THẦY THUỐC NHƯ MẸ HIỀN
27/02/2023 9:17:32 SA

Nghề giáo và nghề Y là hai nghề cao quý và thiêng liêng được mọi người  tôn vinh làm “thầy”. Chính vì vậy mà ngạn ngữ Trung Quốc đã từng ví von rằng “Lương y như từ mẫu” mà sau này Bác Hồ đã dịch qua là “Thầy thuốc như mẹ hiền”.
Hypocrat, nhà y học danh tiếng người Hy Lạp đã nêu lời thề nổi tiếng mà những Bác sỹ nhiều nước trên thế giới khi nhận bằng tốt nghiệp bác sỹ đều phải tuyên thệ. Lời thề Hypocrat đóng góp lớn cho y học và thiết lập một tiêu chuẩn thực hành đạo đức đối với nghề y.
          Danh y Hải Thượng Lãn Ông là người thầy thuốc giỏi, một nhân cách lớn, một người hết lòng vì người bệnh, lấy việc cứu người làm lẽ sống của mình. Từ quan rồi bỏ bổng lộc, địa vị, tự cho mình là một ông già lười để suốt đời chăm lo, nghiên cứu cho đạo làm thuốc của mình. Trong “Tiểu dẫn y âm án”, Ông viết: “Thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng con người, sống chết trong tay mình nắm, phúc họa trong tay mình giữ. Vậy thì làm sao kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành động không thân trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng?”.
          Tất cả đều là những điều tâm huyết, cao cả và rất đáng kính trọng!
          Khi nói về y đức Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn ân cần, thiết thực và sâu sắc rằng : “Phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”, “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”.
          Dành cả cuộc đời chăm lo cho nhân dân vì thế Người luôn quan tâm đến ngành y tế và luôn dành những tình cảm thân thương, những chỉ dẫn quý báu đối với nghề y. Theo các nhà nghiên cứu về y tế thì từ năm 1947 đến 1967, trong 20 năm đó, Bác Hồ đã 25 lần viết thư cho các ngành y tế và thương binh xã hội. Bác nhắc nhở những người thầy thuốc nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và cứu chữa thương binh. Song đặc biệt là thư nào Bác Hồ cũng nói đến vấn đề y đức, một vấn đề cốt lõi của y tế.   
Trong bức thư Bác viết gửi Hội nghị cán bộ y tế ngày 27/2/1955,  Người dặn dò vấn đề thương yêu người bệnh như sau: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ y tế cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”.
          Không chỉ nhắc nhở đến trách nhiệm, mà cao quý hơn, thiêng liêng hơn, Bác muốn những người thầy thuốc phải có tình thương yêu người bệnh như những người thân yêu nhất của mình. Vì khi đã có tình yêu thương cao cả ấy, thì việc cứu chữa người bệnh mới đạt được những kết quả cao nhất.
Năm 1985, Đảng và Nhà nước ta quyết định lấy ngày 27/2 hàng năm là Ngày Thầy thuốc Việt Nam nhằm tôn vinh những người làm trong ngành Y tế, trách nhiệm cũng như tài trí của những người cán bộ y tế trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cũng là ngày để nhắc nhở về trách nhiệm và sứ mệnh mà xã hội đã giao phó đối cho các y, bác sĩ và những người làm công tác y tế.
Y đức là phẩm chất tốt đẹp, là giá trị cốt lõi của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ, hết lòng thương yêu chăm sóc người bệnh như chăm lo cho những người thân yêu trong gia đình của mình. Đây là nghề liên quan trực tiếp đến sinh mệnh con người, nên người thầy thuốc không chỉ phải giỏi về chuyên môn mà còn phải có tâm, có đức. Bác Hồ luôn nhấn mạnh, “Lương y phải như từ mẫu” nghĩa là người thầy thuốc đồng thời phải như một người mẹ hiền.

Phan Hằng

Thông tin tham quan

Liên kết website