SỨC MẠNH CỦA TÌNH NGƯỜI TRONG ĐẠI DỊCH COVID 19
27/10/2021 2:19:09 CH
Qua nhiều cuộc chiến cam go mà loài người phải đối mặt thì dịch bệnh là một trong những kẻ thù vô hình mà chúng ta phải đấu tranh để dành sự sống. Kể từ khi xuất hiện vào cuối năm 2019 đến nay, số liệu thống kê cho thấy đại dịch đã làm hơn 242 triệu người trên thế giới bị nhiễm bệnh, cướp đi sinh mạng của gần 5 triệu người dân (1), gây ra một cuộc khủng hoảng y tế hết sức nghiêm trọng trên toàn cầu và chưa biết bao giờ sẽ kết thúc.

Nữ CBVC Khu di tích Kim Liên nấu cơm phục vụ tuyến đầu  chống dịch và các đối tượng cách ly
 
Covid - 19 có thể sẽ là một phần tất yếu của thế giới trong bối cảnh vi rút Sars – Cov2 vẫn tiếp tục biến đổi ở những quốc gia chưa tiêm hoặc có tỷ lệ tiêm chủng Vacine phòng bệnh thấp trên thế giới. Chính vì thế việc phòng, chống dịch bệnh lúc này không chỉ là việc làm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, mỗi tổ chức mà đó là trách nhiệm của toàn xã hội. Hơn lúc nào hết, con người cần phải nương tựa vào nhau, trao cho nhau tình thương yêu, trách nhiệm, cùng nhau khắc phục những khó khăn để bước qua đại dịch.
Cuộc chiến chống Covid - 19 trên đất nước chúng ta bắt đầu từ ngày 23/1/2020, khi bệnh viện chợ Rẫy xác nhận 2 bệnh nhân Covid - 19 đầu tiên là 2 cha con người Vũ Hán. Đến ngày 23/2/2020, xuất hiện ổ dịch tại xã Lôi Sơn, Vĩnh Phúc với 11 ca nhiễm, đã làm cho 11 nghìn dân trong xã phải phong tỏa, cách ly. Tháng 7/2020, Covid - 19 đã tấn công vào các bệnh viện. Đà Nẵng trở thành tâm dịch của cả nước, gây thiệt hại lớn về người với 35 bệnh nhân tử vong, chủ yếu là người cao tuổi, người có bệnh nền mãn tính đang được điều trị tại các bệnh viện. Phải mất gần 2 tháng, thành phố mới trở về trạng thái hoạt động bình thường. Trong khoảng thời gian đó, nơi đây đã đón nhận được nhiều ân tình với những hỗ trợ lớn nhỏ từ đồng bào mọi miền khắp tổ quốc. Những bếp cơm tình nghĩa, hàng nghìn chuyến xe thiện nguyện được các tổ chức, cá nhân vận động, kêu gọi, quyên góp đã không ngừng lan tỏa, nhân rộng tới các địa phương chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Những “Gian hàng không đồng”,  “bữa cơm yêu thương”, …xuất hiện khắp vùng có dịch.
Sang đầu năm 2021, Covid - 19 tấn công vào các khu công nghiệp tại Bắc Giang với sức tàn phá của chủng mới khiến nơi đây trở thành tâm dịch của cả nước với 5.713 ca nhiễm. Trong hơn 2 tháng chống dịch, toàn tỉnh đã huy động toàn bộ lực lượng với khoảng trên 15.000 người gồm y, bác sỹ, nhân viên y tế, cán bộ chiến sỹ công an, quân đội và tình nguyện viên tham gia công tác phòng, chống dịch. Hệ thống mặt trận tổ quốc và đoàn thể các cấp đã tiếp nhận hơn 665 tỷ đồng cả bằng tiền và hiện vật của các cá nhân, tổ chức ủng hộ công tác phòng, chống dịch (2). Với phương châm vừa chống dịch vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với việc thực hiện “4 tại chỗ” cho các công nhân tại các khu công nghiệp, vừa phòng chống dịch vừa tạo điều kiện cho các nhà máy hoạt động, duy trì ổn định thu nhập cho công nhân. Chống dịch để sản xuất và sản xuất được an toàn là quan điểm nhất quán được các cấp, các ngành ở Bắc Giang triển khai quyết liệt, hiệu quả. Bắc Giang là mảnh đất màu mỡ, phù hợp với nhiều giống cây trồng, đặc biệt là cây vải Thiều. Có thể nói chưa bao giờ tinh thần dân tộc lại cao như thế, bởi lần đầu tiên hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines bố trí riêng một siêu máy bay Boeing 787 - 9 chỉ để chở vải thiều từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Chính sự giúp sức của các cấp, chính quyền và đồng bào trên cả nước, Bắc Giang đã có 1 mùa vải “lịch sử và kỳ tích” từ tâm dịch với tổng doanh thu đạt 6.800 tỷ đồng (3). Sức mạnh của tình đoàn kết, tương thân tương ái đã ghi dấu trong chặng đường cam go của đất nước đã tạo nên mùa vải của sự gắn kết yêu thương, đồng cam cộng khổ.
Trong lúc tâm dịch một số tỉnh ở miền Bắc như Bắc Ninh, Bắc Giang…chưa kết thúc thì cuối tháng 5/2021, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam lại ghi nhận những ca nhiễm đầu tiên từ nhóm truyền giáo với số ca mắc tăng rất nhanh, có lịch trình di chuyển phức tạp trên địa bàn các tỉnh: Long An, Bình Dương, Bạc Liêu, Trà Vinh…Người dân thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua một thời gian dài chưa từng có với nhiều cấp độ giãn cách khác nhau: chỉ thị 15, 15+, 16, 16+…với mong muốn kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống trở lại bình thường. Đại dịch với sức càn quét cực mạnh gây nên hậu quả hết sức nặng nề cho thành phố Hồ Chí Minh. Có những ngày thành phố ghi nhận 340 ca tử vong, nhiều ngày liên tục ghi nhận hàng ngàn ca mắc mới. Thành phố có hơn 15.000 trẻ em mồ côi sau dịch, hàng nghìn người mất việc làm, mất kế mưu sinh, bị ảnh hưởng tâm lý do giãn cách xã hội kéo dài, có thời điểm người dân thiếu thực phẩm do đứt gãy chuỗi cung ứng…có những thời điểm người dân, chính quyền đã rơi vào tình thế bi quan. Tuy nhiên, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng sự giúp sức của đồng bào trên khắp mọi miền tổ quốc, thành phố đã dần được ổn định, khôi phục lại. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các Bộ, Ngành, địa phương: “dành tất cả những gì tốt nhất cho thành phố Hồ Chí Minh chống dịch”. Lời hiệu triệu của người đứng đầu Chính phủ đã lan tỏa mạnh mẽ những giá trị tốt đẹp trong đời sống xã hội, kết thành sức mạnh tổng hợp giúp thành phố mang tên Bác thêm vững tin, vững nguồn lực thực hiện cuộc chiến tổng lực chống đại dịch Covid - 19. Trong bối cảnh căng thẳng, từ ngày 21/6/2021, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương được ưu tiên phân bổ vắc xin nhiều nhất. Đến nay, thành phố đã có 70% người từ 18 tuổi trở lên tiêm mũi 2 vaccine phòng Covid-19 (4). Thành phố cũng nhận được nhiều sự quan tâm, theo dõi, sẻ chia của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân nhiều tỉnh thành trong cả nước. Từ 30/6 đến 21/8/ 2021, nơi đây đã đón nhận khoảng 17.000 y bác sỹ, học viên y khoa từ các bệnh viện trung ương đến các tỉnh thành như: Hà Nội, Hà Giang, Bắc Giang, Quảng Ninh…toàn bộ thiết bị từ trung tâm hồi sức Covid - 19 tại Bắc Giang được chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh. Các lực lượng vũ trang từ các tỉnh thành cũng đã được điều động về thành phố để phục vụ công tác chống dịch. Đồng bào khắp mọi miền tổ quốc với tinh thần “nhường cơm sẻ áo” đã quyên góp tiền bạc, lượng thực, thực phẩm viện trợ cho bà con vùng dịch. Đã có hàng nghìn chuyến xe thiện nguyện từ mọi miền tổ quốc đổ về thành phố Hồ Chí Minh: Vĩnh Long gửi 10 tấn nông sản, Đồng Tháp gửi tặng lương thực, thực phẩm trị giá 300 triệu đồng, Lâm Đồng gửi tặng 55 tấn rau, củ, quả, Hải phòng 10 tỷ đồng, Quảng Nam 2 tỷ đồng (5)…tất cả đã được Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh phân phối kịp thời đến các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch tại các chốt kiểm soát, các cơ sở y tế và người dân gặp khó khăn trong các khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn thành phố.
Từ những làn sóng dịch trên đất nước ta với các tâm dịch ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, đặc biệt làn sóng dịch lần thứ 4 xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam với sự càn quét kịch liệt. Sau nhiều tháng tăng cường chống dịch với những tổn thất nặng nề mà chính quyền, nhân dân nơi đây phải gánh chịu, thì đến nay dịch bệnh đang được kiểm soát dần; số ca tử vong và ca nhiễm giảm mạnh. Các khu công nghiệp đã dần đi vào hoạt động, cuộc sống của người dân từng bước ổn định. Để đạt được những thành tựu với kỳ tích to lớn như vậy là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của nhân dân; tinh thần tương thân tương ái của dân tộc ta cũng như sự ủng hộ nhân, vật lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Trong cuộc chiến này có đội ngũ y, bác sỹ, các chiến sỹ, những tình nguyện viên sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Họ gác lại niềm hạnh phúc riêng tư, bỏ lại gia đình với mẹ già, con thơ nơi hậu phương để hướng về trận tuyến xa hàng nghìn km, bất chấp những khó khăn, hiểm nguy đang chờ đợi phía trước; nhiều y sỹ, chiến sỹ phải hy sinh cả tính mạng của mình. Đã có hàng trăm, hàng nghìn cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp dù bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch bệnh, nhưng vẫn sẵn sàng ủng hộ hàng nghìn tỷ đồng đóng góp vào quỹ Vaccine phòng chống Covid - 19. Kiều bào ở nước ngoài cũng luôn hướng về tổ quốc, sẵn sàng góp sức, chung tay cùng quê hương đối phó với dịch bệnh. Mọi tầng lớp nhân dân đã cùng các chiến sỹ lực lượng vũ trang, lực lượng y tế, thanh niên tình nguyện…ra quân đồng loạt, bất kể ngày đêm để truy vết, ngăn chặn sự lây lan. Các lực lượng chính trị nòng cốt ở mọi ngành, mọi cấp đã góp sức, góp tiền tiếp tế nhu yếu phẩm cho đồng bào ở khu vực phong tỏa, cách ly, hỗ trợ trang thiết bị bảo vệ sự lây nhiễm cho lực lượng đang túc trực ở tâm dịch. Những bếp lửa đậm tình thương yêu đã được nhen nhóm từ mỗi xóm làng, trung tâm thiện nguyện để làm nguồn động viên, tiếp tế cho các chiến sỹ, quân, dân ở mặt trận phòng chống dịch. Tình người đã len lỏi vào mỗi cá nhận, mỗi gia đình, mỗi tập thể để xóa tan những bi kịch, gỡ rối những khó khăn, tỏa sáng thêm những phẩm chất cao quý của người dân Việt Nam.
 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy rằng: “Đoàn kết là vấn đề sống còn, không đoàn kết thì suy và mất, có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”. Trải qua gần 2 năm chiến đấu với đại dịch Covid - 19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Đảng, Nhà nước ta đã có những định hướng, chủ động đưa ra phương án tối ưu tạo sức mạnh tập thể đẩy lùi dịch bệnh và đã được toàn dân hưởng ứng. Chúng ta thấy rõ ý nghĩa sâu sắc và những giá trị nhân văn cao cả từ những quyết sách của Đảng, Nhà nước và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các Bộ, ngành cùng toàn thể nhân dân. Chính sự đoàn kết, sức mạnh tình người đã giúp dân tộc ta, nhân dân ta từng bước khắc phục những khó khăn, dìu dắt nhau bước qua đại dịch với những những kỳ tích được ghi nhận. Hiện nay, khi dịch bệnh đang lan ra toàn thế giới với 200 quốc gia, vùng lãnh thổ số người tử vong vì Covid - 19 ngày càng tăng thì điều đáng mừng là Việt Nam đã hạn chế dần được tỷ lệ tử vong và số ca nhiễm bệnh, tất cả vẫn đang trong tầm kiểm soát, hạn chế được những đau thương mất mát như  nhiều nước trên thế giới. Có thể nói rằng, sức mạnh của sự đoàn kết, sức mạnh của tình người đã giúp chúng ta vượt qua đại dịch. Và vượt qua đại dịch thì tình người lại càng được nhìn thấy rõ hơn.
 
Giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống, mỗi người có mỗi nỗi niềm riêng của mình. Sống trong nghịch cảnh, tình thương yêu con người dành cho nhau lại thêm hiện hữu. Càng khó khăn, gian khổ thì tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái lại càng được nêu cao. Dịch bệnh xảy ra là điều không ai mong muốn, thế nhưng đại dịch lại là cơ hội để chúng ta cho đi và nhận lại những thương yêu. Đó cũng chính là lúc thời gian như ngừng lại để mỗi con người cảm nhận được nỗi đau tận cùng của sự chia ly, mất mát, để rồi có niềm tin vững chắc về lòng nhân ái, bao dung và biết trân quý nhau hơn trong cuộc sống đời thường. Covid - 19 dạy ta biết trân trọng những thương yêu khi còn có thể, phải biết bảo vệ sức khỏe bản thân thật tốt, có ý thức tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của ngành y, sẵn sàng tinh thần trước mọi biến thiên của cuộc sống; Luôn lạc quan nhưng không được chủ quan trước những diễn biến khó lường của dịch bệnh. Tình người đã tạo nên một sức mạnh mang tính nhân văn cao cả, luôn trường tồn với thời gian. Đó động lực, là sự sống còn của dân tộc, của đất nước chúng ta trong mỗi cuộc chiến, trong đó có đại dịch Covid - 19!.
 
Đặng Thị Thắm
 BQL Khu Mộ bà Hoàng Thị Loan
 
 
(1). Tư liệu: Báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam số ra ngày 21/10/2021.
(2). Tư liệu: thiduakhenthuongvn.org.vn ngày 18/8/2021.
(3). Bộ Y tế Cổng thông tin điện tử ngày 8/8/2021.
(4). TTXVN Thông tin về dịch Covid - 19 ngày 26/10/2021.
(5).Trang tin điện tử Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh. ngày 9/7/2021.

Thông tin tham quan

Liên kết website