NỮ CÔNG DI TÍCH KIM LIÊN TRONG SỰ NGHIỆP GÌN GIỮ, PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI SẢN VĂN HÓA CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TẠI QUÊ HƯƠNG
23/10/2020 3:09:06 CH

Về thăm Kim Liên, thấp thoáng sau mái nhà tranh đơn sơ giản dị, du khách bắt gặp hình ảnh các chị, em, những người cán bộ nữ di tích Kim Liên đon đả với công việc hàng ngày. Những công việc mà trong tâm khảm của mỗi người đã trân quý, thực hiện bằng cả tấm lòng và trách nhiệm cao nhất. Bởi vậy mà trong hơn 60 năm hình thành và phát triển của  Khu di tích, hình ảnh của những cô gái quê Bác đã để lại ấn tượng tốt đẹp, là cây cầu nối cũng là người đại diện cho những người thân trong gia đình Bác đón du khách về thăm quê hương của Người.
Đến nay, Khu di tích Kim Liên có 40 cán bộ nữ, chiếm hơn nửa cán bộ, công nhân viên chức của toàn cơ quan. Cán bộ nữ Kim Liên làm công tác bảo quản gìn giữ tài liệu hiện vật, một bộ phận làm công tác hành chính, còn phần lớn làm công tác tuyên truyền giáo dục.
Khi mới vào cơ quan, xuất phát từ nhiều ngành nghề bằng cấp học khác nhau. Có chị học ngành văn hóa, du lịch, nhiều chị học sư phạm, các chuyên ngành xã hội, ngoại ngữ…có chị chuyển từ cơ quan khác về. Những ngày đầu ai cũng bỡ ngỡ tập tành từ những công việc đơn giản, khắc phục những khó khăn của bản thân để dần đi đến tự tin trong các nhiệm vụ chuyên môn của mình.
Thuộc loại hình di tích “mở” di tích Kim Liên có số lượng trên 4000 tài liệu hiện vật nằm rải rác ở nhiều cụm di tích. Bình thường mỗi năm, Kim liên đón 1,6 đến 2 triệu lượt khách tham quan, ngày đông khách khoảng 500 đoàn. Nơi đây, không chỉ là điểm tham quan, tưởng niệm, học tập của đồng bào, du khách mà còn thường đón tiếp các đoàn khách trung ương và diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của quê hương, đất nước. Bởi vậy mà có thể nói di tích Kim Liên không chỉ đặc thù trong công tác đón khách mà cả trong công tác bảo quản gìn giữ tài liệu hiện vật. Đây cũng là niềm vinh dự lớn lao mà cũng là những khó khăn đặc biệt đối với cán bộ nữ. Những công việc thầm lặng khách tham quan ít biết đến là cán bộ bảo quản: vệ sinh sạch sẽ các di tích, sưu tầm chăm chút từng tài liệu hiện vật, chăm sóc bàn thờ và phần mộ của những người thân trong gia đình Bác…Chị Bình, Chị Oanh, Chị Phương….không mấy khi ăn cơm sáng cùng gia đình hay chở các con đi học bởi các chị đã rời nhà từ hơn 5 giờ 30 sáng kịp đến di tích vệ sinh căn đo công việc làm sao đến giờ mở cửa đón khách thì các di tích đã được quét dọn sạch sẽ các hiện vật được trưng bày đúng vị trí. Di tích đa phần tranh, tre, nứa, lá…dễ hỏng hóc dưới tác động của môi trường, ấy vậy mà trong quá trình làm việc chị em vẫn luôn học hỏi từ những người lớn tuổi có kinh nghiệm lâu năm để xử lý hư hỏng nhẹ, mối mọt … Có nhiều em trẻ vừa mới vào nghề vẫn hăng say học buộc phên rèm, đánh tranh lá mía…Đến khi cơ quan tổ chức các cuộc thi nhiều chị em dành được giải cao. Học tập rèn luyện từ thực tiễn công tác, có nhiều chị vẫn tham gia các khóa học bổ túc để nâng cao trình độ, cố găng áp dụng công nghệ mới vào công tác quản lý tài liệu hiện vật ở Kho, Quỹ, và gìn giữ chăm sóc các tài liệu hiện vật trong quá trình đón khách tham quan.
Đến với di tích Kim Liên, “đặc sản” mà du khách về thăm vần luôn dành tình cảm mến thương là đội ngũ hướng dẫn viên ít nhiều đã làm nên thương hiệu cho du lịch quê nhà. Với 3 Cụm di tích chính, 8 di tích phụ cận nằm rải rác với địa hình khác nhau, 20 cán bộ nữ của Phòng tuyên truyền chia nhau thực hiện nhiều phần việc: Thường trực đón khách tham quan, thuyết minh tại điểm, dâng hoa dâng hương báo công tưởng niệm, phục vụ trưng bày triển lãm và các sự kiện …Vào mùa hè và các ngày lễ trọng du khách về thăm quê Bác nhiều hơn, bởi vậy mà cán bộ thuyết minh hiếm khi được nghỉ vào các dịp này. Chị Bích Đảm – Trưởng Phòng tuyên truyền đã từng chia sẻ: Trung bình các di tích vào mùa hè mỗi ngày có hơn 100 đoàn nghe thuyết minh, điểm nhiều nhất có 4 chị, như vậy mỗi người phải phục vụ 25 đoàn là khoảng 700- 800 lượt khách tham quan, bởi vậy mà phòng và cơ quan luôn vận động các chị đi làm để chia sẻ cho đồng nghiệp và phục vụ du khách chu đáo hơn. Nghệ An mùa hè thừa nắng với gió Lào nhưng với tà áo dài duyên dáng, các chị vẫn hăng say với công việc đưa du khách về với di sản Hồ Chí Minh ở quê hương. Sự nỗ lực ấy đã được trân trọng, ghi nhận cả trong những vần thơ mà du khách dành riêng cho các chị:
Từ chuyện thật, qua những lời rất thật
Em đưa anh vào thế giới của thiêng liêng
Ôi! Kỳ diệu tuyệt vời thay giọng nói
Quê hương mình hay mẹ đã cho em
Dư âm ấy phải làn hơi Xứ Nghệ
Hay điệu dân ca kết tụ của trăm miền...
                                                          ( Lê Thanh Hải - Quãng Ngãi)
Cán bộ Nữ  Kim Liên không chỉ tuyên truyền tại các di tích mà còn đi nói chuyện chuyên đề tại các trường học trong tỉnh; thực hiện các cuộc triển lãm có quy mô và ý nghĩa thiết thực, bắt kịp với công nghệ thông tin viết tin bài đến bạn đọc nhiều báo và trang web. Được sự tạo điều kiện của cơ quan chị em khắc phục khó khăn trong công việc và tuổi tác để tham gia học thuyết minh tiếng Anh, tiếng Pháp phục vụ khách nước ngoài, đến nay đã có 05 thuyết minh tiếng Anh và 01 thuyết minh tiếng Pháp. Trong những năm gần đây để đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, lãnh đạo cơ quan đã xây dựng nhiều chương trình phối hợp với các bảo tàng trong hệ thống đặc biệt là bảo tàng Hồ Chí Minh, chị em tích cực tham gia các hội thảo, tọa đàm khoa học để tiếp tục nghiên cứu, học tập và giải quyết được các vấn đề tồn đọng trong công tác chuyên môn, phục vụ tốt hơn cho công tác tuyên truyền đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tại Kim Liên được thực hiện tốt không thể không kể đến vai trò của các nữ cán bộ phòng hành chính tổng hợp trong việc sắp xếp, phân bổ nhân lực phù hợp ở từng vị trí, cung ứng nguồn tài chính kịp thời cho việc tu bổ, tôn tạo các di tích, đảm nhận các văn bản, giấy tờ pháp lý liên quan, chuẩn bị lễ vật cho các ngày giỗ, ngày lễ, ngày rằm hàng tháng…Đặc biệt, khi có các sự kiện chính trị được tổ chức tại Kim Liên, chị em vừa là cán bộ văn thư, đón khách, mua sắm, kết nối đối nội đối ngoại, vừa làm cộng tác viên cho các báo kịp thời.  
Dù mỗi người đảm nhận một vai trò, vị trí khác nhau nhưng các chị luôn trân quý công việc mình được làm, hướng tới một mục tiêu chung đó là giữ gìn và phát huy tốt nhất những di sản văn hóa về chủ tịch Hồ Chí Minh tại quê hương. Chủ động trong công việc, góp nhặt cho mình những kiến thức bổ ích…quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực phát huy năng lực để khẳng định bản thân trong lao động và công tác. Không chỉ làm tốt việc cơ quan, khi trở về gia đình các chị là người con, người bà, người mẹ, người vợ…đảm đang gương mẫu. Trong nhiều năm qua, nhiều chị đã được các cấp ngành, cơ quan và địa phương tuyên dương điển hình với nhiều danh hiệu cao quý.
          Trải qua những năm tháng công tác dưới mái ấm Khu di tích Kim Liên, nữ công Kim Liên tự hào lưu giữ thanh xuân của mình trong những kỷ niệm đẹp về tình yêu quê hương, đất nước, lòng nhân ái bao dung… được đón nhận sự chia sẻ từ đồng chí đồng nghiệp, sự quan tâm, khích lệ động viên kịp thời của cơ quan và đặc biệt đã được đón nhận tình cảm trân quý mà đồng bào, du khách đã dành riêng cho quê hương Bác. Mỗi người lại thêm tin yêu vào công việc mình lựa chọn, nỗ lực nhiều hơn nữa cho sự trường tồn của di sản Hồ Chí Minh ở quê hương lan tỏa, thấm sâu trong mọi tầng lớp nhân dân qua các thế hệ./.

                                                                               KIM CHI - HOÀI THẮM
                                                                  
 
 

Thông tin tham quan

Liên kết website