Nội dung và một số hình ảnh của triển lãm "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đi tìm hình của nước"
03/06/2021 4:22:40 CH

Ngày 5/6/1911, trên con tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin,
Người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành lấy tên mới là Văn Ba, bắt đầu đi tìm đường cứu nước. 
 
Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi tìm đường cứu nước (5/6/1911- 5/6/2021) và kỷ niệm 64 năm ngày Bác về thăm quê lần thứ nhất (14/6/1957 - 14/6/2021), Khu di tích Kim Liên trưng bày bộ Triển lãm với chủ đề: "Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đi tìm hình của nước". Do điều kiện dịch covid-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều du khách sẽ không thể về với Kim Liên để tận mắt ngắm nhìn các tài liệu và hình ảnh, Khu di tích Kim Liên xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc nội dung và một số hình ảnh của triển lãm.
Với gần 160 tài liệu và hình ảnh, trong đó có một số tài liệu lần đầu tiên được công bố Triển lãm nhằm mục đích:
 -  Giới thiệu công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc tìm thấy con đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam; góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc, vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội.
 - Khẳng định trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trong việc thực hiện lý tưởng cách mạng và con đường phát triển của dân tộc Việt Nam do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn.Tạo niềm xúc động sâu sắc, mang tính quần chúng sâu rộng; góp phần tăng thêm niềm tin yêu của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; thiết thực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng Sản Việt Nam. 
 Nội dung triển lãm gồm 03 phần chính:
 I.Người đi tìm hình của nước.
1. Quyết chí ra đi tìm đường cứu nước:
 " Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến, hy sinh trọn cuộc đời mình để thực hiện lý tưởng cao đẹp đó. 
Cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời thơ ấu) sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho yêu nước, trên quê hương xứ Nghệ - Vùng đất địa linh nhân kiệt, cần cù trong lao động, tình nghĩa trong cuộc sống và bất khuất trước kẻ thù. Sinh ra trong cảnh nước mất nhà tan, tuổi niên thiếu Người thường được nghe cha và các sỹ phu yêu nước trong vùng đàm đạo chuyện thời cuộc để rồi được tiếp thu các tư tưởng lớn của văn hóa Phương Đông, bước đầu tiếp xúc với văn hoá Phương Tây. Tận mắt chứng kiến cuộc sống nghèo khổ cùng cực của đồng bào dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến ... Từ đây, Người đã miệt mài học tập, quyết tâm ra đi tìm đường cứu nước. Sau này, khi có dịp ôn lại quãng đời thời niên thiếu, Bác nói: "Tôi muốn ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác làm như thế nào, sau đó tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta".  
 Ngày 5/6/1911, trên con tàu Đô đốc Latusơ Tơrêvin, Người thanh niên yêu nước lấy tên mới là Văn Ba, bắt đầu đi tìm đường cứu nước. 
  2. Cách mạng vô sản - Con đường giải phóng dân tộc Việt Nam:  
 Cuộc hành trình đi qua 3 đại dương, 4 châu lục: Á, Âu, Phi, Mỹ; đưa Nguyễn Ái Quốc đến với Chủ Nghĩa Mác Lê-Nin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam và rút ra kết luận: "Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản".
Từ khi trở thành người chiến sỹ Cộng sản, Người bắt đầu hoạt động sôi nổi trong phong trào Cộng sản và phong trào công nhân quốc tế. 
Thông qua các hoạt động tại Pháp, Trung Quốc, Liên Xô Người đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm đấu tranh, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, xứng đáng là người chiến sỹ tiêu biểu của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc.
 II. Xây dựng các nhân tố đảm bảo cho thắng lợi của sự nghiệp giải phóng dân tộc:
 1. Sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam:
 Điều quan trọng nhất đối với cách mạng Việt Nam, theo Hồ Chí Minh trước hết phải có Đảng cách mạng:  
"Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Phải có Đảng cách mệnh... Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy". Xác định rõ như vậy, trong những năm từ 1925 - 1927, Nguyễn Ái Quốc đã mở và giảng dạy các lớp huấn luyện đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam và hoàn thiện tác phẩm "Đường kách mệnh"- Văn kiện lý luận đầu tiên của Đảng, là nền tảng tư tưởng cho Cách mạng Việt Nam sau này.
 Ngày 3/2/1930, Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thành lập Đảng tại Cửu Long, Hồng Kông - Trung Quốc. Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về lãnh đạo, bế tắc về đường lối, mở ra thời đại mới cho Cách mạng Việt Nam.
 
Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ở Cửu Long, Hồng Công (Trung Quốc).
Tháng 2/ 1930.
 
2. Xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc:
 Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, đầu năm 1941, Bác trở về trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người hết sức coi trọng việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, vì đoàn kết là sức mạnh. Sau Hội nghị Trung ương 8, Mặt trận Việt Minh (mặt trận dân tộc thống nhất) được thành lập. Đây là khối đoàn kết dân tộc vững chắc, tạo ra sức mạnh vô địch, vượt qua mọi khó khăn thử thách, chiến thắng mọi kẻ thù. Đúng là: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". 

         Nhân dân góp gạo cứu đói theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh cuối năm 1945.
                                
 
3. Xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân:
Ngày 22/12/1944, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được thành lập ở núi rừng Cao Bằng. Từ những đơn vị tự vệ ban đầu, quân đội nhân dân Việt Nam từng bước hoàn thiện, lớn mạnh và trưởng thành, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, xứng đáng với niềm tin yêu của Bác: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì Chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
4. Lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa tháng 8, sáng lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà:
Với vai trò của vị lãnh tụ cách mạng, Hồ Chí Minh đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, lãnh đạo nhân dân đấu tranh làm nên thành công của cách mạng tháng 8/1945, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam, Châu Á.
"Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc bị áp bức đã đánh bại cuộc xâm lược của một đế quốc hùng mạnh, đã dành lại độc lập cho dân tộc, đem lại ruộng đất cho dân cày, đưa lại quyền dân chủ thực sự cho nhân dân"
Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Người đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra kỷ nguyên độc lập tự do cho dân tộc ta.
 5. Góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hoà bình độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội:   
Nghị quyết của Đại hội đồng UNESCO viết: "Chủ tịch Hồ Chí Minh, một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội".
Ngay từ khi trở thành Người chiến sỹ cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã hoạt động sôi nổi trên các diễn đàn, đại hội quốc tế và trên báo chí, nhằm lên án chủ nghĩa thực dân đối với các nước thuộc địa, thức tỉnh nhân dân các nước thuộc địa, hướng họ vào cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.
Sau này, là lãnh tụ của nhân dân Việt Nam, Người vẫn luôn tâm niệm: "Giúp người là tự giúp mình". Người động viên nhân dân Việt Nam vừa tiến hành bảo vệ sự nghiệp độc lập tự do của mình, vừa thực hiện giúp đỡ vô tư, chí tình chí nghĩa với các dân tộc anh em. Người hết sức chăm lo phát triển tình hữu nghị giữa Việt Nam và các nước Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh để mở rộng quan hệ quốc tế của Việt Nam, đồng thời tranh thủ ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân các nước; vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
"Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập, tự do ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hoà bình và công lý ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống lại đói nghèo ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao" (Romet Chandra - Chủ tịch Hội đồng hoà bình thế giới).
 III. Mãi mãi đi theo con đường chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn: 
Trong di chúc Bác viết: "Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới". Lời ân cần căn dặn trong di chúc mãi là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối cho con thuyền Cách mạng Việt Nam cập bến vinh quang trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.    
9 giờ 47 phút, ngày 02/9/1969, trái tim Bác đã ngừng đập. Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã diễn ra vô trang trọng ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta quyết biến đau thương thành hành động cách mạng, thực hiện 5 lời thề danh dự khi vĩnh biệt Người.

Tại Lễ truy điệu trọng thể  Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta
quyết biến đau thương thành hành động cách mạng, thực hiện 5 lời thề danh dự khi vĩnh biệt Người. Hà Nội, 9-9-1969.
 
1. Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:
Bác đã nhận định:" Sớm muộn đế quốc Mỹ sẽ đưa B52 ra đánh Hà Nội ... Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua trên bầu trời Hà Nội".
Tầm nhìn chiến lược sáng suốt, sự quan tâm chỉ đạo sâu sát từ lúc sinh thời của Bác là nguồn sức mạnh to lớn để quân và dân ta làm nên trận "Điện Biên Phủ trên không" đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội và Hải Phòng. Buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán hiệp định Paris, cuốn cờ, rút khỏi Việt Nam, tạo thế xoay chuyển có lợi cho Cách mạng Việt Nam dẫn đến ngày toàn thắng 30/4/1975. Từ nay, miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam sum họp một nhà. Nhân dân ta vui mừng bỏ phiếu, tổng tuyển cử, bầu quốc hội Việt Nam thống nhất.

 2. Xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Sau chiến thắng năm 1975, đất nước gặp nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp, đời sống nhân dân không được cải thiện. Đại hội lần thứ VI của Đảng, vào năm 1986 đã mở ra một giai đoạn mới, một thời kỳ đổi mới toàn diện, tạo nên thế và lực mới cho dân tộc.
Từ đó đến nay, mỗi kỳ đại hội của Đảng đều là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu bước phát triển mới của đất nước. Nhờ công cuộc đổi mới, chúng ta đã giành được nhiều thắng lợi trên các lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá xã hội và an ninh quốc phòng.
Đặc biệt, vừa qua Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp. Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay".
 3. Đoàn kết, hữu nghị hợp tác với các nước trên thế giới:
Trong thời kỳ mới, nguồn lực để xây dựng và phát triển đất nước là mở rộng tình đoàn kết quốc tế, quan hệ hợp tác cùng có lợi. Đến nay, Việt Nam đã xác lập mối quan hệ thương mại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, là đối tác toàn diện với tất cả các nước trong cộng đồng Asean, là thành viên của WTO, trở thành thành viên chính thức thứ 149 của Liên hiệp quốc. Việt Nam có những đóng góp tích cực trong năm thứ 2 của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hiệp Quốc... Việt Nam ngày càng tích cực và chủ động hơn trong hội nhập quốc tế.

Bà Irina Bokova, Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nước CHXHCN Việt Nam Hoàng Tuấn Anh Tập biên bản của khoá họp Đại hội đồng lần thứ 24, tổ chức tại Pa-ri, từ ngày 20 tháng 10 đến ngày 20 tháng 11 năm 1987, trong đó có Nghị quyết 24 C/18.65 của UNESCO về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hà Nội, 10- 2010.
 
 4. Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay:  
"Những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hoá hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc". (Trích Nghị quyết của Đại hội đồng UNESSCO ).
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn 50 năm, nhưng tư tưởng của Người luôn sống mãi với non sông đất nước Việt Nam - đó là di sản đồ sộ, quý báu nhất.
Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta quyết biến tình cảm yêu kính Bác thành hành động thiết thực; vững tin vào đường lối của Đảng, đoàn kết một lòng, sớm đưa đất nước Việt Nam bước tới đài vinh quang, sánh vai với các cường quốc năm châu thoả lòng mong ước của Bác.
          Triển lãm  là một hoạt động thiết thực, góp phần quan trọng vào việc bồi dưỡng và phát huy hơn nữa lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần đoàn kết, niềm tự hào và ý chí tự cường dân tộc… của các thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn./.
Nguyễn Thị Thanh Huyền
 Phòng TTGD
 

Thông tin tham quan

Liên kết website