Giá trị giáo dục truyền thống tại khu di tích Kim Liên
03/07/2014 2:35:16 CH
Khu di tích lịch sử lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương là nơi lưu giữ kỷ niệm tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng người thân trong gia đình và kỷ niệm hai lần Người về thăm quê. Về với Khu di tích Kim Liên (KDTKL) là về với vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa, là để được tìm hiểu, được nghe, và thấy ngọn nguồn văn hóa đã sinh ra và nuôi dưỡng một Con Người “đã làm rạng rỡ non sông đất nước ta”. Với quần thể cụm di tích Hoàng Trù, Làng Sen, Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, và các di t

Khu di tích lịch sử lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương là nơi lưu giữ kỷ niệm tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng người thân trong gia đình và kỷ niệm hai lần Người về thăm quê. Về với Khu di tích Kim Liên (KDTKL) là về với vùng đất giàu truyền thống lịch sử văn hóa, là để được tìm hiểu, được nghe, và thấy ngọn nguồn văn hóa đã sinh ra và nuôi dưỡng một Con Người “đã làm rạng rỡ non sông đất nước ta”. Với quần thể cụm di tích Hoàng Trù, Làng Sen, Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, và các di tích về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai lần Người về thăm quê, hơn 10 di tích được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, và ngày10/5/2012 Khu di tích Kim Liên- Nam Đàn- Nghệ An vinh dự đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt.
Mỗi di tích, tài liệu hiện vật trưng bày tại KDTKL đều mang những nội dung ý nghĩa và giá trị giáo dục sâu sắc. Vì thế, tổng hợp nội dung các di tích và nhà trưng bày tạo thành một hệ giá trị lớn cung cấp những tri thức có giá trị về lịch sử- xã hội. Nó phản ánh truyền thống và đời sống của một vùng quê trong một quá trình lịch sử, mảnh đất đã hun đúc và nuôi dưỡng con người Hồ Chí Minh, phản ánh cuộc sống gia đình, tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và những nhân tố hình thành nên nhân cách của Người, và sự tác động tích cực của nó đối với đời sống xã hội đương đại.
Ở quần thể KDTKL chứa đựng truyền thống yêu nước, tinh thần kiên cường bất khuất của con người xứ Nghệ; truyền thống văn hóa; truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo; lòng nhân ái bao la, đức hi sinh cao cả.
Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh- xứ sở Hồng Lam có truyền thống đấu tranh lâu đời, Nghệ An là nơi lưu giữ nhiều dấu tích lịch sử nói lên truyền thống đấu tranh bất khuất chống ngoại xâm tiêu biểu có Mai Thúc Loan, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu…Đến thăm KDTKL, du khách sẽ hiểu được truyền thống yêu nước quí báu trong gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh.Thân sinh của Người- ông Nguyễn Sinh Sắc thường giao du với những người có tư tưởng yêu nước, và bản thân ông đã có nhiều hoạt động yêu nước. Anh trai , chị gái của Người đã tham gia hoạt động yêu nước trong tổ chức Đội Quyên, Đội Phấn, và nhiều lần bị giặc Pháp bắt cầm tù. Bao lần cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã từng chứng kiến cảnh các cụ sỹ phu, các nhà Nho yêu nước đàm đạo việc nước trong ngôi nhà của gia đình ở làng Sen, trong đó cụ Phan Bội Châu, thấy được nỗi trăn trở của các cụ trước vận mệnh đất nước. Đó chính là điều kiện giúp Người sớm có nhận thức về đất nước, về thời cuộc và nhen nhóm trong Người tình yêu nước, ý chí cứu nước cứu dân, và đã hi sinh trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng cứu nước cứu dân. Người là hiện thân tiêu biểu, là sự kết tinh của truyền thống yêu nước của dân tộc.
Khách tham quan đến quê Chủ tịch Hồ Chí Minh để hiểu về đời sống con người xứ Nghệ ẩn chứa trong Người. Đó là: người dân Nghệ An- Nam Đàn- Kim Liên sống gắn bó mật thiết  với nhau, họ rất coi trọng tình làng nghĩa nước. Dù phải sống trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, sinh hoạt còn lắm vất vả, gian nan nhưng họ vẫn luôn lạc quan, yêu đời, vẫn giành cho mình những ngày vui chơi thoải mái, cất cao tiếng hát lời ca với những làn điệu dân ca đặc sắc như hát ví, hát dặm, hát bội, hát ca trù và tổ chức đua thuyền, đánh vật, chơi cờ người, chọi gà…Có thể nói hát ví, hát dặm, hát phường vải là đặc sản nổi tiếng quê hương Người. Kim Liên là một trong những cái  nôi của hát phường vải. Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh là bà Hoàng Thị Loan, đặc biệt dì Hoàng Thị An của Bác là những cây hát nổi tiếng đương thời.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tắm mát trong không  gian văn hóa xứ Nghệ, những giọt sữa truyền thống văn hóa ngọt ngào đã nuôi dưỡng tâm hồn và trí tuệ Người.
Đến các di sản mà gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại tại quê hương, ta thấy đây là vùng đất có truyền thống hiếu học, trọng đạo lí làm người. Rất nhiều thế hệ ông đồ Nghệ đã đi vào đời sống, tình cảm và đạo học của nhân dân cả nước với uy tín vững chắc về sự uyên bác của tri thức và cao thượng về tư cách đạo đức. Nền học vấn ấy  tạo ra nhiều nhà khoa bảng, nhiều học giả nổi tiếng, nhiều lãnh tụ và các danh nhân văn hóa  lớn qua các thời kì lịch sử. 
Thân sinh của Người ông Nguyễn Sinh Sắc là một tấm gương khổ học thành tài. Ông đã vượt lên hoàn cảnh bản thân là một trẻ mồ côi, với đức tính thông minh ham học, đã được cụ Hoàng Xuân Đường đem về nhà mình nuôi cho ăn học. Cuộc đời ông Sắc gần 20 năm miệt mài đèn sách, và có 5 lần đi thi, 2 lần thi Hương ông đậu học vị Cử Nhân, 3 lần thi Hội ông đậu học vị Phó Bảng. Ngày ông được vinh danh bảng vàng được nhà vua Thành Thái ban cờ “ Phó Bảng phát khoa” và biển “Ân tứ ninh gia” là những chứng chỉ chứng nhận sự thành đạt của ông trên con đường khoa cử.
Tuổi niên thiếu sống trên mảnh đất quê nhà, cậu Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Đạt rất được cha chú trọng việc giáo dục. Ông Sắc lấy câu “Vật dĩ quan gia,vi ngô phong dạng” (Nghĩa là: Đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình ) để răn dạy con cái. Hai cậu được cha gửi đi học ở nhà thầy giáo Phan Quỳnh, thầy đồ Trần Thân,Thầy Vương Thúc Quý. Trong lớp học cậu Nguyễn Tất Thành luôn bộc lộ phẩm chất thông minh sáng dạ và rất chăm chỉ, luôn được thầy giáo nêu gương cho các bạn. Và về sau Người luôn không ngừng học tập, là tấm gương học tập và rèn luyện suốt đời. Phải chăng đây là đức tính có cội nguồn từ ông đồ xứ Nghệ, và đây là đức tính quí báu mà các thế hệ chúng ta ngày nay cần noi theo và học tập.
Đến thăm KDTKL, ta cảm nhận được tấm lòng cao cả nghĩa hiệp, một tình thương bao la nhân hậu, một quan điểm sống tiến bộ vượt ra ngoài vòng lễ giáo phong kiến lúc bấy giờ của cụ Hoàng Xuân Đường. Thương cảm trước hoàn cảnh trẻ mồ côi nghèo mà hiếu học, cụ đã đón Nguyễn Sinh Sắc về nhà mình nuôi cho ăn học. Sau này đã tác thành đôi lứa với con gái yêu của mình, rồi cắt đất dựng nhà tạo tổ ấm cho các con.
Mọi du khách thật sự xúc động và cảm phục trước tấm lòng của người vợ, người mẹ đã hi sinh trọn đời mình cho hạnh phúc con trẻ và tương lai sự nghiệp của người chồng. Chiếc khung cửi, võng  gai là minh chứng cho một cuộc đời chịu thương chịu khó của mẹ.
Kế tiếp đức hi sinh cao cả của người mẹ, chị gái của Bác, cô Nguyễn Thị Thanh đã từ chối lời cầu hôn của bao trai làng và con nhà giàu có, bởi cô muốn giành trọn tình cảm cho cha và các em. Tâm sự của cô thật xúc động chứa đựng đức hi sinh cao cả: “Gia đình tôi mẹ thì mất sớm, cha không đi bước nữa, là con gái lớn trong nhà, đạo làm con tôi xin nguyện ở vậy phụng dưỡng cha và chăm sóc các em thay mẹ.”
Truyền thống nhân ái và đức hi sinh cao cả của người thân trong gia đình đã ảnh hưởng sâu sắc và in đậm trong trái tim của Người, điều đó cắt nghĩa vì sao Người đã hi sinh trọn đời cho dân tộc, và biểu hiện ở Người một trái tim nhân ái bao la.
          Như vậy, về với Khu di tích Kim Liên là về với mảnh đất cội nguồn giàu giá trị giáo dục truyền thống. Những giá trị đó đang ngày một tỏa sáng và được phát huy bởi công tác tuyên truyền giáo dục. Mỗi năm KDT Kim Liên đón từ 1,6- 1,8 lượt người trong và ngoài nước về tham quan và học tập. Thông qua công tác tuyên truyền trong và ngoài di tích, KDT Kim Liên đang ngày một khẳng định vị trí là trung tâm giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng.
                                         Phạm Thị Ngọc Lan- Phòng tuyên truyền giáo dục Khu di tích Kim Liên.

Thông tin tham quan

Liên kết website