NHỮNG “CÔNG TRÌNH CỦA TRÁI TIM”
11/06/2022 3:57:31 CH

Các đơn vị trong hệ thống Bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí trong cả Nước
chụp ảnh lưu niệm tại Đền thờ Bác Hồ tỉnh Cà Mau
 
Nhân dịp vào  công tác tại TP Hồ Chí Minh dự lễ kỷ niệm 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 - 5/6/2022) và khai mạc triển lãm: “Nơi lưu giữ dấu chân Người” do Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh và bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Thừa Thiên Huế phối hợp tổ chức, nằm trong chuỗi hoạt động này Bảo tàng Hồ Chí Minh Hà Nội cùng các đơn vị trong hệ thống Bảo tàng và di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí trong cả Nước đã
về Ban quản lý Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh Cà Mau và Trà Vinh dâng hương, tưởng niệm, trao đổi nghiệp vụ và chia sẻ kinh nghiệm.
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi được đi thăm các Đền thờ Bác đó là lòng kính yêu vô hạn của nhân dân đồng bằng sông Cửu Long dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện một phần qua những đền thờ Bác Hồ được lập nên trong kháng chiến.
 Được các đồng nghiệp nơi đây kể về lịch sử các Đền thờ Bác Hồ ở vùng đất này một cách rành rẽ, chúng tôi hiểu được rằng sự ra đời của hệ thống Đền thờ, Phủ thờ Bác Hồ ở ĐBSCL đều có xuất xứ tương tự như nhau. Các Đền thờ gần như được lập đồng loạt ngay sau khi Bác từ trần. Trong niềm tiếc thương vô hạn đối với vị lãnh tụ của dân tộc, quân dân đồng bằng sông Cửu Long đã lập Đền thờ Bác ở khắp nơi để tưởng niệm Người. Các đền thờ đều được lập ở những vị trí bí mật, nằm trong rừng để tránh tai mắt của địch.
 

Đền thờ Bác Hồ tại tỉnh Trà Vinh
 
Trong chiến tranh ác liệt, Mỹ - Ngụy nhận ra sự “nguy hiểm” của sức mạnh tiềm tàng từ hệ thống Đền thờ này nên đã ra sức bắn phá, hủy diệt. Nhưng chúng càng phá hoại, càng làm tăng thêm ý chí chiến đấu, tinh thần quật khởi của mỗi người dân nơi đây.
Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện có 7 trong số 13 tỉnh, thành phố xây dựng hơn 30 đền thờ, phủ thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Riêng tỉnh Cà Mau, từ trong kháng chiến đến ngày giải phóng, có đến 25 đền thờ Bác Hồ. Đền thờ Bác được xây cất, bảo vệ rất nghiêm cẩn, được xem là “mệnh lệnh” của trái tim, của lòng dân đồng bằng sông Cửu Long kính yêu Người. 
Đến nay, phần lớn các Đền thờ Bác Hồ ở Đồng bằng sông Cửu Long đều đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia và cấp tỉnh. Tại các vùng quê của đồng bào Khơ-me, cùng với hệ thống chùa chiền, đồng bào coi Đền thờ Bác Hồ như chốn “cửa Phật” thứ hai. Với họ, sự linh thiêng trong đời sống tín ngưỡng từ các đền thờ Bác Hồ cũng là một cửa thiền trong tâm khảm. Người dân từ trẻ tới già khi vào Đền thờ viếng Bác đều mang trong mình sự thành kính, tâm hồn trong sáng, thanh cao. Nếu như khi vào chùa, bà con thường cầu nguyện cho bản thân, gia đình được phước lộc, an bình thì khi vào Đền thờ Bác Hồ, ai cũng thành tâm báo công với Bác, nguyện cầu được sức khỏe, ý chí, nghị lực, nguyện noi theo gương Người.
Đền thờ Bác Hồ có sức sống mãnh liệt trong tâm thức của người Việt Nam nói chung, người dân đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Lòng tôn kính Bác đã trở thành giá trị văn hóa được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác giá trị ấy là vĩnh hằng, bởi đó là những công trình được xây dựng, vun đắp và bảo vệ bằng trái tim, có sức sống bền lâu, đã và đang được phát huy thành nguồn lực, sức mạnh tinh thần, là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống yêu nước, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ người Việt Nam, lan tỏa các phong trào rèn luyện, học tập và làm theo Bác để chung tay, góp sức xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp văn minh.
                                                                   Lâm Đình Hùng
 

Thông tin tham quan

Liên kết website