NHỮNG CÔNG VIỆC THẦM LẶNG
06/12/2015 3:23:26 CH
Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên - Di tích quốc gia đặc biệt, nơi lưu giữ những tài liệu hiện vật về quê hương, gia đình thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như hai lần Người về thăm quê. Khu di tích bắt đầu được phục dựng từ năm 1956, đã trải qua gần 60 năm xây dựng và trưởng thành, nơi đây đã trở thành điểm đến quen thuộc, là nơi hội tụ tình cảm của đồng bào trong nước cũng như bầu bạn quốc tế. Khu di tích Kim Liên gồm có hai cụm di tích chính là Hoàng Trù và Làng Sen, ngoài ra c

Khu di tích lịch sử văn hóa Kim Liên - Di tích quốc gia đặc biệt, nơi lưu giữ những tài liệu hiện vật về quê hương, gia đình thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như hai lần Người về thăm quê. Khu di tích bắt đầu được phục dựng từ năm 1956, đã trải qua gần 60 năm xây dựng và trưởng thành, nơi đây đã trở thành điểm đến quen thuộc, là nơi hội tụ tình cảm của đồng bào trong nước cũng như bầu bạn quốc tế. Khu di tích Kim Liên gồm có hai cụm di tích chính là Hoàng Trù và Làng Sen, ngoài ra còn có hệ thống nhà trưng bày, khu tưởng niệm, khu mộ bà Hoàng Thị Loan và các di tích phụ cận. Hiện đang có hàng trăm tài liệu hiện vật được trưng bày tại các di tích với nhiều chất liệu khác nhau, song chủ yếu là gỗ và tranh, tre, nứa, lá... vì thế rất dễ cháy, hư hỏng, mục nát, rất khó khăn trong công tác bảo quản, giữ gìn lâu dài. Tính đặc thù của các di tích tại Kim Liên là vừa làm công tác bảo quản giữ gìn, vừa phục vụ đón tiếp khách tham quan. Lượng du khách đến tham quan vào mùa cao điểm lên đến ba bốn trăm đoàn mỗi ngày, do vậy, di tích luôn chịu áp lực rất lớn từ môi trường vốn khắc nghiệt của xứ Nghệ, lại chịu ảnh hưởng lớn từ phía con người, trong lúc việc ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác bảo quản di tích lại còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên trong thời gian qua, Khu di tích Kim Liên đã nỗ lực hết mình để gìn giữ nguyên trạng những kỉ vật thiêng liêng về Người. Làm được điều đó, chúng ta không thể không nhắc đến những người làm công tác bảo quản tại Khu di tích Kim Liên mà chúng tôi gọi đó là những con người thầm lặng. Họ là những người hàng ngày trực tiếp chăm sóc, quét dọn, gìn giữ những kỉ vật thiêng liêng về quê hương, gia đình Bác cũng như những phần mộ những người thân của Người.
Bắt đầu một ngày làm việc từ 6h sáng, những cán bộ bảo quản nơi đây đến trước giờ mở cửa hàng tiếng đồng hồ để quét dọn, lau chùi di tích, hiện vật để mọi thứ thật gọn gàng, sạch sẽ trước giờ mở cửa đón khách tham quan. Mùa đông cũng như ngày hè, không kể những ngày gió Lào khô rát hay những ngày mùa đông giá rét, các anh chị chưa một ngày chậm trễ trong công việc của mình. Trong những ngày lễ, Tết, nếu như mọi người quây quần bên gia đình hay đi chơi thì với bạn bè thì với các anh chị đó lại là những ngày vất vả, bận rộn nhất. Làm việc trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt lại phải làm việc ngoài trời, mà họ là những người luôn phải đi sớm, về muộn. Nhìn di tích luôn được gọn gàng sạch sẽ, mọi thứ trong ngôi nhà của Bác luôn được giữ gìn cẩn thận ai cũng xúc động, nhưng ít ai biết được phía sau sự tươm tất, sạch sẽ, nguyên vẹn đó là sự nỗ lực, cố gắng cống hiến hết mình của những cán bộ nhân viên làm công tác bảo quản nơi đây. Nếu không có tình yêu nghề, không có tinh thần trách nhiệm, đặc biệt tình yêu và lòng tri ân đối với Bác thì chắc chắn họ sẽ không làm được tốt như vậy. Các anh chị, nhân viên phòng Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản có chung một ý nghĩ: “Chăm sóc di tích hiện vật là thể hiện lòng kính yêu đối với Bác, dù công việc khó khăn vất vả đến mấy, cũng không quản ngại. Được chăm sóc ngôi nhà của Bác là niềm vinh dự lớn lao của anh chị em chúng tôi”. Hay như anh chị em, nhân viên Ban quản lý Khu mộ bà Hoàng Thị Loan – Thân mẫu của Bác Hồ kính yêu cũng vậy. Có những anh, chị đi làm bằng xe máy với chặng đường khá xa hơn 16km, những lúc trời mưa bão hay mưa phùn gió bấc, nhưng bao giờ các anh chị cũng đi đúng giờ. Mộ bà Hoàng Thị Loan đặt trên Núi Động Tranh với độ cao hơn 100m so với mực nước biển, đường lên mộ qua 262 bậc, đường xuống với 266 bậc, mỗi ngày ít nhất các anh chị em phải lên xuống 4 lần. Đó là chưa kể những ngày mùa hè nắng nóng, với đặc trưng gió phơn tây nam khô rát nên nguy cơ cháy rừng càng cao, vì thế các chị phải đưa cơm theo trực lại buổi trưa để làm tốt công tác phòng chống cháy rừng, đảm bảo cho khu mộ bà Hoàng Thị Loan luôn được an toàn tuyệt đối. Nếu không trực tiếp chứng kiến thì khó có thể hình dung được những khó khăn vất vả mà những cán bộ bảo quản nơi đây đã trải qua. Thế nhưng với anh chị em, hàng ngày được chăm sóc, hương khói cho phần mộ của bà Hoàng Thị Loan – người mẹ của một thiên tài là một niềm hạnh phúc. Nhìn những bước chân leo núi thoăn thoắt không mệt mỏi của các anh chị tôi thấy khâm phục vô cùng. Dọc đường đi chợt nghe giai điệu của bài hát “Rừng cây đời người” của nhạc sỹ Trần Long Ẩn từ hệ thống âm thanh hai bên đường vang lên, tôi thấy thấm thía vô cùng. Đúng vậy, “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết giành phần ai”. Xin cảm ơn các anh chị đã có những công hiến thầm lặng để những di tích, những kỉ vật về Bác luôn được trường tồn, để các thế hệ người Việt Nam được hiểu hơn về quê hương, gia đình và thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai lần Người về thăm quê hương.

                                                                  Phạm Thị Oanh
                                                       Phòng Tuyên truyền giáo dục
 

Thông tin tham quan

Liên kết website