QUÊ HƯƠNG TRONG TRÁI TIM NGƯỜI
19/06/2018 9:24:38 SA
Mỗi người đều có một quê hương để thương để nhớ. Đó là nơi chôn rau cắt rốn, nơi gốc rễ của dòng họ, nơi lưu giữ trong trái tim những kỷ niệm thiết tha ân tình nặng nghĩa. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, quê hương Nghệ Tĩnh như thành phố Tơ-ri-ơ với Mác, thành phố Ba-rơ-men với Ăng ghen và Simbirsk (nay là U-li-a-nốp) với Lê Nin. Đối với các bậc vĩ nhân tình quê hương cũng đều gắn bó sâu nặng.

Mỗi người đều có một quê hương để thương để nhớ. Đó là nơi chôn rau cắt rốn, nơi gốc rễ của dòng họ, nơi lưu giữ trong trái tim những kỷ niệm thiết tha ân tình nặng nghĩa. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, quê hương Nghệ Tĩnh như  thành phố Tơ-ri-ơ  với Mác,  thành phố Ba-rơ-men  với Ăng ghen và Simbirsk  (nay là U-li-a-nốp) với Lê Nin. Đối với các bậc vĩ nhân tình quê hương cũng đều gắn bó sâu nặng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trên mảnh đất Nam Đàn – Nghệ Tĩnh xưa, đã sống tuổi niên thiếu trong không khí truyền thống của quê hương xứ sở. Đó là một vùng quê “nghèo khó, kiên cường nhẫn nại, cần cù tiết kiệm”. Người lớn lên trong chiếc nôi giàu truyền thống hiếu học, trọng đạo lý, chứng kiến sự càn quyét hung hãn của thực dân phong kiến trên mảnh đất quê hương cùng với những tấm gương yêu nước chống ngoại xâm của các bậc cha chú…. Năm tháng và cuộc sống thực tế như những sợi tơ dệt lên nhân cách con người của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành, bồi đắp ý chí, lòng quả cảm, tính năng động, độc lập suy nghĩ sáng tạo và quyết tâm hành động giải phóng đồng bào theo suy nghĩ mới của mình.
Tuổi thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gắn bó quê hương 10 năm, 9 năm theo gia đình vào kinh thành Huế rồi đi vào các tỉnh phía Nam. Năm 1911, Người ra đi tìm đường cứu nước.
Trong những năm hoạt động phải xa Tổ Quốc, mang trong mình tình yêu quê hương, Người vẫn luôn dõi theo phong trào yêu nước và cách mạng Đông Dương, nắm bắt tình hình cụ thể của nhiều địa phương. Những năm 20 của thế kỷ XX, nhiều thanh niên Nghệ Tĩnh xuất dương đã được đào tạo huấn luyện trong tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Họ được đồng chí Nguyễn Ái Quốc huấn luyện về “ Đường Kách Mệnh”. Từ đây chủ nghĩa Mác- Lê Nin đã nhanh chóng được truyền bá về xứ Nghệ, cùng với phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ đã làm nên Cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong bài “Nghệ Tĩnh Đỏ” tháng 2 năm 1931 gửi Đông phương Bộ của Quốc Tế Cộng Sản Người đã báo cáo sát sao thắng lợi đầu tiên của phong trào dân tộc dân chủ dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng Sản. Người con quê hương đã tự hào khẳng định: “Trong cuộc đấu tranh hiện nay, công nhân và nông dân Nghệ Tĩnh vẫn giữ vững truyền thống cách mạng của mình”.
Năm 1941, bước chân của Người trở về với Tổ quốc thân yêu. Người đã lãnh đạo Cách Mạng Tháng Tám 1945 thành công, rồi lại cùng với toàn dân tộc bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ.
 Trên cương vị là Chủ tịch nước, công việc bộn bề. Thế nhưng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn giành tình cảm sự quan tâm, sự chỉ đạo của mình cho phong trào cách mạng và sự phát triển của quê hương. Cuốn sách Quê hương trong lòng Bác (NXB Chính trị quốc gia xuất bản 1995) đã thống kê 35 bức thư, điện, lời huấn thị và bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quê hương. Trong bức thư đầu tiên gửi về cho các đồng chí tỉnh nhà (17/9/1945) Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ lấy danh nghĩa của một đồng chí già san sẻ ít nhiều kinh nghiệm cho các đồng chí. Bằng tình cảm của người con đối với quê hương và kinh nghiệm tích luỹ được trong những năm tháng hoạt động cách mạng, Người chân thành nhắn nhủ: “Trong công tác có vấn đề gì cần giải quyết các đồng chí cứ viết thư thảo luận với tôi. Tôi rất sẵn sàng giúp ý kiến” 3. Người đã gửi thư Cảm ơn đồng bào công giáo Vinh (/10/1945); gửi thư cho đội lão quân huyện Nam Đàn (17/2/1949); gửi thư cho ông Hoàng Phan Kính và Trần Lê Hữu xã Nam Liên huyện Nam Đàn(4/1949); Thư gửi đồng bào tỉnh Nghệ An(8/1949); Gửi thư và quà cho Cụ Hà văn Quận khi biết cụ thọ 120 tuổi mà vẫn hăng hái lao động (12/1953) Nghe tin nhà thờ Xã Đoài bị Mỹ ném bom Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện thăm hỏi.….Và thật xúc động biết bao ngày 27/7/1969 khi chỉ còn hơn một tháng nữa Bác đi xa, Người đã gửi thư cho Ban chấp hành Đảng bộ Đảng lao động Việt Nam tỉnh Nghệ An. Người vui mừng về 4 năm chiến đấu chống mỹ cứu nước của tỉnh Nhà và nêu rõ 4 nhiệm vụ mà đảng bộ tỉnh Nghệ An phải thực hiện trong thời gian tới. Thư Người viết đến nay đã gần 50 năm thế mà đọc đi ngẫm lại vẫn cảm thấy như Người đang nói với chúng ta ngày hôm nay trong sự nghiệp phát triển của tỉnh nhà. Nguyễn Ái quốc – Hồ Chí Minh đã phải dành trọn 30 năm để bôn ba tìm hiểu, hoạt động quốc tế mới đặt chân về với địa đầu Tổ quốc. Rồi phải hơn 20 năm nữa Người mới chính thức về thăm quê, nơi chôn rau cắt rốn. Tháng 6 năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh  trở về thăm quê hương lần đầu tiên; Tháng 12 năm 1961, Người trở về thăm quê hương lần thứ hai và cũng là lần cuối cùng. Bao nhiêu năm xa cách nay Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được trở về với quê hương. Dù bận, Người vẫn cố gắng sắp xếp thời gian ít ỏi của mình đi thăm hỏi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người từ các cụ phụ lão đến các cháu thiếu niên nhi đồng, từ Ban lãnh đạo tỉnh đến người công nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm các cơ sở công nghiệp, lâm nghiệp, lực lượng vũ trang, đến với cả những gia đình xã viên, thăm cả chuồng trâu của hợp tác xã…Bà con quê hương sung sướng và cảm động được ngắm nhìn Bác, lắng nghe từng câu từng chữ mà Người gửi gắm trong những bài nói chuyện với niềm yêu thương và mong ước thiết tha của Người đối với quê hương.
Trở về thăm quê, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian về thăm Hoàng Trù và Làng Sen. Người không quên lối nhỏ vào nhà ngày xưa nơi có hàng râm bụt, cây ổi đào trước cổng, cây bưởi giữa sân, cây mít anh chị em đã cùng chơi những trò chơi tuổi nhỏ; xúc động nghẹn nghào gặp lại những kỷ niệm tuổi thơ bên cánh võng, bàn tay Người run run đặt lên chiếc rương gỗ - của hồi môn ít ỏi của mẹ, nhận ra và nói chuyện cùng người bạn câu cá thả diều…Quê hương trong trái tim Người có tuổi thơ được sống trong tình yêu thương cùng tiếng kí cách đưa thoi của bà của mẹ, ánh đèn dầu cha miệt mài kinh sử, tiếng khóc xé lòng của người em khát sữa và cả nỗi đau mất mẹ khi mới lên mười…
Con người là sản phẩm cả thời đại. Nguyễn Ái quốc – Hồ Chí Minh đến với nhiều phương trời thông thạo nhiều thứ tiếng với nhiều nền văn hoá, sống nhiều nền phong tục tập quán khác nhau nhưng vẫn không quên không đánh mất dáng vẻ và những phẩm chất được đào luyện từ vùng quê Nghệ Tĩnh. Đó là những ngôn từ trong sáng, gần gũi thân thương bình dị được Người đã sử dụng rộng rãi, linh hoạt. Hồ Chí Minh yêu văn học truyền thống và các hình thức sinh hoạt văn hoá dân dã như tập Kiều, lẩy Kiều, vịnh Kiều, thơ lục bát, thơ tự vịnh.. Người ưa lẩy Kiều và đã vận dụng nghệ thuật dân gian này đến độ sáng tạo, tinh tế, nhớ nằm lòng nhiều làn điệu hát ví, hát giặm, hát phường vải của quê nhà. Bởi vậy mà Người còn nhắc giúp ca sỹ quê nhà hai câu cuối của một bài hát dân ca, về cách phát âm, cách luyến láy một số từ giọng Nghệ khi hát xướng. Văn chương, thơ ca của Người  giản dị, chân chất, nhân văn như tính mộc mạc, đằm thắm của con người Xứ Nghệ.
 Là chủ tịch nước nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn sống vô cùng giản dị. Người đi đôi dép cao su, mặc bộ quần áo ka ki đã bạc màu và thích dùng những bữa cơm canh cà đậm đà hương vị quê hương. Cuộc sống thanh đạm giản dị, tiết kiệm là nếp sinh hoạt vốn có của vùng quê Xứ Nghệ nói chung và ở gia đình Bác. Nhưng vô cùng đáng quý khi đã trở thành lãnh tụ của cả dân tộc Người vẫn giữ được nếp sống thanh đạm như những cụ già ở quê hương. Vượt lên, bỏ đi những thói quen nếp nghĩ nếp sống của mảnh đất địa phương đã tạo nên hạn chế của con người Xứ Nghệ. Gìn giữ và phát huy những giá trị tốt đẹp của nền văn hoá tỉnh nhà lẫn với tinh hoa của nền văn hoá cả nước và thế giới. Nhà thơ Xô viết Ôxíp Manđenxtam đã viết: “Từ Nguyễn Ái Quốc toả ra một nền văn hoá, không phải là văn hoá châu Âu mà có lẽ là nền văn hóa của tương lai”… “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giản dị và lịch sự. Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi thấy được ngày mai, thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”4.
Quê hương trong trái tim Chủ tịch Hồ Chí Minh như gốc sâu, bám rễ, ôm chặt thành vườn cây toả bóng. Người đã trở thành một biểu tượng toả sáng những khát vọng giải phóng và toả sáng của con người.
Kỷ niệm 61 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về thăm quê hương lần đầu
( 6/1957 – 6/2018), là dịp để mỗi chúng ta học tập và tiếp tục nghiên cứu nhiều hơn nữa về con người, nhân cách Hồ Chí Minh. Hạnh phúc và biết ơn được làm người con quê hương trong trái tim Người./.
 

                                                  Nguyễn Thị Kim Chi - Phó Ban QLKM 

Thông tin tham quan

Liên kết website