THÁNG BẢY – THÁNG TRI ÂN
20/07/2019 5:23:26 CH
Đất nước trải qua bao cuộc chiến tranh, những tổn thất của nó để lại không có gì có thể đo đếm được, những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, để giờ đây trên mảnh đất hình chữ S này, nơi đâu cũng có nghĩa trang liệt sỹ bạt ngàn những ngôi mộ, biết bao làng không chồng, trại thương binh và rất rất nhiều những hài nhi bé nhỏ dị tật được sinh ra. Đó là bằng chứng của tội ác chiến tranh, là những tiếng bi ai rung động đất trời. Trong cuộc chiến này, nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đ

 
          Đất nước trải qua bao cuộc chiến tranh, những tổn thất của nó để lại không có gì có thể đo đếm được, những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, để giờ đây trên mảnh đất hình chữ S này, nơi đâu cũng có nghĩa trang liệt sỹ bạt ngàn những ngôi mộ, biết bao làng không chồng, trại thương binh và rất rất nhiều những hài nhi bé nhỏ dị tật được sinh ra. Đó là bằng chứng của tội ác chiến tranh, là những tiếng bi ai rung động đất trời. Trong cuộc chiến này, nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương, nhiều người vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường. Sự hi sinh ấy, như lời Bác Hồ đã nói: "Máu đào của các liệt sĩ đã nhuộm lá cờ cách mạng càng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do". Ngày 27 tháng 7 hằng năm, là dịp nhân dân Việt Nam hướng về những chiến sĩ đã hy sinh, bày tỏ biết ơn và trân trọng những thương binh anh dũng trong chiến đấu, cần cù sáng tạo trong cuộc sống hôm nay. Đây cũng là dịp để chúng ta nhớ về những trang sử hào hùng của cha ông.
 


Lãnh đạo Khu di tích Kim Liên thăm và tặng quà mẹ Việt nam anh hùng Phan Thị Hòa - xóm Mậu 4, xã Kim Liên
 
        Thật may mắn và tự hào vô cùng khi tôi được làm việc trên quê hương chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích Kim Liên huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An. Cứ mỗi độ tháng 7 về, trong hàng triệu các đoàn du khách về quê Bác, tôi ấn tượng sâu sắc nhất chính là hình ảnh các cô, các bác cựu chiến binh, những người lính thanh niên xung phong. Họ về đây, thắp nén hương thơm, kính cẩn nghiêng mình báo công với Bác. Họ cùng nhau ôn lại một thời hào hùng trong chiến trường ác liệt. Mùi bom đạn, khói thuốc súng như vẫn còn vang vọng. Tay cầm đàn Ghi- ta, họ cùng nhau hát vang bài hát: “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”. Những hình ảnh đó làm cho tôi nhớ lại những câu chuyện xúc động đã được nghe trong mỗi lần đi công tác.
        Khi tôi đến học tập và trao đổi kinh nghiệm tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, câu chuyện về hai chị em Nguyễn Thị Xân và Nguyễn Thị Thiu đã làm cho tôi thật sự khâm phục. Hai chị em bị bắt trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh giam tại Nhà lao Vinh. Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn nham hiểm, thâm độc, hòng làm lung lay ý chí gang thép của các chiến sỹ cộng sản. Chúng đánh đập, tra tấn hai chị nhưng  không moi được chút tin tức gì, bất lực kẻ thù hèn hạ bắt mẹ già 70 tuổi và đứa cháu nhỏ vào giam trong Nhà lao Vinh để tra tấn. Khi nghe tiếng đấm đá huỳnh huỵch, tiếng roi quất túi bụi và tiếng rên la quằn quại của mẹ, ruột gan hai chị như có hàng trăm ngàn mũi dao đâm vào đau đớn. Thế nhưng hai chị không thể vì tình cảm riêng tư mà quên đi lợi ích cách mạng, phản lại anh em đồng chí, bởi trong hai người chiến sỹ cộng sản kiên cường ấy luôn vang lên câu nói “Đảng trên hết, cách mạng trên hết”. Chị Xân đã động viên chị Thiu là: “ Em ơi! Mẹ năm nay đã 70 tuổi, có chết cũng không sao, chúng ta đừng vì thế mà phản bội lại cách mạng, phản bội lại anh em đồng chí”
        Những người con Xô viết anh hùng ấy, họ đã luôn tỏa sáng tinh thần đấu tranh kiên cường, anh dũng, bất khuất, lòng yêu quê hương đất nước, tình thương yêu anh em đồng chí, luôn lạc quan tin tưởng vào ngày thắng lợi cuối cùng của cách mạng. Tất cả những điều tốt đẹp đó đã hun đúc lên khí tiết của những người cộng sản kiên trung.
       Khi tôi đến tham quan Bảo tàng Quân khu IV, ở đó trưng bày rất nhiều hiện vật, những hình ảnh về các tấm gương tiêu biểu của cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc. Câu chuyện về người chiến sỹ trẻ tuổi Lâm hy sinh tại chiến trường Quảng Trị khi tuổi đời vừa tròn 18 làm tôi thực sự xúc động. Theo tiếng gọi của non sông, đất nước, anh đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Người lính trẻ tuổi ấy, đêm khuya còn sợ ma, có khi ngủ còn khóc vì nhớ mẹ, vậy mà, khi được lệnh sang sông tải đạn thì anh lại là người háo hức, hăm hở nhất. Lần đó anh đi mà không trở lại bởi đạn pháo của kẻ thù đã cướp đi cái tuổi đời đẹp nhất của anh. Trước khi đi, anh gửi lại đồng đội lá thư đúng như mối dự cảm: “Lan xa nhớ! Không biết chuyến này đi Lâm có trở về được không nữa, nếu Lâm không trở về, thi thoảng Lan nhớ ghé sang bên nhà trò chuyện với mẹ nhé”. Kèm theo lá thư là bông hoa dại được ép còn tươi máu. Lần theo địa chỉ, bạn của anh tìm về mới hay tin, người mẹ ấy 3 lần bùi ngùi tiễn chồng, con đi xa thì cũng 3 lần mẹ khóc thầm lặng lẽ. Dáng mẹ buồn hiu quạnh ngồi bên bậc cửa chờ con. Sự hi thầm lặng của những con người ấy để đổi lại sự bình yên cho đất nước hôm nay. Những người con, người mẹ Việt Nam anh hùng.
        Khi tôi đến thăm viếng Di tích Thành cổ Quảng Trị, nghe giọng nói thiết tha, truyền cảm của thuyết minh viên cùng tiếng nhạc trầm hùng, lay động tâm can của “Hồn tử sĩ”, trong lảng vảng khói hương giữa núi non trùng điệp và miên man sóng nước trên dòng sông Thạch Hãn, tôi dường như thấy được hương hồn các anh hùng liệt sĩ vẫn đang cùng giữ yên bờ cõi, như “Lời người bên sông” vẫn vang vọng thiết tha. Câu chuyện về bức thư “thiêng” của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh làm tôi không cầm được nước mắt.
       Lá thư này được liệt sỹ Lê Văn Huỳnh viết vào một ngày tháng 9.1972, trước ngày anh hy sinh hơn 3 tháng. Không ai hiểu tại sao anh biết trước cái chết của mình, biết tường tận nơi mình sẽ nằm xuống. Ở giữa chiến trường khốc liệt, đầy bom rơi, đạn lạc, ranh giới giữa sự sống và cái chết hết sức mong manh. Những người lính dường như cảm nhận được cái chết có thể đến với mình bất cứ lúc nào, nhưng Lê Văn Huỳnh còn biết trước được nơi mình sẽ ngã xuống thì thật là điều gây ra ám ảnh đối với những người đã đọc lá thư này. Liệt sỹ Lê Văn Huỳnh cũng như hàng triệu những người lính bộ đội cụ Hồ, biết ra trận sẽ luôn luôn cận kề cái chết, ấy vậy mà họ vẫn sẵn sàng lên đường ra trận với một niềm tin, niềm lạc quan yêu đời nhất. Họ gạt lại phía sau quê hương, nơi có mẹ, có vợ và cả những người thân thương nhất, họ dành cả tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của mình để dâng hiến cho Tổ quốc, cho đất nước nở hoa ngày độc lập. Chính những con người ấy đã viết lên bản hùng ca bất tử cho Tổ quốc Việt Nam trường tồn mãi mãi.  Tinh thần ấy đã được liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm viết: “Hãy giữ vững tinh thần của người cộng sản, tinh thần trong suốt như pha lê, cứng rắn như kim cương và chói lọi muôn nghìn hào quang của lòng tin tưởng”.
        Dòng sông Thạch Hãn hằng ngày vẫn hiền hòa, trong xanh, êm đềm như vốn có của nó, thế nhưng cách đây hơn  47 năm, nơi đây là dòng sông máu lửa, là chiến trường ác liệt nhất trong cuộc chiến 81 ngày đêm bất tử. Ở nơi đó có những con người đã mãi mãi ra đi ở tuổi 20:
“Đò lên Thạch Hãn ơi chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi đôi mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”
       Trong một lần trở lại Quảng Trị, vào rạng sáng ngày 27 tháng 7 năm 1987, Lê Bá Dương về lại Quảng Trị, vào chợ mua hoa. Trước đây anh chỉ hái hoa dại, hoa rừng. Đây là lần đầu tiên anh mua hoa ở chợ. Xuống sát mép sông Thạch Hãn anh gặp một bà thuyền chài. Anh bảo: - Mệ cho con đi thuyền dọc sông một vài tiếng, hết bao tiền con trả. Bà cụ đồng ý 8 ngàn đồng một tiếng. Anh ngồi thuyền thả hoa trên sông, nước mắt nhạt nhòa. Bà cụ không nói gì, nhìn anh thả hoa và lặng lẽ chèo đều đặn. 4 tiếng sau, anh bảo 8 ngàn/1 giờ, 4 giờ con trả mệ 50 ngàn. Bà cụ quỳ xuống, khóc nói: - Mi làm rứa sao mệ dám lấy tiền của mi! Chào mẹ, anh lên bờ, ngồi bó gối nhìn dòng sông. Hoa vừa thả dập dờn trôi theo dòng nước. Anh miên man nghĩ: Anh em đang nằm dưới sông, bập bềnh theo những cánh hoa, nước mắt anh ứa ra, anh đã viết bài thơ trên.
          Sau chuyện này những người bạn Lê Bá Dương ở Triệu Hải cứ đến dịp 27 tháng 7 năm nào cũng mua hương hoa ra thả. Lâu dần thành tập quán chung của người dân ở hai bên bờ Thạch Hãn và bây giờ là tập quán của mỗi người dân Quảng Trị. Những cán bộ văn hóa và văn nghệ sĩ tại Quảng Trị sau đó đã nâng nghĩa cử này trở thành một lễ hội.
         Sống trong thời bình nhưng những âm mưu độc chiếm, tranh giành lãnh thổ của các thế lực thù địch chưa khi nào nguôi, biên giới, biển cả ngày đêm dậy sóng. Có hàng trăm người lính thế hệ mới lại viết tiếp câu chuyện của những vị anh hùng trong lịch sử, gác lại đời tư, gác lại cuộc sống bình yên để đến với miền biên cương, đến với biển đảo. Sự hi sinh của những người lính nhắc nhở mỗi người trong chúng ta về giá trị của hai chữ hòa bình. Ở đâu đó trên dải đất Việt Nam này vẫn có những sự hy sinh như thế. Họ sẵn sàng hy sinh bản thân vì đồng đội, vì nhiệm vụ cao cả giữ bình yên cuộc sống cho nhân dân, cho độc lập Tổ quốc vững bền. Câu chuyện về anh hùng, liệt sỹ Và Bá Giải, một trong những người con của xứ Nghệ được được vinh danh Anh hùng lực lượng vũ trang của Bộ đội biên phòng Việt Nam
        Sau khi tốt nghiệp THPT, như bao chàng trai khác trong cùng bản nghe lời Bố, mẹ sẽ lấy vợ, lập gia đình, sinh con, sống một cuộc đời bình lặng Và Bá Giải đã không lựa chọn con đường ấy. Tháng 9.1992, Và Bá Giải tình nguyện nhập ngũ vào lực lượng Bộ đội Biên phòng Nghệ An và công tác tại Đồn biên phòng 551. Chiến công đặc biệt xuất sắc là vào hồi 15h30' ngày 26.7. 2004, tổ công tác địa bàn ở bản Tân Sơn do đồng chí Giải làm Tổ trưởng đi trinh sát địa hình, phát hiện 2 đối tượng lạ, mang 2 ba lô và một khẩu súng kíp xâm nhập trái phép biên giới Việt Nam, đồng chí Giải yêu cầu kiểm tra giấy tờ, lập tức 2 đối tượng liền bỏ chạy ra hướng biên giới. Ngay lúc đó đồng chí ra lệnh cho đồng đội đuổi theo. Khi truy đuổi được khoảng 800 mét, tổ công tác bất ngờ gặp một toán phỉ khác, chúng nổ súng vào đội hình và đồng chí Giải đã anh dũng hy sinh lúc 17 giờ cùng ngày.
         Và Bá Giải đã hi sinh ở cái tuổi đời đẹp nhất, viên đạn của kẻ thù đã cướp đi sinh mạng của anh, cướp đi bao dự định, bao ước mơ, bao khát vọng trong con người anh: anh hứa với Bố mẹ là sẽ đi học, rồi sẽ lấy vợ nhưng vì nhà còn đông anh em, còn khó khăn, lần lựa mãi rồi anh cũng chưa thực hiện được và anh ra đi khi còn mắc nợ Bố mẹ mình một lời hứa. Sự hi sinh của anh thật là anh dũng và cao cả. Anh mãi mãi sống trong kí ức của đồng đội, của bà con các dân tộc nơi miền biên cương của tổ quốc. Tất cả không quên anh, Đảng và Nhà nước, dân tộc không quên ơn anh và anh trở thành tấm gương sáng cho các chiến sỹ biên phòng đang ngày đêm vượt qua bao khó khăn, gian khổ, hiểm nguy, bao hi sinh thầm lặng, quên mình bảo vệ vùng biên cương của tổ quốc, bảo vệ cho cuộc sống bình yên. Anh trở thành biểu tượng sáng ngời cho ý chí và khát vọng của tuổi trẻ.
        Tháng bảy về, tháng của tri ân những người đã hi sinh, chiến đấu vì nền độc lập của dân tộc, là dịp để tăng cường ý thức, trách nhiệm, lòng biết ơn, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Phát huy đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", đền ơn đáp nghĩa của dân tộc ta, Cán bộ - công nhân viên Khu di tích Kim Liên đã luôn nêu cao tinh thần tri ân các anh hùng, liệt sỹ, thương binh, bệnh binh bằng những hành động cụ thể, thiết thực như: Hằng năm, lãnh đạo cơ quan đi dâng hương, dâng hoa ở Nghĩa trang liệt sỹ huyện Nam Đàn, Nghĩa trang liệt sỹ Thái Lão, Khu di tích lịch sử Truông Bồn…Trao quà cho các gia đình có công với cách mạng, các gia đình thương binh, liệt sỹ trên địa bàn xã Kim Liên. Trao quà cho mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Hòa ở xóm Mậu 3, xã Kim Liên. Tham gia ủng hộ một ngày lương để đúc Chuông đồng ở nghĩa trang liệt sỹ huyện Nam Đàn, tham gia lao động dọn vệ sinh khuôn viên nghĩa trang liệt sỹ, thắp nến tri ân. Đặc biệt, đối với con của các gia đình chính sách, gia đình thương binh, liệt sỹ hằng năm Khu di tích Kim Liên đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà để động viên họ vơi bớt những nỗi đau mất mát mà chiến tranh đã mang lại…
Xin trích một câu nói nổi tiếng trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Liên Xô N.A.Ostrovsky để kết thúc bài viết:
      “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người…”
 
                                                            Phan Thủy
                                 Phòng tuyên truyền, giáo dục
 

Thông tin tham quan

Liên kết website