NHỮNG ĐIỀU ĐẶC BIỆT TẠI KHU DI TÍCH QUỐC GIA ĐẶC BIỆT KIM LIÊN
29/03/2023 2:46:37 CH
Trong một lần tham dự một Hội thảo về Di sản do Tỉnh Nghệ An tổ chức. Có một đồng nghiệp đặt ra cho tôi một câu hỏi mà tôi thấy rất thú vị đó là: Cậu nói cho mình nghe tại Khu di tích Kim Liên – Di tích quốc gia đặc biệt nơi cậu đang công tác thì có những điều gì đặc biệt? Sau khi nghe anh hỏi tôi suy nghĩ nếu mình nói những tiêu chí để xếp hạng một di tích quốc gia đặc biệt thì không đúng với ý anh ấy muốn hỏi vì anh cũng là một người có học hàm học vị trong lĩnh vực di sản chắc chắn anh ấy th

Trong một lần tham dự một Hội thảo về Di sản do Tỉnh Nghệ An tổ chức. Có một đồng nghiệp đặt ra cho tôi một câu hỏi mà tôi thấy rất thú vị đó là: Cậu nói cho mình nghe tại Khu di tích Kim Liên – Di tích quốc gia đặc biệt nơi cậu đang công tác thì có những điều gì đặc biệt? Sau khi nghe anh hỏi tôi suy nghĩ nếu mình nói những tiêu chí để xếp hạng một di tích quốc gia đặc biệt thì không đúng với ý anh ấy muốn hỏi vì anh cũng là một người có học hàm học vị trong lĩnh vực di sản chắc chắn anh ấy thừa hiểu một di tích quốc gia đặc biệt là như thế nào. Tôi cười gượng và xin phép anh cho tôi suy nghĩ và trả lời anh sau. Anh vui vẻ đồng ý. Sau hội thảo trở về cơ quan công tác câu hỏi của người đồng nghiệp cứ luôn ám ảnh trong tâm trí tôi.
Ở Khu di tích Kim Liên công việc của cán bộ, viên chức, người lao động nơi đây là sợi dây kết nối làm nên mạch đời sống động giữa cuộc đời giản dị và sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác Hồ và những người thân trong gia đình Bác với muôn nẻo du khách gần xa. Nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ đơn thuần là công tác chuyên môn, mà hơn hết, đó còn là tình cảm, là bầu nhiệt huyết nóng bỏng với tình cảm và sự tri ân sâu sắc của mỗi người đối với những kỷ vật thiêng liêng vô giá đã gắn bó với tuổi thơ của Bác và 2 lần Người về thăm quê. Dẫu rằng đó là những công việc thầm lặng và có thể nói là tẻ nhạt đối với rất nhiều người, nhưng điều để lại niềm tin và ấn tượng sâu sắc nhất đó là chúng tôi đã góp phần rất lớn trong việc gìn giữ, bảo quản, chăm sóc và phát huy những gì quý giá nhất mà gia đình cũng như cuộc đời thanh bạch của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho hôm nay và mãi muôn đời sau.
Từ những suy nghĩ, cảm nhận như vậy trong tôi đã hình dung được câu trả lời cho người đồng nghiệp của mình qua những công việc mà chúng tôi đang từng ngày từng giờ làm ở nơi đây.
Bắt đầu một ngày làm việc, từ 6h sáng những cán bộ bảo quản đã có mặt trước giờ mở cửa hàng tiếng đồng hồ. Việc đầu tiên mà họ làm là thắp nén tâm hương lên bàn thờ những người thân trong gia đình Bác và bàn thờ của Bác. Trong làn khói hương thơm quyện với hương các loài hoa trong vườn buổi sáng mai hòa cùng những tiếng chim hót líu lo họ thanh thản bắt tay vào một ngày làm việc mới. Mùa đông cũng như ngày hè, không kể những ngày gió Lào khô rát hay những ngày mưa đông giá rét, họ chưa một ngày chậm trễ trong công việc của mình. Các cán bộ làm công tác Bảo quản thường nói đùa với nhau rằng: "Chúng ta phải làm xong công việc mới đến giờ làm việc”. Nói vậy là bởi các đồng chí ấy phải là người đến sớm nhất để quét dọn, chỉnh trang các hiện vật thật gọn gàng, sạch sẽ trước giờ mở cửa đón khách tham quan, tỷ mẩn buộc lại những sợi mây, sợi giang bị đứt. Kiểm tra xử lý các hiện tượng mối, mọt xâm hại di tích và hiện vật. Chiều, họ là những người về cuối cùng sau khi kiểm tra lại tất cả mọi hiện vật của di tích bàn giao lại cho lực lượng Công an. Ngoài ra họ còn tham gia công tác phục vụ các buổi lễ tưởng niệm, báo công tại nhà tưởng niệm, giám sát việc trùng tu tôn tạo di tích như: lợp lại mái tranh, tu sửa sân nền đường, tu sửa phên rèm của di tích .v.v... Hàng ngày nhìn di tích luôn được gọn gàng sạch sẽ, mọi thứ trong ngôi nhà của gia đình Bác luôn được giữ gìn cẩn thận ai cũng xúc động, nhưng ít ai biết được phía sau sự tươm tất, sạch sẽ, nguyên vẹn đó là sự nỗ lực, cố gắng cống hiến hết mình của những cán bộ, nhân viên làm công tác bảo quản nơi đây. Nếu không có tình yêu nghề, không có tinh thần trách nhiệm, đặc biệt tình yêu và lòng tri ân đối với Bác thì chắc chắn họ sẽ không làm được tốt như vậy.
Hay như anh chị em, nhân viên Ban quản lý Khu mộ bà Hoàng Thị Loan - Thân mẫu của Bác Hồ kính yêu cũng vậy. Có những người đi làm bằng xe máy với chặng đường khá xa, nhưng bao giờ họ cũng đi đúng giờ. Mộ bà Hoàng Thị Loan đặt trên Núi Động Tranh với độ cao hơn 100m so với mực nước biển, đường lên mộ qua 262 bậc, đường xuống với 266 bậc, người bình thường leo bộ lên cũng đã cảm thấy mệt, nhưng với họ đều đặn hàng ngày nắng cũng như mưa luôn quét dọn, vệ sinh đường lên xuống, lau chùi sạch sẽ phần mộ của những người thân trong gia đình Bác. Đó là chưa kể những ngày mùa hè nắng nóng, với đặc trưng gió phơn tây nam khô rát nên nguy cơ cháy rừng rất cao, vì thế nhiều hôm họ phải đưa cơm theo trực lại buổi trưa để giám sát công tác phòng chống cháy rừng, đảm bảo cho khu mộ bà Hoàng Thị Loan luôn được an toàn tuyệt đối. Nếu không trực tiếp chứng kiến thì khó có thể hình dung được những khó khăn vất vả mà những cán bộ nơi đây đã trải qua. Thế nhưng với họ hàng ngày được chăm sóc, hương khói, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho phần mộ của bà Hoàng Thị Loan để đón du khách về thăm viếng là một niềm hạnh phúc. Nhìn những bước chân leo núi thoăn thoắt không mệt mỏi của các các đồng nghiệp nơi đây trong tôi dâng trào niềm cảm phục vô cùng.
Đối với chị em làm công tác Hướng dẫn thuyết minh họ tâm sự: “Nghề thuyết minh của chúng em, thuyết minh cho thật hay không khó. Khó nhất là mình kìm giữ được giọt nước mắt của mình trước giọt nước mắt của du khách. Bởi nếu mình khóc thì làm sao thuyết minh nổi cho du khách”. Đúng vậy, khi thuyết minh, hình ảnh, cuộc đời những người thân trong gia đình Bác và muôn nẻo gian truân, bôn ba tìm đường cứu nước của Bác luôn khiến trái tim mọi người thổn thức và không kìm nén được sự xúc động (có những du khách khóc nức nở) nên các thuyết minh không thể không xúc động. Công việc của họ, phần lớn thời gian dành cho công tác tuyên truyền tại di tích, tận tình đón tiếp và thuyết minh chu đáo những đoàn khách dành thời gian và tình cảm về thăm quê hương của Bác, tìm hiểu về quê hương, gia đình và khoảng thời gian tuổi thơ của Bác ở Kim Liên hay là những kỷ niệm của 2 lần Bác trở về thăm quê. Cảm giác thật tuyệt vời khi được đưa du khách trở về thế giới tuổi thơ của Bác, đắm mình trong không gian văn hóa của một miền quê hiền hòa, mộc mạc với những lũy tre xanh, thấp thoáng những mái nhà tranh đơn sơ, điểm tô những bông hoa rực rỡ sắc màu, lắng nghe những câu chuyện cảm động về Bác qua chất giọng ngọt ngào, đậm chất Nghệ ngay chính ngôi nhà của Bác đã trở thành một ấn tượng khó quên. “Chất giọng Nghệ ngọt ngào và sâu đằm, lúc ngân như hát, lúc nhẹ như thở, lúc nghẹn lại như nuốt giọt nước mắt của các cô hướng dẫn viên nơi đây đã đi vào lòng hàng triệu du khách, tạo nên một ấn tượng rất đặc biệt của khu di tích Kim Liên”( Bài cảm tưởng của khách tham quan). Về thăm quê hương của Bác ai cũng dành cho Bác lòng biết ơn và sự tri ân sâu sắc. Vì vậy mà sau khi nghe thuyết minh mỗi người một sắc thái, nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Có cụ già lặng lẽ quay mặt cố dấu những dòng nước mắt xúc động, hay những Bác cựu chiến binh – những người trải qua bao mưa bom bão đạn, nhẹ nhàng, mân mê mãi những kỷ vật. Nhiều bác đã không dấu nổi xúc động òa khóc... cảm xúc trào dâng, thương Bác! Nhớ Bác.
Đến với quê Bác ngoài những tà áo dài màu sen duyên dáng của các hướng dẫn viên, áo trắng quần đen gọn gàng của các cán bộ nhân viên khác, du khách còn bắt gặp những sắc phục màu xanh sẫm của các nhân viên bảo vệ Khu di tích. Họ thực hiện một nhiệm vụ hết sức quan trọng là đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho khách tham quan khi về thăm quê Bác, sắp xếp điều hành bãi xe một cách quy củ, khoa học, hướng dẫn tận tình chu đáo cho khách trước lúc vào thăm. Những ngày tháng mùa hè nắng như đổ lửa lượng khách về thăm đông, bãi đỗ xe chật kín như nêm, nhìn những gương mặt sạm đen vì nắng và gió đi lại thoăn thoắt để điều hành sắp xếp xe, hướng dẫn khách vào đăng ký tham quan của các nhân viên bảo vệ ta mới cảm nhận được sự vất vả của họ như thế nào. Ngoài nhiệm vụ ban ngày họ còn phải trực bảo vệ ban đêm. Khi màn đêm buông xuống toàn bộ khuôn viên di tích yên tĩnh trong đêm họ lại rảo những bước chân lặng lẽ tuần tra canh gác cùng lực lượng công an đảm bảo sự bình yên cho quê Bác.
Công việc của chúng tôi là vậy. Với chúng tôi niềm hạnh phúc cũng thật giản dị đôi khi chỉ là một cái nắm tay thật chặt, ánh mắt nhìn thật cảm động, một lời động viên, một câu đùa dí dỏm, một sự ngưỡng mộ hay một lời khen tặng của khách tham quan và thi thoảng bắt gặp mình trên một trang báo hay đài truyền hình với những tình cảm trân trọng… Những tình cảm yêu mến đó đã giúp chúng tôi xua đi những mệt mỏi của những ngày hè oi bức, những buổi trưa làm việc thông tầm hay một chút chạnh lòng vào những ngày tết đến xuân về...
Dọc đường đi trong khuôn viên di tích chợt nghe giai điệu của bài hát “Rừng cây đời người” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn từ hệ thống âm thanh hai bên đường vang lên, tôi thấy thấm thía vô cùng. Đúng vậy, “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai”. Xin cảm ơn các đồng nghiệp của tôi đã có những cống hiến thầm lặng để những di tích, những kỉ vật của gia đình Bác luôn được trường tồn, để các thế hệ người Việt Nam và bầu bạn quốc tế được về thăm viếng và hiểu hơn về quê hương, gia đình và thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh .
Phải chăng đó là những điều đặc biệt tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên?
                                                                                                                       
                                                                                                                            Lâm Đình Hùng

Thông tin tham quan

Liên kết website