TƯỞNG NHỚ BÀ NỘI CỦA BÁC HỒ
30/09/2019 3:41:24 CH
Vào ngày 30/8 âm lịch hàng năm, Khu di tích Kim Liên tổ chức trọng thể lễ tưởng niệm bà Hà Thị Hy - Bà nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Sáng ngày 28 tháng 9 năm 2019 nhằm ngày 30 tháng 8 năm Kỷ Hợi, với tình cảm sâu nặng "Uống nớc nhớ nguồn" Khu di tích Kim Liên tổ chức lễ tưởng niệm 152 năm ngày mất của Bà Hà Thị Hy – Bà nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với sự tham gia của đại diện lãnh đạo xã Kim Liên, xóm Sen 3, các dòng họ Nguyễn Sinh, họ Hà, họ Hoàng Xuân, các đồng chí trong đội cảnh sát bảo vệ Khu di tích Kim Liên, CB CNVC Khu di tích Kim Liên cùng quý khách về thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh .
Theo gia phả dòng họ Hà ở thôn Mậu Tài thì dòng họ Hà xưa là một dòng họ có truyền thống hiếu học ở làng Mậu Tài, xã Kim Liên. Bà Hà Thị Hy thuộc thế hệ thứ 10 của dòng họ. Bà Hà Thị Hy sinh năm Giáp Ngọ (1834) là con gái đầu lòng của cụ Hà Cẩn – một gia đình nông dân hiếu học ở thôn Mậu Tài, xã Gia Lạc, tổng Lâm Thịnh, huyện Nam Đường, tỉnh Nghệ An (nay thuộc xóm Mậu 2, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Thủa nhỏ Bà là một  người có tư chất thông minh, được cha mẹ nuôi dưỡng, dạy dỗ chu đáo. Lớn lên trở thành một cô gái xinh đẹp, nết na, giỏi giang công việc đồng áng, dệt vải và nội trợ, có vốn hiểu biết văn hóa văn nghệ dân gian. Đặc biệt là bà thông thạo chữ Hán, có năng khiếu và say mê hát phường vải.
Năm 28 tuổi (1861) như một mối lương duyên thiên định bà mới nhận lời kết hôn với ông Nguyễn Sinh Nhậm, (còn gọi là Nguyễn Sinh Vượng), người xóm Phú Đầm, làng Kim Liên. Cuối năm Nhâm Tuất 1862, hai ông bà sinh được một cậu con trai đặt tên là Nguyễn Sinh Sắc (sau này là thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Năm Ất Sửu (1865), ông Nguyễn Sinh Nhậm bệnh nặng và qua đời khi cậu  Sắc mới lên 3 tuổi. Do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, một mình bà vừa nuôi con nhỏ vừa lao động sản xuất nên bà lâm bệnh nặng và đột ngột qua đời khi mới tròn 33 tuổi (1867). Nhân dân trong làng đưa thi hài của bà an táng tại phần đất của gia đình ở xứ Cồn Thần, Đồng Sen, xã Chung Cự (nay là xã Kim Liên).
Năm 1942, sau nhiều năm bị tù đày và được trả tự do về quê sinh sống, ông Nguyễn Sinh Khiêm (anh trai của Chủ tịch Hồ Chí Minh), với hiểu biết sâu sắc về thiên văn, địa lý, phong thủy đã chọn được vị trí đẹp trên núi Động Tranh thuộc dãy Đại Huệ, xã Hữu Biệt (nay là xã Nam Giang) cùng bà con dòng họ đưa hài cốt của Bà nội và thân mẫu lên an nghỉ vĩnh hằng. Trước đây, phần mộ của bà được đắp bằng đất núi, phần trên đắp bằng đá núi. Hàng năm cứ vào dịp giỗ tết, con cháu họ Nguyễn Sinh đều cùng nhau lên tảo mộ thắp hương chu đáo.
Tháng 10 năm 1989, hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (người cháu nội ưu tú của bà) Khu di tích Kim Liên phối hợp với họ đại tôn Nguyễn Sinh xây lại ngôi mộ tại vị trí cũ bằng gạch và bê tông khang trang đẹp đẽ để nhớ ơn công lao của bà; Năm 2001, Khu di tích Kim Liên tiếp tục nâng cấp phần  mộ  của Bà để đón khách về thăm viếng.
Hiện nay  “Dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Kim Liên gắn với phát triển du lịch” đã xây dựng lại phần mộ bà Hà Thị Hy khang trang và đẹp đẽ, tạo điều kiện thuận lợi để cho du khách trong nước và quốc tế mỗi lần về thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh được tới thăm viếng, thắp nén hương thơm, dâng bó hoa tươi bày tỏ tấm lòng thành kính và sự biết ơn sâu sắc đối với một người mẹ Việt Nam, bình dị như bao bà mẹ khác - Bà nội Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Lê Bích Thủy
Khu di tích Kim Liên
 

Thông tin tham quan

Liên kết website