BÁC HỒ VỚI CHIẾN SĨ QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
20/12/2019 5:17:31 CH
Đã từ lâu, ngày 22/ 12 đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân tộc với các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng toàn dân, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất cao đẹp của "Bộ đội cụ Hồ".Đó thật sự là ngày hội của truyền thống dựng nước và giữ nước. Cứ đến những ngày này chúng ta càng nhớ tới công lao trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người cha thân yêu của lực lượng vũ trang, người sáng lập và rèn luyện quân đội ta trưởng thành lớn mạnh.

Đoàn đại biểu Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Ngày 28/1/1941, Sau 30 năm bôn ba nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước lãnh đạo phong trào cách mạng. Sau khi phân tích tình hình, ngày 22/12/1944 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 cán bộ chiến sỹ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy. Việc thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử dân tộc ta. Đây là đợn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng. Là tiền thân của Quân đội nhân dân việt Nam. Đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của dân tộc ta. Một quân đội do dân, vì dân, luôn gắn bó máu thịt với dân, luôn được dân tin yêu đùm bọc.
  Từ ngày thành lập Quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh. Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng với toàn dân làm nên cách mạng tháng 8/1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" ngày 7/5/1954, và sau đó giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975 để tiến lên xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa .
Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời, phát triển, từng bước lập nên những chiến công lẫy lừng vinh quang đó chính nhờ sự dìu dắt và tình cảm yêu thương lớn lao của Đảng và Chủ Tịch Hồ Chí Minh.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến sự nghiệp xây dựng và phát triển quân đội ta một cách toàn diện, chính quy, hiện đại. Trong tư tưởng quân sự của mình Bác Hồ nhận thức một cách sâu sắc rằng: Người chiến sỹ là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Người chiến sỹ quân đội mới, anh bộ đội cụ Hồ, sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân chiến đấu, là người lính có lý tưởng cao cả, kiên quyết, hăng hái làm tròn mọi nhiệm vụ.
      Bác Hồ không coi nhẹ vũ khí, tuy "vũ khí là cần, nhưng quan trọng hơn là người vác súng". Vì thế, không sợ thiếu vũ khí, chỉ sợ khi thời cơ đến lại thiếu người cầm vũ khí". Vì vậy, trong suốt bề dày sự nghiệp cách mạng, Bác Hồ giành nhiều công sức để đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng những thế hệ cầm súng trung thành, có bản lĩnh chính trị, tri thức về quân sự, trình độ văn hóa và sức khỏe dồi dào, là những con người dám "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh". 
      Bác Hồ không quan tâm đến chiến sỹ một cách chung chung, mà Người chú trọng đến vật chất của bộ đội bằng chỉ thị: "phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên thuốc, một tấc vải phải đi thẳng đến chiến sỹ".
      Người đặt ra yêu cầu: Mỗi người cán bộ phải phấn đấu trở thành tấm gương có sức cảm hóa, thuyết phục trong mỗi hành động của mình. Người dạy: "Từ Tiểu đội trưởng trở lên, từ Tổng tư lệnh trở xuống phải săn sóc đời sống vật chất, tinh thần của đội viên, phải xem đội viên ăn uống thế nào, phải hiểu tâm tư, nguyện vọng và mọi thắc mắc của đội viên. Bộ đội chưa ăn cơm, cán bộ không được kêu mình đói; bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét; bộ đội chưa đủ chỗ ở , cán bộ không được kêu mình mệt".
      Để phát huy nhân tố đặc biệt quan trọng là người Chiến sỹ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Bác Hồ đã trực tiếp quan tâm tới mọi cán bộ, chiến sỹ ở tất cả quân binh chủng khác nhau. Có khi là một bức thư, một lần hỏi thăm, tình cờ gặp gỡ, cuộc nói chuyện tâm tình ... Nhưng mỗi lời dạy của Người đều là cẩm nang quý báu để bồi dưỡng, giáo dục thường xuyên cho cán bộ, chiến sỹ mãi mãi về sau.
     Không những đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sỹ quân đội ta, mà Bác Hồ luôn mong muốn người chiến sỹ quân đội phải được quan tâm, chăm lo đến mọi quyền lợi, lợi ích. Đặc biệt là những nhu cầu chính đáng để mỗi người lính có thể yên tâm, phấn khởi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bởi Bác biết chiến sỹ là những người hy sinh nhiều nhất cho dân tộc. Vì vậy, bằng những hành động, việc làm hàng ngày của mình Bác Hồ đã giành cả tấm lòng yêu thương vô bờ như tình cảm cha con, bác cháu, đồng chí cho toàn thể cán bộ, chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam.
      Trong các chiến dịch lớn, Bác luôn giành thời gian đi thăm hỏi, động viên các đơn vị bộ đội. Sau thắng - bại của mỗi trận đánh Người kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, đơn vị lập công xuất sắc và phê bình những việc chưa tốt của cán bộ, chiến sỹ.
       Tháng 1/1947 nghe tin con trai bác sỹ Vũ Đình Tụng đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu, Bác gửi thư chia buồn, trong thư Bác viết: "Ngài biết rằng Tôi không có gia đình, cũng không có con cái, nước Việt Nam là gia đình của tôi, thanh niên Việt Nam là con cháu của Tôi, mất một thanh niên thì hình như Tôi mất một khúc ruột...".
        Năm 1954 trên chiến khu Việt Bắc, một đêm mưa phùn gió rét, Bác đang đánh máy chữ trên nhà Sàn bỗng nghe tiếng ngã bên ngoài, đó là anh chiến sỹ đứng gác sơ ý bị sa chân xuống hố tránh máy bay. Bác vội chạy xuống không kịp khoác áo bông, chân chỉ đi một chiếc guốc, Bác kéo anh chiến sỹ lên rồi nắn chân cho anh và nói: "Chú ngã thế đau lắm. Chú cứ ngồi xuống đây bóp chân cho đỡ đau". Đến khi anh chiến sỹ đứng dậy đi được Bác mới quay vào nhà.
       Có lần,  một chiến tuần đêm bị nhiễm lạnh và ho, Bác lấy cái áo trấn thủ của mình đưa cho anh mặc cho đỡ rét nhưng anh không dám nhận, Bác giục: "cháu cứ giữ lấy mà mặc, Bác đã có áo khoác rồi. Thôi mặc vào cháu!". Và Người đã tự tay khoác chiếc áo vào vai anh lính trẻ.
        Mùa đông thương anh em chiến sỹ rét mướt ở núi rừng biên giới, Bác đem tấm áo lụa của mình được đồng bào tặng bán đấu giá để lấy tiền mua áo ấm gửi cho các chiến sỹ. Bác thường nói: "Chiến sỹ còn đói khổ, Tôi ăn ngon sao được!". "Chiến sỹ còn rách rưới, mình mặc thế này cũng đủ đầy lắm rồi !".
         Mùa hè 1967, thời tiết rất nóng. Bác nói với đồng chí thư ký lên xem bộ đội phòng không trực chiến trên nóc hội trường Ba Đình có đủ nước uống không. Được biết các chiến sỹ không có nước uống, Bác bảo đồng chí thư ký lấy sổ tiết kiệm của Bác xem còn khoảng 25.000 đồng (lúc bấy giờ tương đương 60 lạng vàng), Người nói: Tặng ngay số tiền đó để Bộ Tư lệnh phòng không mua nước cho anh em chiến sỹ đang trực chiến.  
       Tháng 5/1969, sức khỏe Bác lúc đó yếu lắm, nhưng Người vẫn đến thăm Hội nghị cao cấp toàn quân họp tại đình hội đồng ở cuối đường xoài. Bác dặn anh em bố trí sao để các đồng chí bộ đội không biết Bác yếu, vì nếu biết sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng toàn quân. Nên khi mọi người hướng ra cửa chính đón Bác thì Người bí mật đi cửa sau. Buổi gặp gỡ diễn ra rất vui vẻ, phấn khởi. Cuối cùng Bác căn dặn: "phải cố gắng học tập và luôn luôn gương mẫu về đạo đức cách mạng". Khi chia tay mọi người muốn tiễn Bác ra nhưng như thế thì lộ bí mật, thế là Bác hô khẩu lệnh: "Tất cả đứng dậy!", rồi "đằng sau quay!". Trong lúc mọi người nghe lệnh, anh em lại nhanh chóng dìu Bác ra xe về nhà Sàn. Lần gặp gỡ cuối cùng của Bác Hồ với các chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam đã diễn ra như thế.
       Cuối cùng, trong Di chúc, Bác không quên dặn dò Đảng, Nhà nước phải quan tâm đến thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và nhất là công ăn việc làm của bộ đội phục viên, chuyển ngành khi cuộc kháng chiến của ta hoàn toàn thắng lợi.
         Đến nay, đã 50 năm Bác Hồ đi xa, 50 năm thực hiện di chúc của Người. Toàn Đảng, toàn Dân, toàn Quân ta luôn kiên định mục tiêu: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đoàn kết một lòng để xây dựng tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
       Kế thừa và phát huy truyền thống 77 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam - Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng đã, đang và sẽ viết tiếp những trang sử vẻ vang làm rạng rỡ non sông, đất nước. Đảng, Nhà nước, Nhân dân ta vô cùng tự hào về quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, và mong muốn các thế hệ cán bộ, chiến sỹ tiếp tục lập nhiều chiến công, thành tích to hơn nữa xứng đáng với lời khen tặng của Bác Hồ kính yêu: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng " .
                         Lương Định 
            Phòng Tuyên truyền - giáo dục
 

Thông tin tham quan

Liên kết website