NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐẶC BIỆT TRONG TRÁI TIM PHỤ NỮ VIỆT NAM
18/10/2019 3:19:39 CH
Mỗi dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, chúng ta lại rộn ràng, nô nức, hứng khởi như được chào đón những gì tốt đẹp, hạnh phúc của mình. Chúng ta cảm thấy thật ấm áp trong sự quan tâm, chở che của những người cha, người chú, người anh… những người đã góp phần làm nên nửa thế giới còn lại… Trong số đó, có một người đàn ông đặc biệt đã giành trọn trái tim của triệu triệu phụ nữ Việt Nam qua nhiều thập kỷ.

Người đã “khởi xướng con đường giải phóng phụ nữ tại Việt Nam. Người đã thức tỉnh phụ nữ để họ tham gia giải phóng dân tộc, nhân loại và từ đó giải phóng cho chính họ. Vị trí bình đẳng cũng như những quyền lợi mà người phụ nữ Việt Nam ngày nay có được xuất phát từ lý luận và hành động thực tiễn của Người”. (trích bài trả lời phỏng vấn BBC của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình vào ngày 3/7/2001). Con người cao cả ấy mang tên Hồ Chí Minh!.
Ngày 19/5/1890, tại mảnh đất Hoàng Trù – Kim Liên, cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên của Bác thuở nhỏ) đã được cất tiếng khóc chào đời. Năm tháng dần qua, những khúc hát dân ca, những câu hò ví dặm cùng tình thương yêu vô bờ bến của mẹ đã đi vào tâm thức của Bác. Ngày ngày, Người chứng kiến những khó khăn nhọc nhằn của mẹ lam lũ với cuộc sống đời thường để nuôi con, tiếp sức cho chồng ăn học. Tuổi thơ của Nguyễn Sinh Cung đã được lớn lên trong vòng tay thương yêu cùng đức tính chịu thương chịu khó, sự hi sinh cao cả của mẹ Hoàng Thị Loan. Mười một tuổi đời Bác mồ côi mẹ… Bà ngoại Nguyễn Thị Kép dang rộng vòng tay, đón Bác trở về, bù đắp những gì có thể để Nguyễn Sinh Cung được bình yên, hạnh phúc sau ngày mẹ mất. Sống trong sự chăm lo của Ngoại chẳng được bao lâu thì bà qua đời. Chị cả Nguyễn Thị Thanh đã hi sinh hết cả tuổi thanh xuân của mình để chăm lo cho các em khôn lớn, trưởng thành. Chủ tịch Hồ Chí Minh được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến của những người phụ nữ, đó là người bà, người mẹ, người chị… Những con người đóng vai trò đặc biệt quan trọng, không thể thiếu trong cuộc đời của Người. Được đón nhận tình cảm cao quý cùng sự hi sinh lớn lao từ những người phụ nữ gần gũi nhất trong cuộc đời mình, đã giúp Hồ Chí Minh thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia với những vất vả, khó khăn của người phụ nữ. Tình thương yêu, sự quan tâm chia sẻ Chủ tịch Hồ Chí Minh giành cho phụ nữ Việt Nam và cả những người phụ nữ Người đã từng gặp.
Sinh ra và lớn lên trong bối cảnh đất nước ta đang chìm đắm trong đêm trường nô lệ, thực dân nửa phong kiến. Hơn ai hết, Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh) hiểu sâu sắc người phụ nữ vừa phải chịu đựng nỗi đau của một người dân mất nước, bị tước đoạt hết các quyền tự do dân chủ vừa bị ngược đãi, chà đạp lên nhân phẩm con người. Suốt chặng đường 30 năm hành trình ra đi tìm đường cứu nước, Người đã đến nhiều quốc gia trên 4 lục địa Á, Âu, Phi, Mỹ, trong đó người dừng chân lâu nhất tại 3 quốc gia đế quốc lớn đó là Anh, Pháp, Mỹ. Trong quá trình hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước tư bản và thuộc địa người đã rút ra kết luận chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn cho mọi đau khổ của giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa, trong đó phụ nữ là người khổ nhất trong những “Người cùng khổ”. Trong tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” đăng trên báo Imprekor của Quốc tế Cộng sản, Bác đã tố cáo những hành động phi nhân tính của bọn thực dân xâm lược đối với phụ nữ: “một người Âu mắng phụ nữ An Nam là con đĩ, con bú dù là một việc thông thường. Ngay giữa chợ Bến Thành ở Sài Gòn…bọn gác chợ Âu cũng không ngần ngại dùng roi gân bò, dùi cui đánh người phụ nữ bản xứ bắt họ tránh không làm nghẽn lối đi”`…Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng cảm sâu sắc, thấu hiểu nỗi đau tột cùng của người phụ nữ trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ nên người đã đặt ra yêu cầu bức thiết phải giải phóng phụ nữ ra khỏi “xiềng xích nô lệ”. Bác chỉ rõ “nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng Chủ nghĩa xã hội một nửa”. Và giải phóng phụ nữ theo Bác là phải giải phóng toàn diện, trong đó giải phóng con người là mục tiêu cao cả. Đây cũng là động lực, là một trong những mục tiêu chính trong cuộc đời cách mạng của Người: lật đổ chế độ thực dân nửa phong kiến, lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa để lấy lại quyền tự do, bình đẳng, bác ái cho mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có phụ nữ.
Khi đất nước đã giành được độc lập, ở cương vị là người đứng đầu Chính phủ, Người vui sướng nhận ra rằng “phụ nữ là tầng lớp đi bỏ phiếu hăng hái nhất” ngay trong ngày tổng tuyển cử đầu tiên vào 06/1/1946. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thấy ở phụ nữ một vị trí vô cùng quan trọng: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ…”. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Người luôn luôn coi phụ nữ là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng, một trong những nhân tố quan trọng đảm bảo mọi thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập tự do của tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Chia sẻ với những thiệt thòi của người phụ nữ trong chiến tranh đó là nỗi đau của những người vợ mất chồng, người mẹ mất con…Bác động viên phụ nữ vừa là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến, vừa khuyến khích chị em vùng dậy đấu tranh, giành độc lập dân tộc. Những cô gái tuổi mười tám đôi mươi đã trở thành những o du kích, chị thanh niên xung phong xung trận trên chiến trường…8 chữ vàng “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” đã được Bác trân trọng gửi tới phụ nữ Việt Nam trong kháng chiến.
Phát biểu tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3/1961 Người căn dặn: “Tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Muốn làm trọn nhiệm vụ vẻ vang đó, phụ nữ ta phải xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyến khích chị em tự mình đấu tranh cho mình, tự mình cố gắng vươn lên khẳng định mình. Suốt cả cuộc đời, Người đã dành cho phụ nữ sự thấu hiểu, quan tâm sát sao. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khích lệ tinh thần, động viên chị em phấn đấu, cống hiến hết mình cho đất nước, cho sự phát triển của xã hội. Với phụ nữ, vị lãnh tụ ấy vẫn hết mực thương yêu và đầy trách nhiệm.
Tháng 1/1963, trong phiên họp của Bộ Chính trị, Người đã đọc thư của một nữ cán bộ ở Vĩnh Phúc bị chồng đánh đập tàn tệ mà không được chính quyền đoàn thể can thiệp, cán bộ đảng viên thì lẩn tránh. Người xem đó là một tội ác, một tàn dư còn lại tồi tệ nhất của chế độ cũ và ưu tiên cuộc họp phải giải quyết trường hợp này trước. Thấu hiểu sự áp bức, chịu nhiều đau khổ của người phụ nữ dưới chế độ cũ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới vấn đề giải phóng phụ nữ ngay từ trong gia đình, phải làm sao để phụ nữ được đối xử bình đẳng với nam giới và xóa bỏ hết tàn dư của xã hội thực dân phong kiến với phụ nữ.
Năm Nhâm Dần (1962), biết rõ gia đình chị Tín là gia đình nghèo nhất Hà Nội với hoàn cảnh éo le: chồng mất sớm, một mình tần tảo nuôi bốn con nhỏ… nên Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm gia đình chị ngay trong ngày 30 tết. Thấy chị Tín đêm giao thừa rét buốt vẫn phải đi gánh nước thuê, gặp Bác khi vừa ra ngõ, tay chị run run nắm lấy tay Bác và nói trong sự nghẹn ngào xúc động: “cháu không ngờ lại được Bác đến thăm”…Người nhìn đôi gánh trên vai cô nhẹ nhàng cởi mở “Bác không đến thăm những gia đình như cô thì Bác thăm ai…”. Trước những bộn bề với trăm công nghìn việc, những toan tính lo âu cho cuộc kháng chiến, Người vẫn luôn trăn trở, lo âu cho những mảnh đời bất hạnh, những người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn như chị Tín. Mỗi cuộc đời gần Bác đều thấm nhuần sự chăm lo, suy nghĩ của Người. Và từ sự chăm lo ấy gợi lên bao tình cảm mến thương, bao niềm tin yêu hi vọng. Để rồi hôm nay và ngàn đời sau vẫn còn mãi trong trái tim của phụ nữ Việt Nam một người đàn ông đặc biệt -  Hồ Chí Minh!
Tạo hóa sinh ra phụ nữ là để bù đắp một nửa còn thiếu của đàn ông, âm – dương vốn dĩ phải hòa hợp theo lẽ của tự nhiên. Thanh xuân đi qua, hẳn rằng Bác chúng ta cũng đã ấp ủ những tình yêu chân thành, đẹp đẽ … Tuổi trẻ của Bác chỉ có một mục tiêu cao cả đó là nước nhà được độc lập. Người đã đi khắp năm châu bốn biển để tìm ra con đường giải phóng dân tộc, đưa đồng bào thoát khỏi ách thống trị của thực dân phong kiến. Khi mục tiêu cao cả ấy đã thực hiện được thì tuổi Bác đã già. ..Người đã gác lại tất cả để trọn vẹn với non sông, đất nước, với cuộc đời hoạt động cách mạng của mình. 79 mùa xuân đi qua, đã chẳng có người phụ nữ nào bên cạnh để nâng khăn sửa túi, để chia sẻ những hạnh phúc riêng tư cùng Người. Đó quả là một thiệt thòi lớn cho Bác của chúng ta bởi cuộc sống ai cũng có những nhu cầu cơ bản của mình. Để rồi bù lại, Người đã giành trọn tình yêu thương, kính trọng của mọi tầng lớp nhân dân và cả trái tim của triệu triệu phụ nữ Việt Nam qua nhiều thế hệ.
Trước khi về với thế giới người hiền, Bác vẫn không quên để lại sự quan tâm đặc biệt mà suốt cả cuộc đời mình Người đã giành cho phụ nữ Việt Nam. Trong di chúc thiêng liêng Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn toàn Đảng, toàn dân: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.
Tư tưởng, tình cảm của Người đã theo suốt phụ nữ Việt Nam trên mọi cung đường lịch sử từ ngày kháng chiến cho đến nay. Nó đã minh chứng rằng Phụ nữ Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của cách mạng Việt Nam. “Dân tộc ta anh hùng bởi chúng ta có những bà mẹ Việt Nam anh hùng”. Phụ nữ không những là người “sản xuất quân” cho kháng chiến, họ còn là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến. Việc nâng cao nhận thức, trình độ học vấn, xóa bỏ tự ti trong chị em đã tạo động lực giúp nhiều đồng chí vượt qua bản thân, chinh phục những khó khăn, thử thách để khẳng định mình. Ngoài làm tròn thiên chức cao cả của một người mẹ, người vợ… trong gia đình. Phụ nữ Việt Nam ngày nay còn có những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước, của xã hội trên nhiều lĩnh vực. Vị trí của người phụ nữ ngày càng được nâng cao. Có nhiều người trở thành nữ chính trị gia, nhà khoa học nổi tiếng, nhà quản lý năng động, họ có thể đảm đương và làm tốt cả trong một số lĩnh vực mà trước đây chỉ dành cho nam giới. Một số tấm gương tiêu biểu có thể nhắc đến đó là Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, bà Thái Hương chủ tịch tập đoàn TH …Kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, khắc sâu lời dạy cũng như tri ân những tình cảm trân quý của Người. Phụ nữ Việt Nam luôn cố gắng phấn đấu hết sức mình trong học tập, công tác, rèn luyện để từng bước vươn lên và ngày càng khẳng định vị thế của mình trong xã hội cũng như trên trường quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như sinh thời Bác hằng mong muốn.

Đặng Thị Thắm
Nữ Công Khu di tích Kim Liên

Thông tin tham quan

Liên kết website