TỪ TÌNH CẢM QUÊ HƯƠNG CỦA BÁC HỒ SÁNG TỎ NHÂN CÁCH NGƯỜI LÃNH ĐẠO CÁCH MẠNG
06/07/2021 2:32:31 CH

      Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước và suốt đời đã hết lòng phục vụ tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Quê hương lớn của Người là đất nước Việt Nam yêu quý. Trong tình cảm thiêng liêng ấy, Bác còn có một quê hương thân thiết, từng là cội nguồn của nhận thức, tình cảm, ý chí vì “độc lập tự do”, giải phóng dân nhân khỏi mọi xiềng xích nô lệ, áp bức. Đó là  vùng quê làng Sen, làng Chùa, Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An.
Là lãnh tụ của Đảng và dân tộc, tình cảm quê hương của Bác bao gồm một phạm vi rộng, mang những nét đặc biệt, vượt lên trên những tình cảm quê hương thông thường. Ở đây, nhân cách người lãnh tụ được thể hiện và thử thách, nhất quán giữa quê hương lớn và quê hương nhỏ, giữa lợi ích chung - toàn bộ và lợi ích riêng - cục bộ, vốn rất đa dạng và phức tạp vô cùng, Người đã biến tình cảm quê hương thành sức mạnh của tinh thần dân tộc, tinh thần thời đại lớn lao, tạo thành một tình cảm đạo đức mới - đạo đức cách mạng.
“ Quê hương nghĩa trọng tình cao”.
Bác Hồ đã được nuôi dưỡng lòng yêu nước thương dân bằng cảnh ngộ xót đau của bà con cùng xứ sở và vì vậy, đã lăn lộn 30 năm xa Tổ quốc để tìm đường cứu nước. Tình cảm quê hương không dừng lại ở những kỷ niệm êm đềm mà còn là sự  day dứt thân phận, cảnh nước mất nhà tan, là cảnh ngộ chung mà gia đình Bác cũng thật là tiêu biểu. Bởi vậy, nét đặc sắc trong tình cảm quê hương của Bác là sự ngưỡng vọng về một quê hương cách mạng, một “Nghệ Tĩnh đỏ”, ấn tượng đẹp về quê hương là “Nghệ Tĩnh nổi tiếng cứng đầu” bao hàm thái độ bất khuất kiên cường của dân chúng và niềm tự hào của bản thân đối với quê hương đó. Dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn luôn hướng lòng mình, dành tình cảm nồng hậu với quê hương “nghĩa trọng tình cao” luôn gắn bó với lý tưởng cách mạng, với mục tiêu cách mạng “độc lập, tự do, hạnh phúc”. Song muốn làm được điều đó, về phía mình, Bác thấy trọng trách phải xây đắp lòng dân, trước hết là sự hiến thân của người lãnh đạo. Sự hiến thân và chăm sóc nhân dân là “hòn đá thử vàng” đối với người chiến sỹ cách mạng, nhất là những người có vị trí cao trong bộ máy của Đảng và Nhà nước. Niềm tin sẽ biến thành nghĩa vụ đạo đức, thành sức mạnh tự giác cống hiến, hy sinh của hàng triệu quần chúng nhân dân, khi họ thấy rõ người lãnh đạo là người dẫn dắt, là người thuộc về mình.
Chính Bác Hồ, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng nêu cao sự hiến thân và chăm sóc nhân dân, biểu hiện trước hết với quê hương mình. Suốt cuộc đời làm cách mạng, Bác đã trọng nghĩa nước mà gác tình nhà, dẫu biết tình nhà biết bao sâu nặng. Hơn 30 năm trời xa cách, cho đến sau ngày cách mạng Tháng Tám thành công, Bác mới có dịp gặp lại chị và anh ruột của mình trong vài ba chục phút. Khi người thân mất, cũng không thể về phúng viếng được, Bác gạt nước mắt và viết lời “chịu tội bất đễ”. “Nghĩa trọng tình cao” đặt trong sự hy sinh tột bậc về lợi ích gia đình, bản thân để mưu cầu lợi ích đất nước cũng là một nét đẹp truyền thống của dân tộc, nhưng cũng thật hiếm có những trường hợp đặc biệt “quên mình” như Bác. Xưa nay, mỗi khi người lãnh tụ có công với nước, lên nắm quyền, ít khi tránh khỏi việc đưa những người thân thích của mình vào những chức vị quan trọng để hưởng ân lộc và bảo vệ cho sự trường tồn của quyền lực tối trọng. Bác Hồ thì hoàn toàn khác. Người không một chút thiên vị về cá nhân, thân tộc vì Bác có sức mạnh của chính nghĩa “đại đoàn kết” và lấy lẽ công bằng, dân chủ làm điểm xuất phát. Sự quan tâm của Bác đối với bà con quê hương là sự chăm sóc từ những lợi quyền thiêng liêng “Tổ quốc độc lập” đến những nhu cầu thường nhật của cuộc sống “hạnh phúc của nhân dân”. Không phải như có người đã nghĩ “Lãnh tụ chỉ cần nói, chỉ cần xem xét những việc hệ trọng, to tát thôi”, Bác Hồ thường quan tâm, nhắc nhở các cán bộ ở tỉnh nhà những việc rất cụ thể trong cuộc sống của dân: nhà tiêu, giếng nước, cái hầm phòng không, bữa ăn, giấc ngủ, cái cây dọc đường.vv…Bác dặn: dọc đường nên trồng phượng, không nên trồng nhãn, vì trồng nhãn các cháu trèo hái có thể ngã què.
Cũng trong thái độ chăm sóc nhân dân, Bác Hồ không chỉ lấy lòng độ lượng để cảm hóa mà còn tỏ ra am hiểu sâu sắc đặc điểm tâm lý của tầng lớp đồng bào, coi trọng việc biểu dương, khích lệ, nhằm làm cho mọi người đều hướng về người tốt, việc tốt. Từ đó mà xây dựng tinh thần hòa mục, thân ái cho cả nước. Bác nói: “Chúng ta phải biết rằng: người đời ai cũng có chỗ hay, chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng, cong đều đúng chỗ mà dùng được”. Tự thân, Bác đã dành thời gian để đọc và viết về gương những người tốt, trong đó có nhiều tấm gương tiêu biểu ở Nghệ Tĩnh. Đây không chỉ là nghệ thuật dùng người mà còn xuất phát từ lòng nhân ái sâu rộng của Bác.
Thực hiện dân chủ với dân là vấn đề cốt lõi của công cuộc xây đắp lòng dân mà Bác Hồ từng quan tâm, đặc biệt đối với tỉnh nhà “Quyền hành” xưa nay chỉ dành cho những người có chức vị, nay với Bác, nó phải dành cho người dân với đầy đủ ý nghĩa của nó. Đây thực sự là một cuộc cách mạng cực kỳ quyết liệt trên mặt trận tư tưởng và đạo đức, nhận thức và tình cảm, đánh sập dinh lũy kiên cố của hàng trăm nghìn năm uy lực phong kiến, thực dân. Bởi thế, chỉ 15 ngày sau cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 17/9/1945, Bác Hồ đã gửi thư cho “các đồng chí tỉnh nhà” lưu ý về bốn loại khuyết điểm vi phạm quyền làm chủ của dân. Trước khi vĩnh biệt chúng ta có 37 ngày, Bác lại gửi thư cho Đảng bộ tỉnh nhà, đặt lên hàng đầu của nhiệm vụ  tới là: “tích cực thực hiện dân  chủ với nhân dân hơn nữa”. Khái niệm “ông chủ, bà chủ” theo cách nói của Bác là người xã viên hợp tác xã mà ban quản trị phải hết lòng phục vụ họ, chứ không phải “chỉ tay 5 ngón”. Bồi dưỡng thế hệ trẻ để gánh vác việc quản lý  đất nước cũng là một nội dung thực hiện dân chủ. Về giữa quê hương có truyền thống cách mạng, Bác Hồ đã chân thành phê phán đầu óc “cha truyền con nối” về hưởng thụ, thái độ sợ “măng mọc quá pheo”. Bác tâm sự: “Đảng cũng rất cần nhiều cán bộ trẻ  để làm những việc mà đảng viên già không làm được”. Bác mong muốn đảng viên già làm mẫu  mực và dìu dắt cán bộ trẻ. Tất cả là “vì dân” bởi coi dân là tối thượng.
Cái chân lý đã được nói đến tự xa xưa “dân vi quý”, “việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” chỉ vang vọng lên chốc lát rồi mờ nhòa, vùi lấp trong nghiệt ngã thời gian và khôn cùng dục vọng giờ đây được Bác Hồ trân trọng đặt lên vị trí hàng đầu với ý nghĩa khoa học và đạo đức. Quan điểm “thân dân” cũng đã có từ lâu, vậy mà giữa hoàng đế với thần dân vẫn cách xa ngàn trùng. Từ giữa thế kỷ XX, ở trên đất nước Việt Nam, xuất hiện một từ xưng hô “Bác” mang ý nghĩa mới: Bác Hồ, quan hệ quốc gia hòa đồng trong quan hệ thân tộc, có tác dụng thắt chặt mối dây: nước với nhà, nhà với nước, cương vị lãnh tụ trên cao trở nên thiêng liêng, gần gũi, thân thiết.
Rõ ràng, tình cảm quê hương đã không còn giới hạn trong một vùng quê mà trở thành tình cảm chung đối với cả nước, lấy cái mạnh của vùng quê  làm giàu cho cả nước và lấy cái giàu của cả nước làm sức mạnh vươn tới quê nhà. Chính vì vậy mà từ tình cảm quê hương của Bác đã khơi dậy những nét đẹp trong phẩm chất truyền thống của dân tộc như trọng tình nghĩa, ham sự giản dị, trung thực…Bởi thế, mọi người Việt Nam, dù ở địa phương nào cũng cảm thấy Bác là người của quê mình bởi Bác đã hun đúc tinh hoa của mọi miền để nâng Việt Nam lên một tầm mới. Một học giả nước ngoài đã nói rất đúng: “Theo tôi hiểu Hồ Chí Minh là Cụ Hồ tiên tri của Tổ quốc, với ý nghĩ đó là người chỉ đường”.
Phát huy bản sắc cội nguồn.
Kể từ lúc rời quê hương năm 1906 đến năm 1957 trở về thăm quê đúng 50 năm tròn. Qua 50 năm ấy, Bác Hồ đã từng sống và đi qua bao miền xa lạ, vậy mà ở Bác vẫn đậm đà tính cách của con người xứ Nghệ: sống chân tình, chất phác, đôi khi pha chút hài hước dí dỏm… Xưa nay, ở cương vị lớn, con người thường tỏ ra trang trọng, oai phong để phân biệt trên dưới, sang hèn. Bác Hồ thì khác hẳn. Cuộc sống thanh bạch, giản dị của Bác đã làm xúc động mọi người Việt Nam và bạn bè quốc tế. Có rất nhiều dấu nét của con người xứ Nghệ được Bác trân trọng, gìn giữ ngày ngày: mặc bộ quần áo nâu gụ, đi đôi dép cao su giản tiện, thích ăn món ăn có phong vị quê nhà, dành dụm thời gian trồng rau, nuôi cá.vv…Lối sống ấy bắt nguồn từ nếp nhà quen thuộc, lối sống ấy còn bắt nguồn từ nhân sinh quan cách mạng: người cách mạng không thể sống cuộc sống xa cách với nhân dân. Có điều đáng suy nghĩ là: Bác từng tiếp xúc với nền văn minh Âu, Mỹ đã nhiều mà sao vẫn quay về phong vị cũ? Phải chăng, có cái gì đó như bảo thủ? Điều đó chỉ có thể giải thích bằng một quan điểm, một thái độ hướng về cội nguồn. Ở đó, có cái thích hợp với cuộc sống dân dã, có cái thoải mái, tự nhiên, có tác phong quần chúng, dễ gần gũi với mọi người. Quan trọng hơn là sự rèn luyện mình cho luôn gắn bó với dân và giáo dục cán bộ, đảng viên không được lìa xa gốc gác của mình. Đó là một quan điểm sống, một tư tưởng chính trị, thẩm mỹ nhằm giữ được tinh hoa cốt cách của cha ông. Bác cũng tiếp thu những nét tân tiến của thời đại trong ứng xử, giao tiếp, lấy cái đẹp của con người làm trung tâm; không thể trở về với những cái cũ kỹ, lỗi thời, cũng không thể học đòi lối ăn diện kệch cỡm, chuốc rượu mê cuồng của giai cấp tư sản. Với một đất nước đang nghèo, phải chống giặc liên miên và thiên tai khắc nghiệt, chỉ có một con đường, một lối đi: bình dị mà trong sáng. Bác đã chọn con đường ấy, cái gốc ấy. Lối sống giản dị rút từ cội nguồn của Bác quả có ý nghĩa to lớn trong việc giáo dục, nâng cao đạo đức cách mạng của nhân dân ta.
Cũng có người thoáng ý nghĩ: Bác Hồ có chịu ảnh hưởng của thuyết “khổ hạnh” của các tôn giáo, của cách sống quen chịu đựng của người nông dân xứ Nghệ?
Chúng ta đều biết: Bác Hồ là người có tâm hồn phong phú, lạc quan luôn yêu đời, yêu người. Chính vì vậy mà Bác đã tự hiến thân cho cách mạng, có “ham muốn đến tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Bác chăm lo cải thiện cuộc sống vật chất và tinh thần cho hết thẩy toàn dân, không chịu cúi đầu trước bất cứ thế lực tàn bạo nào. Thái độ đó hoàn toàn khác xa với triết lý “khổ hạnh” của tôn giáo. Cuộc sống giản dị, thanh bạch của Bác nhằm giữ gìn cho đạo đức xã hội được tốt đẹp, không thể vì ham muốn vị kỷ mà suy thoái nhân tâm. Chính Bác đã nói: “Người ta ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp là không có đạo đức”. Như vậy cũng có thể nói: Bác đã tiếp thu lối sống cần kiệm, quen chịu đựng trước những khó khăn, thiếu thốn của bà con quê nhà, nhưng Bác lại vươn cao, vươn xa hơn ở sự sáng suốt tìm con đường đúng đắn về vượt lên, để giành cuộc sống tươi đẹp hơn.
Bác Hồ là nhà cách mạng, lại là một nhà thơ nổi tiếng. Bác có quan điểm về cái đẹp rất rõ ràng: cái gì đẹp phải bao hàm cái có ích. Bác dặn trong vườn nhà Bác ở Làng Sen chỉ nên trồng hoa khoai, hoa đậu. Biết ở xã nhà, dọc đường còn trống trải, Bác tặng một gói hạt giống phượng để về gieo trồng, cho bà con đi lại có bóng mát và được nhìn hoa đẹp… Đó là cái đẹp của người xứ Nghệ chuộng thực tế đậm tình người.
Dù xa quê hương, Tổ quốc đã nhiều năm, dù tiếp xúc với nền văn hóa nhiều nước phương Đông, phương Tây, Bác Hồ vẫn thuộc truyện Kiều. Bác nhớ chính xác từng câu, từng chữ trong một số bài hát ngày xưa và dặn các cháu văn công cần hát cho đúng, hiểu cho đúng tấm lòng của cha ông thuở trước. Có khi tại cuộc họp đông đảo, Bác nói “Nghệ An nhà choa” như thật như đùa: người nghe ở bao miền tổ quốc đều hết sức cảm động vì Bác - Lãnh tụ đã nhập thân trong Bác - công dân của làng, của xã, của đất nước Việt Nam rồi .
Bác Hồ là con người mẫu mực của Việt Nam, của nhân loại mà quê hương xứ Nghệ đã có công hun đúc một tấm lòng, một phong độ. Bác lại thu hút mọi cái đẹp của dân tộc, của nhân loại để nâng cao bản sắc cội nguồn trong những câu văn ngắn gọn mà dễ hiểu, sâu sắc, trong cách đối xử thấm đượm tình nghĩa, khai thác hết mọi tài năng vào công cuộc giữ nước, dựng nước.vv…Chất men “đạo nghĩa” của quần chúng bao đời hòa quyện với chủ nghĩa nhân đạo cộng sản đã xây đắp nên một điển hình  Hồ Chí Minh, từng thu hút lương tri, tình cảm của hàng trăm triệu người trên trái đất.
Trong cuộc biến thiên của lịch sử nhân loại, giữa ánh sáng và bóng đêm có khi đây đó còn giao tiếp, mờ nhòe, Bác Hồ đã thể hiện đầy đủ nhân cách người lãnh tụ cách mạng, như một mẫu hình của thế kỷ. Đó là: Lý tưởng chính trị đúng đắn như gốc rễ sâu bền, bám vào mạch đất thiêng, nuôi dưỡng; Sự hiến thân cao cả như thân cây nâng đỡ, chở che gánh vác, chăm sóc trăm cành tươi tốt, nẩy lộc, đâm chồi; Hướng về cội nguồn để ra hoa kết trái, rồi hoa trái lại rụng về cội. Tình cảm quê hương là cái nền vững chắc để cho cây cao xanh lớn tốt tươi, tỏa bóng mát.
Bác Hồ đã là cây lớn, cho chúng ta bóng mát như vậy.
 

Lâm Đình Hùng

Thông tin tham quan

Liên kết website