TÌNH CẢM CỦA BÁC HỒ DÀNH CHO THANH, THIẾU NIÊN, NHI ĐỒNG VIỆT NAM
07/11/2018 8:09:41 SA
Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình Bác Hồ luôn yêu thương, quan tâm, chăm sóc đến mọi tầng lớp nhân dân.Thiếu niên, nhi đồng, đoàn viên thanh niên luôn được Bác dành cho sự yêu thương đặc biệt. Bởi theo Người chính thế hệ này là người chủ tương lai của đất nước.

       Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình Bác Hồ luôn yêu thương, quan tâm, chăm sóc đến mọi tầng lớp nhân dân.Thiếu niên, nhi đồng, đoàn viên thanh niên luôn được Bác dành cho sự yêu thương đặc biệt. Bởi theo Người chính thế hệ này là người chủ tương lai của đất nước.
      Tình yêu trẻ thơ của Bác là tình cảm sâu sắc, rộng lớn, được thể hiện mọi lúc,  mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Từ sau cách mạng tháng 8, gần như năm nào vào dịp khai trường , tết trung thu, ngày quốc tế thiếu nhi ...Bác đều viết thư gửi các cháu Thiếu Nhi với lời lẽ ân cần trìu mến: "Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công thì Bác cùng Chính Phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu được ấm no, được vui chơi, được học hành, được sung sướng".
       Trong những bài thơ Bác viết, Người luôn dành cho trẻ em những vần thơ chứa chan tình cảm thắm thiết, nâng niu.

"Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan".
"Trung thu trăng sáng như gương
Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng".
       Cho đến những giây phút cuối đời , trong di chúc Bác căn dặn: "Tôi để lại muôn vàn tình yêu thương cho các cháu thiếu niên và nhi đồng".
     Khi nói đến tình cảm Bác Hồ dành cho các cháu Thiếu Niên, Nhi Đồng đã có rất nhiều bài thơ, bài văn, câu chuyện cảm động "Quả táo Bác Hồ" là câu chuyện đã đi vào huyền thoại.
    Năm 1946 , Bác Hồ sang thăm nước Pháp, Nhân dân, Thiếu nhi Pháp rất vui mừng đón Bác . Một hôm, tòa thị chính Pairi mở tiệc chiêu đãi Bác Hồ. Tiệc tan mọi người đứng dậy vui vẻ ra phòng uống nước trò chuyện. Lúc này, Bác Hồ cũng đứng dậy và cầm một quả táo đem theo. Nhiều người ngạc nhiên, nhiều con mắt tò mò chú ý. Họ thắc mắc tại sao vị khách quý như Bác lúc ăn tiệc xong lại còn lấy quả táo đem theo? Nhiều người chú ý xem Bác sẽ làm gì? 
      Bác Hồ ra đến ngoài cửa, có rất nhiều Thiếu nhi ríu rít chạy tới chào. Bác tươi cười bế một em gái nhỏ lên hôn và đưa cho một quả táo. Lúc này mọi người mới vỡ lẽ và rất cảm động trước cử chỉ yêu thương của Bác.
      Ngày hôm sau , câu chuyện "Quả táo Bác Hồ " được các báo đăng lên trang nhất , các báo còn kể lại rằng : Em bé sau khi nhận được quả táo thì giữ khư khư ai xin cũng không cho . Lúc về nhà em để quả táo lên bàn học .Bố mẹ bảo: "con ăn đi để lâu sẽ hỏng không ăn được". Nhưng em bé nhất định không ăn, em nói: "Đó là quả táo Bác Hồ cho con, con sẽ giữ thật lâu để làm kỷ niệm" .
     Chỉ một hành động đơn giản vậy thôi nhưng đã nói lên được tất cả tình cảm của Bác Hồ dành cho các cháu Thiếu nhi. Ở đây không thấy hình ảnh cao xa của một vị lãnh tụ, mà thật gần gũi, bình dị như tình cảm của cha dành cho con, ông dành cho cháu.Thế mới có câu hát: 
"Ai yêu Nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh
Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn Thiếu niên nhi đồng".
     Đối với đoàn viên Thanh niên , sự yêu thương lớn nhất của Bác đó chính là lòng tin. Bác tin tưởng thật sự vào thế hệ Thanh niên.
      Ngay từ năm 1925, trong thư gửi Thanh niên Việt Nam, Người xác định lớp người sẽ làm chủ tương lai của Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung : "Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất nếu lớp Thanh niên sớm già của người không sớm hồi sinh". Thoạt nghe, đó dường như là một tiếng than, nhưng nghĩ cho kỹ đó là sự kỳ vọng, khẳng định, Chỉ có Thanh niên mới quyết định được vận mệnh đất nước.
     Hai mươi năm sau , trong bức thư gửi Thanh niên Việt Nam mới, Bác Hồ lại nhắc đến điều này: "Thanh niên là người chủ nước nhà . Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên".
    Nhận định Thanh niên là lực lượng nòng cốt nên ngay từ những năm đầu về nước hoạt động, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bí mật thành lập "Hội Việt Nam cách mạng thanh niên" (6/1925) .Chuẩn bị những hạt giống đỏ, ươm mầm cho sự lớn mạnh, trưởng thành của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong hai cuộc kháng chiến, Người luôn theo dõi chặt chẽ và chỉ dẫn thanh niên tham gia phong trào kháng chiến. Đặt niềm tin vào sức mạnh của Thanh niên.
     Bác Hồ coi Thanh niên là người thân trong gia đình của mình. Sự mất mát của Thanh niên cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc là nỗi đau trong cơ thể Bác. Tháng 1/ 1947, khi nhận được tin con trai Bác sỹ Vũ Đình Tụng đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu, Bác đã gửi thư chia buồn, trong thư Bác viết: "Ngài biết rằng Tôi không có gia đình , cũng không có con cái, nước Việt Nam là gia đình của Tôi , tất cả Thanh niên  Việt Nam là con cháu của Tôi. Mất một Thanh niên thì hình như Tôi mất một đoạn ruột..." .
    Bác Hồ tin ở thế hệ Thanh niên và Bác cũng đòi hỏi ở Thanh niên nhiều, đặt ra cho Thanh niên nhiều yêu cầu cao.
      Tại buổi lễ khai mạc trường Đại học Nhân dân Việt Nam 1955. Bác đã nói rất thẳng thắn: "Nhiệm vụ của Thanh niên không phải là hỏi nước nhà đã cho mình những gì? Mà phải tự hỏi mình đã làm gì cho nước nhà? Mình phải làm thế nào cho lợi ích nước nhà nhiều hơn? Mình đã vì lợi ích nước nhà mà hy sinh phấn đấu chừng nào?". 
       Bác đã đặt ra nhiệm vụ hàng đầu cho Thanh niên  là phải học tập. Bác nói: "Trước hết chúng ta phải hiểu rõ học như thế nào? Học cái gì? Học để làm gì? Học để phụng sự ai ?".  Học để phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu nước mạnh. Tức là để làm tròn nhiệm vụ Người chủ của nước nhà. Học tập đễ trở thành người tài giỏi, lại phải rèn luyện để trở thành người có đức. Đấy mới là con người Tổ quốc cần, là con người mà Bác Hồ muốn thế hệ trẻ noi theo.
        Cho đến nay, những lời dạy, những  tình cảm, sự quan tâm chăm lo, dìu dắt của Bác Hồ dành cho thế hệ Thanh thiếu niên và nhi đồng luôn là nguồn cổ vũ, khích lệ tuổi trẻ cả nước hăng hái, xung kích cùng toàn dân xây dựng và phát triển đất nước để đưa Việt Nam vững bước "sánh vai với các cường quốc năm châu" như mong muốn của Bác lúc sinh thời.
                          
                         Lương Định 
            Phòng tuyên truyền - giáo dục
 

Thông tin tham quan

Liên kết website