NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ BÁC HỒ VỚI QUÊ HƯƠNG
16/06/2018 2:19:02 CH
Hơn ba mươi năm tìm đường cứu nước rồi trở về tổ chức, lãnh đạo cách mạng Việt Nam cho đến lúc đi xa, Bác Hồ chỉ về thăm quê hai lần. Lần thứ nhất (1957), lần thứ hai (1961). Những năm tháng chưa về thăm, Bác vẫn luôn canh cánh nỗi lòng với quê hương. Tháng 4/1949 Bác đã gửi 1 bức thư về cho Cậu và Dượng của mình, trong thư Bác viết: “Tôi chưa về thăm được, không phải vì vô tình với quê hương. Nhưng vì lẽ này, trong lúc giặc Pháp đang giày xéo trên đất nước ta thì phận sự của người Việt Nam là “

Hơn ba mươi năm tìm đường cứu nước rồi trở về tổ chức, lãnh đạo cách mạng Việt Nam cho đến lúc đi xa, Bác Hồ chỉ về thăm quê hai lần. Lần thứ nhất (1957), lần thứ hai (1961). Những năm tháng chưa về thăm, Bác vẫn luôn canh cánh nỗi lòng với quê hương. Tháng 4/1949 Bác đã gửi 1 bức thư về cho Cậu và Dượng của mình, trong thư Bác viết: “Tôi chưa về thăm được, không phải vì vô tình với quê hương. Nhưng vì lẽ này, trong lúc giặc Pháp đang giày xéo trên đất nước ta thì phận sự của người Việt Nam là “Vì nước quên nhà, vì công quên tư”.  Là một người đầy tớ chung của đồng bào, tôi càng phải như thế. Vì vậy tôi chưa kịp viết thư  hoặc về thăm”…
Mãi đến tháng 6/1957, Người mới có dịp trở về thăm quê hương lần đầu tiên. Cụ Nguyễn Sinh Quế có vinh dự đã hai lần được đón Bác về thăm quê. Dù đã cao tuổi nhưng cụ vẫn nhớ ngày đón Bác về thăm quê lần đầu. Cụ nhớ lại: “Khi đó tôi là cán bộ trực Đảng của xã, mới 23 tuổi, sự việc diễn ra thật bất ngờ. Tối trước ngày Bác về cán bộ xã chúng tôi được trên thông báo chuẩn bị đón đoàn khách quý vào ngày mai nhưng không nói rõ đoàn nào. Khác với mọi đoàn khách khác, có một đơn vị bộ đội về rà mìn, đến đâu thì canh gác đến đó. Sự khác biết này làm cho chúng tôi đoán già đoán non “Hay Bác về?”. Nhưng không ai giám chắc, từ mờ sáng người dân Kim Liên đã tập trung đông đủ dưới gốc Đa, sân vận động. Trước khi về Kim Liên, Bác lên thăm đơn vị bộ đội Tây Nguyên đóng quân tại Rú Đụn. Sau đó Bác mới trở về thăm nhà, hỏi thăm bà con họ hàng, làng xóm rồi Người trở ra sân vận động.”
Bác mở đầu buổi nói chuyện với bà con:
“Quê hương nghĩa trọng tình cao
Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình?”
Sau bao năm xa cách, Người trở lại quê hương, Bác bồi hồi xúc động nói: “Đã lâu về thăm quê hương, thường thì người ta tủi tủi mừng mừng. Tôi không thấy tủi tủi mà chỉ thấy mừng mừng. Mừng là vì sao? Từ lúc tôi ra đi và bây giờ trở lại thấy nước ta nói chung, tỉnh ta nói riêng có thay đổi rất nhiều. Thay đổi quan trọng nhất là lúc tôi ra đi nước ta bị thực dân cai trị, đồng bào ta đều là những người nô lệ, bây giờ trở về thì đồng bào miền Bắc nói chúng và Nghệ An nói riêng là những công dân tự do, làm chủ nước nhà. Đây là thay đổi to lớn nhất.”
Khi nghe có người nói cải cách ruộng đất sai lầm to. Bác hỏi: “Thế cải cách có thắng lợi không?” Mọi người đồng thanh hô to: “Thắng lợi ạ!”. Bác hạ giọng: “Các đồng chí, đồng bào phải nhìn thấy được cái thắng lợi, thắng lợi là căn bản. Dù cải cách có sai lầm thì chúng ta sửa sai”. Hồi ấy Kim Liên là một xã phải sửa sai nhiều trong cải cách ruộng đất, không khí sửa sai rất nặng nề, thế nhưng chỉ qua những câu nói chân tình của Bác, nghe Bác nói moi người thấm thía và hiểu được mọi chuyện. Sau khi Bác đi, công việc sửa sai ở Kim Liên triển khai nhanh và hiệu quả tốt.
Chiều cùng ngày, Bác gặp gỡ nói chuyện với hội nghị cán bộ toàn tỉnh Nghệ An. Bác nói ba điểm: Ưu điểm, khuyết điểm và những việc cần làm. Cuối cùng Bác nói: “Tỉnh Nghệ An có truyền thống cách mạng, vậy các cô các chú có quyết tâm làm cho tỉnh Nghệ An thành một tỉnh gương mẫu không? Quyết tâm không? Làm được không?. Được!Rất tốt. Cuối cùng bác nhờ các cô các chú về địa phương chuyển lời Bác hỏi thăm Đảng viên cán bộ và đồng bào địa phương.
Hôm nay Bác giao cho các cô các chú những nhiệm vụ khó khăn, nhưng các cô các chú quyết tâm thì làm được. Giao nhiệm vụ thì có thưởng có phạt. Nếu có phạt thì do các cô các chú tự đề nghị ra, còn thưởng Bác sẽ để lại Tỉnh ủy 100 huy hiệu cho tất cả các ngành, rồi các cô các chú các ngành bầu ra người được thưởng, có tán thành không?”
Bốn năm sau, ngày 09/12/1961 Bác về thăm quê lần thứ hai, Bác vào thắp hương tại nhà thờ Họ Hoàng Xuân. Bác phấn khởi thấy Nhà thờ đã được tu sửa khang trang, tế khí trong nhà thờ nghiêm trang, sạch sẽ. Cây mít bên cạnh nhà thờ một thời gắn bó với tuổi thơ của Bác còn đó, cành lá sum suê. Bác nói: “Cây mít ngày xưa vẫn còn, cây này nhiều quả cùi mỏng nhưng rất ngọt”. Từ đó tới giờ cây mít tới giờ vẫn vững chãi trươc gió bão, đến mùa lại kết trái cho đời quả ngọt, hương thơm. Bác thăm lại nhà ông bà ngoại, sau đó Bác thăm nhà mình. Bác nói: “Đây là nhà của Bác” với giọng Nghệ ấm áp, xúc động để lại ấn tượng sâu sắc cho bà con dòng tộc, quê hương. Bác thăm lại những kỷ vật gắn bó với tuổi thơ của mình, cánh võng đã mòn theo thời gian năm tháng, nhưng vẫn nghe vang vọng lời ru của mẹ, một tay vừa đưa thoi một tay đưa võng ru con. Sau chiếc màn nâu là chiếc giường tre chiếu mộc Bác và anh chị cất tiếng khóc chào đời. Cái khung dệt, chiếc sa quay gợi lại một thời mẹ Bác lao động vất vả để nuôi con, nuôi chồng ăn học. Chiếc rương gỗ dùng để đựng vật dụng trong nhà như vẫn còn ấm bàn tay thưở nhỏ Bác men theo thành rương ra ngoài với bố. Thấy kỷ vật còn nguyên, Bác nói: “Các cô các chú thật khéo giữ, chiếc rương xưa của mẹ nay vẫn còn. Đây là của hồi môn của mẹ ngày đi lấy chồng bà ngoại đem cho”. Hai chữ “hồi môn” đã làm cho những người được chứng kiến giây phút thiêng liêng đầy xúc động khi thấy Bác rưng rưng thương mẹ, nhớ cha… Đặt bên cạnh cửa sổ gian nhà ngoài là chiếc  án thư, trên đó có bút nghiên là  nơi ông Nguyễn Sinh Sắc – thân sinh Bác ngồi học, cũng là chỗ nghỉ ngơi và là nơi tiếp khách của gia đình.
Về làng Sen Bác thăm lại những kỷ vật còn lưu giữ trong ngôi nhà một thời bốn bố con đã sinh hoạt đầy tình yêu thương bên cạnh bà con dân làng và dòng tộc. Bác khuyên các con: “Vật dĩ quan gia vi ngô phong dạng” (Đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình). Trong thời gian từ 11 đến 16 tuổi, Người được sống cùng bố và anh chị trong ngôi nhà này giúp Bác được rèn luyện trong lao động và học tập, vun đắp cho Bác những phẩm chất cao đẹp. Đây là cơ sở ban đầu hình trong Bác lòng yêu nước, thương dân và những lý tưởng hoạt động cứu nước.
Trong dịp về thăm quê năm 1961, Bác đã đi thăm một số đơn vị bộ đội, thăm Hợp tác xã Vĩnh Thành huyện Yên Thành, Nông trường Đông Hiếu, Nhà máy cơ khí Vinh, Trường Sư phạm miền núi Nghệ An đóng tại Vinh… Nói chuyện với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, nói chuyện với cán bộ lão thành cách mạng, gặp các cháu thiếu nhi thành phố Vinh, dự và nói chuyện với cán bộ Đảng viên và nhân dân thành phố Vinh và các địa  phương phụ cận tại sân vận động thành phố Vinh.
Hình ảnh hai lần Bác về thăm quê đã để lại trong lòng mọi người dân xứ Nghệ tình cảm sâu nặng, tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân xứ Nghệ đoàn kết, phấn đấu xây dựng quê hương thỏa lòng mong ước của Người…

An Vinh – Phó phòng tuyên truyền Khu di tích Kim Liên
 

Thông tin tham quan

Liên kết website