THEO DẤU NHỮNG DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT TRÊN QUÊ HƯƠNG BÁC HỒ
16/03/2023 3:16:19 CH

       Chuyến xe hành trình về những di tích quốc gia đặc biệt xuất phát từ Vinh – thành phố đỏ anh hùng, theo quốc lộ 46 (nay là đường Kim Liên) sẽ đi qua huyện Hưng Nguyên, quê hương của Tổng bí thư Lê Hồng Phong, qua Quảng trường Thái Lão, nơi tiếng trống trong phong trào cách mạng 1930 – 1931 còn âm vang, qua kênh đào nhà Lê sẽ đến với Nam Đàn – vùng đất với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời, vùng đất mà ở mỗi di tích, danh thắng đều gắn liền với tên tuổi của các bậc tiền bối đã có những cống hiến lớn lao trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
        Về với Nam Đàn, là về với quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Về với di tích quốc gia đặc biệt Khu di tích Kim Liên, nơi lưu giữ những kỷ vật vô giá về quê hương, gia đình thời niên thiếu và hai lần Người về thăm quê. Đó là di tích Hoàng Trù – quê ngoại, nơi Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời và gắn bó 5 năm đầu tiên tuổi ấu thơ. Là di tích Làng Sen – quê nội, nơi có ngôi nhà Bác Hồ gắn bó 5 năm thời niên thiếu từ khi Người 11 đến 16 tuổi, nơi bước đầu góp phần hình thành tình yêu quê hương đất nước, ý chí giải phóng dân tộc của Bác. Khu di tích ẩn mình sau luỹ tre xanh vẫn còn đó nếp nhà tranh giản dị, những kỷ vật thân thương nhuốm màu thời gian hơn một thế kỷ đã đi vào lịch sử của nhân loại, trở thành tài sản vô giá của dân tộc. Tất cả các di sản đã phần nào nói được cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới, người con ưu tú bậc nhất của xứ sở Lam Hồng và của đất nước Việt Nam. Ghé thăm khuôn viên Khu mộ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ. Một cõi linh thiêng có núi non trùng điệp, có cây, có hoa, có chiếc cầu nhỏ bắc qua dòng suối, có dòng nước trong mát tạo cảm giác thư thái bình an.
        Rời Kim Liên, chúng ta đến với di tích quốc gia đặc biệt thứ 2, Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu. Vùng đất Sa Nam, vẫn còn lưu giữ những nét xưa với phong cảnh trên chợ, dưới thuyền. Với đặc sản bánh đúc Sa Nam, uống bát nước chè xanh, nghe câu hò, điệu ví. Nơi đây cũng chính là điểm khởi nguồn của làn điệu dân ca Ví, Giặm là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu là nơi gắn bó với cuộc đời Phan Bội Châu từ khi cất tiếng khóc chào đời, cho đến lúc ra đi hoạt động tìm đường cứu nước. Nhà Cụ Phan Bội Châu từng là nơi hội tụ “anh hùng bốn phương”, là những văn thân, sĩ phu yêu nước, trong số đó có Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.  Cả hành trình thực hiện sứ mệnh cứu nước của mình, cụ Phan Bội Châu từ anh Giải San xứ Nghệ, sớm trở thành một đại biểu sáng giá nhất cho các chí sỹ, sỹ phu yêu nước của Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ XIX. Phan Bội Châu đã có một hành trình vượt biên giới đến với nhiều nước, sớm khắc phục mọi giới hạn chật hẹp của địa phương và hệ tư tưởng phong kiến lạc hậu, để biến lòng yêu nước thành tự tôn dân tộc. Mặc dù Lịch sử của ông là  “lịch sử một trăm lần thất bại mà không một thành công”. Thế nhưng cụ  Phan Bội Châu đã thắp sáng cho các thế hệ tiếp nối tìm thấy kinh nghiệm thực tiễn vô cùng quý giá và cũng từ đây con đường cứu nước, giải phóng dân tộc trở nên rõ ràng nhất. Đây chính là những kinh nghiệm, tiền đề vô cùng quan trọng để các thế hệ nối tiếp kế thừa và phát triển thành công.
 


Khu lăng mộ Vua Mai Hắc Đế tại Thị trấn Nam Đàn
 
       Di tích quốc gia đặc biệt thứ 3 nằm ở  phía Tây của bến Sa Nam, đó là đền thờ vua Mai Thúc Loan – vị anh hùng đã có công đánh đuổi giặc Đường, lập nên nhà nước Vạn An độc lập ở thế kỷ thứ VIII. Vùng đất xây dựng đền hiện nay chính là trung tâm căn cứ địa của nghĩa quân vua Mai thủa trước. Đây là nơi duy nhất trên địa bàn cả nước tôn thờ, tưởng niệm Mai Hắc Đế - vị hoàng đế thứ 2 (sau Lý Nam Đế) trong lịch sử nghìn năm Bắc thuộc dám xưng “đế”, ngang hàng với các vị vua ở phương Bắc. Mai Hắc Đế cũng chính là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có ý tưởng và đã thực hiện thành công chủ trương liên minh với các nước láng giềng trong cuộc chiến chống xâm lược, bảo vệ chủ quyền đất nước, tạo nên bước ngoặt to lớn trong lịch sử nghìn năm Bắc thuộc. Sau khi xưng đế, Ngài lấy Quốc hiệu là Vạn An, xây dựng một vương triều độc lập tự chủ đã phản ánh ý chí độc lập, tự cường của dân tộc, đồng thời khẳng định khát vọng thoát khỏi mọi sự ràng buộc, lệ thuộc đối với nhà Đường. Năm 722, nhà Đường quay lại xâm lược nước ta, Mai Hắc Đế cùng ba quân tướng sĩ và cả dân tộc ngoan cường chống địch. Trong cuộc chiến đấu đầy quả cảm và cam go đó, hai vị hoàng tử Mai Bảo Sơn, Kỳ Sơn và Hoàng hậu Phạm Thị Uyển cùng nhiều tướng sĩ bị tử trận. Mai Hắc Đế cũng bị trọng thương và trút hơi thở cuối cùng vào ngày 16 tháng 9 năm Quý Hợi (723). Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng danh tiếng của vị thủ lĩnh và cuộc khởi nghĩa Hoan Châu vẫn làm chấn động cả khu vực tại thời điểm ấy và vang mãi về sau. Ghi nhớ công lao của Ngài, nhân dân nhiều nơi, đặc biệt là vùng Sa Nam đã tôn Ngài làm Phúc thần, lập đền thờ, lớn nhất là ngôi đền mang tên Mai Hắc Đế ở thị trấn Nam Đàn ngày nay.
        Kết thúc hành trình chúng ta sẽ đến Đình Hoành Sơn thuộc xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Và nếu như ba khu lưu niệm trên là về danh nhân thì di tích cuối cùng này là di tích văn hóa mà học giả Hippolyte Le Breton trong một lần đến tham quan, tìm hiểu về đình đã phải thốt lên rằng: “Tôi chưa hề thấy được một ngôi đình nào đẹp như đình này”. Đình được xây dựng vào thời Lê Trung Hưng, nơi sinh hoạt cộng đồng và thờ Thành hoàng làng Lý Nhật Quang. Người dân nơi đây kể lại “Theo truyền thuyết, ngày ấy bên bờ sông Lam, phía trước cửa đình xuất hiện một bè gỗ lim không biết từ đâu trôi về, người dân trong làng đã vớt lên số gỗ vừa đủ dựng nên ngôi đền này. Đình Hoàng Sơn được thực hiện với hai tốp thợ, mỗi tốp một nửa, khi các công đoạn hoàn thành để dựng lên, rạp lại thì hoàn toàn khớp nhau”.
      Đình gồm 02 tòa Bái đình và Hậu đình, trong đó, nghệ thuật chạm khắc tập trung ở Đại đình, được các nhà nghiên cứu, giới chuyên gia về lĩnh vực kiến trúc nghệ thuật đánh giá là ngôi đình cổ đẹp nhất miền Trung và là một trong những ngôi đình có quy mô lớn và nghệ thuật chạm khắc đẹp nhất cả nước. Là công trình tín ngưỡng“đặc sắc nhất trong các đền đài mang tính chất tôn giáo của người An Nam”. Nghệ thuật chạm khắc tại đây đạt đến trình độ tinh xảo với mật độ chạm khắc dày đặc, đề tài phong phú, đa dạng, ngoài hình tượng “tứ linh”, “tứ quý” còn xuất hiện nhiều hình tượng là các điển tích thâm thúy như “Thành Thang sính Y Doãn”, “Văn Vương nghinh Thái Công”, “Đại Thánh phá trời”…Đặc biệt, trong khi các đề tài dân dã hầu như không còn ở thế kỷ XVIII thì tại di tích này, các hình tượng đó vẫn phổ biến và được thể hiện rất sinh động như “chèo thuyền”, “đi cấy”, “thưởng trà”, “câu cá”… Một điều thú vị nữa ở ngôi đình này, đó là sự lặp đi lặp lại của một số hình ảnh như “phượng hàm thư”, “chèo thuyền”, “vinh quy bái tổ”… giữa ba bộ vì phía Tây Bắc và ba bộ vì phía Đông Nam, một mặt, nó góp phần bổ trợ và tôn vinh lẫn nhau nhưng mặt khác nó thể hiện trình độ, tay nghề và khả năng thẩm mỹ của hai tốp thợ. Chính vì vậy mà Đình Hoành Sơn được đánh giá là nơi hội tụ đầy đủ nhất tinh hoa văn hóa dân tộc.
      Nam Đàn là huyện có nhiều di tích quốc gia đặc biệt. Trải qua hàng nghìn năm tồn tại với bao biến thiên của lịch sử nhưng di tích vẫn luôn tồn tại với nhiều lần trùng tu, tôn tạo, việc hương khói chưa bao giờ bị ngưng trễ. Điều này cho thấy truyền thống tôn thờ người có công, các vị anh hùng dân tộc hết sức tốt đẹp của dân tôc ta từ bao đời nay. Và cũng chính truyền thống đó đã giúp sản sinh ra biết bao anh hùng hào kiệt cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, tạo nên những trang sử vàng chói lọi. Những sự kiện diễn ra trên mảnh đất này, những con người đã ngã xuống, từng thớ đất thấm đẫm mồ hôi và máu, đã trở thành những di sản văn hóa quý giá, bồi đắp thêm truyền thống tốt đẹp của mảnh đất “địa linh nhân kiệt”. Những di sản ấy đã và đang được chính quyền và nhân dân Nam Đàn gìn giữ, phát huy tốt, góp phần lan tỏa hình ảnh con người và mảnh đất Nam Đàn đến với du khách thập phương, đồng thời cũng góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế, văn hóa của địa phương nói riêng và tỉnh nhà nói chung.   
 
 
                                                                                                                 Phan Thủy
 
 

Thông tin tham quan

Liên kết website