NHỚ MÃI LỜI NGƯỜI
19/10/2020 11:11:31 SA
Tháng 10 về, tiết trời dịu mát. Trong không gian yên tĩnh bên mái nhà tranh Bác Hồ, ngắm nhìn muôn loài hoa đang đua nhau khoe sắc. Lòng tôi chợt nhớ Bác nhiều hơn. Nhớ về sự hy sinh to lớn của Bác cho đất nước, nhớ về những lời dạy năm xưa của Bác, những câu chuyện chứa chan tình cảm, sự quan tâm sâu sắc, chân tình của Bác dành cho người phụ nữ Việt Nam. Trải qua biết bao năm tháng, những lời dạy bảo ân cần của Bác vẫn còn nguyên giá trị, là động lực để mỗi người phụ nữ phấn đấu, học tập, rèn

 Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng trong hoàn cảnh bị tù đày và khi đã là lãnh tụ, Bác Hồ cảm nhận sâu sắc thân phận của người phụ nữ phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Phát biểu tại hội nghị thảo luận dự thảo luật hôn nhân gia đình (10/10/1959), Bác đã nói: "Nói đến phụ nữ là nói đến phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ thì xây dựng xã hội chỉ một nửa...".
        Bác không chỉ quan tâm đến sự nghiệp giải phóng phụ nữ, mà còn nhìn thấy sức mạnh to lớn của phụ nữ đối với cách mạng, Người khẳng định: "Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà trở nên tốt đẹp, rực rỡ". Bác cũng là người tiếp thêm sức mạnh, động viên khuyến khích chị em phụ nữ phải biết phấn đấu vươn lên tự khẳng định vai trò, vị trí của mình trong đời sống cũng như trong công tác xã hội. Tại Đại Hội phụ nữ toàn quốc lần thứ nhất, Bác Hồ đã góp ý với đoàn phụ nữ Trung ương: "các cô phải nói lên được tinh thần yêu nước của chị em phụ nữ các tầng lớp, nói lên được công lao của chị em phụ nữ nông dân cần cù lao động trong sản xuất, huy động được nhiều hơn nữa sự đóng góp của phụ nữ cả nước cho cuộc kháng chiến chống pháp..., đi đôi với động viên các cô phải chăm lo quyền lợi thiết thực cho phụ nữ. Chỉ có phụ nữ mới chăm lo được cho phụ nữ, các chú ấy không lo được cho các cô đâu. Tại Đại Hội phụ nữ lần thứ hai, thứ ba, Bác có những ý kiến cụ thể: "Các cô phải chống phong kiến, chống mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, góp phần giải quyết nạn mù chữ. Các cô đừng tự ty, đừng hay khóc, cách mạng là phải đấu tranh, đưa nước mắt ra không giải quyết được gì đâu".
        Bên cạnh những lời động viên, khuyến khích dành cho phụ nữ, Bác còn chỉ ra nhược điểm và hướng dẫn cách khắc phục. Nói chuyện tại Hội nghị các đại biểu phụ nữ tham gia công tác chính quyền toàn Miền Bắc (1/8/1960), Bác chỉ rõ: Phụ nữ ta còn một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ty, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình. Mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái. Muốn giải quyết khó khăn không nên ỷ lại vào Đảng, Chính phủ, mà phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng của mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền...".
           Chuyện kể lại, có lần tới một Hội Nghị, nhìn suốt dọc Hội trường Bác hỏi: "Này các chú, phụ nữ đâu mà không thấy phụ nữ ngồi hàng đầu?", rồi Bác hỏi tiếp: "Các cô gái có đấy không?", "Có ạ". Vậy mời lên đây ngồi. Ngay việc ngồi cũng không bình đẳng. Phụ nữ muốn được bình đẳng không phải bảo Đảng, Chính phủ hay nam giới mời lên ngồi mới ngồi, mà phải tự đấu tranh, phấn đấu giành lấy".
       Trong lần nói chuyện với đại biểu nhân dân Nghệ An dịp về thăm quê, khi nói đến thành tích của tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp, Bác nhấn mạnh đến vai trò của chị em phụ nữ. Bác biểu dương chị Trương Thị Tâm ở Nghĩa Đàn một mình nuôi 300 con gà, 4 con lợn, chị còn làm ruộng, tham gia công tác xã hội, làm tổ trưởng phụ nữ, Bác nói: "Đây là một phụ nữ anh hùng...anh hùng không phải đông chinh tây phạt, hoặc cứ làm cái gì kỳ khôi xuất chúng. Nuôi được nhiều lợn, nhiều gà, tăng gia sản xuất, tiết kiệm, tham gia công tác xã hội tốt, như thế là anh hùng, như thế là chiến sỹ...Các chị em ở đây cứ cố gắng thì ai cũng có thể làm anh hùng, chiến sỹ".
        Có thể thấy, xuyên suốt trong tư tưởng, và sự quan tâm của Bác Hồ dành cho người phụ nữ đó là giải phóng phụ nữ về mọi mặt. Tạo cơ hội để phụ nữ vươn lên bình đẳng với nam giới, tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Muốn làm được điều đó thì theo Bác: "phụ nữ cần phải học tập tiến bộ nhiều hơn nữa. Các cấp ủy Đảng, cơ quan,  đơn vị phải quan tâm, chăm lo công tác phụ nữ, phải bằng các hình thức thích hợp đào tạo, bồi dưỡng họ trở thành những cán bộ giỏi đủ sức thực hiện tốt nhiệm vụ được giao".
        Đó là những tình cảm chân tình và sâu sắc như một người cha, người chú, người anh của Bác dành cho người phụ nữ Việt Nam. Suốt cuộc đời Bác hy sinh cho dân tộc không nghĩ đến hạnh phúc riêng của bản thân mình. Nhưng dường như Người hiểu và cảm thông sâu sắc với người phụ nữ làm bổn phận của người vợ, người mẹ trong gia đình, người lao động của xã hội. Người thấy rõ vai trò, vị trí quan trọng của người phụ nữ trong cuộc cách mạng chung của dân tộc và hoàn toàn có thể ngẩng cao đầu trước các đấng mày râu. Người nhìn thấy được vẻ đẹp của người phụ nữ và luôn khuyên nhủ chị em cố gắng rèn luyện phẩm chất đạo đức để phát huy hết nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. 
         Cả thế giới chỉ có nước ta có vị tướng quân gái (Bà Nguyễn Thị Định). Lịch sử sẽ còn mãi ghi lại những hình ảnh chói ngời của các "đội quân tóc dài", các nữ chiến sỹ bất khuất trong tù, các mẹ già đào hầm bảo vệ cán bộ, cất giấu thương binh, các nữ dân quân bắn rơi máy bay địch, các nữ thanh niên xung phong "sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm". Hàng triệu người mẹ, người vợ đã vượt qua mọi hy sinh gian khổ động viên chồng con đi chiến đấu , đảm đang việc nước việc nhà. Phụ nữ Việt Nam xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ đã tặng: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang". 
        Trong thời đại ngày nay, phụ nữ Việt Nam không còn bị bó hẹp trong những căn bếp nhỏ của gia đình, mà họ đã vươn lên khẳng định vị trí người làm chủ xã hội, gia đình, bản thân. Ngày càng nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội, nhiều người được giao đảm nhiệm các vị trí quan trọng của Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp từ Trung ương đến địa phương. Trong 20 năm qua Phó chủ tịch nước luôn là nữ. Các nhiệm kỳ đại hội Đảng luôn có nữ là Ủy viên bộ chính trị. Nhiều lĩnh vực không thể thiếu sự có mặt của phụ nữ như: giáo dục, dệt may, nhà văn, bác sỹ, nghệ sỹ...phụ nữ đã có những đóng góp quan trọng vào thành tựu của đất nước trên chặng đường phát triển. 
         Luôn luôn ghi nhớ và thực hiện lời căn dặn của Bác: "Phụ nữ cần phải học tập tiến bộ nhiều hơn nữa", 90 năm qua, bằng những cố gắng tự thân, nỗ lực bền bỉ vượt lên hoàn cảnh khó khăn, thách thức và cả những định kiến giới, phụ nữ Việt Nam hôm nay đã khẳng định được nhiều chữ "tự" của mình: Tự tin, tự trọng, tự chủ...viết tiếp những truyền thống hào hùng, làm rạng danh cho cả dân tộc, xứng đáng với sự quan tâm và kỳ vọng của Bác Hồ kính yêu. 
       

                                                                        Lương Định 
                                                      Phòng Tuyên truyền - Giáo dục 
 

Thông tin tham quan

Liên kết website