NHỮNG NGƯỜI HÀNG XÓM CỦA GIA ĐÌNH BÁC HỒ KÍNH YÊU
15/05/2019 10:47:28 SA
Có một ngôi làng thân thương, gần gũi mà hình ảnh đã in sâu vào tiềm thức của mọi người dân đất Việt. Nơi ấy đẹp như một bức tranh thanh bình với những mái nhà tranh ẩn hiện dưới lũy tre xanh, có nhịp võng trưa hè cùng tiếng ru à ơi của mẹ, có câu dân ca mênh mang hòa cùng ruộng đồng sông núi. Đặc biệt nơi ấy luôn đậm chất người, chất tình từ những con người mộc mạc, chân chất.

Có một ngôi làng thân thương, gần gũi mà hình ảnh đã in sâu vào tiềm thức của mọi người dân đất Việt. Nơi ấy đẹp như một bức tranh thanh bình với những mái nhà tranh ẩn hiện dưới lũy tre xanh, có nhịp võng trưa hè cùng tiếng ru à ơi của mẹ, có câu dân ca mênh mang hòa cùng ruộng đồng sông núi. Đặc biệt nơi ấy luôn đậm chất người, chất tình từ những con người mộc mạc, chân chất.
          Đó chính là Làng Sen- quê hương của Bác Hồ kính yêu, người con ưu tú của dân tộc! Cảnh vật nơi đây đã vẽ nên bức tranh quê về không gian văn hóa lịch sử đặc sắc. Có được điều này bởi ngoài Di tích nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc - Thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có thêm những ngôi nhà tranh của hàng xóm Bác Hồ.
Với mong muốn du khách khi về đây có thể cảm nhận được vẻ đẹp bình dị của làng quê nông thôn Bắc Trung Bộ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Không gian cuộc sống, mối quan hệ giữa gia đình Bác Hồ với bà con hàng xóm. Ngày 29/5/ 2002, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã quyết định phê duyệt Dự án Bảo tồn tôn tạo Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên gắn liền với phát triển du lịch. Đồng nghĩa với điều này các hộ láng giềng xung quanh nhà Bác Hồ lần lượt được phục dựng lại. Đó là gia đình của ông Vương Hoàng Mỹ, Nguyễn Danh Khai và Hoàng Xuân Tiệng.
Cùng nhau tìm hiểu về những hộ láng giềng xung quanh nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, mỗi gia đình đều có một hoàn cảnh riêng.
Ngôi nhà đầu tiên, cách nhà ông Phó bảng 60m về phía Nam. Đó là nhà ông Vương Hoàng Mỹ.
 Ông Vương Hoàng Mỹ (1865-1920) là con trai của Ông Vương Hoàng Phú. Dòng họ Vương vốn từ làng Hoàng Trù lên lập nghiệp ở Làng Sen vào khoảng đầu thế kỷ XIX. Trong dòng họ có nhiều người đỗ đạt, khá giả như gia đình ông Vương Thúc Mậu (Thân sinh Cử nhân Vương Thúc Quý- Thầy dạy học của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời niên thiếu). Gia đình ông có 7 người con 3 trai và 4 gái. Họ sinh sống bằng nghề làm ruộng và có thêm nghề thợ mộc.
Ngôi nhà thứ hai có chung hàng rào với gia đình ông Phó Bảng là Nhà của ông Nguyễn Danh Khai. 
Ông Nguyễn Danh Khai (1841-1903) thuộc đời thứ 12 chi 3 dòng họ Nguyễn Danh tại Làng Sen. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình tương đối khá giả. Cha là Nguyễn Danh Mậu, lúc nhỏ ông Mậu được học hành và thông thạo chữ Hán nên phải đi lính Nam Triều. Trong thời gian ở lính, ông bị bệnh và mất tại Hà Nội, được an táng tại đó, sau này con cháu đưa về quê. Tuy mồ côi Cha, mẹ đi lấy chồng nhưng nhờ ông nội nên ông Nguyễn Danh Khai được học hành tử tế. Khi lập gia đình, với đức tính chịu khó, cần cù ngoài công việc đồng áng ông còn làm thêm nghề kẹo che lấy mật nên kinh tế tương đối khá giả so với nhân dân trong vùng. Ông Nguyễn Danh Khai có nhiều con, trong đó có một người con là liệt sĩ Nguyễn Danh Ước. Liệt sĩ Nguyễn Danh Ước ( 1900-1931) là chiến sĩ cách mạng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh bị giặc Pháp bắt và tra tấn dã man cho đến chết. Hiện phần mộ Liệt sĩ Nguyễn Danh Ước an nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ Huyện Nam Đàn.
 
Phía trước nhà ông Phó Bảng, chếch về phía Đông Nam là nhà ông Hoàng Xuân Tiệng. Ông có ba người con trai tên là Hoàng Xuân Điền, Hoàng Xuân Yên và Hoàng Văn Biền. Gia đình ông làm nông nhưng thuộc loại khá giả trong vùng.
Ngoài ra ông làm thêm nghề rèn. Tại đây thường rèn nông cụ như cày, cuốc, liềm, hái...để giúp bà con trong vùng sản xuất. 
Vì vậy nằm phía Tây Nam khu vườn của gia đình còn có một lò rèn mà dân địa phương hay gọi là Lò Rèn Cố Điền. Khi các con của ông Hoàng Xuân Tiệng đã trưởng thành, ông chia vườn nhà mình cho các con ra ở riêng. Theo phong tục, người con cả được ở lại trong nhà để thờ cúng tổ tiên, tiếp quản Lò Rèn phục vụ nhân dân trong làng.
Những năm tháng sống tại Làng Sen, ông Nguyễn Sinh Sắc luôn dạy các con mình " Vật dĩ quan gia, vi ngô phong dạng" nghĩa là "Đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình". Thấm nhuần lời dạy của cha, rồi hằng ngày được tiếp xúc, trò chuyện với những người hàng xóm mộc mạc, tốt bụng nên anh chị em Bác Hồ luôn có lối sống giản dị, cởi mở, hòa mình với nhân dân. Bằng chứng là Cô Nguyễn Thị Thanh vẫn thường sang nhà ông Vương Hoàng Mỹ xay lúa, giã gạo cho gia đình. Bác Hồ hay sang lò rèn Cố Điền giúp bạn kéo bễ thụt đe. Tình yêu lao động, say mê sáng tạo trong công việc sớm hình thành trong Người bắt đầu từ đây.
Ở Làng sen vào những lúc rảnh rỗi hàng xóm qua nhà nhau uống nước chè xanh, cùng trao đổi với nhau về kinh nghiệm trong sản xuất, cuộc sống. Rồi vào những đêm trăng thanh gió mát, mọi người thường rủ nhau ra gánh nước ở giếng Cốc, cùng nhau chuyện trò với nhiều câu chuyện vui vẻ, rôm rả. Mọi niềm vui nỗi buồn họ cùng bên nhau, tình làng nghĩa xóm càng trở nên gắn bó.
Gần gũi và tình cảm là vậy nên 
dù xa quê hương, bôn ba khắp thế giới và sau này giữ cương vị Chủ tịch nước nhưng hình ảnh quê nhà- nơi đó có những người hàng xóm chân chất, mộc mạc luôn in đậm trong tư tưởng, tình cảm của Người. Điều này được thể hiện rõ hơn sau này trong cách sống, sinh hoạt hàng ngày của Bác như Người luôn giữ cho mình chất giọng nằng nặng, trầm ấm, vang vọng của xứ Nghệ. Người yêu thích món ăn mang hương vị quê nhà. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người được cùng ăn cơm với  Bác nhiều lần nhất, từng kể: “Bữa ăn nào Bác Hồ cũng tiết kiệm, vừa đủ, không bỏ món thừa, không vương vãi một hột cơm. Bác thích ăn những món dân dã như cá kho gừng, cà dầm tương, mắm, canh cua với rau chuối thái ghém hoặc dọc mùng". Tuyệt nhiên không thấy những món ăn đặc sản, xa cách với người lao động. 
  Trang phục của Bác giản dị, thanh tao chỉ là một vài bộ quần áo, đôi dép cao su.Trong Bảo tàng Hồ Chí Minh hiện nay vẫn lưu giữ bộ quần áo kaki Người mặc lúc sinh thời. Trước đây, khi thấy Người mặc bộ quần áo kaki cũ, các đồng chí phục vụ có ý đề nghị thay bộ mới hơn, Người nói “Dân ta còn nghèo, đang khó khăn nhiều, Bác có bộ quần áo này là đầy đủ lắm rồi”. Xí nghiệp may 10 của Tổng cục hậu cần gửi biếu Bác bộ quần áo kaki mới, Bác nhận, song Người gửi lại để xí nghiệp làm phần thưởng thi đua cho anh em công nhân.
Trong quan hệ với mọi người Bác gần gũi thân tình như người Bác, người anh, không hề có sự phân biệt đối xử giữa lãnh tụ với nhân dân. Bởi vậy sau 50 năm xa cách quê hương Người còn nhớ đến cụ Điền- một người bạn thân thiết thuở thiếu thời của Bác. Ngày trở về thăm quê lần đầu tiên, Người có hỏi bà con: Trong này có lò rèn cụ Điền, mấy lâu nay còn tiếp tục rèn nữa ko? Và vừa lúc đó, cụ Điền từ nhà mình đi ra. Hai người bạn thuở thiếu thời gặp nhau biết bao mừng mừng tủi tủi. Người cũng đã động viên cụ Điền nên tiếp tục rèn để bà con có công cụ sản xuất. Lời dặn của Người đã cỗ vũ khích lệ các thế hệ trong gia đình giữ mãi nghề rèn truyền thống.
Bác kính yêu là một nhà chính trị, nhà ngoại giao sâu sắc, nhà thơ, nhà văn sáng tác những vần thơ tuyệt tác. Người thông tuệ không chỉ ngôn ngữ dân tộc mà còn nhiều ngôn ngữ thế giới. Thế nhưng Người luôn lấy sự giản dị, trong sáng làm đầu để làm sao cho nhân dân dù là người ít chữ nhất khi đọc khi nói lên cũng có thể hiểu. Người nói : "Viết rồi thì phải đọc đi đọc lại. Thấy cái gì thừa, câu nào thừa thì bỏ bớt đi. Đọc đi đọc lại 4-5 lần đã đủ chưa? Chưa đủ thì phải đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại".. 
Hay “Phải biết cách nói. Nói thì phải giản đơn, rõ ràng, thiết thực. Phải có đầu, có đuôi, sao cho ai cũng hiểu được, nhớ được”.
Phải chăng chính cuộc sống dân giã ở vùng quê này, gặp gỡ, tiếp xúc với người dân lao động nơi đây đã góp phần giúp người sau này hiểu cặn kẽ nhân dân, yêu nhân dân đến vậy.
 Có thể nói rằng những năm tháng Bác Hồ cùng với gia đình sống tại đây với những người hàng xóm chân chất, mộc mạc là những kí ức đẹp đẽ trong cuộc đời của Người. 
Hôm nay du khách về đây, chúng ta được đứng trong không gian văn hóa Làng sen (dù những hộ láng giềng này không phải là di tích gốc), phần nào thấy được mối quan hệ cũng như ảnh hưởng của các hộ láng giềng với gia đình Bác, cùng cảm nhận được vùng quê bình dị nơi đã góp phần hình thành nên những tính cách, phẩm chất tốt đẹp, nuôi lớn những ước mơ hoài bão của Người, để rồi từ đây mỗi chúng ta sẽ cắt nghĩa được vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chỉ có thể sinh ra trên mảnh đất này.

Hoàng Thị Hoài Thu
Phòng Tuyên truyền giáo dục
 
 
 

Thông tin tham quan

Liên kết website