SÁNG NGỜI TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC CỦA BÁC TRONG CÔNG TÁC DÂN VẬN
17/10/2019 9:00:20 SA
Nhắc đến Hồ Chí Minh, là nhắc đến vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Bởi lẽ, Bác rất gần gũi với mọi tầng lớp nhân dân. Bác dành lòng yêu thương cho tất cả, không phân biệt miền ngược miền xuôi, già hay trẻ, trai hay gái, hễ là người Việt Nam đều có chỗ trong trái tim của Người.

Nhớ lại những câu chuyện xúc động về Bác năm xưa:
          Năm 1958, Trong chuyến đi thăm huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông. Là địa phương chuyên về canh tác lúa song năm ấy cánh đồng bát ngát của Đại Thanh lại gặp hạn nghiêm trọng. Hàng trăm héc ta ruộng thiếu nước cấy, khô nứt chân chim. Bác không ngần ngại, vui vẻ xắn quần và lội xuống tát nước cùng nông dân ngay trên bờ ruộng. Thao tác rất nhanh nhẹn, nhịp nhàng và đúng kỷ thuật từ thế đứng cho đến cách tát nước … Một đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng xuống cầm dây gầu nhưng lóng ngóng không sao tát được nước. Bác Hồ không nói gì. Bác xa đất nước hơn 30 năm, từ khi còn là chàng thanh niên 21 tuổi, lại sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho, nhưng công việc nhà nông không xa lạ mà giản đơn với Bác.
          Năm 1965, Mỹ ném bom bắn phá Hà Nội, tình hình rất căng thẳng. Vào một buổi trưa, Bác nằm dưới tán cây to ở Phủ Chủ tịch, Bác gọi đồng chí Vũ Kỳ lại hỏi: “Trời nắng thế này, mình nằm dưới tán cây mà còn thấy hầm hập, không biết anh em trực chiến trên nóc nhà Quốc hội có đủ nước dùng không? Bác dạo này yếu quá, sợ lên không nổi”. Đồng chí Vũ Kỳ chạy đi một lúc, quay trở về. Bác nói ngay: “Chú phải nói đúng những điều chú thấy, chú nghe....”. Đồng chí Vũ Kỳ báo cáo lại anh em chiến sĩ có nước chín để dùng nhưng phải dè sẻn ... Sau một hồi suy nghĩ, Bác nói lại: “Chú cho rút tất cả tiền tiết kiệm của Bác, gửi ngay sang Bộ Quốc Phòng. Chú nói tiền này Bác tặng cho bộ đội phòng không để có thêm nước uống”. Trưa hôm sau, đồng chí Lê Hữu Lập, cán bộ Văn phòng Phủ Chủ tịch rút toàn bộ số tiền tiết kiệm của Bác và trao cho Bộ Quốc Phòng.
          Bác của chúng ta là thế! Sẵn sàng lội xuống ruộng cầm dây gầu tát nước, đạp guồng nước cùng dân, chi toàn bộ tiền tiết kiệm cho bộ đội. Bác luôn gần gũi, nhân ái, thân thương và trọng dân vô cùng! Có lẽ hơn ai hết Chủ tịch Hồ chí Minh là tấm gương sáng của một vị lãnh tụ hết lòng vì dân, hiểu được ước nguyện chính đáng của người dân và nhất là Bác hiểu được tầm quan trọng, sức mạnh của nhân dân.
          Là người sáng lập, rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: Công tác dân vận là một bộ phận quan trọng trong công tác của Đảng và các cấp chính quyền. Theo Người, chỉ có làm tốt công tác dân vận thì mới huy động được sức mạnh vô địch của quần chúng nhân dân bởi “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng ta đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân”.(1)
          Vậy công tác dân vận là gì? Trong bài báo “Dân vận” được Bác viết với Bút danh X.Y.Z  ra ngày 15.10.1949 trên báo “Sự thật” số ra 120 đã giúp cho chúng ta hiểu rõ khái niệm này. “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”.(2)
          Nghe qua tưởng chừng rất đơn giản nhưng Bác chỉ rõ không thể chỉ dùng “báo chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ các bước quan trọng, nhất thiết phải làm trong công tác dân vận. Đó là: “tìm mọi cách giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ ràng: Việc đó có lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”. “Bất cứ việc gì cũng đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành”. “Theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc khuyến khích dân”.  “Khi làm xong phải cùng dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”.(3) Và lực lượng làm công tác dân vận là: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân (Liên Việt Việt Minh, v.v.) đều phải phụ trách Dân vận”.(4)
          Phương pháp dân vận với những yêu cầu rất cụ thể, được đúc kết bằng 12 từ rất dễ nhớ . Những người làm công tác dân vận phải “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”,(5) chứ không phải “chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh”. Bác còn nhắc nhở “khuyết điểm to ở nhiều nơi là xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận. Ðó là sai lầm rất to, rất có hại”.(6)
Điều rất quan trọng được Bác chỉ rõ là “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.(7)
          Tác phẩm “Dân vận” ra đời cách đây tròn 70 năm, với lời văn súc tích, mộc mạc, dễ hiểu chứa đựng tư tưởng lớn, tầm nhìn chiến lược. Những vẫn đề Người nêu đến nay vẫn còn tính thời sự nóng hổỉ, mới mẻ, hiện đại về giá trị tư tưởng, về đạo đức và văn hóa đối với công tác dân vận. Nó được xem là “cương lĩnh dân vận” của Đảng Cộng sản Việt Nam, là “kim chỉ nam” về công tác dân vận trong mọi giai đoạn cách mạng. Đặc biệt thể hiện sâu sắc tư tưởng trọng dân, tin dân, luôn gần gũi với nhân dân để thấu hiểu dân tình, nâng cao dân trí, thực hành dân chủ, phát huy sức mạnh của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Cũng vì tầm vóc to lớn của tác phẩm “Dân vận”, Trung ương Đảng đã lấy ngày 15.10 là ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng và là ngày Dân vận của cả nước.
          Tư tưởng bao trùm và xuyên suốt của Bác về dân vận là dân chủ. Trước hết là “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”, phải yêu thương và tôn trọng nhân dân, “hết lòng, hết sức phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
          Lúc sinh thời Bác đã phân tích “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (8) hay “Chở thuyền là dân, làm lật thuyền cũng là dân”, “Dễ mười lần không dân cũng chịu, Khó trăm lần dân liệu cũng xong". Bác luôn coi cách mạng là sự nghiệp của nhân dân nhưng nhân dân cần Đảng để dẫn đường, có trách nhiệm đoàn kết nhân dân, lãnh đạo nhân dân làm cách mạng, làm nên thắng lợi. Làm dân vận cũng như công tác cách mạng nếu thiếu tinh thần trách nhiệm, vô cảm với nhân dân là không đúng với tư tưởng của Bác. Bác chỉ rõ: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. (9)
          Thấm nhuần sâu sắc lời dạy, tư tưởng của Bác qua các thời kỳ cách mạng, Đảng ta đều có các nghị quyết chuyên đề về dân vận để định hướng lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này. Đặc biệt, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 03-06-2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 25). Qua 6 năm thực hiện, Nghị quyết đã được các cấp, các ngành, các tổ chức, lực lượng quán triệt, tổ chức thực hiện, với nhiều cách làm hay, sáng tạo và mang lại hiệu quả thiết thực.
          Riêng công tác dân vận trên lĩnh vực văn hóa – xã hội:  thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã tạo đồng thuận cao trong xây dựng đời sống văn hoá mới; xoá bỏ được nhiều tập tục lạc hậu, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần, bảo đảm an sinh xã hội, các hoạt động xã hội từ thiện, góp phần tích cực vào sự phát triển của đơn vị, địa phương, đất nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
          Đơn cử như Huyện Nam Đàn – quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những huyện làm rất tốt công tác dân vận. Huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2018. Với sự năng nổ và đầy tâm huyết cũng như tinh thần trách nhiệm cùng với sự chung tay góp sức của những người dân, hiện nay các ngõ nhỏ của rất nhiều thôn xóm rực rỡ các loài hoa, sáng ánh điện vào ban đêm, nhiều khu vườn kiểu mẫu, nhiều khu dân cư kiểu mẫu, người dân dung nước sạch, những nhà máy xử lý rác thải được mọc lên. Các đồng chí lãnh đạo huyện cho đến xã, xóm đều rất quan tâm, đến từng nhà để động viên và giúp đỡ người đân, kêu gọi sự ủng hộ của người đân. Rất nhiều hộ dân còn đóng góp tiền của, ngày công lao động và hiến đất, tường bao xây dựng xây dựng quê hương.
          Bên cạnh đó, lãnh đạo Huyện còn kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, liên doanh liên kết trong sản xuất tại các vùng, như: Vùng lúa khoảng 1.877 ha (tại các xã: Nam Xuân, Nam Giang, Kim Liên...); Vùng sản xuất rau màu (tại các xã: Nam Anh, Nam Xuân, Nam Thanh, Nam Lộc...); Vùng trồng sen, hoa (tại Kim Liên, Nam Kim, Nam Thanh...). Đồng thời, kêu gọi đầu tư một số khu chế biến các sản phẩm lợi thế của huyện; Củng cố và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); phát triển chăn nuôi gắn với BVMT và vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên các sản phẩm truyền thống.
          Với sự nỗ lực, kiên trì và sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân Huyện, diện mạo nông thôn Nam Đàn đã có nhiều khởi sắc. tính đến năm 2018 đạt 10,03%, kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, an sinh xã hội được quan tâm chăm lo, an ninh trật tự được đảm bảo, môi trường nông thôn ngày càng xanh sạch đẹp; thu nhập bình quân đầu người đạt 43 triệu đồng, tăng 7 triệu đồng so với năm 2017, cao hơn 13 triệu so với thu nhập bình quân người dân ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,21%.
          Tháng 1.2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã ký ban hành Quyết định số 17/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm “Xây dựng huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trở thành huyện nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu theo hướng phát triển văn hóa gắn với du lịch, giai đoạn 2018 - 2025”, vừa là vinh dự to lớn, vừa đặt ra thách thức đòi hỏi trách nhiệm cao của huyện Nam Đàn nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung. Đề án hướng đến mục tiêu nâng cao toàn diện chất lượng xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống lịch sử cách mạng, làm động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua hoạt động du lịch, dịch vụ, đưa Nam Đàn trở thành huyện NTM kiểu mẫu về “Phát triển văn hóa gắn với du lịch” góp phần tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trên toàn quốc.
          Thiết nghĩ, để đạt được thành công đó cần phải làm tốt hơn nữa công tác dân vận. Cần xây dựng và phát huy phong cách “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Những cán bộ phải tăng cường đi cơ sở, gần gũi, sâu sát với dân, lắng nghe ý kiến của dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để có những chính sách đúng đắn, hợp lòng dân, dự báo trước tình hình để chủ động giải quyết kịp thời. Khi những người dân nhân thức đúng dắn mọi chủ trương , đường lối của Đảng thì mọi vẫn đề trở nên đơn giản hơn. Trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải gương mẫu thực hiện. Tăng cường học tập, sáng tạo và đổi mới trong công tác dân vận. Kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi quan liêu, tham nhũng, sách nhiễu, hách dịch, cửa quyền và năng lực, phẩm chất kém. Đưa công nghệ thông tin vào công tác dân vận dưới nhiều hình thức để kết nối kịp thời giữa chính quyền, các cơ quan chức năng với người dân gần hơn, người dân cũng sẽ dễ dàng chia sẻ tâm tư, kiến nghị
          Khi lên kế hoach và tiến hành xây dựng các dự án kinh tế xã hội có quan hệ đến đời sống của dân trên địa bàn thì các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị cần phải phối kết hợp chặt chẽ với hệ thống chính trị tại địa phương, đại biểu của dân, chủ hộ dân trực tiếp có liên quan để bàn bạc, phân tích và trao đổi có sự đồng thuận cao nhất của dân và địa phương rồi mới đem ra thi hành. Tránh giải thích không rõ, gây hiểu lầm tạo cơ hội cho những phần tử xấu lợi dụng vấn đề dân chủ để kích động nhân dân kiện cáo, biểu tình gây mất ổn định xã hội. Mặt khác nếu làm công tác dân vận không tốt, chính sách lại có nhiều kẽ hở, chưa phù hợp với thực tế dân sinh thì hậu quả để lại rất nặng nề, mất rất nhiều thời gian, tốn kém tiền của.
          Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, các ngành phát động. Thực hiện tốt công tác khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác dân vận.
          Nhân kỷ niệm 89 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng, 70 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh; 10 năm phong trào thi đua “Dân vận khéo” chúng ta cùng nhìn nhận lại, suy nghĩ thêm và hiểu tường tận những điều Bác dặn năm xưa để đưa công tác dân vận phát triển đáp ứng yêu cầu, thách thức và nhiệm vụ mới hiện nay. Thực hiện tốt mục đích của Đảng: lấy lợi ích của nhân dân để định hướng mục tiêu lãnh đạo, lấy sự ủng hộ của nhân dân làm chỗ dựa cho hành động; và lấy sự hài lòng của nhân dân làm thước đo kết quả. Tăng cường niềm tin của nhân dân vào con đường đi lên CNXH, xây dựng ý chí và khát vọng phát triển của nhân dân; phát huy ý thức và trách nhiệm của nhân dân, và làm cho toàn dân cảm nhận được hưởng thụ và giàu có từ quá trình phát triển.
 
 
(1): Tập 10, tr.197 Hồ Chí Minh toàn tập
(2),(3),(4),(5),(6),(7): Lần đầu tiên đăng trên báo Sự thật, số 120, ngày 15/10/1949
(8): Tập 8, tr.276. Hồ Chí Minh toàn tập
(9): Hồ Chí Minh toàn tập
Phan Thị Quý

Thông tin tham quan

Liên kết website