Bức thư Bác Hồ gửi một người cha có con là liệt sĩ
09/08/2014 10:45:49 SA
"Đây là của báu của gia đình, nhưng cũng là vật quý của dân tộc, cha trao lại cho con cất giữ cẩn thận, chu đáo. Lá thư riêng này mang nặng tình cảm của cả núi sông, của lịch sử đấy con ạ"

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết rất nhiều tác phẩm văn, thơ, báo chí; ra rất nhiều loại văn bản để phục vụ cho hoạt động cách mạng, có những tác phẩm đã trở thành bất hủ. Tuy nhiên, có những bức thư riêng Người viết cho các cá nhân để chia sẻ tình cảm riêng tư nhưng đã để lại những tình cảm sâu sắc, trở thành vật báu quý giá không chỉ của riêng gia đình đó mà là của cả dân tộc. Một trong số những bức thư đó là "Bức thư Bác Hồ gửi Bác sĩ Vũ Đình Tụng" hiện đang được trưng  bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
          Bác sĩ Vũ Đình Tụng là một người công giáo yêu nước. Ông có người con trai út Vũ Văn Thành, một chiến sĩ tự vệ của thủ đô đã hy sinh trong khi chiến đấu bảo vệ Hà Nội mùa đông năm 1946. Anh Thành bị thương rất nặng, đạn xuyên qua người, dập cả ổ bụng, không mổ thì không qua khỏi, mà mổ thì không có điện, không có máu để tiếp, thuốc cũng không đủ và người thầy thuốc đứng ra mổ ca này chỉ có thể là ông, thân sinh của Thương binh, bởi lẽ lúc đó chỉ có ông là Bác sĩ duy nhất có mặt tại căn hầm này. Kết cục đau đớn xảy ra, ông không thể dành lại mạng sống cho con trai mình vì vết thương quân thù gây ra quá nặng. Chúng cướp đi đứa con thân qúy thứ 2 của ông (anh của Thành là Vũ Đình Tín, tự vệ chiến đấu đã mất sau tổng khởi nghĩa 1945), nghề nghiệp của ông đã phải chứng kiến bao cảnh đau thương tang tóc của người khác nhưng vết thương này quá lớn đối với trái tim người cha.
Vào một buổi chiều tại bệnh viện ở Văn Điển, khi ông vừa mổ xong cho một thương binh thì bác sĩ Trần Duy Hưng, lúc bấy giờ là Thứ trưởng Bộ Nội vụ đến thăm ông và trân trọng trao tận tay ông bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bì thư làm bằng giấy báo cũ, mặt trước dán tờ giấy trắng, chữ viết tay, nét hơi run: "Kính gửi Bác sĩ Vũ Đình Tụng", cầm phong thư trên tay ông cảm động vô cùng, lúc đầu ông cứ nghĩ đó là một mệnh lệnh mới của Người, nhưng thật bất ngờ, đó lại là một bức thư riêng đầy tình cảm lớn lao của Bác, chia sẻ đau thương với gia đình ông.
Trong thư Bác viết: "Tôi được báo cáo rằng: Con giai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột.
Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh, để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi. Vật chất họ mất, nhưng tinh thần họ sẽ luôn luôn còn với non sông Việt Nam.
Họ là con thảo của đức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc. Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Đồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ.
Ngài đã đem món của quý báu nhất, là con của mình sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc chắn ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà, thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn ngài và gửi ngài lời chào thân ái và quyết thắng.
                                                                                 Tháng 1- 1947
                                                                                  Hồ Chí Minh
Đọc xong lá thư của Bác mà ông thấy bàng hoàng, xúc động, trong lúc chiến tranh Bác bận trăm công nghìn việc, ngay cả đến những người thân thuộc họ hàng với ông cũng không có thì giờ thăm hỏi, chia buồn, thế mà Bác vẫn nghĩ đến ông, một gia đình bé nhỏ đang có cái tang đau lòng.
Tự nhiên ông thấy nỗi đau thương và sự hi sinh của gia đình ông trở thành nhỏ bé trong tình thương mênh mông và sự hi sinh cao cả của Bác, của dân tộc. Ông nhìn rõ mình sẽ phải làm gì để xứng đáng với sự hi sinh cao cả của các con ông và khỏi phụ lòng của Bác... Sau này trải qua nhiều khó khăn, gian khổ của cuộc kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Việt Bắc, Ông đã bao lần đọc lại bức thư của Bác, khi thì đọc cùng gia đình, khi thì đọc cùng anh em đồng nghiệp, không lần nào không bồi hồi trước tình cảm mênh mông của Bác. Đây cũng chính là niềm an ủi và khích lệ giúp ông hoàn thành những trọng trách được giao, đóng góp được một phần nhỏ của mình cho cách mạng.
Sau năm 1954, Bác sĩ Vũ Đình Tụng và gia đình lại trở về sống ở Hà Nội. Năm 1973 ông đột ngột qua đời, không dặn dò gì lại. Thế nhưng, như có linh cảm về sự ra đi đột ngột này, mấy tháng trước ông đã trao lại bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho con trai cả và nói: "Đây là của báu của gia đình, nhưng cũng là vật quý của dân tộc, cha trao lại cho con cất giữ cẩn thận, chu đáo. Lá thư riêng này mang nặng tình cảm của cả núi sông, của lịch sử đấy con ạ". Ngày 10 tháng 3 năm 1985, Anh Vũ Đình Tuân là con trai cả của Bác sĩ Vũ Đình Tụng đã mang bức thư tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh để phục vụ cho khách tham quan nghiên cứu và học tập.
Câu chuyện giúp chúng ta thêm một lần nữa thấm nhuần sâu sắc  phẩm chất đạo đức: "Thương yêu con người, sống có nghĩa, có tình" của  Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ân tình sâu nặng và những lời chia sẻ động viên, khích lệ kịp thời của Bác có tác dụng an ủi động viên tất cả thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng trong cả nước làm họ vơi bớt nỗi đau mất mát người thân và cảm thấy tự hào với những gì mà họ đã cống hiến cho quê hương, Tổ quốc, giúp họ có thêm nghị lực để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống đời thường, biết đem tình cảm riêng của mình, của gia đình mình đặt trong tình cảm thiêng liêng của Tổ quốc, dân tộc và nhân loại.
Ngay những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Bác Hồ đã sớm nhận thấy vấn đề quan trọng của việc đền ơn đáp nghĩa, đã kịp thời có ứng xử cao đẹp, từ đó tập hợp lực lượng, đoàn kết toàn dân để kháng chiến thắng lợi. Cũng từ nghĩa cử cao đẹp đó, sáu tháng sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh chọn ngày 27/7 hàng năm làm ngày để cả dân tộc tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ, gia đình có công với nước./.
                                                                  Lê Bích Thủy
                                         Khu di tích Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An

Thông tin tham quan

Liên kết website