CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI TRUYỀN THỐNG “UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN”
10/04/2022 7:50:58 CH

 “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống đạo lý nhân ái có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được nhân dân ta phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương tiêu biểu. Người hiểu sâu sắc tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết từ hàng ngàn năm lịch sử - một bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt.
“Con người có tổ, có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn ”.
Theo quan niệm của Người, lòng biết ơn, thờ cúng tổ tiên là nền tảng đạo đức và tín ngưỡng tâm linh cơ bản của người Việt Nam. Điều này không chỉ bó hẹp trong gia đình, dòng họ, mà vươn xa hơn là tín ngưỡng thờ cúng vị Thành hoàng của làng xã, đặc biệt luôn đặt vị trí quan trọng nhất đó là thờ cúng Đức Quốc Tổ - các Vua Hùng.
Các Vua Hùng là thời đại mở đầu rực rỡ của lịch sử dân tộc Việt Nam, mà cách đây mấy ngàn năm các Vua Hùng đã có công khai sơn, phá thạch gây dựng nên bờ cõi, non sông, đất nước, lập nên nhà nước Văn Lang độc lập, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc sau này. Các ngôi đền, chùa, lăng tẩm trên núi Nghĩa Lĩnh đã in đậm dấu tích về thời đại Hùng Vương, là nơi các Vua Hùng tiến hành các nghi lễ, tín ngưỡng, họp bàn các việc hệ trọng của đất nước. Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, đền Hùng luôn được các triều đại và nhân dân gìn giữ, hương khói phụng thờ.
Giỗ Tổ Hùng Vương và Đền Hùng từ bao đời nay là biểu tượng đã ăn sâu vào tâm  khảm thiêng liêng của  mỗi người dân đất Việt. Đây là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ bản sắc văn hóa và tinh thần đại đoàn kết dân tộc, là nguồn sức mạnh tinh thần giúp cho dân tộc Việt Nam vững vàng vượt qua mọi gian nan thử thách, đoàn kết, gắn bó keo sơn để chiến thắng mọi thiên tai và kẻ thù.
Cách đây 105 năm, xét bản tấu trình của quan tuần phủ Phú Thọ Lê Trung Ngọc, ngày 25/7/1917, Bộ Lễ triều Nguyễn đã chính thức định lệ ngày quốc lễ - giỗ tổ Hùng Vương là ngày 10/3 âm lịch hàng năm.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Ngày 18/2/1946, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh của Chủ tịch nước số 22/ SL - CTN đưa ngày giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch hàng năm là ngày lễ chính thức của dân tộc và cho phép viên chức nhà nước được nghỉ lễ, hưởng nguyên lương để tham gia tổ chức các hoạt động giỗ tổ Hùng Vương – hướng về cội nguồn dân tộc.
Ngày 11/4/1946 (tức ngày 10/3 năm Bính Tuất), mặc dù không thể về Đền Hùng nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự lễ giỗ Tổ Hùng Vương tại Việt Nam học xã, (Hồ Chí Minh 474 ngày độc lập, trang 86). Ngoài ra Chính phủ còn cử đoàn đại biểu chính thức do Bộ trưởng Bộ nội vụ Huỳnh Thúc Kháng cùng các đồng chí về dự lễ dâng hương tại Đền Hùng để tri ân, tưởng nhớ các Vua Hùng.
Mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng trong cuộc đời hoạt động Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 9 lần về thăm tỉnh Phú Thọ trong đó có 2 lần Người về thăm Đền Hùng (19/9/1954) và (19/8/1962). Người về thăm Đền Hùng không phải vì lo sợ trước những khó khăn của quốc gia, dân tộc mà vì nhân dân ta vốn coi trọng nguồn gốc, tha thiết ở tình cảm “ăn quả nhớ ơn người trồng cây” nhằm tri ân công đức các Vua Hùng và để gợi lên sức mạnh cội nguồn, khơi dậy tình cảm thiêng liêng cổ vũ toàn dân quyết chiến, quyết thắng kẻ thù xâm lược, giữ vững non sông liền một dải. Tại đây Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói bất hủ này được Chủ tịch Hồ Chí Minh nói trong cuộc gặp các cán bộ Đại đoàn 308 (Đại đoàn quân tiên phong) tại Đền Giếng (thuộc khu di tích lịch sử Đền Hùng- Phú Thọ). Câu nói ngắn gọn nhưng thật súc tích và ý nghĩa. Bởi trong những ngày cuối tháng 9 năm 1954 này, Đại đoàn quân tiên phong được vinh dự về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Vì vậy, lời nhắc nhở của Người trong thời điểm lịch sử ấy không chỉ có ý nghĩa tôn vinh công lao dựng nước của các Vua Hùng, của các bậc tiền nhân, mà còn nhắc nhở ý thức trách nhiệm giữ nước của cán bộ chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong nói riêng và các thế hệ những người con đất Việt nói chung. Người không chỉ nói với chiến sĩ mà còn nói với cả đồng bào, không chỉ nói với đất tổ Hùng Vương mà với cả dân tộc, không chỉ nói cho một thế hệ mà là nhiều thế hệ. Một lời nói vang vọng thiên thu, trường tồn với đời đời con cháu.
Lời nói ấy được cất lên từ Đền Hùng, là địa điểm cội nguồn của dân tộc, nơi khai sơn, phá thạch dựng nước của các Vua Hùng. Vì vậy, lời nói ấy được xem như một lời hịch thiêng liêng của non sông đất nước. Như cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Đỗ Mười đã khẳng định: “Lời nói của Bác Hồ năm xưa còn ghi lại nơi này… phải chăng đó là tiếng hịch của non sông mà chúng ta mãi mãi ghi nhớ… nhân dân cả nước hãy gìn giữ, tôn tạo mảnh đất thiêng liêng này, mãi mãi là nơi hun đúc lòng yêu nước, là cội nguồn sức mạnh Đại đoàn kết dân tộc, là niềm kiêu hãnh của mỗi người dân Việt Nam chúng ta” (Đền Hùng di tích lịch sử văn hóa quốc gia, trang136).
Trong lần thứ hai  về thăm Đền Hùng, Người đã căn dặn: “phải chú ý bảo vệ,trồng thêm hoa, cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm, đẹp đẽ thành công viên cho con cháu sau này đến tham quan”. Lời dạy của Bác có tính định hướng, phát triển, tôn tạo Đền Hùng trong tương lai, đã trở thành kim chỉ nam cho tư duy, tình cảm và hành động của các thế hệ người Việt hôm nay và mai sau, biết trân trọng quá khứ, giữ gìn đạo lý truyền thống dân tộc.
Bước vào giai đoạn mới trong không khí chuẩn bị cho ngày lễ trọng đại giỗ tổ Hùng Vương mồng mười tháng ba, thế hệ chúng ta ngày nay cần tiếp tục phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn các đời Vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc Việt Nam. “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”, đồng thời phải luôn ghi nhớ, khắc sâu, thấm nhuần và thực hiện tốt lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Dựng nước phải đi đôi với giữ nước.

Phan Thị Hằng
 
 

Thông tin tham quan

Liên kết website