BÁC HỒ VỚI THIẾU NHI
21/06/2015 3:10:44 CH
Vạn vật đều sợ thời gian, vì thời gian sẽ làm mờ đi tất cả, nhưng thời gian lại sợ các vĩ nhân bởi sự tồn tại của vĩ nhân là trường cửu. Trong mỗi chúng ta, ai có thể biết được rằng, tại sao, mỗi một cháu bé Việt Nam từ độ tuổi bập bẹ biết nói, ngoài những tên gọi đầu tiên ông, bà, bố mẹ, đã biết đến tên gọi với hai tiếng thân thương: “Bác Hồ”. Hình ảnh Bác xuất hiện như những ông tiên trong chuyện cổ tích, hình ảnh đó theo các cháu đi vào cả những giấc mơ. Phải chăng, đó là bởi tình yêu bao la

Vạn vật đều sợ thời gian, vì thời gian sẽ làm mờ đi tất cả, nhưng thời gian lại sợ các vĩ nhân bởi sự tồn tại của vĩ nhân là trường cửu. Trong mỗi chúng ta, ai có thể biết được rằng, tại sao, mỗi một cháu bé Việt Nam từ độ tuổi bập bẹ biết nói, ngoài những tên gọi đầu tiên ông, bà, bố mẹ, đã biết đến tên gọi với hai tiếng thân thương: “Bác Hồ”. Hình ảnh Bác xuất hiện như những ông tiên trong chuyện cổ tích, hình ảnh đó theo các cháu đi vào cả những giấc mơ. Phải chăng, đó là bởi tình yêu bao la sâu nặng của Bác đã dành cho các thế hệ thiếu niên nhi đồng.
Tình cảm đó thật sâu sắc, cảm động, Bác đã từng viết:
              “Ai yêu các nhi đồng, bằng Bác Hồ Chí Minh”
Những đoạn phim tư liệu, những bức ảnh, bức thư, những vần thơ Người dành riêng cho trẻ em Việt Nam là những cử chỉ thân thương, những lời  dạy bảo ân cần như của người cha đối với con, người ông đối với cháu.
Bác từng tâm sự: “Bác chưa bao giờ lập gia đình, nhưng Bác có hàng nghìn con là những trẻ em Việt Nam"
Xúc động trước tình cảm của Bác đối với các cháu thiếu nhi, nhà báo coobilep đã nói: “Một trong những điều nổi bật nhất trong tính cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng yêu quý thiếu nhi, người đã dành tất cả tấm lòng yêu thương của người ông dành cho hàng triệu trẻ em Việt Nam mà Người trìu mến gọi là các cháu”.
Vậy, điều gì cắt nghĩa được tình yêu Bác dành cho các cháu? Tình yêu đó bắt nguồn từ trái tim nhân ái bao la của Bác “nâng niu tất cả chỉ quên mình”. Bác coi các cháu như “búp trên cành” – lứa tuổi cần được bảo vệ, nâng niu, chăm sóc. Và bởi lý do nữa là cuộc đời Bác sớm gặp nhiều khó khăn bất hạnh. 11 tuổi cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã gào khóc bên thi hài của mẹ giữa kinh thành Huế trong lúc những người thân đang ở xa tận ngoài Nghệ, ngoài Thanh. Người phải bế em trai mấy tháng tuổi đi xin sữa cho em, rồi chứng kiến cảnh em trai cũng ra đi theo mẹ. Nỗi đau đó dường như đi theo Bác suốt cả cuộc đời. Hơn ai hết, Người thấu hiểu được sự thiệt thòi bất hạnh của trẻ thơ khi sớm chịu nhiều đau khổ. Cũng bởi thế mà cả cuộc đời Người luôn dành sự ưu ái cho các cháu.
Bác thương cảm xót xa trăn trở cho thân phận bé bỏng chưa biết gì mà sớm chịu cảnh khổ cực lầm than của người dân mất nước.
                             “Chẳng may vận nước nguy nan
                             Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng”
Tình yêu của Bác dành cho các cháu thiếu nhi là không biên giới, không phân biệt màu da hay giai cấp. Khi Bác bị chính quyền Tưởng Giới Thạch cầm tù, mặc dù thân thể Bác bị đày đọa đau đớn, bị ghẻ lở, mất tự do, nhưng Người đã quên đi nỗi khổ của riêng mình thương cảm, xót xa cho hoàn cảnh của  một em bé Trung Hoa.
oa oa oa
Cha trốn không đi lính nước nhà
Nên nỗi thân em vừa nửa tuổi
Phải theo mẹ đến ở nhà pha
Năm 1946, Bác sang Pháp với tư cách là thượng khách của chính phủ Pháp, để đàm phán nhiều vấn đề liên quan đến vận mệnh của đất nước. Thị trưởng thành phố Pari đã mở một bữa tiệc long trọng để thết đãi Bác, trước khi ra về Người đã không quên cầm trên bàn một quả táo bỏ vào trong túi. Mọi người hết sức ngạc nhiên và tò mò trước hành động đó của Bác. Khi ra đến cửa, có rất đông bà con Việt Kiều và người dân Pháp đến để chào mừng Bác, trông thấy một bà mẹ bế trên tay một cháu bé, Người tiến lại gần, bế cháu bé vào lòng, rồi lấy trong túi ra quả táo đưa cho cháu bé, mọi người ai cũng xúc động và cảm mến vô cùng bởi trái tim nhân ái bao la của Bác.
Yêu thương các cháu, Bác luôn quan tâm đến việc dạy dỗ các cháu nên người, trở thành những người có ích cho xã hội. Và mỗi một thiếu niên nhi đồng Việt Nam đều khắc sâu 5 điều Bác Hồ dạy:
Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
Học tập tốt, lao động tốt
Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt
Giữ gìn vệ sinh thật tố
Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.
Những lời dạy của Bác đã trở thành phương châm hành động, là mục tiêu phấn đấu của các thế hệ thiếu niên nhi đồng Việt Nam.
Từ thương yêu, Bác đặt một niềm tin mãnh liệt vào thế hệ trẻ của nước nhà. “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Đối với các cháu thiếu nhi, Bác luôn dành một tình yêu thương trọn vẹn, cho đến nhưng giây phút cuối đời, trước lúc đi xa về thế giới vĩnh hằng, trên bàn làm việc của Bác vần còn những chồng thư của các cháu.
Ô vẫn còn đây của các em
Chồng thư mới mở Bác đang xem
Chắc Người thương lắm lòng con trẻ
Nên để bâng khuâng gió động rèm
Tình cảm, sự quan tâm, niềm tin của Bác là món quà tinh thần vô giá đối với các thế hệ thiếu nhi Việt Nam, bởi vậy, tình cảm của thiếu nhi dành cho Bác cũng thiết tha vô hạn: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”
Hơn 46 năm kể từ ngày Bác đi xa, nhưng những lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị, tình cảm của Người vẫn còn mãi với đàn cháu yêu thương.
Mỗi chúng ta hôm nay, hãy học tập và làm theo tấm gương của Bác trong việc chăm sóc và dạy dỗ thế thệ trẻ của nước nhà, trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai, hãy dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho những mầm non tương lai của đất nước, chúng ta hãy chung tay góp sức vì một Việt Nam hùng mạnh, trường tồn và phát triển.

                                               Phạm Thị Oanh
                                  Phòng Tuyên truyền giáo dục

Thông tin tham quan

Liên kết website