THEO DẤU CHÂN NGƯỜI Ở HUẾ
24/12/2020 3:55:24 CH
Chúng tôi những cán bộ Khu di tích Kim Liên đến Huế vào một chiều đông se lạnh, Huế với vẻ đẹp đằm thắm, dịu dàng, nhẹ nhàng như đặc tính riêng vốn có, cũng như sự thân thiện, cởi mở của những con người nơi đây. Sức hút của Huế không phải là sự sôi động, náo nhiệt mà chính là sự lặng lẽ nên thơ và rất đỗi oai hùng của vùng đất xứ kinh kỳ, vùng đất này đã lưu giữ rất nhiều kỷ niệm, ký ức tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nơi yên nghỉ của Bà Hoàng Thị Loan tại Huế
    
 Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất Thành lớn lên và bắt đầu đi học, những năm tháng đó là thời gian cực kỳ quan trọng đối với sự hình thành con người Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh”.
  Huế có hơn 20 di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong thời gian sống gần 10 năm ở Huế với nhiều địa điểm khác  nhau. Đó là những năm tháng ấu thơ và niên thiếu của Bác, nơi hun đúc và hình thành tư tưởng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh để từ đó thôi thúc Người quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân.
       Chúng tôi đến tham quan  ngôi nhà ông Nguyễn Sinh Sắc thuê tại địa chỉ số112 Mai Thúc Loan (nay là 158 đường Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc), nơi Người cùng với gia đình gắn bó 5 năm từ năm 1895 – 1900, ngôi nhà nằm trong thành nội Huế. Cảm giác đầu tiên của tôi khi bước vào ngôi nhà này là sự bình yên, gần gũi, sạch sẽ với kiến trúc nhà ba gian, theo lời kể của cô thuyết minh viên thì ngôi nhà này gia đình Bác Hồ thuê để ở. Không gian ngôi nhà tuy chật hẹp,vật dụng trong nhà rất đơn giản nhưng cũng đủ cho bà Loan đặt khung cửi dệt vải và chỗ học hành ăn ngủ của ba cha con. Ngôi nhà này đã chứng kiến những năm tháng vui buồn, khó khăn gian khổ nhưng cũng tràn đầy niềm hạnh phúc của gia đình Bác. Mẹ Bác, bà Hoàng Thị Loan hiền từ, đảm đang, tần tảo bên khung cửi dệt vải thâu đêm suốt sáng, cuộc sống của cả nhà chủ yếu dựa vào đôi bàn tay dệt vải của bà. Bằng cả tình thương yêu, sự hiến dâng của người vợ, người mẹ, bà Loan đã góp phần dệt nên cái nền cuộc đời, sự nghiệp của chồng và của những người con, đặc biệt là cậu bé Cung. Ông Sắc ngoài thời gian dùi mài kinh sử, đi dạy thêm, còn tranh thủ dạy hai con làm bài, đọc sách, chép thuê. Tính cách mẫu mực, nghiêm khắc, cộng với một nền văn hóa trí tuệ, ý chí mạnh liệt, dám đương đầu và vượt qua mọi gian nan, ông Sắc đã truyền cho các con để vươn tới sự nghiệp lớn. Và chính trong ngôi nhà đầy tình yêu thương này, những bài học đầu tiên của cuộc đời từ tấm bé mà cậu Khiêm, cậu Cung đã được học góp phần định hướng nhân cách, tỏa sáng tâm hồn, bồi đắp lòng bác ái, tình nghĩa đồng bào. Nhưng tại nơi đây, cũng in đậm trong tâm hồn Người nỗi đau mất mẹ, tiếng khóc xé lòng khi khát sữa của em thơ. Cái tết xuân Tân Sửu (1900) trong cảnh mẹ mất, vắng cha, vắng chị, vắng anh. Một mình tuổi lên mười bế em mới sinh đi xin sữa. Nỗi buồn vô hạn. Bóng đêm dài dằng dặc. Nhiều đêm phải thức trắng dỗ dành em. Bé Xin khát sữa khóc, khiến cho anh cũng phải khóc theo. Kí ức đó mãi theo Bác cho đến sau này. Khi ở chiến khu Việt Bắc, một buổi, đang đánh máy chữ, nghe tiếng trẻ em khóc, Bác dừng tay và nói với đồng chí phục vụ: “Chú đến xem vì sao cháu bé khóc như thế? Thủa bé, Bác cũng có đứa em thường khóc như thế”. Thật khó mà kể xiết nỗi đau dồn dập đè nặng lên tấm thân bé bỏng của cậu Cung, nhưng được sự chia sẻ đùm bọc của người dân nơi đây đã giúp cậu bé Nguyễn Sinh Cung vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này.
        Điểm thứ hai mà chúng tôi đến tham quan là ngôi nhà Bác Hồ sống tại làng Dương Nỗ, thuộc xã Phú Dương, huyện Phú Vang, nơi Người sống hai năm từ năm 1908 – 1900. Người dân nơi đây có truyền thống trồng hoa nên đường vào làng rất đẹp, sau khi nghe thuyết minh thì chúng tôi biết rằng năm 1898 sau khi thi Hội lần thứ hai khoa Nhâm Tuất không đậu, ông Nguyễn Sinh Sắc đưa hai con trai Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung đến làng Dương Nỗ ở ngoại thành để dạy học theo lời mời của ông Nguyễn Sĩ Độ, vừa là đỡ gánh nặng cho gia đình. Mẹ Bác, bà Hoàng Thị Loan vẫn ở lại ngôi nhà 112 Mai Thúc Loan, quay tơ dệt vải để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Làng này trước đây gọi là làng “Dương Nỏ” nhưng mà theo thời gian người dân đọc lệch thành “Dương Nỗ”. Ngôi làng này cũng giống như những làng quê khác, có cây đa, bến nước sân đình. Tại đây, trong ngôi nhà tranh ba gian, hàng ngày cậu bé Nguyễn Sinh Cung và anh trai thường dậy sớm ôn bài, quét dọn và học cùng lớp với ba người con của ông Nguyễn Sĩ Độ. Ông Nguyễn Sinh Sắc nổi tiếng là “ông Cử Nghệ”, hay chữ, viết đẹp, nhưng “học tài thi phận”, nên nhiều gia đình khá giả trong làng Dương Nỗ và cả vùng lân cận xin ông được gửi con em đến học. Trong ngôi nhà này, bày trí đơn giản, có 2 cái phản, 1 cái rương gỗ, nhìn vào cách bày trí này có thể hình dung được ngày trước ông đồ Sắc ngồi trên phản giảng bài, trò thì ngồi xung quanh học bài. Ngoài việc dạy học trên lớp, ông Sắc còn dành nhiều thời gian để kèm cặp, dạy chữ cho hai con. Những bài giảng từ người cha ít nhiều đã ảnh hưởng tới những nhận thức ban đầu của cậu bé Cung về thời cuộc lúc bấy giờ. Cũng trong ngôi nhà này, những đêm khuya vắng, khi trò đã về, các con đã yên giấc ngủ, ông Sắc mới chong đèn ôn luyện bài vở. Chí quyết thi đậu luôn luôn bừng cháy trong ông.
        Tại làng Dương Nỗ, ba cha con ông Sắc có cuộc sống gần gũi, gắn bó với xóm làng, cậu bé Nguyễn Sinh Cung  vẫn thường hay ra thăm miếu thờ Am Bà, tắm ở Bến Đá và vui chơi với trẻ nhỏ ở đình làng... Mặc dù sống ở đây có 2 năm, nhưng những kí ức tuổi thơ nơi đây đã ảnh hưởng tới tư tưởng, tình cảm và nhãn quan của Người về quê hương, đất nước sau này.
        Theo cuộc hành trình, chúng tôi đến thăm nơi yên nghỉ đầu tiên của mẹ Bác, bà Hoàng Thị Loan ở phía Tây núi Bân (núi Tam Tầng) thuộc dãy núi Ngự Bình, bên dòng sông Hương thơ mộng. Năm 1900, khi ông Sắc đang đi coi thi tại Thanh Hóa, và ông có mang người con trai lớn đi cùng, thì ở Huế, bà Hoàng Thị Loan trở dạ sinh người con thứ tư. Sinh con trong hoàn cảnh vô cùng túng thiếu, cộng với những ngày tháng lao động vất vả, bà đã mắc bệnh hậu sản và qua đời ở Huế khi vừa tròn 33 tuổi vào ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (tức 10/2/1901). Lúc đó, cậu bé Cung mới lên mười tuổi, một mình với em mới sinh đã phải chịu đựng nỗi đau quá lớn. Chỉ còn hơn tuần lễ nữa là đến Tết, trẻ con nô nức đi mua quà Tết ở chợ Đông Ba. Cậu Cung bế em đứng bên thi hài mẹ khóc không còn nước mắt. Ngôi nhà ngập trong tang thương. Hương trầm và những bó hoa huệ trắng tỏa hương lưu luyến được bà con đưa tới phúng viếng thờ bà Loan. Có lẽ ấn tượng về hoa huệ trong giờ phút tiễn đưa mẹ đã khắc sâu trong tâm khảm Nguyễn Sinh Cung cho đến suốt đời. Bà con hàng xóm, anh em thân quen đã lo sắm áo quan, đồ lễ, khâm liệm cho bà Loan chu đáo. Gia đình bà Loan ở trong thành nội. Theo qui định của triều đình nhà Nguyễn, đám tang của dân thường không được đưa qua các cổng thành và đặc biệt không được than khóc. Thi hài bà Loan được bà con phố Đông Ba lặng lẽ đưa xuống thuyền qua cống Thanh Long, theo sông Gia Hội, ngược dòng sông Hương đưa lên mai táng ở triền núi Tam Tầng. Bà yên nghỉ ở đây từ năm 1901 – 1922. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi về nơi này là sự yên bình, lặng lẽ như cuộc đời của Mẹ vậy. Người dân nơi đây bao nhiêu năm qua vẫn bao bọc, che chở cho phần mộ của mẹ, mặc dù phần hài cốt đã được chuyển về quê nhà làng Sen – Nam Đàn – Nghệ An.
        Điểm dừng chân cuối cùng của đoàn công tác chúng tôi là Trường Quốc Học tại địa chỉ số 12 Lê Lợi, thành phố Huế. Chính tại ngôi trường này, Người đã tiếp thu nhiều tri thức mới và được giác ngộ để trở thành một thanh niên trí thức yêu nước. Khi mới thành lập Trường Quốc Học có tên đầy đủ là “Quốc học Pháp tự trường môn”. Trường được thành lập ngày 17 tháng 9 năm Thành Thái thứ 8 (23/10/1896) và Nghị định ngày 18/11/1896 của Phủ Toàn quyền Đông Dương. Năm 1908, Nguyễn Tất Thành là một trong 10 học sinh giỏi nhất của trường Tiểu học Pháp – Việt Đông Ba thi vượt cấp vào lớp đệ nhị niên trung học tại trường Quốc Học niên khoá 1908 – 1909. Thời kỳ Nguyễn Tất Thành theo học, trường Quốc Học chỉ là những dãy nhà tranh vốn là trại lính thuỷ quân Hoàng gia được cải tạo lại. Bao bọc xung quanh trường phía trước là tường xây bằng gạch, màu đỏ sậm, cổng trường có lối kiến trúc cổ kính có hai tầng, tầng trên bằng gỗ, mái lợp ngói theo kiểu Trung Hoa. Năm 1915  được xây dựng lại, về cơ bản kiến trúc cổng được duy trì cho đến ngày nay.
         Ở giữa sân trường là bức tượng đồng về chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành trên tay cầm cuốn sách được đặt ở vị trí trang trọng nhất như muốn nhắc nhở các thế hệ học sinh tại Trường Quốc học nâng cao tinh thần hiếu học, nỗ lực phấn đấu vì lý tưởng của đời mình. Đứng bên bức tượng của Người, chúng tôi liên tưởng về một thời kỳ mà Người đang học tập tại đây. Nguyễn Tất Thành được học tập, tiếp xúc với nhiều người thầy giỏi có tư tưởng tiến bộ và tinh thần yêu nước như thầy Hoàng Thông, Lê Văn Miến. Các thầy không chỉ dạy về văn hóa mà còn dành nhiều thời gian nói chuyện với học sinh về những thành tựu dân chủ, văn minh ở phương Tây. Chính ảnh hưởng của các thầy giáo tân học và những sách báo tiến bộ khi đó mà ý định sang phương Tây lớn dần lên trong tâm trí Nguyễn Tất Thành. Người khát khao muốn tìm hiểu sự thật của những từ “Tự do – bình đẳng – bác ái”. Vào học trường Tây, sống tại Kinh đô Huế, Nguyễn Tất Thành nhìn thấy những nghịch cảnh, ngang trái trong lòng xã hội thuộc địa, nửa phong kiến, đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào và sớm có chí đánh đuổi thực dân, giành lại độc lập cho đất nước, đem lại cuộc sống tự do, hạnh phúc cho đồng bào.
       Chúng tôi rời Huế với bao cảm xúc, vì đã được đến, được tìm hiểu những nơi mà Bác đã từng sống và học tập. Mà như đồng chí Lâm Đình Hùng trưởng đoàn đã nói: “Đây là cơ hội rất tốt để các em trải nghiệm, trực tiếp chứng kiến những kỷ vật về Bác tại Huế để rồi sau này trong quá trình làm việc các em sẽ biết vận dụng hợp lý và tự tin khi trả lời các vấn đề mà du khách còn băn khoăn….”. Cuối cùng tôi muốn nói lời cảm ơn đến mảnh đất đầy ân tình này, đã luôn bao bọc, che chở và chứng kiến những bước đi của Người trên hành trình ra đi tìm con đường cứu nước./.
                                                                    PHAN THỦY
                                                           Phòng Tuyên truyền – giáo dục
 

Thông tin tham quan

Liên kết website