NHÂN CÁCH CAO ĐẸP TỪ NHỮNG ĐIỀU GIẢN DỊ
10/06/2021 3:44:45 CH

Về quê hương Bác, du khách trong nước và bạn bè Quốc tế lại có dịp được tận mắt ngắm nhìn những hiện vật, kỷ vật đơn sơ, bình dị.., qua lời kể của các bạn hướng dẫn viên mỗi một du khách đều rưng rưng xúc động và đã tìm thấy ở đó những câu trả lời chân thực nhất về “Cuộc đời thanh bạch” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để rồi thêm biết ơn, kính trọng công lao to lớn, nhân cách vĩ đại và cao đẹp của Người.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng sự nghiệp của Người, trái tim nhân ái bao la của Người đã hòa vào hồn thiêng sông núi, đang từng giờ, từng phút tiếp thêm sức mạnh cho mỗi chúng ta noi theo con đường của Bác đã đi.
Hiếm thấy trong lịch sử có vị lãnh tụ nào mà tên tuổi và sự nghiệp lại gắn bó với vận mệnh của cả một dân tộc, một đất nước như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có thể tìm thấy hình ảnh Người trong từng hơi thở của mỗi người dân và cũng có thể tìm thấy số phận mỗi người dân trong từng suy nghĩ của Người. Từ lâu Bác đã trở thành một lẽ sống không thể thiếu được trong đời sống chính trị và tinh thần của đất nước.
Cuộc đời Bác Hồ để lại cho chúng ta biết bao tấm gương sáng về mọi mặt trong cuộc sống. Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức của một bậc vĩ nhân, thương yêu con người, tin tưởng ở con người, sống hòa đồng với mọi người. Chính đức độ nhân văn đó là "bệ phóng thần kỳ" cho mọi chiến công và sự nghiệp của Người. Ở Người hầu như không có khái niệm quyền lực, hưởng thụ. Cả đời Bác Hồ kính yêu của chúng ta chỉ có một ham muốn "ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".   Từ thuở đầu xanh đến khi tóc bạc, từ hai bàn tay trắng làm đủ mọi nghề để kiếm sống và hoạt động cách mạng cho đến khi là Chủ tịch nước, Người vẫn sống cuộc sống đạm bạc như người dân quê nghèo xứ Nghệ - hiện thân đầy đủ nhất của tám chữ "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư".
    Trong bài thơ “Bác ơi”, khóc tiễn Bác theo thế giới người hiền, nhà thơ Tố Hữu có viết:
“Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch chẳng vàng son,
Mong manh áo vải hồn muôn trượng,
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn…”
       Cuộc đời 79 mùa xuân của Bác chỉ biết lo cho dân, cho nước. Bác hy sinh hạnh phúc riêng tư cho hạnh phúc dân tộc. Hai mốt tuổi, tại bến Nhà Rồng, Người lên tàu xuất dương tìm đường cứu nước. Có người hỏi: “ở nước ngoài, làm gì để sống?” Bác cười chỉ vào 2 bàn tay. Bác làm đủ việc : rửa bát, hầu bàn, chụp hình, viết báo… Cho đến khi làm Chủ tịch Nước, là lãnh tụ tối cao của dân tộc, nhưng Người sống hết mực giản dị và thanh bạch. Sự giản dị và thanh bạch đó thể hiện trong ngôi nhà sàn nho nhỏ ở  Phủ Chủ tịch, Nơi đó, có khu vườn xanh thơm hương hoa quả, có tiếng chim hót líu lo, có tiếng cá quẩy trong vuông ao gần đó. Nhân dân ta và cả bạn bè quốc tế, mỗi khi có dịp đến thăm nơi ở của Người đều ghi lại những cảm nghĩ vô cùng chân thật và sâu sắc. Một khách nước ngoài sau khi thăm ngôi nhà sàn đã ghi lại cảm tưởng rằng : “Nơi đây, nhà sàn không có chỗ cho sự xa hoa, nhưng cũng chẳng có chỗ cho sự tầm thường. Rất mực giản dị và thanh đạm, nhưng không loại trừ việc tìm kiếm cái đẹp”.
Vào một ngày tháng 5-1988, ngài Bộ trưởng Ngoại giao In-đô-nê-xi-a, trong chuyến thăm Việt Nam đã đến thăm ngôi nhà sàn Bác ở. Ông đứng lặng trước ngôi nhà rồi từ từ ngồi vào bàn và viết: “Sự giản dị và liêm khiết thực sự của ngôi nhà gỗ, nơi một vị lãnh tụ cách mạng châu Á và thế giới đã sống, gây cho chúng tôi một ấn tượng sâu sắc”.
Cũng vào khoảng thời gian đó, Tổng tham mưu trưởng lục quân Ấn Độ cũng đến thăm Việt Nam, cũng đến ngôi nhà sàn nhỏ xinh của Bác. Ông đã hạ bút ghi dòng cảm tưởng rằng: “Nơi đây thực sự là một thánh đường, một trong những vĩ nhân của thế kỷ này đã sống và phục vụ đất nước của Người trong căn nhà gỗ rất khiêm tốn này. Mà thực ra, Người phục vụ cho tất cả các quốc gia trên thế giới đang đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập, tự do cho dân tộc mình. Sự cống hiến lớn lao của Người, sự giản dị và mục đích cao cả của Người dường như đã thấm vào từng bức vách, sàn gỗ của căn nhà”. 
Sự giản dị và thanh bạch còn thể hiện trong rất nhiều những chi tiết cảm động rất đời thường, những bữa ăn của Bác  chỉ giản dị đĩa cá kho, bát canh rau và món mắm quê hương xứ Nghệ. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người được ăn cơm với Bác nhiều nhất bảo: “Ông cụ, bữa cơm, lúc nào cũng tóm vén, nhắc mọi người ăn cho hết. Ai để sót cơm, bị Bác phê bình là lãng phí sức lao động của người nông dân”.
Ngày Bác về thăm quê, Tỉnh ủy Nghệ An mời cơm. Thấy thức ăn nhiều, Bác sớt để riêng bảo: “để người khác khỏi ăn thừa!”
Một hợp tác xã Hà Nội có nghề đúc đồng truyền thống, xin được đúc tượng Bác, Bác bảo:
- Nước đang có chiến tranh, để dành đồng đúc súng đạn đánh Mỹ, nếu có đúc, nên đúc tượng anh hùng liệt sĩ, đúc tượng Bác làm gì?
Thấy áo Bác sờn rách, đồng chí phục vụ xin thay, Bác bảo:
- Rách có tí, vá cho Bác! Đồng chí phục vụ bảo:
- “Chủ tịch nước, ai lại mặc áo vá.”
Bác cười bảo: “Có ông Chủ tích nước mặc áo vá là hạnh phúc cho dân lắm!”. Bác có một bộ vét bằng kaki vàng, dùng đi nước ngoài, ngoại giao, dự lễ, bị sờn. Anh em bàn nhau bí mật thay mới. Tìm vải tốt, nhưng làm màu hơi cũ đi như màu áo Bác để Bác không phát hiện. Ấy thế mà ông cụ tinh, biết, phê bình.
Cũng chính bởi những đức tính quý đó của Bác đã tạo nên nhiều nguồn cảm hứng cho các văn nghệ sĩ sáng tác. Nhà thơ Hải Như đã từng thốt lên những vần thơ đầy trăn trở :
“Bữa ăn sáng của Bác Hồ sao đạm bạc
Một bát cháo hoa gạo đỏ
Một khúc sắn quê nhà
Sướng chưa đều nên Bác chia sẻ khổ cùng ta
Người không muốn tâm hồn ta vẩn đục
Mà chúng ta nhiều lúc
Lại cứ mãi … sa vào”
(Bữa ăn sáng Bác Hồ)
Sự giản dị của con người “Một đời thanh bạch chẳng vàng son” ấy còn thể hiện ở rất nhiều điểm đáng quý khác. Một đôi dép cao su sờn quai - đôi dép đã đi vào lịch sử. Nó hiển hiện như một chứng nhân của một vĩ nhân. Nó đã đi vào cả trong thơ, ca, nhạc, họa, làm cho cả những người con dân nước Việt và nhân dân thế giới; các văn nghệ sĩ, các nhà báo, nhà quay phim mỗi khi có dịp tiếp cận Bác đều cố đến gần để nhìn tận nơi, thậm chí sờ được tay vào đôi dép cao su giản dị. Tất cả đều thực sự xúc động về sự thanh cao, giản dị, gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Một chính khách Ấn Độ khi thấy người đi dép cao su đã nghẹn ngào bày tỏ: “Nghe tiếng đã lâu, hôm nay mới thấy tận mắt, đúng là Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị, thân thương quá!”.
Bác kính yêu của chúng ta, vị cha già của dân tộc mà gia tài chỉ có:
"Dép một đôi, áo quần vài bộ
Chỉ có trái tim bao la là tất cả gia tài

Người không một mảnh vườn riêng, một tổ ấm riêng
Một đứa con riêng, Người chẳng có …
Chỉ có vầng trăng chia đều cho cháu nhỏ
Và hát chung cùng nhân dân điệu kết đoàn …”
(Người chẳng có gì riêng-Chế Lan Viên).
 
Cuộc đời vĩ đại và thanh bạch của một con người mà:
“Đi làm cách mạng hai tay trắng
Mẩu bánh mỳ đen chiếc áo sờn
Về làm Chủ tịch chòm râu bạc
Vẫn áo kaki, dép lốp mòn”
(Đi làm cách mạng-Khương Hữu Dụng).
Vâng, Bác chúng ta là con người như vậy đó: “Một đời thanh bạch chẳng vàng son”, và chỉ biết “Nâng niu tất cả chỉ quên mình” thì “Ngẫm nghìn xưa có ai như vậy”.
          Đất nước ta đang bước vào thời kỳ hội nhập và phát triển, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang nỗ lực thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu xây dựng Việt Nam vững mạnh, hùng cường như mong ước thiết tha của Bác. Vì thế mà, sự giản dị, thanh cao, cuộc đời luôn thanh bạch, sáng trong của Người sẽ mãi mãi là tấm gương ngời sáng cho thế hệ hôm nay và mãi muôn đời sau suy ngẫm, noi theo./.

Lưu Thị Bình
                                                                  
 
 

Thông tin tham quan

Liên kết website