NHỮNG NGÔI TRƯỜNG Ở VIỆT NAM BÁC HỒ TỪNG THEO HỌC
27/05/2019 1:56:11 CH
Trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người không có nhiều thời gian được học tập tại các trường học mà chủ yếu là Người tự học. Một phần là do thời kỳ đó nước ta đang chìm trong sự đô hộ của thực dân, đế quốc, phần khác về phía chủ quan, ngay từ rất sớm, Người đã nuôi chí tìm một con đường để “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Trong bài viết này, xin giới thiệu một số ngôi trường ở Việt Nam mà N

Trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người không có nhiều thời gian được học tập tại các trường học mà chủ yếu là Người tự học. Một phần là do thời kỳ đó nước ta đang chìm trong sự đô hộ của thực dân, đế quốc, phần khác về phía chủ quan, ngay từ rất sớm, Người đã nuôi chí tìm một con đường để “làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Trong bài viết này, xin giới thiệu một số ngôi trường ở Việt Nam mà Người đã từng theo học.
Từ lúc ra đời đến tuổi lên 5, Nguyễn Sinh Cung sống ở quê nhà, được lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống hiếu học, cần cù trong lao động, tình nghĩa trong cuộc sống và bất khuất trước kẻ thù. Ngay từ bé, tại mảnh đất Hoàng Trù, Nguyễn Sinh Cung đã được sống trong môi trường giáo dục tốt: ông ngoại và thân sinh là những nhà nho uyên thâm, hàng ngày giảng bài cho học trò, bà ngoại, thân mẫu và dì An đều là những người am hiểu về văn hoa dân gian, là cả kho tàng về thơ ca, hò vè, truyện cổ tích và hát phường vải.
Khi Bác ở độ tuổi niên thiếu, ông Nguyễn Sinh Sắc đã sớm nhận thấy tài năng và chí hướng của người con trai thứ nên ông luôn tạo điều kiện để Nguyễn Tất Thành  được học tập một cách đầy đủ. Tại quê nhà, Nguyễn Tất Thành được gửi đến học chữ Hán với các thầy giáo Hoàng Phan Quỳnh; cử nhân Vương Thúc Quý; thầy Trần Thân…, Các thầy đều là những người yêu nước trong đó tiêu biểu là thầy Vương Thúc Quý.
Thầy Vương Thúc Quý là con trai của thủ lĩnh Chung nghĩa binh chống Pháp - Tú tài Vương Thúc Mậu, thầy Quý đỗ Cử nhân nhưng không ra làm quan. Ông Nguyễn Sinh Sắc muốn Nguyễn Tất Thành học chữ của thầy, nhưng điều quan trọng hơn là muốn học lòng yêu nước, thương dân của thầy Quý. Sống trong sự dò la của bộ máy thống trị từ làng đến tỉnh, nhưng thầy Quý không hề ngần ngại dạy cho học trò tư tưởng yêu nước, thương dân và chí làm trai phải giúp ích cho đời. Vào thời gian này, Nguyễn Tất Thành đã tỏ rõ là một học sinh nhanh nhẹn, thông minh, có trí nhớ tốt và bước đầu có những suy nghĩ sâu sắc. Điều này cũng do ảnh hưởng cách dạy của thầy Vương Thúc Quý, thầy thường dạy cho học sinh cách suy nghĩ để hiểu, chứ không theo cách “tầm chương trích cú”. Một lần thắp đèn, dầu vương ra sách, để thử sức học của học trò, thầy Quý ra câu đối:“Thắp đèn lên dầu vương ra đế”. Một học trò lớn tuổi liền đối một câu rất chỉnh:
“Đốt nhang rồi gió quạt bay tàn”.
Nguyễn Tất Thành cũng xin đối:        
“Cưỡi ngựa dong thẳng Tấn lên Đường”
Trong vế ra của thầy Quý có các từ “vương” và “đế”, vừa có nghĩa là “để dầu vương vãi ra đế đèn”, vừa ngụ ý chỉ các “bậc vua chúa, hoàng đế”; câu đối của Nguyễn Tất Thành có từ “Tấn” và “Đường”, vừa có nghĩa là “tiến lên đường” vừa hàm ý chỉ hai triều đại phong kiến trong lịch sử Trung Quốc - nhà Tấn xưng vương và nhà Đường xưng đế. Rõ ràng câu đối của Nguyễn Tất Thành rất chỉnh mà lại tỏ ra có khí phách của một con người luôn muốn vươn lên, không chịu khuất phục, nên được thầy khen. Nguyễn Tất Thành chỉ học với thầy Quý một thời gian ngắn, nhưng đã tiếp nhận ở thầy tấm lòng yêu nước, ý chí cầu tiến mạnh mẽ, có lối học thông minh, thanh thoát, không nệ cổ… Vì vậy, dù trước đó Thành đã đi học với các thầy giáo khác rồi, song ông  Sắc vẫn xem thầy Vương Thúc  Quý là “thầy giáo khai tâm” của con mình. Sau này trong lần Bác về thăm quê hương, Bác vẫn nhắc “Thầy cử Vương là thầy học thời niên thiếu của Bác”. Ông muốn lấy thầy Quý, người đạo đức, học rộng, chữ viết đẹp, làm gương cho con mình noi theo. Những năm tháng học chữ Hán với các thầy đồ ở quê không chỉ đem lại cho Nguyễn Tất Thành “dăm ba chữ thánh hiền” mà còn đặt cơ sở cho việc thấu hiểu đạo lý của Nho giáo để ứng xử trong cuộc sống. Những tri thức đầu tiên tuy đơn giản song sâu sắc nên đã khắc sâu vào tâm trí Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh.
Tháng 9-1905, Toàn quyền Đông Dương, mở Trường Pháp - Bản xứ Vinh, tỉnh lỵ của Nghệ An, với lớp đầu tiên của bậc tiểu học, thường gọi là lớp dự bị. Chương trình học nặng về tiếng Pháp, chỉ có một số ít giờ học chữ Hán.  Ngay khi trường mới được thành lập, Nguyễn Tất Thành và anh trai là Nguyễn Tất Đạt được cha xin cho theo học lớp dự bị Trường tiểu học Pháp - bản xứ Vinh. Tại đây, lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành nhìn thấy dòng chữ “LIBERTÉ, ÉGALITÉ, FRATERNITÉ” (Tự do - Bình đẳng - Bác ái). Đối với Nguyễn Tất Thành, đó là những điều hoàn toàn mới lạ, vì vậy, rất tự nhiên, anh nảy ra ý muốn “tìm hiểu những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy”. Tuy nhiên, chưa hết năm học, khoảng cuối tháng 4-1906, Nguyễn Tất Thành dừng học ở trường Pháp - bản xứ Vinh để cùng cha lên đường vào Huế khi ông Nguyễn Sinh Huy vào nhận chức quan sau nhiều lần lữa việc.
          Tháng 5-1906, ông Nguyễn Sinh Huy vào kinh đô nhận chức. Nguyễn Tất Thành cùng với anh trai được cha cho đi học Trường Tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên, lớp dự bị (tháng 9-1906), lớp sơ đẳng (tháng 9-1907).
Trường tiểu học Pháp - Việt tỉnh Thừa Thiên (trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba) được thành lập năm 1905, trên nền Đình chợ Đông Ba cũ, lúc đầu trường có tên “Thừa Thiên Pháp - Việt trường”. Đây là trường Pháp - Việt bậc tiểu học đầu tiên ở Huế. Trường dạy cả ba thứ chữ: Chữ quốc ngữ, chữ Pháp và chữ Hán.
Tháng 9/1908, dù bị khiển trách và theo dõi vì tham gia cuộc biểu tình chống thuế nhưng Nguyễn Tất Thành vẫn được nhận vào học tại trường Quốc học Huế. Trường Quốc học Huế được thành lập theo Nghị định ngày 18-11-1896 do Toàn quyền Đông Dương A.Rousseau ký. Trường Quốc học được lập ra nhằm đào tạo một lớp công chức mới, vì vậy ngay tại Điều 1 của Nghị định đã quy định rõ: “Nay thiết lập tại Huế, do Chính phủ Nam triều chủ trương, một học đường lấy tên là Quốc học (Quốc gia học đường).
Trường này sẽ đặt dưới quyền kiểm khán của ông Khâm sứ Trung kỳ. Pháp văn sẽ chiếm phần lớn trong chương trình dạy, tuy Hán văn vẫn được chú ý để cho các học sinh sẽ vào ngành quan lại có thể dùng đồng thời hai thứ chữ”. Về độ tuổi: “Ngoài học sinh trường Quốc Tử Giám và Trường Hành Nhơn cũ, không một học sinh nào được nhận vào Trường Quốc học nếu chưa đủ 15 tuổi và quá 20 tuổi”. Được xem là thiên đường trường học nên đối tượng vào học được quy định khá khắt khe.
1. Các công tử con hoàng thân.
2. Các tôn sinh con cháu các chi nhánh trong hoàng gia.
3. Các ấm tử hoặc những con quan mà được hưởng đặc quyền.
4. Học sinh trường Hành Nhơn và học sinh trường Quốc Tử Giám.
Các thầy giáo của Trường Quốc học Huế có cả người Pháp và người Việt Nam, trong đó có những người yêu nước như thầy Hoàng Thông, thầy Lê Văn Miến. Chính nhờ ảnh hưởng của những người thầy giáo yêu nước, có tư tưởng tiến bộ đó mà ý muốn sang phương Tây để tìm hiểu tình hình các nước và học hỏi thành tựu văn minh nhân loại đã từng bước hình thành và lớn dần lên trong tâm trí Nguyễn Tất Thành.
Tuy thời điểm này vốn tiếng Pháp còn ít ỏi, nhưng Nguyễn Sinh Cung – Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu tiếp xúc với sách báo Pháp, bao gồm cả sách báo mượn của những người lính lê dương trong quân đội Pháp.
Khoảng cuối tháng 5 đầu tháng 6-1909, Nguyễn Sinh Sắc có mặt ở Bình Định để chấm thi, sau đó được bổ nhiệm chức đồng tri phủ lãnh chức tri huyện Bình Khê. Cùng năm đó, Nguyễn Tất Thành cũng rời Trường Quốc học, theo cha vào Bình Định.
Năm 1909, Nguyễn Tất Thành đến Bình Khê. Ông Nguyễn Sinh Sắc hiểu được chí hướng và khả năng của người con trai thứ nên đã gửi Nguyễn Tất Thành học tiếp chương trình lớp cao đẳng với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ (Ông là thân sinh cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch, lúc đó đang là trợ giáo hạng nhì của Trường tiểu học Pháp - Việt Quy Nhơn.          Trường tiểu học Pháp – Việt Quy Nhơn cũng được thành lập từ năm 1905).
Không lâu sau đó, tháng 1-1910, Nguyễn Tất Thành nhận được một tin không vui, đó là ông Nguyễn Sinh Sắc bị “triệt hồi” chức tri huyện Bình Khê, bị triều đình gọi trở về kinh đô để xem xét. Với sự giúp đỡ của thầy giáo Phạm Ngọc Thọ, Nguyễn Tất Thành hoàn thành chương trình tiểu học vào khoảng tháng 6-1910. Trước biến cố mới của gia đình, Nguyễn Tất Thành quyết định không theo Cha trở về Huế mà quyết định đi tiếp xuống phía Nam.
Đầu tháng 3/1911, Nguyễn Tất Thành xin vào học ở một trường dạy nghề trong khoảng 3 tháng[1].
Sau khi ra đi tìm đường cứu nước, trở thành một chiến sĩ cộng sản, Người đã ba lần được học trong các ngôi trường của Quốc tế Cộng sản đó là: Trường đại học Phương Đông, Trường Quốc tế Lênin và Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa.
Tuy thời gian học tập tại các trường học không nhiều, nhưng bằng trí tuệ thông minh, một tinh thần ham học hỏi và khả năng tự học thiên tài, những kiến thức được cung cấp tại các trường học luôn được Người tiếp thu một cách tối đa và vận dụng sáng tạo vào những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
Và điều tuyệt vời nhất ở Bác của chúng ta đó là tinh thần học tập, học suốt đời và “Lấy tự học làm cốt”. Ngày 21-7-1956, nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa I, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Bác dặn: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 8, trang 215). Lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị đặc biệt trong giai đoạn hiện nay trong thời kì hội nhập, nền khoa học công nghệ của nhân loại đang phát triển như vũ bão, thì việc học tập của mỗi người lại càng đặc biệt quan trong, cần thiết hơn bao giờ hết.

                                                                         Nguyễn Thị Phượng
 
 
 
 
 
[1]/ Một số ý kiến cho rằng Nguyễn Tất Thành có thể đã vào học một trong các trường dạy nghề sau đây: Trường đào tạo công nhân Hàng Hải của xưởng Ba Son; Trường cơ khí Á Châu Sài Gòn (Kĩ thuật Cao Thắng ngày nay); Trường Bá Nghệ (Trường kĩ thuật và nghiệp vụ công nghiệp). Hiện nay, ở cả 3 nơi đều chưa có tài liệu đầy đủ để xác định nhưng “có thể tạm khẳng định chắc chắn Bác Hồ có vào học ở một trường dạy nghề đào tạo công nhân cơ khí hay công nhân hàng hải nào đó” (Lê Quốc Sử - Hội thảo năm 1985)

Thông tin tham quan

Liên kết website