TÊN GỌI VÀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG CỦA KHU DI TÍCH KIM LIÊN QUA CÁC THỜI KỲ
02/06/2023 4:00:02 CH

Đoàn đại biểu lãnh đạo tỉnh Nghệ An dâng hoa, dâng hương tưởng niệm và tri ân Chủ tịch Hồ Chí Minh
nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Người

Trong quá trình hình thành và phát triển, được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ của các ngành, các cấp cùng với sự nỗ lực phấn đấu liên tục của các thế hệ cán bộ, Khu di tích Kim Liên đã không ngừng lớn mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ gìn và phát huy di sản về quê hương, gia đình thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai lần Người về thăm quê, để từ đó cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân của Người đã lan toả và có ảnh hưởng đặc biệt đến nhận thức và hành động của Đảng ta, nhân dân ta và bạn bè quốc tế.
Sau khi vừa ra khỏi cuộc kháng chiến chống Pháp, hòa bình được lập lại trên miền Bắc, vào năm 1956, Đảng và Nhà nước đã có chủ trương khôi phục lại các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương của Người. Để thực hiện được chủ trương này tỉnh Nghệ An đã thành lập Ban lãnh đạo và Ban chuyên môn xây dựng quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ban lãnh đạo do Ông Nguyễn Trường Khoát – Phó Bí thư Tỉnh uỷ làm Trưởng ban, ông Phạm Phúc Nghị cán bộ Ty Văn hoá Nghệ An – Phó ban thường trực, ông Đào Duy Kỳ chuyên viên Vụ Bảo Tồn Bảo tàng làm uỷ viên; Ban chuyên môn gồm các ông: Trần Thanh Tâm, ông Nguyễn Phúc và 3 người giúp việc. Sau khi thành lập Ban, các chuyên gia Bảo tồn - Bảo tàng từ Trung ương cùng với Ty Văn hóa Nghệ An đã  tổ chức tiến hành, nghiên cứu, sưu tầm xác minh, gặp gỡ nhân chứng và những người cao tuổi để tìm lại ngôi nhà cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc, quá trình nghiên cứu xác minh được ghi lại cụ thể lưu trong kho tư liệu Khu di tích Kim Liên như sau: “....Sau khi ông Nguyễn Sinh Sắc vào Huế làm quan năm 1906, ông giao lại nhà cửa ruộng vườn cho cô Nguyễn Thị Thanh trông coi, năm 1914 khi cô Thanh và cậu Khiêm bị thực dân Pháp bắt ngôi nhà này tạm giao cho ông Nguyễn Sinh Mợi một người bà con trong họ trông coi. Năm 1915 cô Thanh ra tù trở về quê cô bán ngôi nhà 5 gian cho ông Tú Dền ở xóm Bố Ân xã Nam Hùng, khi dựng nhà ông Tú Dền lại bớt đi hai gian chỉ còn lại ba gian một hồi, năm 1932 vợ ông Tú Dền lại bán nhà này cho ông Trần Hữu Do ở xã Nam Giang, ông Do sửa lại thành nhà 3 gian hai hồi. Tháng 7 năm 1956 chúng ta đã chuộc ngôi nhà  đem về phục dựng trên nền đất cũ ở làng Sen, để tháng 6 năm 1957 trong dịp về thăm quê lần thứ nhất Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được vào thăm lại ngôi nhà của gia đình mình. Còn ngôi nhà ngang 3 gian ông Nguyễn Sinh Mợi (người bà con trong họ Nguyễn Sinh) đem về làm nhà ở đến năm 1942 cậu Nguyễn Sinh Khiêm ra tù về lấy lại, lúc này nhà đã bị mối mọt gần hết chỉ còn bốn cây cột gỗ còn nguyên vẹn, năm 1945 cậu Khiêm đem ngôi nhà cho một người bạn  là ông Ký Tiềm ở Hưng Thái – Hưng Nguyên, ông Ký Tiềm đem đục lỗ 4 cây cột gỗ để làm chuồng trâu, tháng 3 năm 1959 các cán bộ bảo tàng đã sưu tầm  được 4 cây cột gỗ đem về và phục dựng lại. Ngày 9 tháng 12 năm 1961, khi về thăm quê lần thứ hai, Người được chiêm ngưỡng di tích này một cách tương đối hoàn chỉnh...”.
Còn ngôi nhà nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời ở Hoàng Trù trong quá trình nghiên cứu, sưu tầm và xác minh được ghi lại cụ thể như sau: “...Năm 1901, khi ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó Bảng, ông cùng các con sống trong ngôi nhà này một thời gian, sau đó ông đưa các con về sống tại làng Sen, ngôi nhà được bà Ngoại Nguyễn Thị Kép trông coi sau một thời gian vì nhà không có người ở nên dột nát và hư hỏng khá nhiều, ông Nguyễn Sinh Sắc dỡ ra cho bà con trong họ mỗi người một thứ, sau này khi có chủ trương phục dựng lại, bà con đã đem những phần gỗ còn dùng được góp lại để cùng với chính quyền phục dựng lại ngôi nhà, dựa vào lời kể và trí nhớ của các cụ cao tuổi trong làng, phát huy thành quả và kinh nghiệm đã có, tháng 11 năm 1959 ngôi nhà nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời ở  Hoàng Trù được  phục dựng,  để năm 1961 vinh dự được đón Bác về thăm...”.
Cùng với việc phục hồi di tích, Ty Văn hóa Nghệ An đã tổ chức những đợt nghiên cứu, sưu tầm hiện vật để về trưng bày trong những ngôi nhà vừa được phục dựng trong đó có những hiện vật gốc quý giá như: Biển Ân tứ ninh gia được lấy từ nhà thờ họ đại tôn Nguyễn Sinh; chiếc mâm gỗ; bộ phản nơi nghỉ của Bác và anh trai khi ở làng Sen được sưu tầm tại nhà cụ Nguyễn Sinh Mợi; chiếc rương gỗ của hồi môn của Bà Hoàng Thị Loan... riêng chiếc rương gỗ đã qua nhiều người sử dụng nên được xác minh như sau: “...Sau khi bà Hoàng Thị Loan theo chồng vào Huế năm (1895) bà Loan đã cho em gái của mình là Hoàng Thị An chiếc rương, sau đó vì túng thiếu bà Hoàng Thị An đã bán cho ông Trần Đăng Lê người cùng làng, lúc ông Lê mất chiếc rương do người con trai của ông là Trần Đăng Thi sử dụng sau đó ông Thi đã đem chiếc rương đổi cho chú ruột của mình là Trần Tín để lấy cái tủ, khi khôi phục lại  ngôi  nhà cán bộ Ty Văn hoá Nghệ An đã sưu tầm chiếc rương  về để  trưng bày trong di tích...”.
 Những năm đầu di tích mới được khôi phục phải ghi nhận công lao rất lớn của chính quyền địa phương xã Nam Liên và bà con hai dòng họ: họ Nguyễn Sinh và họ Hoàng Xuân luôn cử người thường xuyên trực bảo vệ, bảo quản các di tích tuyệt đối an toàn và sạch đẹp, hàng năm đón tiếp hàng trăm đoàn khách và nhân dân tới thăm viếng. đặc biệt là công lao thầm lặng của Đội bảo vệ nhà Bác Hồ do xã Kim Liên thành lập từ năm 1957 – 1970.  Những tấm  gương tiêu biểu mà bà con Kim Liên thường nhắc tới đó là các cụ: Nguyễn Sinh Thoán, Nguyễn Sinh Mợi, Nguyễn Sinh Hảo, Nguyễn Sinh Vinh,  Nguyễn Danh Vận,  Nguyễn Danh Chươn,  Nguyễn Văn Thuần … đã có công chăm sóc bảo vệ di tích chu đáo trong thời kỳ đầu.
Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần, Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh để tuyên truyền giáo dục cho toàn dân về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Người. Trong bối cảnh chiến tranh, trên cơ sở các di tích lưu niệm đã có, năm 1970 Đảng và Nhà nước đã quyết định xây dựng Bảo tàng Kim Liên- một Bảo tàng về Hồ Chí Minh đầu tiên trong cả nước, do đồng chí Trường Chinh chỉ đạo và Bộ chính trị phê duyệt nội dung trưng bày. Bảo tàng Kim Liên trở thành nơi hội tụ tình cảm của đồng bào cả nước và bầu bạn quốc tế đối với Bác Hồ kính yêu. Bảo tàng Kim Liên được thành lập, công tác bảo tồn tôn tạo ngày càng được quan tâm, đầu tư xây dựng như nhà thờ Bác Hồ, Khu trưng bày, lò rèn, giếng Cốc, khu ở của cán bộ viên chức, nhà kho tư liệu hiện vật, nhà khách … Công tác phòng cháy chữa cháy, công tác bảo vệ được chú trọng như: thành lập Đồn công an bảo vệ kiêm làm công tác phòng cháy chữa cháy. Những thế hệ lãnh đạo và cán bộ đầu tiên khi thành lập Bảo tàng Kim Liên thường được mọi người nhắc đến như:  Đồng chí  Kỳ Quang Lâm - Quyền Chủ nhiệm (1970 - 1979) , đồng chí  Nguyễn Huy Dũng - Chủ nhiệm (1979 - 1983), các đồng chí Nguyễn Minh Siêu, Lê Viết Linh; Võ Hồng Thao (cán bộ nghiên cứu); Các đồng chí Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Thúy Lộc, Nguyễn Thị Hường (cán bộ thuyết minh); các đồng chí Nguyễn Thị Minh Giản, Ngọc Lan (bảo quản quê Ngoại), Mai Lan (Bảo quản quê nội); các đồng chí Hà Văn Viện,  Phùng Thế Tại (cán bộ Hành Chính)... và một số các đồng chí khác.
Đến năm 1983, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) ra  Quyết định số 492/VP/UB, ngày 10 tháng 5 năm 1983 đổi tên Bảo tàng Kim Liên thành  Khu di tích lịch sử lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại  Kim Liên (gọi tắt là Khu di tích Kim Liên) và quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Khu di tích lịch sử lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại  Kim Liên. Thời kỳ này ngoài việc đón tiếp khách tham quan, công trình  Khu mộ bà Hoàng Thị Loan tại núi Động Tranh xã Nam Giang cũng được khởi công xây dựng và hoàn thành vào năm 1985, ngoài ra  Khu di tích Kim Liên còn tập trung  hoàn thiện các hồ sơ di tích để trình Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng di tích cấp Quốc gia kịp thời phục vụ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Bác (19/5/1990). Các thế hệ lãnh đạo làm Giám đốc từ lúc đó cho đến năm 2001 là: các đồng chí: Nguyễn Quang Hanh,  Trương Văn Đức,  Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Sỹ Đạm.
Năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An ra quyết định số 20/2009/QĐ-UBND, ngày 14 tháng 2 năm 2009, thay thế quyết định 492 và quy định lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên và Giám đốc Khu di tích Kim Liên từ thời gian đó đến nay là các đồng chí Nguyễn Bá Hòe, Nguyễn Bảo Tuấn.
Ngày 10 tháng 5 năm 2012, Khu di tích Kim Liên được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 548/QĐ-TTg công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Hiện nay, Khu di tích Kim Liên có 73 cán bộ, viên chức và hợp đồng lao động, quản lý 9 di tích gốc; 1 công trình tưởng niệm về bà Hoàng Thị Loan; 6 hộ láng giềng nhà Bác Hồ trong tổng thể không gian văn hóa làng Sen, làng Hoàng Trù; 1 nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; 03 nhà trưng bày bổ sung. Tổng số hiện vật trưng bày  trong các nhà di tích và nhà trưng bày bổ sung tại Khu Di tích là 290  hiện vật với gần 100 đơn vị hiện vật gốc và hiện vật đồng thời đồng loại. Hiện nay tại kho hiện vật Khu di tích đang lưu giữ trưng bày 42 đầu loại hiện vật với gần 4000 đơn vị hiện vật, toàn bộ các di tích bất động sản và tài liệu hiện vật trên đã được quản lý và đăng ký vào sổ kiểm kê có đánh số kiểm kê, có bản ghi chép hiện vật. Trong những năm gần đây, cơ quan đã chú trọng áp dụng công nghệ thông tin và các trang thiết bị kỹ thuật số cùng với việc điều chỉnh, phân công công việc theo năng lực cán bộ nên chất lượng công tác  được nâng lên rõ rệt và đã đạt nhiều thành tích đáng kể. Bên cạnh đó đã có hàng trăm tài liệu hiện vật là những bức ảnh tư liệu, những kỷ vật của các đoàn khách trong và ngoài nước, của các địa phương, của các cơ quan, đơn vị tặng cho Khu di tích Kim Liên, cùng với hàng trăm trang tư liệu được sưu tầm đã được số hóa góp phần làm phong phú thêm các tài liệu hiện vật về Bác Hồ trong những năm Người sống tại quê hương và hai lần Người về thăm quê.
     Kể từ khi thành lập đến 6 tháng đầu năm 2023, Khu Di tích đã đón tiếp và phục vụ tận tình, chu đáo hơn 38. 297.054 lượt khách, trong đó có 66.485 lượt khách Quốc tế đến  từ hơn 63 quốc gia trên thế giới đến tham quan, nghiên cứu và học tập. Nhất là từ khi Bộ Chính trị có chỉ thị tăng cường công tác tuyên truyền tư tưởng Hồ Chí Minh và phát động cuộc vận động: Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân. Khu di tích đã trở thành điểm đến cho các tổ chức, đoàn thể, quần chúng để nghiên cứu, học tập hưởng ứng các cuộc vận động. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách tham quan, công tác tuyên truyền - giáo dục tại Khu Di tích luôn được đổi mới từ khâu tổ chức đón tiếp, nội dung thuyết minh đến việc đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền.
        Về môi trường cảnh quan di tích, vườn cây với nhiều loại cây khác nhau  trong di tích và trong khuôn viên khu Trưng bày, nhà Tưởng niệm, đường đi dạo của khách như: cây ăn quả, cây bóng mát, cây hoa, cây cảnh, thảm cỏ, ao cá Bác Hồ... đã làm cho Khu di tích thêm gần gũi thân thiện hơn với thiên nhiên.
Trên cơ sở nhận thức đúng đắn, sâu sắc về ý nghĩa và ưu thế đặc biệt của Khu Di tích trong việc tuyên truyền về truyền thống Quê hương, gia đình, thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước. Có thể nói, trong hệ thống các bảo tàng và  di tích lưu niệm về Bác Hồ,  hiện nay Khu Di tích Kim Liên là một trong những di tích  có sức thu hút lượng khách đông nhất vì giá trị văn hoá và nội dung lịch sử của di tích.
Trong chặng đường hơn 67 năm xây dựng và trưởng thành, từ những buổi sơ khai, cho đến hôm nay các thế hệ đã từng công tác tại Khu di tích Kim Liên được ví như những chiến sỹ thầm lặng, cần mẫn, chỉn chu để  bảo quản, gìn giữ, nâng niu những kỷ vật, hiện vật đơn sơ, mang nặng dấu ấn của thời gian...nhưng đó lại là những điểm khởi đầu không thể thiếu để tạo nên sự phát huy, phát triển trường tồn của Di tích, đúng như một nhà nghiên cứu đã từng nói: “Mọi vật đều sợ thời gian, bởi lớp bụi thời gian sẽ phủ mờ đi tất cả, nhưng thời gian lại sợ các vĩ nhân, bởi sự tồn tại của vĩ nhân là trường cửu”.
                                                                                         Lâm Hùng
 
Tài liệu tham khảo:
  1.  Biên bản Hội nghị khoa học về di tích lịch sử Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An, ngày 27/8/1973
    Báo cáo tổng kết của đoàn khảo sát điền dã của Khoa Sử chuyên ngành Bảo tồn Bảo tàng -  Đại học Tổng hợp Hà Nội tháng 8 năm 1973
    Tài liệu lưu tại kho tư liệu Khu di tích Kim Liên từ trang 1 đến trang 274
    Biên bản, công văn, quyết định liên quan đến Khu di tích Kim Liên từ tháng 9 năm 1959 đến tháng 5 năm 2012.
 

Thông tin tham quan

Liên kết website