SÁNG NGỜI TÌNH BÁC TRONG DI CHÚC
15/08/2022 4:05:30 CH
Theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, người có nhiều năm nghiên cứu về Cuộc đời và Sự nghiệp của Bác, cho rằng: "Bản Di chúc là kết tinh tất cả tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho ta thấy một trí tuệ uyên bác, một tâm hồn lộng gió thời đại và nhất là tình thương bao la của Bác đối với nhân dân, với Đảng, với đồng bào, đồng chí".

Có thể nói, trái tim ấm áp, nồng hậu của Bác bao trùm và tỏa sáng trong mỗi áng Di chúc.                                                            
                             "Ôi muôn vàn tình thương yêu tỏa ra từ lúc ấy
                              Muôn vàn tình thương yêu tràn lên khắp núi sông
                              Ngỡ như trên đỉnh non cao, vạn dòng nước chảy
                             Có tình thương của Bác bao trùm".
          Hiếm có một vị lãnh tụ nào trên thế giới trước lúc "đi xa" đã để lại cho nhân dân, đất nước bản Di chúc. Mặc dù Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ khiêm nhường viết: "để sẵn mấy lời" nhưng Di chúc của Bác là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc được viết từ trí tuệ, tư tưởng và trái tim của một vĩ nhân. Vào những năm tháng cuối cùng của cuộc đời, mặc dù bận trăm công nghìn việc, Bác vẫn dành khoảng thời gian thư thái nhất, lúc 9 giờ sáng ngày 10/05/1965 để bắt đầu viết Di chúc. Bốn ngày tiếp sau đó, Người đã dành một đến hai tiếng để viết. Cứ mỗi dịp sinh nhật hằng năm, Bác đưa bản Di chúc ra xem lại, bổ sung cho phù hợp với tình hình mới của đất nước. Ngày 10/05/1969 là lần cuối cùng Bác viết, chỉnh sửa bản Di chúc. Và rồi mùa thu năm ấy – 9 giờ 47 phút ngày 2/9 (tức 21/7 âm lịch) Bác mãi mãi đi xa . Đây là Bảo vật quốc gia cuối cùng mà Người để lại, là sự kết tinh tinh thần, tư tưởng, đạo đức, nhân cách, tâm hồn cao đẹp, suốt đời phấn đấu hy sinh vì dân vì nước; vạch ra những phương hướng cụ thể mang tính cương lĩnh cho sự phát triển của dân tộc sau khi kháng chiến thắng lợi; là những lời căn dặn thiết tha, là sức mạnh, ý chí thôi thúc toàn dân ta trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đọc Di chúc, chúng ta vô cùng xúc động bởi tình cảm chứa chan của Bác đối với mọi người, mọi việc. Bác viết Di chúc với tâm thế của một người sắp "đi xa" nhưng không hề bi lụy, lo sợ. Xuất phát từ tình thương yêu vô bờ bến, Bác đã chuẩn bị chu đáo, đầy đủ và căn dặn tỉ mỉ, rõ ràng từng vấn đề. Lời dặn dò sâu xa, tâm huyết nhất cho nhân dân, cho Đảng và bạn bè thế giới. Tuy sức khỏe giảm sút nhưng ở Người vẫn nồng cháy một tình yêu lớn và tinh thần trách nhiệm cao đối với đồng bào, đồng chí, với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Ai đã từng đọc Di chúc đều thấy rằng Bác Hồ luôn đặt lợi ích của quốc gia lên trên lợi ích của bản thân. Vì thế, Bác đề cập việc chung trước, việc riêng sau. Nói là di chúc nhưng Người không hề lo nghĩ gì cho cá nhân mà chỉ quan tâm những người ở lại. Đến phút cuối cùng, Bác mới nêu ra những mong muốn của mình thì đó cũng chỉ là điều tốt cho đất nước, nhân dân. Như nhà thơ Chế Lan Viên cảm nhận, thốt lên:
                             Di chúc Người viết cho ta, đâu phải vì Người
                             Bác sợ khi Bác đi rồi, ta sẽ lạnh
                             Sợ ta đau, sợ ta rồi lơ đễnh
                                                          Sợ ta quên
                             Người gửi lại một niềm tin.
         Đức hy sinh, tấm lòng nhân ái bao la của Bác rộng hơn biển cả, cao hơn núi non. Trả lời báo chí phỏng vấn, dù ở đâu hay hoàn cảnh nào, đối với Bác điều quan trọng, thiêng liêng nhất là: "Độc lập cho dân tộc tôi, tự do cho đồng bào tôi", "Cả cuộc đời tôi tự nguyện dâng hiến cho nhân dân tôi, cho dân tộc tôi và cho nhân loại". Trong Di chúc, Người cũng mong muốn: "Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà", "Không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Phải có lòng yêu thương con người vô hạn mới có sự hy sinh trọn vẹn, phấn đấu đến cùng, không mệt mỏi ấy! Bác xem nhân dân, đất nước cũng như người thân trong gia đình, thương yêu hết lòng, yêu thương vô điều kiện.
        Toàn Di chúc ngắn gọn, với hơn 1000 từ, cô đọng, dễ hiểu, thấu tình đạt lý. Bác quan tâm, coi trọng mọi vấn đề và vạch ra những định hướng cụ thể cho hôm nay và mai sau. Người căn dặn về Đảng, đoàn viên thanh niên, nhân dân lao động, cuộc kháng chiến chống Mỹ, phong trào cộng sản thế giới và vài dòng nói về việc riêng. Ẩn sau mỗi câu, mỗi chữ chính là tấm lòng nhân ái bao la, sự chăm lo sâu sắc, niềm tin tưởng tuyệt đối mà Bác dành cho mọi tầng lớp nhân dân.
        Mở đầu bản Di chúc, Bác khẳng định một niềm tin vững chắc vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ: "Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn". Niềm tin ấy đã thành sự thật. Ngày 30/4/1975, chiến dịch lịch sử mang tên Hồ Chí Minh toàn thắng, đã thực hiện được một trong những mong muốn cuối cùng của Bác: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Điều Bác trăn trở nhiều nhất suốt cuộc đời hoạt động cách mạng chính là vấn đề xây dựng Đảng: "Trước hết nói về Đảng". Bác là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta. Người luôn chăm lo sự lớn mạnh của Đảng bởi sự lớn mạnh của Đảng là sự lớn mạnh của cách mạng và dân tộc. Bác khẳng định vấn đề đoàn kết có tầm quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng. "Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng đã đoàn kết, tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và nhân dân ta". Người căn dặn bằng tất cả tình thương và trách nhiệm: "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình". Càng đọc, chúng ta càng cảm thấy từng chữ, từng ý trong Di chúc vô cùng thiêng liêng và rất gần gũi, dễ hiểu. Những câu: "Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình", "phải có tình đồng chí yêu thương lẫn nhau" càng nghĩ càng thấm thía. Chỉ có tình đoàn kết, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau chí tình chí nghĩa thì mới hoàn thành được mọi nhiệm vụ Đảng giao. Với thế hệ trẻ Việt Nam, những chủ nhân tương lai của đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm, kỳ vọng lớn lao: "Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết". Bác dặn dò chúng ta phải nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, Đảng viên và chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho cả thanh niên. Người nói về nhân dân lao động với tình cảm trìu mến yêu thương và rất đỗi tự hào: "Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù.Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng". Bác căn dặn: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Về cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Bác dự đoán: "Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa song nhất định thắng lợi hoàn toàn". Với kiến thức uyên bác, sự mẫn cảm chính trị sâu sắc và nắm vững các quy luật lịch sử xã hội, Người có những tiên đoán chính xác về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đánh giá thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cố Bộ trưởng Huỳnh Thúc Kháng từng viết: "Hồ Chí Minh là bậc yêu nước đại chí sỹ, là lịch nghiệm cách mạng đại chuyên gia, chân đi khắp năm châu, mắt trông xa vạn dặm, nhận rõ thời cuộc, lặng dò thời cơ". Theo dõi sát sao tình hình quốc tế, trong nước, nắm bắt được âm mưu thủ đoạn của kẻ thù, trăn trở, quan tâm vận mệnh dân tộc, đó là điều Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu và thường trực trong trái tim. Ngay ở bản Di chúc, Người nhận định: "Cuộc kháng chiến chống Mỹ còn có thể kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao chúng ta cũng phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Đế quốc Mỹ nhất định sẽ cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc sẽ sum họp một nhà". Đúng vậy! Chỉ sau sáu năm khi Di chúc của Bác được công bố, vào năm 1975, dân tộc ta đã vang lên khúc ca khải hoàn. Năm nay, kỉ niệm 53 năm ngày Bác đi xa, chúng ta lại trào dâng lòng thành kính nhớ Bác khôn nguôi. Con người vĩ đại ấy đã dành trọn cuộc đời mình để đấu tranh giải phóng đất nước, đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Về phong trào cộng sản thế giới, với trách nhiệm của người cộng sản chân chính, Bác bày tỏ nỗi trăn trở, lo lắng về những bất hòa, mất đoàn kết trong nội bộ giữa các Đảng anh em. Người viết: "Là một người suốt đời phục vụ cách mạng, tôi càng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu thì tôi càng đau lòng bấy nhiêu vì sự bất hòa hiện nay giữa  các đảng anh em". Chủ tịch Hồ Chí Minh không nhận xét đúng sai, chỉ trích mà Người xác định trách nhiệm của Đảng ta "ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác- Lê nin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình". Người gửi gắm niềm tin và căn dặn: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". Ở cuộc sống thường ngày, Bác "dành tất cả lòng hiền từ ấm áp cho con cháu, già, trẻ, gái, trai, miền Bắc, miền Nam, miền xuôi, miền ngược" thì trong Di chúc, đứng giữa ranh giới của sự sinh tử, Người vẫn luôn nghĩ và quan tâm tới đồng bào, Tổ quốc. Lòng nhân ái Hồ Chí Minh thật bao la, rộng lớn như một nhà văn nhận xét: "Hồ Chí Minh là con người của chủ nghĩa nhân đạo theo ý nghĩa đầy đủ nhất". Đọc Di chúc, chúng ta cảm nhận cái "tình" của Bác không chỉ sáng ngời trong từng nội dung mà thấm đẫm qua mỗi câu văn, từ ngữ giản dị. Bác dùng những từ biểu lộ tình cảm chan chứa thân thương: "Chúc mừng; thăm hỏi; yêu quý; cảm ơn; thân ái; muôn vàn; yêu thương". Bác gọi một cách trìu mến, thiết tha: "Dân ta; nhân dân ta; Đảng ta; thanh niên ta; đồng bào ta; chúng ta; Tổ quốc ta; nước ta", rất đỗi thân quen và gần gũi như người trong gia đình. Di chúc tuy ngắn gọn mà rất đầy đủ, bao quát tất cả những tâm nguyện, ý chí, niềm tin, phương hướng và đượm tình yêu thương của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đảng, nhân dân, thanh thiếu niên nhi đồng và bạn bè quốc tế. Thật cao cả biết bao khi Bác để lại hơn 1000 từ cho toàn dân, toàn Đảng, bầu bạn thế giới mà chỉ dành cho mình 79 từ nói về việc riêng. Nhưng cái riêng của Bác đã hòa vào cái chung của dân tộc. "Việc riêng" ở Bác cũng đem lại điều tốt cho đất nước mà thôi. Không muốn nhân dân phải tốn kém, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân". Người "đi xa" mà vẫn lo nghĩ cho người ở lại. Bác yêu cầu "thi hài tôi được đốt đi, tức là "hỏa táng" bởi như thế đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng". Kể cả khi chỉ còn lại tro xương, Bác cũng không nghĩ về mình mà dâng hiến cho khắp ba miền Bắc-Trung-Nam. Bởi vì cả cuộc đời, Người phấn đấu vì hạnh phúc của toàn dân: "Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa". Đó là sự tiếc nuối của bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, của người "Anh hùng giải phóng dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới". Đọc Di chúc, chúng ta bùi ngùi, xúc động bởi từng chữ từng câu được viết lên từ trái tim yêu thương con người, của lòng nhân nghĩa, đức hy sinh:
                             "Lời Di chúc gửi, êm bên gối
                              Quên nỗi mình đau, để nhớ chung" (Tố Hữu)
 
Đoạn Bác viết "Về việc riêng" đã toát lên tất cả tâm hồn cao đẹp, đạo đức Hồ Chí Minh. "Việc riêng" của Bác đã có sức cảm hóa, lay động, thẩm thấu muôn triệu con người Việt Nam và bầu bạn thế giới. Trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng, Người không mang theo gì mà để lại "muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng!".Và "gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế". Khi đọc những lời này, trái tim  ta nghẹn ngào, thắt lại. "Càng nghe lời dặn cuối cùng của Hồ Chủ tịch càng khóc nhiều. Nhưng không ai dám khóc to, vì còn muốn nghe cho thấm vào lòng từng lời của Bác". Đức hy sinh cao cả, tình cảm nồng hậu của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ còn sống mãi với non sông, trường tồn cùng dân tộc và nhân loại như nhà thơ Chế Lan Viên đã đúc kết:
                             Bác vĩnh cửu muôn đời không thể mất
                             Người ở trong lăng và Người ở ngoài lăng.
          Tưởng nhớ ngày Bác đi xa (21/7 năm Kỷ Dậu 1969 - 21/7 năm Nhâm Dần 2022), dâng nén hương thơm lên anh linh Chủ tịch Hồ Chí Minh với tất cả niềm tin yêu và lòng biết ơn vô hạn, chúng ta nguyện đồng lòng nỗ lực đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách cao đẹp của Người,  biến những hoài bão trong Di chúc thành hiện thực, sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại./.  

                                                                                    Lê Hà
 
 

Thông tin tham quan

Liên kết website