NỖI LÒNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH ĐỐI VỚI QUÊ HƯƠNG
09/12/2020 8:49:05 CH

“Con người có tổ có tông, như cây có cội như sông có nguồn”, hay “Chim có tổ, người có quê”… những câu thành ngữ đó dường như hằn sâu trong tâm trí bất cứ người Việt Nam nào. Với Hồ Chí Minh “Quê hương nghĩa trọng tình cao” lại càng luôn canh cánh trong tim. Suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng, dù bận trăm công nghìn việc vì đất nước, vì nhân dân, nhưng trong sâu thẳm trái tim mình, Người luôn giành một phần vô cùng sâu nặng cho quê hương. Với Người "tình chung không làm mất tình riêng và tình riêng không lấn át tình chung".
Với Bác, tình cảm của quê hương không chỉ dừng lại ở những kỷ niệm êm đềm, vui vẻ, tốt đẹp mà còn là sự ngưỡng vọng về một quê hương cách mạng, một “Nghệ Tĩnh đỏ”. Ấn tượng tốt đẹp về quê hương là “Nghệ tĩnh nổi tiếng cứng đầu” bao hàm thái độ bất khuất kiên cường của  quần chúng nhân dân trước sự đàn áp giã man của kẻ thù. Trên con đường hoạt động cách mạng của mình Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt chân lên hầu khắp các châu lục, các quốc gia lớn nhỏ, thông thuộc nhiều thứ tiếng nước ngoài. Vậy mà, một đêm trên đất Thái Lan, Người thốt lên “Xa nhà chốc mấy mươi niên, đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con”. Người vẫn giữ cho mình giọng Nghệ nằng nặng, trầm ấm, vang vọng của quê nhà. Cái chất Nghệ cao đẹp trong con người Bác là sự gạn đục, khơi trong tinh hoa văn hóa của quê hương, tiếp thu tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại; loại bỏ những phần lạc hậu, hạn chế mà lịch sử để lại.
Suốt 50 năm xa quê, đi qua bao miền đất xa lạ, tiếp xúc nhiều với nền văn minh Âu, Mỹ cùng những phong tục tập quán khác nhau. Vậy mà ở Bác vẫn đậm đà tính cách của một con người xứ Nghệ, chất phác, giản dị, thích ăn những món ăn có hương vị quê nhà, giành dụm thời gian trồng rau nuôi cá… Bác luôn tâm niệm một điều rằng: Không thể ham muốn vị kỷ mà suy thoái nhân tâm. “Con người ai cũng muốn ăn ngon, mặc đẹp, nhưng muốn phải cho đúng thời, đúng hoàn cảnh. Trong lúc nhân dân còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp là không có đạo đức”. Bác đã tiếp thu lối sống cần kiệm, quen chịu đựng trước những khó khăn, thiếu thốn của bà con quê nhà, nhưng Bác lại vươn cao, vươn xa hơn ở sự sáng suốt tìm con đường đúng đắn vượt lên để giành cuộc sống tươi đẹp hơn không chỉ cho riêng mình mà cho toàn thể nhân dân.
Ngoài hai lần Bác về thăm quê (năm 1957 và năm 1961), tình cảm sâu sắc của Người đối với quê hương còn được thể hiện qua nhiều bài viết, bài nói chuyện, nhiều bức điện và thư, Người gửi cho các tập thể và cá nhân. Theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 1930 đến trước lúc đi vào cõi vĩnh hằng Bác Hồ có 9 bài báo, 31 bức thư; 11 bài nói chuyện; 3 bức điện; 2 lần về thăm; 1 lời đề tựa nói đến quê hương Nghệ An hoặc trực tiếp trò chuyện thân tình với cán bộ nhân dân quê nhà. Trong đó Bác giành cho quê hương Kim Liên, quê hương Nam Đàn 5 bức thư, 1 bức điện, 1 bài nói chuyện và một bài báo.
Trong thời gian hoạt động ở nước ngoài cũng như khi đã trở thành Chủ tịch nước, Người luôn theo sát tình hình mọi mặt của quê nhà. Khi cán bộ nhân dân tỉnh nhà có thành tích, Người kịp thời khen ngợi, biểu dương. Khi có thiếu sót, khuyết điểm Người ân cần nhắc nhở, phê bình và vạch ra hướng khắc phục sửa chữa.
Bác quan tâm mọi mặt đến tỉnh nhà. Mỗi lần có sự kiện mới, Bác đều gửi thư động viên, thăm hỏi, khen ngợi. Bác đã thẳng thắn phê bình những sai lầm, thiếu sót như: “một số cán bộ có óc công thần, tự kiêu, tự đại, suy bì so sánh cá nhân”, một bộ phận cán bộ, Đảng viên tham ô, lãng phí…
Không chỉ quan tâm đến những công việc lớn, Bác còn nhớ và quan tâm đến những việc tưởng chừng như rất nhỏ, như nhớ kỹ từ một tên làng cho đến những câu ca có từ xa xưa, hay như lần về thăm quê khi Bác về nhà mình vào thăm từng kỷ vật có trong nhà, đứng trước tấm phản Bác nói: “Hình như tấm phản ngắn đi thì phải”. Người vẫn nhớ như in từng đồ vật trong nhà, từng gốc ổi, hàng cau, bụi chuối, luống khoai lang, dãy chè mạn hảo đã gắn bó với Người từ thuở ấu thơ. Hay khi cụ Hà Văn Quận một cố nông theo đạo Thiên chúa ở xã Nghi Thuận, huyện Nghi Lộc 120 tuổi mà vẫn hăng hái lao động và làm gương cho con cháu trong cuộc phát động quần chúng giảm tô, Bác đã gửi thư thăm và tặng quà (một tấm áo lụa và một tấm huy chương).
Trong kháng chiến, lời thăm hỏi của Bác là nguồn cổ vũ động viên lớn lao đến quân, dân Nghệ An lập thêm nhiều thành tích trong chiến đấu và sản xuất. Hơn 400 máy bay giặc Mỹ bị bắn rơi trên đất Nghệ An là bằng chứng cho tinh thần chiến đấu anh dũng, quả cảm của quân dân Nghệ An. Đã 9 lần Nghệ An được Bác viết thư khen ngợi về thành tích bắn rơi nhiều máy bay giặc Mỹ.
Trong sản xuất, xây dựng quê hương, Bác rất quan tâm đến đội ngũ cán bộ, Đảng viên nhất là cán bộ lãnh đạo. Bác thẳng thắn phê bình những non kém, khuyết điểm. Năm 1961, phê bình công tác thủy lợi ở Nghệ An. Bác nói: “ Thủy lợi ở Nghệ An còn kém lắm… nhưng thủy lợi còn kém vì hợp tác xã kém, hợp tác xã kém vì chi bộ kém, mà chi bộ kém truy nguyên là vì sự lãnh đạo của Tỉnh ủy. Có phải thế không?”.
Đối với các cụ già và những người có công với cách mạng. Người ân cần hỏi thăm, động viên họ gắng sức tham gia làm thêm những việc có ích cho xã hội, cho con cháu. Đối với các đồng chí cán bộ cũ, Bác mong muốn họ tiếp tục phát huy tinh thần cách mạng vì tương lai đất nước, vì sự tiến bộ của cán bộ trẻ.
Với thanh niên, Bác luôn nhắc nhở phải hăng hái đi đầu trong công việc gian khó đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn và phải giám hi sinh. Bác yêu cầu thanh thiếu niên Nghệ An phải ra sức học tập, rèn luyện, học phải xác định mục đích cho đúng, không phải học để “làm ông thông, ông ký mà học cho tốt để lao động cho tốt”, “học để làm đầy tớ tốt của nhân dân”.
Với toàn thể người dân Nghệ An, Bác căn dặn phải ra sức sản xuất, tiết kiệm chống lãng phí: “Sản xuất tiết kiệm phải đi đôi với chống lãng phí, nếu không tiết kiệm thì cũng như gió vào nhà trống hay như là rót nước vào cái ống không có đáy… không tiết kiệm tức là lãng phí”. Bác nhắc nhở người dân phải giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương: “Tỉnh ta đã có truyền thống và có tiếng là thuần phong mỹ tục. Chúng ta phải phát triển và gìn giữ thuần phong mỹ tục đó, đừng để rượu chè, cờ bạc, hát xướng lung tung. Phải tăng cường ý thức giữ gìn kỷ luật, giữ gìn phép tắc của nhà nước”. 
Chỉ chưa đầy một tháng sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, ngày 17/9/1945 Bác Hồ đã gửi thư cho các đồng chí tỉnh nhà (Thư gửi các đồng chí tỉnh nhà). Đây là bức thư sớm nhất Người gửi cho tỉnh Nghệ An. Trong thư Người lưu ý về bốn loại khuyết điểm vi phạm quyền làm chủ của người dân. Người nhấn mạnh “Những khuyết điểm trên nhỏ thì làm cho dân chúng hoang mang, lớn thì làm cho nền đoàn kết lay động”, cần phải được sửa chữa ngay; Người còn căn dặn “ Lúc công tác có vấn đề gì khó giải quyết, các đồng chí cứ viết thư thảo luận với tôi, tôi rất sẵn sàng giúp ý kiến”. Từ đó, người thường xuyên gửi thư thăm hỏi, nhắc nhở Đảng bộ và người dân tỉnh nhà đoàn kết, thương yêu, động viên nhau, hăng hái tham gia công cuộc “kháng chiến – kiến quốc” để xứng đáng với truyền thống Xô Viết anh hùng, củng cố sự đoàn kết toàn dân, sửa đổi mọi khuyết điểm trên các phương diện.
Ngày 21/7/1969, Bác gửi thư cho Ban chấp hành Đảng bộ Đảng lao động Việt Nam tỉnh Nghệ An (“Thư gửi Ban chấp hành Đảng bộ Đảng lao động Việt Nam tỉnh Nghệ An”). Đây là bức thư cuối cùng của Bác trước lúc đi xa. Trong thư Bác vui mừng về kết quả 4 năm chiến đấu chống Mỹ cứu nước của tỉnh nhà, đã bắn rơi 439 máy bay, bắn chìm 14 tàu chiến của Mỹ, làm tốt niệm vụ giao thông vận tải…Bác căn dặn những công việc phải làm trong thời gian sắp tới như: Tích cực thực hiện dân chủ với nhân dân hơn nữa, khôi phục và phát triển kinh tế, hết sức chăm lo đời sống người dân, phải luôn đề cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu. Đây là bức thư cuối cùng có giá trị như một bản di chúc thiêng liêng của người đối với quê hương.
Mong muốn “xây dựng Nghệ An và Hà Tĩnh thành hai tỉnh gương mẫu, xứng đáng là quê hương của Xô Viết Nghệ Tĩnh anh hùng” và “đồng bào và cán bộ cần phải có quyết tâm xây dựng tỉnh ta thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc”. Cùng với sự quan tâm sâu sắc, tận tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quê hương cũng như tất cả những gì Người đã giành cho quê hương đều là di sản vô giá, là nguồn cổ vũ, là động lực thúc đẩy cán bộ nhân dân Nghệ An vươn lên trong chiến đấu, sản xuất để đưa quê hương ngày càng đi lên.
Như vậy, suốt cả cuộc đời từ lúc còn bôn ba ở nước ngoài, cũng như khi về lãnh đạo cách mạng trong nước, dù bận trăm công nghìn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn luôn nghĩ đến quê hương và dõi theo từng bước đi của phong trào cách mạng tỉnh nhà. Tình cảm của Bác giành cho quê hương là đầy đủ, trọn vẹn và rộng khắp từ cụ già đến các cháu thiếu nhi, học sinh; từ người dân bình thường đến cán bộ Đảng viên; từ miền ngược đến miền xuôi, từ nông thôn đến thành thị; giáo cũng như lương; công nhân, bộ đội, phụ nữ, thanh niên, thương bệnh binh và cả người nước ngoài trên đất Nghệ An.
Đến nay, đã hơn 51 năm kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, nhưng Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta muôn vàn tình thương yêu. Ngoài tình cảm chung ấy, Người còn để lại cho quê hương những ân tình đặc biệt trong hai lần Người về thăm quê, những ảnh trìu mến và những lời căn dặn thiết thực đó đến nay vẫn còn in đậm trong tâm trí mỗi cán bộ, Đảng viên và nhân dân tỉnh nhà.
                                                               Phan Hằng  
                                                       Phòng STKKBQ&TB

Thông tin tham quan

Liên kết website