NIỀM VUI THẦM LẶNG
12/10/2019 10:16:56 SA
Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An, nơi lưu giữ những kỷ niệm sâu sắc tuổi thơ của Bác kính yêu và 2 lần Người về thăm quê. Hằng năm, Khu di tích Kim Liên đón tiếp hàng triệu lượt khách trong nước và bầu bạn quốc tế đến tham quan, thăm viếng - đó không chỉ là những chuyến tham quan, dã ngoại bình thường mà còn thể hiện rõ tình cảm của đồng bào, chiến sỹ cả nước và bầu bạn Quốc tế đối với Quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Công tác đón tiếp, phục vụ khách tham quan tại Khu di tích Kim Liên trong từng giai đoạn luôn có sự đổi mới để đáp ứng kịp thời với những yêu cầu ngày càng cao của du khách. Nhiệm vụ của mỗi cán bộ, viên chức, người lao động không chỉ đơn thuần là công tác chuyên môn, mà hơn hết, đó còn là tình cảm, là bầu nhiệt huyết nóng bỏng với tình cảm và sự tri ân sâu sắc của mỗi người đối với những kỷ vật thiêng liêng vô giá đã gắn bó với tuổi thơ của Bác và 2 lần Người về thăm quê.
Trong chặng đường hơn 60 năm xây dựng và trưởng thành, từ những buổi sơ khai, luôn có sự đóng góp rất lớn của cán bộ, nhân viên làm công tác Sưu tầm - Kiểm kê - Bảo quản và Trưng bày - họ được ví như những chiến sỹ thầm lặng, cần mẫn, chỉn chu để  bảo quản, gìn giữ, nâng niu những kỷ vật, hiện vật đơn sơ, mang nặng dấu ấn của thời gian...nhưng đó lại là những điểm khởi đầu không thể thiếu để tạo nên sự phát huy, phát triển trường tồn của Di tích, đúng như một nhà nghiên cứu đã từng nói: “Mọi vật đều sợ thời gian, bởi lớp bụi thời gian sẽ phủ mờ đi tất cả, nhưng thời gian lại sợ các vĩ nhân, bởi sự tồn tại của vĩ nhân là trường cửu”  
Chính vì vậy, công tác bảo quản, trùng tu tôn tạo di tích, bảo quản các kỷ vật thiêng liêng tại Khu di Tích Kim Liên luôn là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Từ những nét đặc trưng về cấu kiện, về tính chất lịch sử của những tài liệu, hiện vật có từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX nên công tác đảm bảo tính bền vững về chất liệu, tuyệt đối tuân thủ khoa học là nhiệm vụ vô cùng khó khăn, phức tạp. Di tích đa số kết cấu bằng tranh tre, nứa lá, dễ mối mọt, dễ cháy nổ, dễ biến dạng lại nằm trong vùng khí hậu nóng ẩm mưa nhiều; những tư liệu, hiện vật đang lưu giữ có tuổi thọ khá lâu.... cho nên công việc bảo quản đặt ra vô cùng nghiêm ngặt, đòi hỏi người làm công tác bảo quản phải có tâm, chịu khó và am hiểu về lịch sử di tích. Hàng ngày người làm công tác bảo quản ngoài việc vệ sinh cảnh quan môi trường di tích, còn phải chăm chút lau chùi các tài liệu hiện vật., phát hiện kịp thời những thay đổi về hiện trạng, biến đổi về tính chất trong mỗi hiện vật.. Vì vậy công tác bảo quản đòi hỏi phải hết sức tỷ mỷ, cẩn thận và có sự quan sát rất kỹ từ những chi tiết nhỏ nhất....nhằm giữ gìn nguyên vẹn những kỷ vật thiêng liêng, vô giá đã từng gắn bó với gia đình Bác.
Những kỷ vật, hiện vật, tài liệu sưu tầm và trưng bày luôn được đặt trong sự bảo quản công phu, nghiêm ngặt. Tuy nhiên, điều ít ai biết đó là việc bảo vệ, bảo quản,  trùng tu, tôn tạo thường xuyên các hạng mục di tích theo định kỳ như: duy tu, bảo dưỡng sân, nền, đường; thay thế phên, rèm, lợp lại mái tranh...vv đảm bảo tính nguyên trạng và độ bền của các hạng mục này đòi hỏi phải có những kế hoạch chi tiết, cụ thể cùng với nhãn quan của những người làm công tác bảo quản; từ những vết nứt trên nền nhà, mỗi múi nối bị đứt, mỗi vết mốc trên hiện vật....đều phải được phát hiện và kịp thời có biện pháp xử lý. Những hư hỏng của di tích thường xuyên xảy ra, việc xử lý đòi hỏi phải đảm bảo khoa học nhưng cũng đặt ra nhiều tính chất đặc thù; phần lớn kết cấu của di tích là vật liệu không đồng nhất, sửa chữa, thay thế phải đảm bảo đúng chủng loại, màu sắc, không được “mới hóa” di tích, trong khi đó, để tìm được những người thợ phục hồi di tích lại hết sức khó khăn, phần vì kinh phí chi trả không nhiều, hơn nữa những người biết đánh tranh, đan phên rèm, làm sân đất còn rất ít, vì vậy  anh em  bảo quản nhiều lúc phải tự tìm hiểu để khắc phục, sửa chữa..
Trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của miền Trung, nắng lắm, mưa nhiều, công tác đảm bảo an toàn di tích, tài liệu hiện vật lại càng được quan tâm, chú trọng: mùa mưa bão phải tập trung chằng chống di tích, di chuyển hiện vật.., mùa nắng  nóng phải đảm bảo an toàn cháy nổ, sau mỗi biến động của thời tiết lại phải tìm các phương pháp để ngăn chặn nấm mốc, các loại côn trùng phá hoại .... với mục tiêu đặt ra là phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, nguyên vẹn di tích và hiện vật. Mỗi hạng mục khi sửa chữa, bảo dưỡng đều phải tiến hành hết sức cụ thể, chi tiết, có sổ nhật ký theo dõi từng công đoạn, khi hoàn thành phải được nghiệm thu chặt chẽ từ chất liệu, kết cấu và đặc biệt là phải đảm bảo tính khoa học lịch sử tuyệt đối.
Chỉ sơ qua những nét như trên để hiểu rằng công việc  bảo quản di tích không chỉ đơn thuần là việc quét dọn, chăm sóc di tích, hiện vật sao cho sạch sẽ, ngăn nắp mà chứa đựng trong đó là cả quá trình nghiên cứu, phân tích nghiêm túc, khoa học, đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của mỗi cán bộ, viên chức và trước nhất đó là tâm huyết, lòng say mê với nghề nghiệp, với công việc mà mình đã lựa chọn.
Trong bất kỳ hoàn cảnh, điều kiện nào, những thế hệ cán bộ, viên chức làm nhiệm vụ  bảo quản  luôn cảm thấy vinh dự, tự hào. Dẫu rằng đó là những công việc thầm lặng và có thể nói là tẻ nhạt đối với rất nhiều người, nhưng điều để lại niềm tin và ấn tượng sâu sắc nhất đó là  họ đã góp phần rất lớn trong việc gìn giữ, bảo quản, chăm sóc và phát huy những gì quý giá nhất mà gia đình cũng như cuộc đời thanh bạch của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho hôm nay và mãi muôn đời sau. Họ là những chiến sỹ thầm lặng, góp phần quan trọng cho sự phát triển và trưởng thành của Khu di tích Kim Liên – Di tích Quốc gia đặc biệt./.

Lưu Thị Bình
Phòng Sưu tầm Bảo quản

Thông tin tham quan

Liên kết website