THÁNG NĂM VỀ NHỚ BÁC NHIỀU HƠN
15/05/2023 11:09:21 SA
Tháng năm về, mỗi người con đất Việt bâng khuâng nhớ về ngày sinh nhật Bác - vị cha già dân tộc đã cống hiến, hy sinh trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Người được tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất.

Sinh thời, Bác sống rất giản dị, khiêm tốn, Người "hi sinh tất cả chỉ quên mình",
Bác không muốn làm phiền ai, không thích ai tặng quà cho mình trong các dịp lễ Tết hay ngày sinh nhật.
          Xa quê từ khi 16 tuổi, ra đi tìm đường cứu nước từ năm 21 tuổi, Người đã đi qua 3 châu lục và 4 đại dương trải qua rất nhiều nghề khác nhau. Qua biết bao sóng gió nơi đất khách quê người, có lúc tưởng chừng không vượt qua nổi. Nhưng cuối cùng, với ý chí quyết tâm của "...người trai chí lớn”.... Người đã tìm ra được con đường cứu nước chân chính.
          Sau 30 năm bôn ba nước ngoài tìm đường cứu nước, mùa xuân năm 1941, Người đã trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Người và Trung ương Đảng, nhân dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang trong Cách mạng tháng 8 năm 1945.
          Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hoà - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Kể từ đó, đông đảo đồng bào trong nước và quốc tế biết đến Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam và biết đến ngày 19/5 là ngày sinh của Người.
          Trong suốt 24 năm làm Chủ tịch nước (2/9/1945 - 2/9/1969), vào dịp sinh nhật mình, để tránh lễ nghi không cần thiết, Bác không ở Hà Nội mà về thăm nhân dân các địa phương nhưng Bác căn dặn trước các địa phương không được tổ chức lễ kỷ niệm, không tổ chức chiêu đãi linh đình.
          Bác Hồ có 2 lần sinh nhật đặc biệt. Lần đầu tiên của cuộc đời lãnh tụ (19/5/1946) và lần cuối cùng trước khi Người "Vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay" (19/5/1969).
          Sau Cách mạng tháng 8/1945, nước ta gặp muôn vàn khó khăn, rơi vào tình thế "ngàn cân treo sợi tóc". Nạn giặc đói, giặc dốt hoành hành, đặc biệt là nạn thù trong giặc ngoài ngày đêm đe doạ sự tồn vong của chính quyền non trẻ. Là người đứng đầu một nước, Người vô cùng trăn trở làm sao để giữ vững nền độc lập vừa mới giành được, ổn định cuộc sống cho nhân dân.
          Sinh nhật năm đó - Người tròn 56 tuổi (19/5/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định tổ chức sinh nhật nhưng là để làm nguyên cớ cho đấu tranh ngoại giao. Lúc bấy giờ, Người tự tổ chức sinh nhật trong tư thế nguyên thủ quốc gia độc lập có chủ quyền đón tiếp cao uỷ Pháp tại Đông Dương là ông D'Argenlieu - nhân vật đang mưu toan ngăn chặn chuyến đi của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị thượng khách của nước Pháp.
          Sinh nhật năm đó, Bác nói với đồng bào "chưa có gì đáng chúc thọ" nhưng đối với kẻ thù đang đe doạ nền tự do độc lập vừa mới giành lại được, đây là cái cớ để Người buộc cao uỷ Pháp tại Đông Dương phải đến để đối thoại với hy vọng "Cuộc bang giao Việt Pháp chắc chắn sẽ có bước phát triển mới".
          Cũng trong lần sinh nhật đó, Bác nói: "Các nhà báo ở đây đã làm to sinh nhật tôi rồi", Bác có dịp tiếp xúc với nhân dân, tự vệ, các đại biểu Nam Bộ, các cháu thiếu nhi đến chúc mừng sinh nhật Bác. Năm đó, Bác đã tặng cho các đại biểu thiếu nhi cây bách tán và mong “cái cây sẽ mọc ra một chậu trăm cái tán, các cháu chăm nom cho cây lớn, cây tốt”. 
          Mong muốn thực sự của Bác là có một ngày sinh nhật chung, như trong thư ngày 19/5/1948 gửi Quốc hội và Chính phủ, các đoàn thể, bộ đội, đồng bào trong nước và kiều bào nước ngoài, Người viết “Tôi và toàn thể đồng bào có một ngày sinh nhật chung: Ấy là ngày cách mạng giải phóng thành công tháng Tám 1945”.
           Món quà sinh nhật mà Bác rất trân quý là tấm lòng của người dân. Trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Cứu quốc dịp sinh nhật năm 1949, Người nói: “Món quà quý giá nhất đối với tôi là những báo cáo thành tích thi đua ái quốc”. Bác còn nhắc nhở “Mừng sinh nhật tôi đồng bào cho tôi nhiều hoa, bánh, những thứ đó đáng giá cả. Nhưng xin đồng bào nghĩ đến các đồng bào nghèo khó, hơn là hao phí cho tôi. Bác dặn chuyển những lẵng hoa đẹp, các loại quả mà các nơi gửi đến biếu Bác để tặng các đơn vị bộ đội, công an, thanh niên xung phong, các nhà trẻ”.
          Lần sinh nhật cuối cùng của Bác là ngày 19/5/1969, lúc bấy giờ chiến tranh đang diễn ra vô cùng ác liệt đặc biệt là ở miền Nam. Năm đó, Bác đề nghị không tổ chức sinh nhật vì “Đồng bào ta, nhất là đồng bào miền Nam đang chiến đấu gian lao, hy sinh như thế, Bác không có lòng dạ nào mà hưởng niềm vui riêng” (Theo đồng chí Vũ Kỳ- thư ký riêng của Bác kể lại). Ngày 19/5/1969, như bao sinh nhật trước, tuy sức khỏe của Bác có phần yếu hơn, Người vẫn tiếp khách và mời “các chú uống nước, ăn bánh kẹo và chúc thọ Bác đi. Nhớ lấy phần về cho các thím và các cháu…”. Vẫn thói quen cũ, đúng 9h sáng vào ngày sinh nhật mình, Bác xem lại và chỉnh sửa bản Di chúc. Bác vẫn tiếp khách đến chúc thọ, Người đã gửi tặng tỉnh Nghệ An - quê hương của Người tấm ảnh chân dung có ghi phía dưới lời nhắc nhở “Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi công tác, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”…Bác đã gửi điện cảm ơn Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Uỷ ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, các lãnh đạo, Chính phủ và nhân dân các nước anh em, bạn bè quốc tế.
          Trong suốt cuộc đời của mình nói chung và 24 năm làm Chủ tịch nước nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ coi mình là lãnh tụ mà chỉ như một người lính vâng mệnh quốc dân ra trận, suốt đời tận tụy với nhân dân. Nhân cách, đạo đức sự cao thượng ấy của Bác là tấm gương mẫu mực cho con cháu noi theo và học tập. Chính vì lẽ đó, khi Người “Vào cuộc trường sinh nhẹ cánh bay”, đất nước mừng thọ Bác mà ngỡ “Chắc như thường lệ, Người đi vắng”. Chính phủ đã tổ chức ngày sinh nhật Bác luôn chú ý làm theo ý của Người về tiết kiệm và thiết thực nhất.
          Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn; Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, mỗi năm vào ngày sinh nhật Bác con cháu khắp mọi miền Tổ quốc đã ra sức thi đua lập nhiều thành tích trong tất cả các lĩnh vực để mừng sinh nhật Người. Báo công với Bác và nhớ Bác nhiều hơn, nhớ những công lao to lớn, sự hi sinh cả cuộc đời để giành lại tự do, ấm no cho nhân dân ta.
          Tuy Bác đã đi xa nhưng hình ảnh và những lời căn dặn của Người luôn in đậm trong tâm thức của người dân Việt Nam và bầu bạn quốc tế. Chính vì lẽ đó, mỗi dịp tháng 5 về là lúc con cháu Người trở về quê hương Kim Liên - Nam Đàn thăm lại nơi sinh ra và nơi trưởng thành của Bác, càng nhớ và kính trọng, tự hào về Người.
          Nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/1890- 19/5/2023) quê hương Nghệ An đã tổ chức rất nhiều hoạt động để mừng sinh nhật Bác như: Liên hoan tiếng hát Làng Sen; Lễ hội Làng Sen; Giải bóng chuyền và Giải võ cổ truyền; Khai mạc Festival Khinh khí cầu Fly Up Việt Nam - Cửa Lò 2023; Lễ hội đường phố “Quê hương mùa Sen nở”; Khai mạc các hoạt động văn hóa, thể thao, hội trại, trò chơi dân gian…
          Ngay tại Khu di tích Kim Liên - Di tích quốc gia đặc biệt cũng có rất nhiều hoạt động ý nghĩa nhân dịp sinh nhật Bác như: Triển lãm ”Những tấm gương bình dị mà cao quý” và giới thiệu các tác phẩm tranh với chủ đề “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn” của các Họa sĩ trên mọi miền đất nước; Khai mạc không gian Văn hóa tỉnh Thanh Hoá trên quê hương Bác; Nhà hát ca kịch Huế và trung tâm nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An biểu diễn phục vụ nhân dân; Tổ chức lễ dâng hương, dân hoa của các đoàn cao cấp của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể về báo công với Bác trong dịp sinh nhật Người./.
                               

                                     Phạm Thanh Hương
  

Thông tin tham quan

Liên kết website