CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH VỚI MẶT TRẬN TỔ QUỐC, ĐOÀN KẾT DÂN TỘC
17/11/2023 9:38:35 SA
"Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta". Truyền thống đó được hun đúc, hình thành và phát triển bởi tinh thần yêu nước, bởi ý chí độc lập và tự chủ của dân tộc ta trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước và đoàn kết đó Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm và đề cao đến vấn đề đoàn kết toàn dân tộc trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.

Người sinh ra và lớn lên trên quê hương Xứ Nghệ, nơi có nhiều truyền thống tốt đẹp như: truyền thống hiếu học, truyền thống văn hoá, lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước; đặc biệt Nghệ An luôn nổi tiếng với truyền thống đoàn kết gắn bó, thủy chung từ lâu đời. Trong gia đình Bác: ông bà, cha mẹ đều là những người giản dị, gần gũi, yêu thương đùm bọc, sẵn lòng giúp đỡ dân nghèo vì thế tuổi thơ Người luôn được sống trong tình cảm yêu thương, đoàn kết, ấm áp tình làng nghĩa xóm làng. Truyền thống tốt đẹp của quê hương, gia đình chính là mạch nguồn nuôi dưỡng tình cảm, nhân cách cao đẹp trong tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung.
 Nước nhà lầm than, chìm đắm trong đêm trường nô lệ. Các phong trào đấu tranh của nhân dân do các sỹ phu yêu nước lãnh đạo đều lần lượt thất bại, bị đàn áp dìm trong biển máu. Giữa bối cảnh rối ren như vậy, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết chí ra đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Trong hành trình 30 năm bôn ba đó, Người đã đi qua gần 30 quốc gia cả đế quốc và thuộc địa. Người nhận ra rằng: Cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân ta và các dân tộc thuộc địa khác chưa đi đến thắng lợi cuối cùng bởi chưa biết cách tổ chức, chưa có tổ chức liên minh đoàn kết các giai cấp, đoàn kết mọi lực lượng để cùng chiến đấu chống kẻ thù.
 Người bắt gặp luận cương của Lê Nin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa, trong đó nêu rõ: "Đoàn kết, liên minh các giai cấp là yếu tố quyết định thắng lợi của cách mạng".
 Và bài học của Cách mạng tháng 10 Nga về huy động, tập hợp sức mạnh đoàn kết của đông đảo quần chúng công- nông- binh cùng chiến đấu để giành và giữ chính quyền cách mạng. Từ đó Người đã tìm được đường đi đúng đắn cho cách mạng Việt Nam.
 Qua thời gian chuẩn bị về tư tưởng, lý luận, tổ chức và cán bộ. Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/ 2/1930 tại Cửu Long - Hương Cảng - Trung Quốc; thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng do Người soạn thảo, vạch ra những vấn đề cơ bản về đường lối cách mạng Việt Nam. Trong đó, có những nội dung về yêu cầu tập hợp lực lượng, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Người khẳng định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân.
Giữa lúc cao trào cách mạng đầu tiên do Đảng lãnh đạo mà đỉnh cao là phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đang diễn ra sôi nổi, ngày 18/11/1930 Đảng đã chỉ thị thành lập hội Phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam. Để phù hợp với nhiệm vụ từng thời kỳ lịch sử mà có những hình thức, tên gọi khác nhau nhưng mục đích, ý nghĩa chính vẫn là đoàn kết toàn thể mọi giai tầng trong xã hội cùng thực hiện mục tiêu chung của dân tộc.
Lúc này, dù bận trăm công ngàn việc Bác vẫn hết sức quan tâm và coi trọng vấn đề đoàn kết dân tộc. Người khẳng định: Đoàn kết là nhân tố đặc biệt quan trọng quyết định đến mọi thắng lợi của công việc, nếu không đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau thì khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ, đưa sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của dân tộc đến thắng lợi cuối cùng. Người kêu gọi: "Dân ta xin nhớ chữ Đồng: đồng lòng, đồng sức, đồng tình, đồng minh". Bởi "Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết, thành công thành công đại thành công" . 
Mỗi khi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với cán bộ, nhân dân Bác luôn đề cao đến sức mạnh của sự đoàn kết qua những dẫn chứng cụ thể sinh động hay những câu chuyện, bài thơ dễ nhớ, dễ thuộc.
Người ví mỗi cá nhân là một bộ phận trong một chiếc đồng hồ, khi mọi người phối hợp ăn ý, chặt chẽ với nhau thành một khối đồng nhất thì đảm bảo chiếc đồng hồ đó chạy đều, đúng từng phút từng giây, ngày này qua ngày khác; ngược lại nếu thiếu một bộ phận hoặc một bộ phận nào đó không hợp tác, không làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình thì chắc chắn chiếc đồng hồ đó sẽ là một đồng hồ bị hỏng, chạy sai, vô giá trị.  
 Lời chỉ dạy về sự đoàn kết còn được Người thể hiện qua bài thơ "Con cáo và tổ ong" những chú ong tuy bé nhỏ yếu ớt nhưng có tổ chức, biết phát huy sức mạnh đoàn kết đã chiến thắng Cáo - một thế lực có sức mạnh, gian manh và hung ác.
Người còn lấy hình ảnh câu chuyện bó đũa của người cha dạy các con: Khi tách ra mỗi chiếc đũa riêng lẻ thì dễ dàng bị bẻ gãy. Còn giữ nguyên cả bó đũa thì cho dù có khoẻ đến mấy cũng không thể nào bẻ gãy được. 
 Dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự quan tâm dìu dắt của Bác, từ ngày Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam ra đời đến nay đã đoàn kết toàn dân ta thành một khối thống nhất, tạo nên một sức mạnh to lớn, hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của lịch sử; đặc biệt trong hai cuộc đấu tranh chống Pháp, Mỹ xâm lược. Trong thời kỳ đổi mới vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách như: thiên tai bão lũ, các tệ nạn xã hội, các thủ đoạn diễn biến hoà bình...  nhưng chúng ta luôn tin tưởng rằng Mặt trận  tổ quốc các cấp từ Trung ương đến địa phương luôn phát huy được vai trò kết nối của mình để toàn Đảng toàn quân toàn dân ta cùng chung chí hướng,  đồng sức đồng lòng đáp ứng mọi yêu cầu của cách mạng.
 


Lãnh đạo Sở VH&TT Nghệ An, Ban dân vận Huyện uỷ Nam Đàn, Khu di tích Kim Liên
trao giải thưởng cho các đội thi dân vũ
 
Giờ đây, ngày 18/11 hàng năm là ngày truyền thống của Mặt trận tổ quốc Việt Nam và cũng là ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Hưởng ứng 93 năm ngày truyền thống Mặt trận tổ quốc, ngày hội đoàn kết toàn dân tộc, và đặc biệt năm nay lần đầu tiên Nghệ An tổ chức "Ngày hội kết đoàn" trên phạm vi toàn tỉnh, Khu di tích Kim Liên đã có nhiều hoạt động như: đi nói chuyện chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh và trao tặng những món quà cho một số đồng chí công tác mặt trận tiêu biểu tại huyện Thanh Chương; phối hợp với nhân dân trên địa bàn xã Kim Liên và Nam Giang, tổ chức giải bóng chuyền hơi, thi dân vũ thể thao... Đây là những hoạt động vô cùng ý nghĩa, qua đó giúp người dân càng thêm yêu kính Bác, tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương; tạo không khí vui tươi, phấn khởi, góp phần thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó; phối hợp tốt hơn nữa với cán bộ khu di tích Kim Liên cùng gìn giữ, phát huy giá trị những di sản vô giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương; cải thiện, nâng cao đời sống tinh thần góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, văn hoá, xã hội ở địa phương. Tạo động lực mạnh mẽ để sớm thực hiện thành công mục tiêu "Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh".
                                                                   Nguyễn Hải - Thanh Huyền
 
 
 

Thông tin tham quan

Liên kết website