LỄ TƯỞNG NIỆM 685 NĂM NGÀY MẤT CỦA TƯỚNG QUÂN NGUYỄN ĐẮC ĐÀI
14/09/2022 8:34:17 SA
Sáng 13 tháng 9 năm 2022 (nhằm ngày18/8/ Nhâm Dần) tại Đền thờ Đức Thánh Cả thuộc xóm Sơn 1, xã Kim Liên, Huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 685 năm ngày mất của Tướng quân Nguyễn Đắc Đài.

Tham dự lễ tưởng niệm các đồng chí lãnh đạo Sở VHTT Nghệ An, lãnh đạo huyện Nam Đàn, lãnh đạo xã Kim Liên, ban chỉ huy xóm Sơn 1, bà con dòng họ Nguyễn Đắc, cán bộ chiến sỹ công an xã Kim Liên và cán bộ viên chức, người lao động Khu di tích Kim Liên.
Theo sự tích ghi trong gia phả họ Nguyễn hiện còn lưu giữ ở làng Ngọc Đình thì tổ tiên của tướng quân Nguyễn Đắc Đài, nguyên quán ở làng Đống Thượng, sau thuộc xã Trung Mưu, tổng Thông Lạng, huyện Hưng Nguyên (Nay là xóm 1,2 xã Hưng Tiến huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) dời lên sống ở làng Ngọc Đình, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đường (nay là xóm Sơn 1, xã Kim Liên, Huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Ông sinh được hai con trai, người con cả tên là Khổng ở lại Ngọc Đình sinh con trai là Khám. Ông Khám sinh được 3 người con trai, Nguyễn Đắc Đài là con trai thứ 2. Lớn lên Nguyễn Đắc Đài là một chàng trai khôi ngô, khỏe mạnh, giỏi võ nghệ nổi tiếng trong vùng.
    Vào nửa đầu thế kỷ XIV, triều vua Trần Hiển Tông (1324 - 1341) nước ta bị giặc Bồn Man quấy phá. Vua xuống chiếu chiêu tập anh tài ra giúp nước. Nguyễn Đắc Đài hăng hái phụng chiếu tới kinh đô Thăng Long sung vào quân ngũ tham gia đánh giặc và lập nhiều chiến công xuất sắc được nhà vua phong là Hoa Lâm tướng quân, sau đổi là Xuân Lâm tướng quân, được xếp là một trong 10  tướng giỏi của đất nước  thời  nhà Trần.
Một thời gian sau lại có giặc ở phía Tây Bắc Nghệ An quấy nhiễu, ông phụng mệnh đem quân đi đánh dẹp nhưng không may ông bị trọng thương. Trên đường tế ngựa về quê đến làng Ngọc Đình, xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đường (nay là xóm Sơn 1, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) thì ông  mất. Hôm đó là ngày 18 tháng 8 âm lịch, năm Đinh Sửu (1337). Thi hài tướng quân được người dân bản địa an táng ở một khu đất rộng bằng phẳng tại làng Ngọc Đình (Mộ của tướng quân hiện nay cách đền thờ khoảng 300m về hướng Tây Nam) trên một ngọn  của núi Chung nơi có câu sấm truyền nổi tiếng:
                          “ Chung sơn tam đỉnh hình vương tự
                               Kế thế anh hùng vượng tử tôn”
  Theo gia phả họ Nguyễn ở làng Ngọc Đình để tưởng nhớ một vị tướng đã có công lớn trong đánh giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi đất nước, lúc đầu làng dựng một ngôi đền nhỏ để thờ Xuân lâm Tướng quân Nguyễn Đắc Đài gọi là đền Thánh Cả. Sang đến thời Lê, có một Tướng quân đem quân đi dẹp giặc ở vùng này, khi qua đền có vào thắp hương khấn nguyện, được linh ứng, thắng trận khải hoàn. Về tới Kinh đô, để nhớ ơn vị thần được thờ trong đền Thánh Cả, Tướng quân đã tâu lên nhà Vua, được Vua phong sắc thần và cho tu bổ đền khang trang, giao cho hai xã Chung Cự và Gia Lạc hương khói, phụng thờ. Đền gồm có ba tòa thượng, trung, hạ điện, có đủ đồ tế khí gươm giáo, ngựa gỗ khá uy nghi, đẹp đẽ.
Thời niên thiếu khi còn ở Làng Sen (1901- 1906), Chủ tịch Hồ Chí Minh thường được thân phụ Nguyễn Sinh Sắc dẫn sang đền thờ để thắp hương tưởng nhớ tướng quân Nguyễn Đắc Đài - một người con ưu tú của quê hương
Ở làng Hoàng Trù, nơi có những giọt máu của Tướng quân rơi xuống,  ngày xưa dân làng cũng dựng lên một ngôi đền nhỏ để thờ ông.  Hàng năm xã Chung Cự và tổng Lâm Thịnh mở lễ hội vào ngày 18 tháng 8 âm lịch để kỷ niệm ngày mất của Đức Thánh cả Nguyễn Đắc Đài, trước khi vào đại lễ, nhân dân có tổ chức rước thần từ ngôi đền ở làng Hoàng Trù lên ngôi đền ở làng Ngọc Đình. Lễ hội đền Thánh Cả hàng năm được tổ chức rầm rộ, vui vẻ. Đây là dịp để tâm hồn người dân được thăng hoa hưởng thụ những giá trị văn hóa của quê hương, xứ sở.
Trước Cách Mạng tháng 8 đền thờ là nơi hội họp của các chi bộ Đảng thuộc Tổng Lâm Thịnh. Sau này đền bị phá chỉ còn mỗi đền Thượng. Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm lịch sử của đất nước, ngôi đền chỉ còn lại dấu tích xưa.
Năm 2015, với nguồn kinh phí xã hội hóa từ nhân dân và sự đóng góp của các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, ngôi đền đã được phục dựng tại vị trí cũ, trong khuôn viên rộng hơn 6 ngàn m2, kiến trúc đền gồm có hạ điện, trung điện, thượng điện với những đồ tế khí trang nghiêm. Việc phục dựng Đền thờ Đức Thánh cả Tướng quân Nguyễn Đắc Đài thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tín ngưỡng thờ tự trong đời sống của nhân dân địa phương, vừa bảo lưu được giá trị lịch sử, những nét văn hóa vật thể rất riêng của địa phương. Đồng thời thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước tới những giá trị văn hóa quý báu cần gìn giữ, lưu truyền, đó là truyền thống anh dũng ngàn năm dựng nước và giữ nước của nhân dân ta, đóng góp vào nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của quê hương, đất nước. Đền thờ Xuân Lâm tướng quân Nguyễn Đắc Đài là địa điểm văn hóa tâm linh hàng ngày mở cửa để đón khách thập phương về dâng hương chiêm bái.  

Quý Phan
 

Thông tin tham quan

Liên kết website