TRỌN VẸN MỘT NIỀM TIN
14/05/2020 5:26:16 CH

       Trong những ngày của tháng Năm lịch sử, khắp các con đường từ nông thôn đến thành thị, nơi đâu cũng tràn ngập cờ đỏ sao vàng tung bay, đi đến nơi đâu cũng bắt gặp ánh mắt rạng ngời trong niềm vui chiến thắng, niềm vui của ngày mừng đất nước thống nhất, niềm vui của đất nước đoàn kết, đồng lòng để cùng nhau đẩy lùi đại dịch Covid – 19. Đặc biệt là niềm vui của ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu. Thoảng trong gió, lời bài bài hát “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” được phát ra từ chiếc loa phóng thanh càng cho lòng người thêm phấn chấn, thêm niềm tin vào Bác, vào Đảng và vào tương lai tươi sáng của đất nước.
       Niềm tin mãi mãi  muôn đời là niềm tin vào Đảng, vào Bác Hồ, niềm tin vào sự đoàn kết của cả dân tộc Việt Nam cùng vượt qua bao khó khăn, thử thách để đi đến ngày vinh quang. Niềm tin ấy, được bắt nguồn từ chàng thanh niên yêu nước trẻ tuổi Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng đi tìm con đường cứu nước ngày 5 tháng 6 năm 1911. Sau nhiều năm đi nhiều nơi trên thế giới, vừa lao động, vừa học tập, vừa nghiên cứu lý luận, một ngày tháng 7 năm 1920, Người thanh niên ấy đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc ta, con đường của cách mạng vô sản. Mười năm bôn ba với khát vọng cháy bỏng: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”; rồi 10 năm truyền bá con đường cách mạng vô sản về Việt Nam để rồi năm 1930 Đảng cộng sản Việt Nam ra đời và kể từ đây, dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc –  Hồ Chí Minh, dân tộc Việt Nam đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
         Qua 15 năm đầu tiên lãnh đạo cách mạng, trải qua các cuộc đấu tranh gian khổ hy sinh, khi thời cơ đến, theo chỉ thị của Người, Đảng đã lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công. Nhân dân Việt Nam đã đập tan xiềng xích nô lệ của chế độ thực dân và lật nhào chế độ phong kiến tay sai. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, lập nên nhà nước của dân, do dân và vì dân. Dân tộc ta bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do, dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
        Ngay khi vừa mới ra đời, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã phải đối mặt với bao khó khăn chồng chất: giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trong khi đó,  Nhà nước ta còn rất non yếu; có thể nói: vận mệnh của đất nước trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã kịp thời đề ra những chủ trương và quyết sách đúng đắn, với đường lối chính trị sáng suốt, vừa cứng rắn về nguyên tắc, vừa mềm dẻo về sách lược, Đảng ta đã động viên được sức mạnh đoàn kết toàn dân, triệu người như một, vượt qua muôn vàn khó khăn, nguy hiểm để củng cố, giữ vững chính quyền, đưa cách mạng vượt qua tình thế hiểm nghèo, chuẩn bị mọi mặt cho cuộc kháng chiến lâu dài. Trước dã tâm và tham vọng của nước Pháp muốn cướp nước ta một lần nữa, đêm ngày 19 tháng 12 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt đứng lên với quyết tâm “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954:
“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên trang sử vàng”
       Đánh giá ý nghĩa thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lần đầu tiên trong lịch sử một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi của các lực lượng hoà bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới”. Thắng lợi đó làm sáng tỏ một chân lý: “Trong điều kiện thế giới ngày nay, một dân tộc dù là nhỏ yếu, nhưng một khi đã đoàn kết đứng lên, kiên quyết đấu tranh dưới sự lãnh đạo của chính đảng Mác - Lênin để giành độc lập và dân chủ, thì có đầy đủ lực lượng để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Thắng lợi đó cũng chứng tỏ rằng chỉ có sự lãnh đạo đúng đắn của giai cấp công nhân mà Đảng ta là đại biểu, chỉ có đường lối cách mạng khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin mới có thể tạo điều kiện cho nhân dân ta đánh bại quân thù và giành tự do, độc lập”.
         Với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ mới với đặc điểm là đất nước tạm thời chia làm hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội đối lập nhau. Đảng ta và Bác Hồ xác định con đường phát triển tất yếu của cách mạng Việt Nam là tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, xây dựng miền Bắc thành căn cứ địa vững mạnh của cách mạng cả nước. Tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà. Tuy mỗi miền thực hiện một nhiệm vụ chiến lược khác nhau nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau; trong đó cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc giữ vai trò quyết định nhất đối với toàn bộ sự phát triển của cách mạng Việt Nam, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam giữ vị trí quan trọng, có tác dụng trực tiếp đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
        Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với tinh thần:
                                          “Không có gì quý hơn độc lập, tự do,
                                        Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Nguỵ nhào”
        Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra hết sức ác liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trút hơi thở cuối cùng vào năm 1969. Nhân dân hai miền Nam – Bắc đã biến đau thương thành hành động, quyết tâm đánh thắng Mỹ, thống nhất nước nhà như Bác hằng mong muốn: “Phải tiếp tục đánh mạnh, đánh đau, đánh đến khi Mỹ - Nguỵ thất bại hoàn toàn, cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng”.
         Niềm tin của Bác Hồ kính yêu, của Đảng ta và dân tộc ta đã trở thành hiện thực. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã kiên cường vượt qua mọi khó khăn, gian khổ hy sinh, được sự đồng tình ủng hộ của các lực lượng tiến bộ trên thế giới, đã lần lượt đánh thắng các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ ở miền Nam và chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân ở miền Bắc. Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhân dân ta đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi mùa Xuân năm 1975 đã kết thúc vẻ vang 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc,mở ra thời kỳ mới - thời kỳ độc lập, thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.
         Đánh giá tầm vóc vĩ đại và ý nghĩa lớn lao của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Nghị quyết Đại hội IV của Đảng viết: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
        Đất nước thống nhất về mặt lãnh thổ, nhưng mỗi miền Nam, Bắc lại tồn tại hai hình thức tổ chức nhà nước khác nhau: miền Bắc là nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, miền Nam là Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Vấn đề đặt ra cho cách mạng nước ta là cần phải thống nhất đất nước về mặt Nhà nước, đó là nguyện vọng thiết tha trước mắt, đồng thời là tình cảm thiêng liêng của nhân dân hai miền Nam – Bắc là sớm được sum họp trong một đại gia đình, bởi “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, đó cũng là mong muốn của Bác Hồ lúc sinh thời đã nói: “Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam” “Nam bộ là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Ngày 15 đến ngày 21 tháng 11 năm 1975, Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất đất nước được tổ chức tại Sài Gòn. Hội nghị đã nhất trí thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Ngày 25 tháng 4 năm 1976, cuộc Tổng tuyển của bầu Quốc hội được tiến hành trên phạm vi cả nước và trong kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa VI của nước Việt Nam thống nhất đã quyết định lấy tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hà Nội là thủ đô và Sài Gòn – Gia Định được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh. Hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước đã tạo nên những điều kiện chính trị cơ bản để phát huy sức mạnh toàn diện của đất nước, những điều kiện thuận lợi để cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
         Bước vào thời kỳ cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong 10 năm (1976 - 1986), cách mạng Việt Nam đã vượt qua những khó khăn, trở ngại, thu được những thành tựu quan trọng. Chúng ta đã nhanh chóng hoàn thành việc thống nhất đất nước về mọi mặt, đánh thắng các cuộc chiến tranh biên giới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, đất nước lâm vào khủng hoảng trầm trọng trên tất cả các lĩnh vực. Trước yêu cầu của lịch sử, Đại hội VI của Đảng (tháng 12 năm 1986)  đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
         Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định, công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Những thành tựu và bài học đó chứng tỏ đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
        Chặng đường vẻ vang của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã khẳng định: Sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu kỳ diệu. Tuy nhiên, trong lịch sử, Đảng cũng có lúc phạm sai lầm, khuyết điểm. Điều quan trọng là Đảng sớm phát hiện ra những sai lầm, khuyết điểm của mình, đề ra những biện pháp sửa chữa đúng đắn, kịp thời, kiên quyết. Đảng công khai tự phê bình, nhận khuyết điểm trước nhân dân, quyết tâm sửa chữa và sửa chữa có kết quả. Vì vậy, Đảng ta được nhân dân tin cậy, thừa nhận là người lãnh đạo chân chính, duy nhất, là đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam.
          Niềm tin của nhân dân ta vào sự lãnh đạo của Đảng, nhà nước, chính phủ  được thể hiện rõ trong quyết tâm cùng chung sức đồng lòng chống lại đại dịch Covid – 19. Và cũng sau 45 năm đất nước hòa bình lập lại, Đảng, Chính phủ ta lại mới dùng những từ “chống giặc” .
        Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Đảng và Chính phủ đã có những chủ trương, quyết định kịp thời: Xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành. Huy động cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân, hạn chế thấp nhất tử vong do dịch này gây ra. Sự vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu đã tạo nên tâm thế chủ động "sẵn sàng chiến đấu". Ngày30 tháng 3 năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ra Lời kêu gọi trong đó nêu rõ: “Với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của con người là trên hết, tôi kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”.
         Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm chúng ta nhớ lại những giai đoạn trong lịch sử đã từng có những lần đề cập tới các loại giặc mà không phải là giặc ngoại xâm. Năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời Kêu gọi thi đua ái quốc trước quốc dân, đồng bào. Người đã chỉ rõ “Mục đích của thi đua ái quốc là diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân”. Trong những tháng năm dân tộc ta bừng bừng khí thế, làm theo lời kêu gọi thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi”. Nhưng đấy là cuộc chiến đấu mà thời đó, mỗi chúng ta nhận rõ hình hài kẻ thù là bọn đế quốc xâm lược, nên mỗi người dân đất Việt bừng bừng khí thế “cả nước ra trận”. Các chiến sĩ quân đội của chúng ta nêu khẩu hiệu: “Nhằm thẳng quân thù mà bắn!”. Các trường học sơ tán về nông thôn hoặc miền núi tiếp tục những giờ lên lớp. Nhưng hôm nay, cuộc chiến đấu chống dịch Covid -19, một kẻ thù vô hình, bầu trời không có tiếng gầm rú của máy bay và mặt đất không rung chuyển bởi đạn bom, không có cảnh đầu rơi máu chảy, nhưng loại virus này đang lặng lẽ hoành hành, tốc độ lây lan và nguy cơ tử vong lớn. Câu chuyện cách ly xã hội không đơn thuần ở khía cạnh chống dịch bệnh, mà còn khẳng định tinh thần đoàn kết toàn dân tộc đã được phát huy một cách mạnh mẽ trong lúc đất nước gặp khó khăn. Nhân dân đồng tình, đồng lòng ủng hộ và cùng chung niềm tin thắng “giặc” trong một ngày không xa.
          Những kết quả mà Việt Nam đạt được đã được Thủ tướng Thái Lan Brayutchan – o – cha cảm ơn, tổng thống Mỹ Donald Trump ngợi khen, tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ghi nhận và cảm phục, đó là chiến thắng là niềm tin, là hạnh phúc, là uy tín của Việt Nam trong lòng bạn bè và nhân dân thế giới.
          Sự đoàn kết, đồng lòng của toàn thể dân tộc Việt Nam chính là thông điệp của niềm tự hào, niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, tin tưởng vào con đường đi lên Chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn là hoàn toàn đúng đắn. Năm 2020 là năm có nhiều sự kiện lịch sử quan trọng: kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, 45 năm ngày đất nước thống nhất… đặc biệt
trong những ngày tháng Năm lịch sử, niềm vui khi Việt Nam cơ bản đã kiềm chế được đại dịch Covid – 19, niềm vui ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu, tôi tự hào và hạnh phúc khi được làm việc trên mảnh đất đã sinh ra người con ưu tú cho dân tộc –  là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, và tôi tin rằng mảnh đất ấy đang nảy mầm những hạt giống tốt tươi.
 

                                                    PHAN THỦY
                                               PHÒNG TUYÊN TRUYỀN GIÁO DỤC
 

Thông tin tham quan

Liên kết website