TÌNH CẢM CỦA BÁC HỒ ĐỐI VỚI THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG VIỆT NAM
01/06/2023 10:56:56 SA

Trong tình yêu thương bao la Bác Hồ dành cho tất cả, thì Người dành tình cảm đặc biệt đối với các cháu nhỏ, những thiếu niên nhi đồng - "thế hệ măng non", "chủ nhân tương lai của nước nhà". Ngay từ những ngày đầu về nước lãnh đạo cách mạng, khi đã là Chủ tịch nước bận trăm công ngàn việc, cho đến những năm tháng cuối đời lúc nào Bác cũng dành cho các cháu sự quan tâm chăm sóc, tình yêu thương trìu mến và những lời chỉ dạy ân cần sâu sắc; những lời dạy đó có ý nghĩa giáo dục, rèn luyện về mọi mặt đối với các cháu cho tới nay và lớp lớp các thế hệ trẻ Việt Nam sau này. 
Từ những ngày đầu cách mạng hết sức khó khăn gian khổ ở núi rừng Việt Bắc, Bác đã luôn quan tâm, dành sự yêu thương chăm sóc đối với các cháu nhỏ là con em đồng bào. Có lần Bác dẫn các cháu ra suối, tự tay cởi quần áo tắm rửa, kỳ cọ cho từng cháu. Người còn làm thuốc chữa bệnh cho cháu nhỏ đang mắc bệnh rồi nhắc nhở bố mẹ chăm sóc, giữ gìn vệ sinh để các cháu sạch sẽ, khoẻ mạnh.
       Sau này, khi đã về sống và làm việc ở thủ đô Hà Nội Bác vẫn luôn dành thời gian đón tiếp các cháu thiếu niên dũng sỹ miền Nam và các đoàn cháu ngoan Bác Hồ được vinh dự vào gặp Bác. Khi xây dựng ngôi nhà sàn gỗ, Bác đã có ý kiến: Khách của Bác nhiều, có lúc Bác phải tiếp đông các cháu vì vậy hãy thiết kế một hàng ghế xi măng bao quanh để các cháu ngồi, như thế mỗi lần các cháu đến thăm đều được quây quần bên Bác. Bác còn nhắc đồng chí phục vụ kiếm một bể cá đặt tại hành lang tầng dưới của ngôi nhà nuôi cá vàng làm cảnh để Bác đón các đoàn khách "tí hon" của Bác. Từ đó đến nay các cháu nhỏ đến thăm nhà sàn Bác Hồ đều vô cùng thích thú được ngắm nhìn những chú cá đầy màu sắc tung tăng bơi lội. Cũng chính tại ngôi nhà của Bác ở Phủ Chủ tịch, mùa hè năm 1961, Bác dành làm nơi cho các cháu tổ chức triển lãm "Thiếu nhi với 5 điều Bác Hồ dạy". Cuộc triển lãm đó kéo dài 20 ngày, thu hút hàng vạn thiếu nhi đến tham gia. Các em đến đây tha hồ vui đùa, tiếng cười tiếng hát vang xa. Dù bận công việc, nhưng Bác thỉnh thoảng lại ghé vào chung vui cùng các cháu, Người nhắc các cô chú tiếp thêm quà bánh, nước ngọt cho các cháu. Đồng chí phục vụ sợ tiếng loa của triển lãm quá lớn sẽ làm ảnh hưởng đến các cơ quan xung quanh, ảnh hưởng đến Bác, nhưng Bác nói: Ngày hội của các cháu, hãy để như vậy cho các cháu vui.
       Bác không có gia đình riêng, không có con cháu; vì thế mỗi dịp cuối tuần các cô chú trong cơ quan lại đưa các cháu nhỏ đến chơi. Bác thường vui đùa, hỏi han, chia quà, động viên các cháu chăm ngoan, học giỏi.
       Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, đất nước vừa giành được độc lập, đã phải đối mặt với muôn ngàn khó khăn, thử thách. Thực dân Pháp dã tâm quay lại xâm lược nước ta thêm một lần nữa, thù trong giặc ngoài. Trên cương vị là Chủ tịch nước Bác bận trăm công ngàn việc, mặc dù vậy Bác vẫn đặc biệt quan tâm và đặt niềm tin vững chắc vào các cháu, những chủ nhân tương lai của nước nhà. Nhân dịp khai giảng năm học mới đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác gửi tới các cháu học sinh trên cả nước những lời thư tâm huyết mà tới nay mỗi một thế hệ học sinh Việt Nam chúng ta ai cũng nhớ, cũng thuộc và đã trở thành khẩu hiệu ở mỗi lớp, mỗi trường: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em" 
        Theo Bác các cháu đang tuổi ăn tuổi ngủ cho nên: 
"Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan".
        Tình cảm của Bác dành cho các cháu được thể hiện qua những vần thơ giản dị nhưng ấm áp tình cảm:
"Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh
Tính các cháu ngoan ngoãn
Mặt các cháu xinh xinh
Mong các cháu cố gắng
Thi đua học và hành
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tùy theo sức của mình
Các cháu hãy xứng đáng
Cháu Bác Hồ Chí Minh".
         Sau ngày nước nhà độc lập thì ngày Tết Trung Thu và ngày Quốc tế thiếu nhi thực sự đã thành ngày hội của các cháu. Đến ngày này, Bác lại càng thêm nhớ các cháu, Bác viết thư gửi gắm muôn vàn tình thương yêu đến các cháu:
"Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng
Sau đây Bác viết vài dòng
Gửi cho các cháu tỏ lòng nhớ thương".
       Mong các cháu học giỏi, Bác thường tặng những món quà vô cùng ý nghĩa. Vào năm 1944, tặng vở cho cháu Nông Thị Trưng, một học sinh người dân tộc thiểu số ở Cao Bằng, kèm theo những vần thơ chứa chan tình cảm:
"Vở này ta tặng cháu yêu ta
Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là
Mong cháu ra công mà học tập
Mai sau cháu giúp nước non nhà".
       Rèn luyện, giáo dục thế hệ trẻ là việc làm hết sức quan trọng, bởi các cháu sau này chính là những người quyết định vận mệnh cả đất nước dân tộc, vì vậy Bác luôn nhắc nhở: "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người". Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền Phong, Người gửi đến toàn thể các cháu thiếu niên nhi đồng Việt Nam 5 lời dạy thiêng liêng:
       Năm điều Bác Hồ dạy
Điều 1: Yêu tổ quốc, yêu đồng bào. 
Điều 2: Học tập tốt lao động tốt.
Điều 3: Đoàn kết, kỷ luật tốt.
Điều 4: Giữ gìn vệ sinh thật tốt .
Điều 5: Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm.
        Bác còn mong muốn:
"Mong các cháu cố gắng
Thi đua học và hành
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tùy theo sức của mình".
        Cho đến cuối đời, trước lúc đi xa, trong Di chúc để lại, Bác vẫn 2 lần nhắc đến các cháu, Người nhắn nhủ: "Cuối cùng tôi để lại muôn vàn tình thương yêu ... cho các cháu thanh niên và nhi đồng".
       Xa quê hương Nghệ An hơn 50 năm, Bác mới có dịp trở về. Trong 2 lần về thăm đó, dù hết sức bận rộn nhưng Người vẫn dành thời gian thăm trại trẻ miền Nam tại Thành phố Vinh, nơi các em có hoàn cảnh đặc biệt, tuổi nhỏ đã phải tạm biệt gia đình, rời xa quê hương miền Nam yêu dấu; các em tập trung ra Bắc để bố mẹ ở lại vững tâm trực tiếp chiến đấu với kẻ thù, bảo vệ non sông gấm vóc. Bác thăm trường Sư phạm Miền Núi, gặp gỡ động viên các thầy cô giáo tương lai học tập, rèn luyện tốt để mai này trở thành những giáo viên giỏi, tận tâm, tận lực với các thế hệ học trò. 
       Có khi nào các bạn nhỏ băn khoăn tự hỏi: "Vì sao nhân dân Việt Nam từ cụ già cho đến các em nhỏ ai cũng gọi Người trìu mến thân thương hai chữ Bác Hồ"? có lẽ vì: là Chủ tịch nước nhưng Người luôn yêu thương, gần gũi với tất cả mọi người và cũng rất đáng kính như một người bác trong gia đình mình vậy. Qua câu chuyện được mẹ và cô giáo kể, chúng ta thấy Bác luôn gần gũi, yêu thương trẻ nhỏ như ông Bụt, ông tiên trong chuyện cổ. Ngay từ khi còn rất nhỏ, chúng ta ai cũng biết đến Bác Hồ vì thường xuyên được nhìn thấy ảnh Bác ở khắp mọi nơi: Ở các công sở, cơ quan, trường lớp học và gia đình Việt Nam đều dành những nơi trang trọng nhất để treo ảnh Bác. Vào những ngày lễ của đất nước các chương trình truyền hình, phát thanh, sách báo và người dân đều nhắc đến công lao to lớn của Bác Hồ đối với đất nước, dân tộc. Những bài hát đầu tiên mà chúng ta được nghe và thuộc đều là những bài về Bác như: " Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ", "Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh". Hằng năm, cứ đến dịp tháng Năm lòng dân cả nước đều hướng về Làng Sen, tổ chức nhiều hoạt động, mở Lễ hội Làng Sen mừng ngày sinh của Bác
        Ngày xưa Bác chưa có điều kiện học tập như chúng ta bây giờ mà chủ yếu là tự học, học tập bền bỉ suốt cả cuộc đời. Mãi tới năm 17 tuổi lần đầu tiên Bác mới nhìn thấy ánh đèn điện, 29 tuổi lần đầu tiên Người mới được nghe tiếng radio. Còn các bạn nhỏ bây giờ đều được gia đình ưu tiên cho việc học, mỗi ngày được đến trường có thầy yêu bạn mến, nhiều em có điều kiện đến trung tâm học thêm ngoại ngữ, nhà trường ngoài dạy cho các em kiến thức còn tổ chức những buổi học ngoại khóa rất ý nghĩa; chúng ta cũng có thể đọc thêm sách báo, theo dõi các chương trình truyền hình bổ ích, phù hợp với lứa tuổi, hoặc qua các trang mạng chúng ta có thể tra cứu thông tin, tiếp cận với tri thức thế giới, làm giàu thêm kiến thức của mình. Học tập và làm theo những điều Bác dạy không phải ở đâu xa mà ngay trong cuộc sống, trong việc học tập thường ngày của mỗi một bạn nhỏ. Bác dạy: yêu tổ quốc, yêu đồng bào nghĩa là chúng ta yêu thương bố mẹ ông bà, kính trọng thầy cô giáo, những người lớn tuổi, có ý thức giúp đỡ bạn và những người có hoàn cảnh không may. Bác dạy: học tập tốt nghĩa là trong lớp học chúng ta nghiêm túc, chú ý lắng nghe thầy cô giáo, hăng say phát biểu xây dựng bài, ghi bài làm bài đầy đủ, đạt được thành tích cao trong học tập. Lao động tốt nghĩa là các em biết giúp đỡ bố mẹ làm việc nhà, đến trường làm lao động, trực nhật quét dọn trường lớp sạch sẽ, bỏ rác đúng nơi quy định; chăm trồng cây xanh để môi trường xanh sạch đẹp.   
       Dẫu Bác đã đi xa nhưng tình cảm của Người vẫn sống mãi trong tâm trí của mỗi người Việt Nam, đặc biệt là các cháu thiếu niên nhi đồng lớn lên trong lời ru của mẹ, lời kể của bà, lời dạy của thầy cô giáo. Năm nào cũng vậy, mỗi dịp năm học mới, tổng kết năm học, hay tết thiếu nhi… rất nhiều đoàn thiếu niên, nhi đồng lại về Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại Khu di tích Kim Liên để báo công, dâng lên Bác những thành tích đã đạt được. Rồi từng hàng nối tiếp nhau vào thăm nhà Bác như chính những tình cảm đặc biệt dành cho Bác cứ nối dài mãi mãi.
          Ngày Quốc tế thiếu nhi (1/6) là dịp để các thế hệ thiếu niên nhi đồng không quên lời dạy của Bác, căn dặn người lớn phải quan tâm, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nhớ về Bác, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam nguyện cố gắng học tập, tu dưỡng và rèn luyện theo 5 điều Bác Hồ dạy, trở thành con ngoan, trò giỏi xứng đáng với tình yêu thương bao la, vô bờ bến của Bác Hồ muôn vàn kính yêu.

Thanh Huyền
 

Thông tin tham quan

Liên kết website