân và chính niềm tin đó đã thôi thúc cậu bỏ trường Quốc học Huế - một thiên đường trường học ở Việt Nam lúc bấy giờ để ra đi. Ý định sang Tây, sang Pháp nảy mầm từ khi còn ở nhà, đến Huế càng được tô đậm và hình thành rõ nét.
Khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6/1909, Nguyễn Sinh Sắc cùng hai cậu con trai có mặt ở Bình Định để chấm thi[3], sau đó được bổ nhiệm chức đồng tri phủ lãnh chức tri huyện Bình Khê, Bình Định (nay là huyện Tây Sơn của tỉnh Bình Định).[4]
Trong thời gian ở Bình Định, Nguyễn Tất Thành thường được cha dẫn đi thăm các sĩ phu trong vùng và thăm di tích lịch sử vùng Tây Sơn đặc biệt thăm nơi ở xưa của Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ, ngày đó còn gọi là cái nền nhà, giếng xưa và 2 cây me đại thụ; thăm nhà của nữ tướng Bùi Thị Xuân. Có khi Bác theo cha và cụ Thọ đi thăm cụ Đào Tấn, một nhà văn hóa lớn và là một Tổng đốc yêu nước, thương dân. Ông đã từng làm Tổng đốc Nghệ An, rất thân thiết với cụ Nguyễn Sinh Sắc. Nhà cụ Đào Tấn ở làng Vĩnh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước. Trong thời gian ở đây, Tất Thành cũng theo các bạn thăm di tích thắng cảnh Quy Nhơn, Bình Định.
Cuối năm 1909, ông Nguyễn Sinh Sắc hiểu khả năng và chí hướng người con trai thứ của mình nên để Tất Đạt theo giúp việc cho mình và đã tạo điều kiện cho Tất Thành được tiếp tục học lên chương trình lớp cao đẳng (lớp nhất – cours supérieur), tại Trường tiểu học Pháp – Việt Quy Nhơn với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ[5].
Trong thời gian làm quan tri huyện tại Bình Khê, ông Nguyễn Sinh Sắc “thường xử hòa các vụ kiện, hoặc đứng ra bênh vực người nghèo, ông thả những người tù yêu nước. Cụ ít nghĩ tới “việc quan” mà chỉ thường hay đi đây đi đó thăm hỏi nhân dân, đồng bào”[6]. Một lần để bảo vệ công lý, cụ đã thẳng tay trừng trị tên cường hào Tạ Đức Quang bằng phạt roi và hắn đã chết vài tháng sau đó nên bị triều đình giáng chức 4 cấp, từ thừa biện bộ lễ xuống làm thường dân.[7] Vụ án oan này làm cho người thanh niên Nguyễn Tất Thành thấy rõ bản chất thối nát của chế độ thực dân phong kiến và càng thôi thúc ý chí ra đi tìm đường cứu nước.
Tháng 3/1910, Nguyễn Tất Thành từ Quy Nhơn đến “dịch xá” (là nơi lưu lại của các quan huyện khi về tỉnh) của tỉnh thành Bình Định để gặp gỡ trước khi cha và anh trai về Huế. Thấy Nguyễn Tất Thành đến tìm mình, ông Nguyễn Sinh Sắc hỏi con: - Con đến đây làm gì?Con đến đây tìm cha. Ông đã nghiêm giọng với con rằng:“Nước mất con không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì”. Là người hiểu sâu sắc về đạo hiếu, cụ Sắc nghiêm giọng nói với Nguyễn Tất Thành như vậy là mong muốn Người nên vì đại nghĩa (đại hiếu) mà quyết tâm ra đi “tìm nước”, chứ không nên bịn rịn, luẩn quẩn với chữ hiếu thông thường. Mong Nguyễn Tất Thành hoàn thành đại hiếu với cha như vậy cũng đồng nghĩa là trung với nước, hiếu với dân. Tại đây, Nguyễn Tất Thành đã có dịp bàn thảo với cha và cụ Phó bảng hoàn toàn ủng hộ sự lựa chọn của con trai, cho rằng đó là con đường duy nhất lúc này.
Sự giáo dục của Nguyễn Sinh Sắc không chỉ truyền cho các con trí tuệ, học vấn, mà còn truyền lòng nhiệt huyết, chí khí mạnh mẽ và động lực vượt qua mọi gian nan để vươn tới sự nghiệp lớn cứu nước, cứu dân, giải phóng dân tộc. Tính cách, ý chí của người dân xứ Nghệ, lòng yêu nước, thương dân của cụ Nguyễn Sinh Sắc đã ảnh hưởng sâu sắc tới Nguyễn Tất Thành và theo suốt cuộc đời Hồ Chí Minh sau này.
Năm 1910, thầy Phạm Ngọc Thọ được điều vào dạy học ở Phan Thiết, trước biến cố mới của gia đình, Nguyễn Tất Thành quyết định không theo cha trở về Huế mà đi tiếp xuống phía Nam, Người rời Quy Nhơn vào Phan Thiết khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9/1910, cùng đi với thầy Phạm Ngọc Thọ.[8]
Như vậy, sau khi rời Huế, miền Nam có 3 nơi Bác dừng chân là Bình Định, Phan Thiết và Sài Gòn. Bác lưu lại Sài Gòn 4 tháng, từ tháng 2 đến ngày 5/6. Tại Phan Thiết Bác dạy ở Trường Dục Thanh chưa đầy 6 tháng. Như vậy Bình Định là nơi Bác dừng chân lâu nhất trong thời gian ở miền Nam khoảng hơn 1 năm. Bình Định là nơi ba cha con Bác sum họp lần cuối cùng. Ngày Bác rời Quy Nhơn cũng là lúc triều đình Huế có quyết định triệu hồi cha Bác để giáng chức. Cuộc hàn huyên cuối cùng với cha ở Quy Nhơn đã khắc sâu trong tâm trí Bác: “Thương cha phải tìm đường cứu nước”. Đường cứu nước đã hình thành từ Huế, nhưng được làm đậm nét nhất là từ mảnh đất Quy Nhơn. Hành trang của Bác là lòng yêu nước được hun đúc, được khích lệ bởi truyền thống quật khởi của người anh hùng Quang Trung – Nguyễn Huệ. Tại đây, Bác đã hiểu rõ hơn về chế độ thực dân phong kiến, được trang bị thêm học thức và tiếng Pháp, một ngôn ngữ rất cần thiết khi đến xứ người. Trong lần gặp Bác sĩ anh hùng Phạm Ngọc Thạch ở Hà Nội, Bác nói: “Bác đã ở gia đình chú tại Quy Nhơn khá lâu”, “Bình Định là nơi để trong Bác nhiều kỷ niệm sâu sắc” và Bác cảm ơn cụ thân sinh của bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã giúp đỡ, dạy dỗ Bác rất nhiều trong những ngày thanh niên ấy. Bác nhớ nhiều nơi ở Bình Định, đặc biệt là quê hương dấy binh của Hoàng đế Quang Trung với dòng sông Côn hiền hòa xinh đẹp.
Sau khi rời Bình Định trên đường vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành vào Duồng, một làng biển sầm uất của xã Chí Công (Tuy Phong, Bình Thuận) và gặp được ông Nghè Trương Gia Mô, một người bạn thân của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.[9] Sau đó cụ Mô vào Phan Thiết – Bình Thuận gặp các nhân sĩ sáng lập Liên Thành (một tổ chức yêu nước ở Phan Thiết) để bàn cách giúp đỡ người con cụ Phó bảng. Đề nghị của cụ Mô đã được ông Nguyễn Quí Anh (con trai cụ Nguyễn Thông- một nhân sĩ yêu nước) chấp thuận, nên Nguyễn Tất Thành đã được vào dạy học ở Dục Thanh - một trường tư thục do các ông Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh thành lập năm 1907.
Nguyễn Tất Thành đến Phan Thiết được giới thiệu vào làm trợ giảng môn thể dục tại trường Dục Thanh, đúng vào dịp nhà trường mới khai giảng.
Trường Dục Thanh được đặt ngay trong khuôn viên của gia đình cụ Nguyễn Thông, một nhà nho yêu nước (Ông Nguyễn Quý Anh con trai cụ làm hiệu trưởng). Trường có 4 lớp: Lớp tư, lớp ba, lớp nhì, lớp nhất. Học trò được học Hán văn, Pháp văn, và Việt văn. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành được tuyển làm trợ giáo môn thể dục, 
Đồng thời phụ trách các hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Đối với Nguyễn Tất Thành việc dạy học chỉ là tạm thời nhưng anh đã đem hết nhiệt huyết truyền thụ cho học sinh lòng yêu nước và những suy nghĩ về vận mệnh đất nước. Những học trò được thầy Thành dạy vẫn còn nhớ bài thơ yêu nước thầy truyền bá cho học sinh:
Nước Nam ta từ thời Hồng Lạc/ Mấy ngàn năm khai thác đến nay
Á châu riêng một cõi này/ Giống vàng ta cũng xưa nay một loài.
Thầy giáo Nguyễn Tất Thành được học trò yêu quý vì thầy yêu thương học sinh hết mực và giáo dục học trò nhẹ nhàng mà thấm thía.
 Tỉnh Bình Thuận nói chung và thị xã Phan Thiết nói riêng nằm ở cuối miền Trung, là đất giáp ranh giữa Trung Kỳ của nhà vua triều Nguyễn với Nam Kỳ thuộc quyền cai trị trực tiếp của thực dân Pháp. Nhiều sĩ phu yêu nước đã từng lánh nạn ở đây tiêu biểu có cụ Phan Chu Trinh với chủ trương: “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Các sĩ phu yêu nước đã tán thành đường lối yêu nước của ông, lần lượt lập ra Hội Liên Thành, Liên Thành Thương quán phát triển kinh tế để “hậu dân sinh”, lập Liên Thành Thư xã và trường Dục Thanh để “khai dân trí”, đi diễn thuyết cổ động đồng báo để “chấn dân khí”. Nguyễn Tất Thành khâm phục lòng yêu nước của Phan Châu Trinh nhưng chưa hoàn toàn tán thành đường lối của ông.[10]
Làm thầy giáo chưa phải là cái đích của Nguyễn Tất Thành, nhưng trên chặng đường dài dừng chân lấy sức mà được làm thầy giáo ở một trường tiến bộ, dạy theo đúng ý của mình, nói cách khác là có dịp truyền tình yêu đất nước đến các em là một điều ngoài sự mong muốn. Ngoài giờ lên lớp, Nguyễn Tất Thành tìm những cuốn sách quý trong tủ sách của cụ Nguyễn Thông để đọc. Lần đầu tiên anh được tiếp cận với những tư tưởng tiến bộ của các nhà khai sáng Pháp như Rútxô (Rousseau), Vônte (Voltair), Môngtétxkiơ (Montesquieu)... những văn hào và triết gia Pháp đã khởi xướng các thuyết nhân quyền, dân quyền, tự do, bình đẳng, bác ái.[11] Sự tiếp cận với những tư tưởng mới đó càng thôi thúc anh tìm đường đi ra nước ngoài, xem thế giới làm thế nào rồi sẽ trở về giúp đồng bào. Trước mắt, với anh vẫn là con đường học hỏi.
Ngay từ những ngày học ở trường Quốc học Huế, anh thanh niên Nguyễn Tất Thành muốn đi thật xa để tìm những gì ẩn dấu đằng sau những từ “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái”, và chính trong thời gian dạy học tại trường Dục Thanh, thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã quyết định con đường nên đi và ấp ủ kế hoạch ra đi của mình.[12]
Từ  Bình Thuận, Nguyễn Tất Thành đã nhận được “sự chuẩn bị của một đại gia đình bao nhiêu bậc đàn anh trong thế hệ nho sĩ lớp trước” để “đến thành phố Sài Gòn không bị đơn độc và mau chóng làm quen với thành phố Âu hóa này”[13]
Đầu tháng 2/1911 Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn.
Việc Nguyễn Tất Thành chọn Sài Gòn là nơi để đi nước ngoài sau này được lý giải là do lúc bấy giờ Sài Gòn là cửa ngõ của xứ Nam Kỳ có những công ty tàu biển lớn chạy đường Pháp - Đông Dương rất thuận lợi cho việc sang Pháp. Đây cũng là nơi tự do hơn các xứ khác ở Việt Nam trong việc đi lại, tìm kiếm công ăn việc làm, dễ kiếm cơ hội xuất ngoại.
Đến Sài Gòn Anh ở tạm tại trụ sở các chi nhánh của Liên Thành công ty đặt tại Sài Gòn như nhà số 3, đường Tổng đốc Phương (nay là nhà số 5 đường Châu Văn Liêm, nhà số 128 Khánh Hội).
“Đến Sài Gòn, đầu tiên Bác tìm đến nhà người anh em bạn dì của cụ Nghè Mô là ông Lê Văn Đạt tại xóm cầu Rạch Bần, nay là số nhà 185/1 đường Cô Bắc, khi ấy là vựa chiếu. Một thời gian sau, cụ Nghè Mô và ông Hồ Tá Bang đưa Bác đến ở nhà 1-2-3 đường Tecxa, Chợ Lớn, hồi ấy là trụ sở của Thương quán Liên Thành phân cuộc. Những người kế tục của Công ty Liên Thành cho biết, ngày trước 3 gian nhà này chỉ là nhà một tầng, lợp ngói âm dương. Bác ở đây cho đến ngày xuống tàu. Sau ngày miền Nam giải phóng (tháng 4/1975), nơi đây được đổi thành nhà số 3 và 5 đường Châu Văn Liêm (Chợ Lớn), trong đó nhà số 5 được giữ làm di tích nơi Bác Hồ rời Sài Gòn xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước”. (được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử ngày 16/11/1988).[14]
Lần đầu tiên vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành thấy thêm những điều mới lạ, nhất là những cảnh ăn chơi xa hoa dành cho người Pháp, còn người dân Việt Nam thì đa số vẫn rách rưới, lam lũ, làm đủ các nghề nặng nhọc… sống chui rúc trong những túp nhà lụp xụp, tối tăm. Ở đất thuộc địa này, Nguyễn Tất Thành còn thấy rõ hơn sự đối lập giữa hai cảnh sống của bọn thực dân và những người lao động mất nước.
Đầu tháng 3, Nguyễn Tất Thành xin vào học ở một trường dạy nghề trong khoảng 3 tháng.[15] Trong ngót 100 ngày đó, Bác đã dành nhiều thời gian quan sát Sài Gòn. Cái gì đối với Bác cũng mới lạ, từ nhà cửa đến đèn điện, máy nước, xe cộ, chiếu bóng... nhưng điều lạ hơn cả là trong bối cảnh như vậy sao dân mình vẫn khổ sở và bị khinh rẻ. Phải làm gì để cứu dân, cứu nước?
Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên khi nước ta bị thực dân Pháp xâm lăng và đã trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Nhân dân bị nô lệ, đói khổ, lầm than. Quê hương có truyền thống đấu tranh anh dũng, chống giặc ngoại xâm. Thời gian 10 năm sống ở Kinh đô Huế – trung tâm văn hóa, chính trị của đất nước, tiếp xúc với nền văn hóa mới, với phong trào Duy Tân, đã cho Nguyễn Tất Thành nhiều hiểu biết mới. Nhìn lại các phong trào yêu nước như phong trào Cần Vương, mà tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Hương Khê do cụ Phan Đình Phùng lãnh đạo; Phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu; Phong trào Đông Kinh nghĩa thục; cuộc khởi nghĩa Yên Thế do cụ Hoàng Hoa Thám lãnh đạo; cuộc vận động cải cách của cụ Phan Châu Trinh và phong trào chống thuế của nông dân Trung Kỳ, anh rất khâm phục và coi trọng các bậc tiền bối, nhưng Nguyễn Tất Thành không đi theo con đường đó. Thực tiễn thất bại của các phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX đã đặt ra nhiều câu hỏi và tác động đến chí hướng của Nguyễn Tất Thành, để rồi anh có một quyết định chính xác và táo bạo là xuất dương tìm đường cứu nước.
Ngày 3/6/1911, một thuỷ thủ của tàu Amiran Latusơ Tơrevin[16] dẫn Nguyễn Tất Thành với tên gọi là Văn Ba lên tàu gặp thuyền trưởng Maisen để xin việc làm và được nhận vào làm phụ bếp trên tàu.[17]
Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành rời tổ quốc sang phương Tây trong bối cảnh các cuộc đấu tranh yêu nước cuối thế kỉ XX ở Việt Nam đều lần lượt thất bại. Con tàu Latuso Trevin rời bến cảng Sài Gòn[18] đi Mác Xây, mang  theo một người thanh niên Việt Nam giàu lòng yêu nước thương dân ôm ấp một hoài bão lớn lao: Tìm hiểu nền văn minh của thế giới ra sức học hỏi để trở về giúp nước.
Một giai đoạn mới, một bước ngoặt mới mở ra trong cuộc đời Nguyễn Tất Thành.

Bùi Thị Đảm – Phạm Thị Oanh
Phòng Tuyên truyền giáo dục
 
[1] - Quan lại triều Nguyễn gồm có 9 bậc, mỗi bậc có chánh và tòng (như phó). Thừa biện như thư kí, hạng ngạch kém nhất ở triều.
[2] - Quan lại phong kiến chia ra làm hai loại : Loại đường quan và thuộc quan. Đường quan được cấp dinh thự và có lính hầu. Thuộc quan đều ở trong dãy nhà này tên gọi “thuộc viên”. Nay là 47 Mai Thúc Loan.
[3] - Lời khai của bà Nguyễn Thị Thanh với mật thám ngày 7/5/1920 nói rõ lúc thân phụ của bà đi nhậm chức tri huyện Bình Khê có đưa Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Đạt đi cùng. (tài liệu lưu tại bảo tàng Hồ Chí Minh).
-Đối chiếu với tư liệu khác, Bác từng nói với đồng chí Phạm Ngọc Thạch rằng, khi Bác vào Quy Nhơn thì Phạm Ngọc Thạch mới sinh (7/5/1909), như vậy Bác có mặt ở Quy Nhơn cùng lúc thân phụ đến nhậm chức vào đầu tháng 6/1909. (Hồ Chi Minh biên niên tiểu sử, tập 1, 1890-1929, trang 31)
- Ngoài ra, theo ôngTừ Như Huyền Trân (cán bộ Sở Văn hóa - thể thao Bình Định, người biên soạn hồ sơ di tích huyện đường Bình Khê, nay là huyện Tây Sơn) cho biết nhiều hội thảo lịch sử cấp tỉnh ở Bình Định và một số nơi mà Bác Hồ từng đến đã xác định: khi cụ Nguyễn Sinh Sắc từ Huế vào Bình Định nhận công tác có đưa haicon trai là Nguyễn Sinh Khiêm (Nguyễn Tất Đạt) và Nguyễn Sinh Cung (Nguyễn Tất Thành) theo cùng).
[4] - Tri phủ: Quan đứng đầu một phủ - tức một huyện lớn đông dân, Đồng tri phủ là chức quan có thể được giao trách nhiệm cai quản 1-2 huyện lân cận.
[5]-Ông là thân sinh cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch, lúc đó đang là trợ giáo hạng nhì (instituteur auxiliaire 2e classe) của Trường tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn.
(Theo Bảo tàng Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh, các lãnh tụ của Đảng và Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Nghệ An, mà nhiều tác giả đều cho rằng: Nguyễn Tất Thành ở nhà Trợ giáo Phạm Ngọc Thọ, cha bác sĩ Phạm Ngọc Thạch. Kiến giải này dựa vào hồi ức của những người thân ông Thọ và vợ là bà Công tôn nữ Chánh Tín. Hơn nữa, đây chính là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tại Hà Nội cuối năm 1945, mà ông Vũ Kỳ - thư ký của Người chứng kiến và công bố tại Hội thảo khoa học về thiếu thời Bác Hồ ở Phan Thiết (5/1986) và Hà Nội (2/1987).
[6] - Trích Từ Làng Sen đến bến nhà Rồng, trang 167.
[7] -Tư liệu văn bản đương thời của Pháp và Nam Triều cho thông tin: phải hơn bảy tháng (từ ngày 17/1 đến 27/8/1910) mới xử lý xong vụ án “lạm quyền” của Tri huyện Bình Khê Nguyễn Sinh Huy.
[8] - Từ năm 1947, trên Báo Lên Đàng xuất bản tại Sài Gòn, Thiếu lăng quân Nguyễn Tài Tư trong bài Nhà nữ cách mạng Bạch Liên... đã viết: “anh Thành cùng ông Thọ vào Nam mùa hè 1910”.
- Hồ Chí Minh tiểu sử, NXB lý luận chính trị, 2006, trang 37.
-Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, NXB chính trị quốc gia, 2006, ttrang 34.
[9] - Theo tài liệu của bà Ngô Thị Mùi, Phó giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, chi nhánh Bình Thuận.
[10]- Hồ Chí Minh tiểu sử, NXB lý luận chính trị, 2006, trang 37, 38,40.
[11] - Kỷ yếu Hội thảo khoa học tại Thuận Hải về Bác Hồ với trường Dục Thanh, tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
[12] - Vàng trong lửa, Ban KHXH thành ủy, thành phố HCM, trang I-40.
[13]- Vàng trong lửa, Ban KHXH thành ủy, thành phố HCM.
[14] - Trích Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng, NXB thanh niên, trang 191
[15] - Một số ý kiến cho rằng Nguyễn Tất Thành có thể đã vào học một trong các trường dạy nghề sau đây: Trường đào tạo công nhân Hàng Hải của xưởng Ba Son; Trường cơ khí Á Châu Sài Gòn ( Kĩ thuật Cao Thắng ngày nay); Trường Bá Nghệ (Trường kĩ thuật và nghiệp vụ công nghiệp). Hiện nay, ở cả 3 nơi đều chưa có tài liệu đầy đủ để xác định nhưng “có thể tạm khẳng định chắc chắn Bác Hồ có vào học ở một trường dạy nghề đào tạo công nhân cơ khí hay công nhân hàng hải nào đó” (Lê Quốc Sử - Hội thảo năm 1985)
 
[16] - Tàu A.L. Tơrêvin được đóng tại xưởng Sinazaire (Pháp) hạ thủy năm 1901, đăng ký tại cảng Lơ Havơrơ năm 1904, dài 110,02m; rộng 15,21m; cao 8,046m; sức chở 3436 tấn; tốc độ tối đa 12 hải lý/giờ.
[17] - Thủy thủ được nhận lương “mỗi nhân viên Việt Nam được từ một trăm đến hai trăm quan, thêm vào đấy tiền thưởng của hành khách. Anh Ba là phụ bếp chỉ được mười quan” (Trần Dân Tiên. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch).
[18] - Vị trí bến tàu Nguyễn Tất Thành ra đi cũng đang được xác định, từ bến nhà Rồng bên Khánh Hội hay bến Thương Cảng Sài Gòn đầu đường Nguyễn Huệ thẳng ra hiện nay. Ông Nguyễn Đình Đầu, nhà Địa Sử học đã chứng minh rằng thời kì 1911- 1913 bến Nhà Rồng (Khánh Hội), tàu lớn chưa đậu được và chiếc tàu A.L. Tơrêvin chỉ ra vào được bến Nguyễn Huệ (Cầu tàu Charnel) trong thời gian đó (Hội thảo 1985).

Thông tin tham quan

Liên kết website