PHỤ NỮ CHUNG SỨC CÙNG CỘNG ĐỒNG CHỐNG DỊCH
21/10/2021 4:50:04 CH
Ngày 20.10 năm nay đã khép lại, không rộn ràng náo nức như những năm trước đây. Trên nhiều miền đất của tổ quốc quê hương, các tổ chức đoàn thể, cơ quan, phường xã, hội nhóm thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch đã tổ chức kỷ niệm ngày lễ cho chị em đơn giản ấm áp.

Phụ nữ Khu di tích Kim Liên nấu bữa cơm phục vụ tuyến đầu chống dịch và các đối tượng cách ly của xã Kim Liên
 
Thế nhưng, trong những bước ngoặt khó khăn của lịch sử càng soi rọi hơn nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Họ là “những cây cỏ dại, những cây lau mềm mại song lúc nào cũng vươn lên sống rất thẳng thớm. Đó là những cây lau bằng thép".1  Bởi vậy mà có thể nói rằng: không chỉ là thời Bà Trưng Bà Triệu, không chỉ là trong lịch sử hàng ngàn năm chống ách đô hộ, thực dân phong kiến, trong đấu tranh xây dựng đất nước phụ nữ Việt Nam đã khẳng định vai trò vị trí của mình đối với lịch sử, mà hôm nay trong một trận chiến mới những cây lau mềm mại ấy vẫn vươn lên mạnh mẽ bền bỉ như những cây lau bằng thép.
Covid 19 đã đến với thế giới trong đó có Việt Nam bất ngờ, đã và đang càn quét khắp nơi, để lại những mất mát, tổn thất vô cùng nặng nề. Tại Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 đã trải qua bốn lần bùng phát với những diễn biến vô cùng nhanh, mạnh  và ngày càng phức tạp, đe dọa nghiêm trọng an toàn và sức khỏe của nhân dân ta; xã hội bị xáo trộn, kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, hàng triệu người bị đã mất việc làm, hàng ngàn gia đình rơi vào tình trạng hết sức bấp bênh… Trong thời điểm cam go này, cần lắm những bàn tay mềm mại, bền bỉ với trái tim nhân hậu đồng sức, đồng lòng, nỗ lực cùng cả nước vượt qua khó khăn. Từ Bắc chí Nam, các cấp Hội LHPN cùng chị em trên khắp mọi miền đất nước đã có rất nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, thiết thực, góp phần nhân thêm niềm tin, lan tỏa những hành động đẹp trong cộng đồng : “đi chợ giúp dân”; “gian hàng không đồng”; “bếp cơm mùa dịch"; “chuyến xe yêu thương vì miền Nam ruột thịt”, cùng những chương trình như “Triệu phần quà san sẻ yêu thương” tiếp sức cho phụ nữ và trẻ em miền Nam vượt qua đại dịch COVID-19 đã có sức lan tỏa mạnh mẽ.
Trong cuộc chiến, có những nỗi đau đớn đến tận cùng mà những người mẹ người chị người em đã phải gánh chịu, cùng những con số hàng trăm cô, cậu bé sài gòn trở thành trẻ mồ côi trong đợt dịch lần thứ 4. Cha mẹ các em từ giã gia đình đi làm, đi cách ly, đi bệnh viện để không bao giờ trở về nữa.
Trong cuộc chiến chống đại dịch, có hàng ngàn nữ chiến sĩ áo trắng phải rời xa gia đình, để lại những đứa con thơ để tình nguyện đến với tâm dịch với bao hiểm nguy, gian khổ. Mỗi ngày đêm căng mình với cuộc chiến “sinh tử” để giành giật sự sống, chứng kiến ranh giới mong manh mà từng bệnh nhận và từng y bác sỹ phải đối mặt mỗi ngày. Đâu đó chúng ta vẫn bắt gặp hình ảnh những người mẹ trong bộ quần áo bảo hộ bằng ni lông, chiếc khẩu trang che kín chỉ đứng từ xa đắm đuối nhìn con và những người thân trong gia đình. Đó là sự hi sinh. Họ đã vượt qua chính mình, vượt qua thử thách, vượt qua đau thương và thiếu thốn để đồng hành cùng đất nước trong đại dịch. 
          Trong cuộc chiến còn có những nữ doanh nhân dù bị ảnh hưởng nặng nề vì dịch bệnh, nhưng vẫn nỗ lực vượt khó, năng động, sáng tạo tìm đi những lối đi riêng cho doanh nghiệp, tìm cách làm hay tháo gỡ cho những đơn vị bạn gặp khó khăn để tạo việc làm cho công nhân và đóng góp lớn lao cho công tác phòng chống đại dịch của đất nước. 
          Trong cuộc chiến này có những người bà, những người mẹ cuộc sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn vẫn sẵn sàng đóng góp từng bì gạo, bó rau, nhường cơm sẻ áo cùng đồng bào khó khăn trong vùng dịch. Bao nhiêu bếp lửa tình thương của chị em khắp cả nước đã nổi lên trong mùa dịch để có những bữa cơm miễn phí gửi đến các khu cách ly. Hàng triệu những chiếc khẩu trang, áo bảo hộ, kính chống giọt bắn… do chính tay chị em làm ra gửi đến vùng dịch gửi gắm biết bao tình thương và niềm hi vọng. Khắp nơi nơi, ở đâu cũng diễn ra những cuộc vận động, ủng hộ, quyên góp với nhiều hành động thiết thực đã lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. 
Khu di tích Kim Liên là một trong những di tích đặc biệt quan trọng về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở quê hương, bình thường mỗi năm khu di tích đón hàng triệu lượt khách về thăm quan tưởng niệm. Dịch covid 19 bùng nổ, ảnh hưởng rất lớn đến công tác tuyên truyền, phát huy các giá trị tại Khu di tích Kim Liên. Đồng hành cùng cả nước chống dịch chị em Kim Liên tích cực tham gia nhiều hoạt động của địa phương và các cấp ngành phát động, đóng góp nhiều ngày lương cho quỹ ủng hộ phòng chống  covid, tổ chức nấu cơm thiện nguyện cho khu cách ly, tham gia chăm sóc, quyên góp ủng hộ cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, những người neo đơn trong địa bàn huyện… Trong công tác chuyên môn, chị em cùng lãnh đạo cơ quan tranh thủ thời gian cải tạo làm mới làm đẹp khuôn viên, xây dựng các hình thức thuyết minh online, trưng bày trực tuyến, và tích cực viết bài, làm các video quảng bá, giới thiệu…tích cực phát huy vai trò trong công tác tuyên truyên truyền trong thời kỳ mới.
Kỉ niệm 91 năm ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam (20/10/1930-20/10/2021), trong bối cảnh cả nước đang đồng sức đồng lòng chống đại dịch, một lần nữa khẳng định vai trò của phụ nữ trong mọi thời đại, nhất là trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước hiện nay.
                                                  Phạm Oanh- Nữ Công KDTKL
1. Lời của  Tổng thư ký Liên đoàn phụ nữ Dân chủ quốc tế trong chuyến đi nghiên cứu phong trào phụ nữ Việt Nam năm 1968 khi nhận xét về phụ nữ Việt Nam

Thông tin tham quan

Liên kết website