CÔNG TRÌNH NHỎ, Ý NGHĨA LỚN
15/05/2018 2:19:48 CH
Trong bài thơ “Về thăm nhà Bác”, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã từng viết: “Về thăm nhà Bác, làng Sen Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng Có con bướm trắng lượn vòng Có chùm ổi chín vàng ong sắc trời”. Đã từ lâu, trong tiềm thức của mỗi một người dân Việt Nam, loài hoa râm bụt – một loài hoa mộc mạc, dân dã nhưng rất thanh cao đã gắn liền với quê hương, với tuổi thơ của Bác Hồ kính yêu. Nhắc đến quê Bác, nhà Bác là ai cũng nghĩ ngay đến những hàng râm bụt xanh mướt với những bông hoa đỏ thắm.

Trong bài thơ “Về thăm nhà Bác”, nhà thơ Nguyễn Đức Mậu đã từng viết:
“Về thăm nhà Bác, làng Sen
Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng
Có con bướm trắng lượn vòng
Có chùm ổi chín vàng ong sắc trời”.

Đã từ lâu, trong tiềm thức của mỗi một người dân Việt Nam, loài hoa râm bụt – một loài hoa mộc mạc, dân dã nhưng rất thanh cao đã gắn liền với quê hương, với tuổi thơ của Bác Hồ kính yêu. Nhắc đến quê Bác, nhà Bác là ai cũng nghĩ ngay đến những hàng râm bụt xanh mướt với những bông hoa đỏ thắm.
Với Bác Hồ, hoa râm bụt là hoa của tình yêu quê hương, đất nước, con người; hoa của tuổi thơ, của quê nhà và loài hoa ấy đã đi theo Người trong suốt những năm dài hoạt động cách mạng.
Hồi hoạt động cách mạng ở Thái Lan (1929), mặc dù rất bận rộn, nhưng có thời gian rảnh là Bác Hồ rủ các cán bộ cùng đi lấy cây râm bụt về trồng quanh nhà. Bác giải thích: Đây là giống cây ở quê nhà, trồng để luôn nhớ đến quê hương.
Sau khi trở về Tổ quốc, Người vẫn thường trồng loài cây này quanh những nơi Người ở. Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ, Bác thích trồng cây râm bụt làm bờ rào, trang trí khuôn viên. Bác hay nhắc anh em trong cơ quan: “Ngoài làng thì trồng cây đa, quanh vườn nhà trồng cây râm bụt”. Nề nếp gia phong, tập tục quê hương là nét khởi thủy góp phần hình thành tính cách của con người. Bác từng dùng câu chuyện về cây râm bụt để nhắc nhở anh em cận vệ: “Nhìn bờ râm bụt nhớ mẹ cha, nhìn ngọn cây đa nhớ làng xóm”. Sau này, trong  bài Hoa dâm bụt trên đồi ATK”, tác giả Hạnh Vân đã viết:
 “Một bông hoa nở thắm chiều
 Một bờ xanh gợi thương yêu quê nhà…
Mướt xanh lá, lập lòe hoa
 Nhìn cây lại nhớ mẹ cha xóm làng…”
Và khi Người chuyển về sống và làm việc tại nhà sàn Phủ chủ tịch, trong số rất nhiều loài hoa Bác trồng không thể thiếu hoa râm bụt, nó được Bác cho trông ngay phía trước nhà sàn. Có thể nói, loài hoa râm bụt giản dị ấy đã đi theo Bác suốt cả cuộc đời.
Tại Làng Sen, quê nội của Bác – nơi Bác đã sống những năm tháng thủa thiếu thời, bờ hoa râm bụt vẫn phủ dày xanh ngát lối đi. Bà con Kim Liên vẫn thường kể lại: Năm 1957, sau hơn năm mươi năm xa quê, Bác mới có dịp  về thăm, nhưng Người vẫn nhớ cặn kẽ từng người, từng cảnh, từng nếp sống sinh hoạt. Và Người không quên trước cổng nhà mình có hàng râm bụt dẫn lối vào nhà, Người nhắc lại: “Hai bên cổng nhà Bác, một bên có chè hàng mạn hảo, bên kia có hàng râm bụt”. Kể từ đó, hàng râm bụt ở ngôi nhà Bác đã được trồng lại theo lời kể của Người.
Hàng râm bụt đó mấy chục năm nay vẫn được nhân viên Khu di tích Kim Liên chăm sóc chu đáo, nhưng sau một thời gian dài đã trở nên cằn cỗi không còn khả năng phát triển. Nhận thức được ý nghĩa quan trọng của hàng râm bụt, với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, năm 2016, được sự nhất trí của lãnh đạo Khu di tích Kim Liên, các đoàn viên thanh niên tại đây đã nhận nhiệm vụ khôi phục lại hàng râm bụt dẫn lối đi vào nhà Bác tại di tích Làng Sen.
 Mặc dù không thuộc chuyên môn của mình, nhưng các đồng chí đoàn viên đã không chịu bó tay mà mày mò để giâm những cành dâm bụt gốc hiếm hoi, chăm sóc và phát triển ra thành mấy ngàn gốc để hôm nay có hàng râm bụt xanh tốt và cho hoa đẹp. Các đoàn viên tiếp tục nhân giống râm bụt để trồng tại những con đường đi vào di tích Hoàng Trù và Làng Sen, làm cảnh quan quê Bác thêm xanh, thêm đẹp.
Không dừng lại ở đó, chi đoàn Khu di tích Kim Liên còn ươm thêm được hơn 4600 gốc râm bụt và trực tiếp vận chuyển ra trồng tại đền thờ Bác Hồ ở di tích K9 Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội. Việc làm ý nghĩa này của tuổi trẻ Khu di tích Kim Liên khiến cán bộ nhân viên K9 Đá Chông rất cảm động. Đó không phải là công việc gì quá to lớn, nhưng nó thể hiện tình cảm, tinh thần trách nhiệm của tuổi trẻ Khu di tích Kim Liên. Và nó cũng là một ví dụ sinh động trong việc học tập và làm theo lời dạy của Bác “Vì lợi ích mười năm trồng cây”, đặc biệt là loài cây gắn liền với cuộc đời của Người.
Là những đoàn viên thanh niên vinh dự được sống và làm việc trên quê hương của Bác, tuổi trẻ nơi đây nguyện cố gắng hết mình gìn giữ những giá trị vô giá liên quan đến Bác Hồ kính yêu, để những con cháu của Người khắp mọi miền Tổ quốc khi về thăm được sống trọn trong những tình cảm thiêng liêng, cao quý…
                          “Bác đi muôn dặm nẻo đường
                         Vẫn nâng niu một sắc hương quê nhà
                         Con về nơi Bác đã qua
                        Thấy bình yên nở đóa hoa dịu lành…

(Tác giả: Hạnh Vân)

Phạm Thị Oanh
Phòng Tuyên truyền giáo dục
 
 

Thông tin tham quan

Liên kết website