NHỚ NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG
16/04/2016 8:02:06 SA
“ Con người có tổ có tông Như cây có cội như sông có nguồn” Câu ca từ xưa đến nay đều mang một ý nghĩa sâu sắc. Tổ tông và nguồn cội là điều thiêng liêng nhất với mỗi chúng ta. Từ thuở bé, mỗi người con Việt Nam đều được nghe kể về Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Cha Rồng mẹ Tiên đã sinh ra một bọc trăm trứng. Đó chính là cội nguồn con dân đất Việt. Theo dòng lịch sử các vua Hùng đã có công dựng nước, lập nên nhà nước đầu tiên của đất nước Việt Nam là nhà nước Văn Lang. Hàng năm, cứ đến

“Con người có tổ có tông
Như cây có cội như sông có nguồn”
Câu ca từ xưa đến nay đều mang một ý nghĩa sâu sắc. Tổ tông và nguồn cội là điều thiêng liêng nhất với mỗi chúng ta. Từ thuở bé, mỗi người con Việt Nam đều được nghe kể về Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ. Cha Rồng mẹ Tiên đã sinh ra một bọc trăm trứng. Đó chính là cội nguồn con dân đất Việt. Theo dòng lịch sử các vua Hùng đã có công dựng nước, lập nên nhà nước đầu tiên của đất nước Việt Nam là nhà nước Văn Lang. Hàng năm, cứ đến ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch con dân nước Việt lại hướng về Đền Hùng (Việt Trì- Phú Thọ). Đó là nơi tưởng nhớ đến công lao dựng nước và giữ nước của các vua Hùng – những vị vua đầu tiên của dân tộc.
“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”
Đầu tháng 4/2007 Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam đã phê chuẩn sửa đổi bổ sung điều 73 của Luật lao động cho người lao động được nghỉ việc, hưởng nguyên lương ngày giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch). Kể từ đây ngày 10/3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ lớn – Quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.
Đây là ngày hội chung của toàn thể con dân Việt Nam, ngày mà mọi trái tim dù đang sống và làm việc ở đâu trong nước hay trên toàn thế giới đều cùng chung một nhịp đập, cùng hướng về nguồn cội tổ tiên con cháu Lạc Hồng.
Giỗ tổ Hùng Vương là dịp để chúng ta tự nhìn lại mình, soi vào quá khứ để thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn tri ân sâu sắc đối với tổ tiên, hun đúc tình yêu quê cha đất tổ, tự hào về truyền thống kiên cường chống giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng tổ quốc vững bền. Từ đó mọi người càng trân trọng ý nghĩa của từ “đồng bào”.
Đây là dịp để mỗi chúng ta tìm hiểu thấu đáo hơn bản sắc dân tộc và đặt ra cho mình mục tiêu phải làm gì đó có ích cho cộng đồng cho dân tộc, cho xã hội và cho gia đình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm Đền Hùng hai lần (1954, 1962). Tại cửa Đền Giếng (19/9/1954) Người đã căn dặn câu nói bất hủ:
 “Các vua Hùng đã có công dựng nước
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Lời dạy của Người tuy ngắn gọn nhưng mang ý nghĩa sâu sắc, khơi gợi được tinh thần dân tộc trong mỗi người dân Việt, đồng thời khẳng định công lao dựng nước to lớn thuộc về các Vua Hùng. Bổn phận, trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng của Người cùng con cháu Lạc Hồng là phải đoàn kết, chung sức đồng lòng đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ gìn giữ đất nước.
Trong tình hình hiện nay, Tổ quốc đang đứng trước bao khó khăn thách thức; vấn đề an ninh, biển đảo đang diễn biến phức tạp. Mỗi con dân đất Việt cùng chung nguồn cội tổ tiên hãy nắm tay nhau tạo nên sức mạnh lớn, quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh – bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước hùng mạnh.
 
Phùng Thị Hương Giang
Phòng tuyên truyền giáo dục

Thông tin tham quan

Liên kết website