NGÀY SINH NHẬT BÁC
17/05/2022 11:24:15 SA
Tháng 5 về, mỗi người dân Việt Nam đều nhớ đến ngày sinh nhật của Bác - Người cha già kính yêu của dân tộc, vị lãnh tụ thiên tài đã được tổ chức Unesco vinh danh là Anh hùng giải Phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất. Nhân dân Việt Nam, bạn bè thế giới luôn dành cho Bác sự ngưỡng mộ và lòng tôn kính.

Bác Hồ đến thăm trường mẫu giáo nội trú đầu tiên của quân đội tại Việt Bắc
nhân dịp sinh nhật của Người, ngày 19/5/1953. (Ảnh: Tư liệu TTX)

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết về Người: “Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, chói sáng mà không làm ai choáng ngợp, mới gặp lần đầu đã cảm thấy thân thiết từ lâu” [1].
Tên khai sinh của Bác là Nguyễn Sinh Cung, quê ở xã Chung Cự nay là xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Người được sinh ra trong một gia đình nhà nho nghèo có truyền thống hiếu học, lớn lên trong bối cảnh rối ren của nước nhà. Người thanh niên yêu nước ấy đã vượt ra ngoài tầm nhìn của thời đại; bằng lao động và hòa vào dòng chảy của các sự kiện trên thế giới, với trí tuệ thiên tài của mình, Người đã tiếp nhận những giá trị chung và mới của nhân loại để tìm một lối đi riêng cho dân tộc. Ngay từ tuổi thiếu thời cho đến khi làm Chủ tịch nước Bác vẫn giữ nếp sống giản dị, khiêm tốn, tiết kiệm: “Bác để tình thương cho chúng con; Một đời thanh bạch, chẳng vàng son; Mong manh áo vải hồn muôn trượng; Hơn tượng đồng phơi những lối mòn” [2].  
Năm nay, kỷ niệm 132 năm ngày sinh Bác Hồ kính yêu, chúng ta lại nhớ đến những lần sinh nhật đáng nhớ của Người. Lần đầu tiên người dân Việt Nam mới biết đến ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là năm 1946.
          Nói đến sự ra đời ngày sinh nhật Bác, theo ông  Vũ Đình Huỳnh - nguyên thư ký riêng của Bác Hồ -  chứng kiến buổi lễ sinh nhật đầu tiên của Người đã có bài đăng “Tháng Tám cờ bay” trên tạp chí Văn nghệ tháng 10 năm 1993 có đoạn viết:
“…Sáng 18 tháng 5, Bác bước vào phòng tôi, bảo:
- Này, chú thông báo cho các vị trong Chính phủ biết ngày mai sinh nhật tôi. Đừng quên gọi các cháu thiếu nhi đến chơi với tôi nhé!
Tôi sửng sốt nhìn Bác. Con người rất mực khiêm tốn, thế mà đùng chỉ thị cho tôi tổ chức sinh nhật cho chính mình? Tôi toan hỏi Bác, nhưng Bác đã quay ra. Dừng lại ở cửa, Bác dặn thêm:
-  Báo cho các anh ở Trung ương và các đoàn thể biết luôn mai kỷ niệm sinh nhật tôi.
Tôi gọi dây nói đi các nơi bàn về việc tổ chức sinh nhật Bác. Những nơi cần báo mà không có dây nói thì phải cử người đi đến tận nơi. Mọi người cằn nhằn với tôi về chuyện nước đến chân mới nhảy. Anh Trường Chinh cho rằng tôi đã được biết sinh nhật Bác mà không nói trước. Tuy nhiên, rồi người nọ báo thêm cho người kia, cho nên cả những người tôi quên rồi cũng được biết vào chiều ngày 18.
Hôm sau, cả Hà Nội sáng lên màu cờ, biểu ngữ nói lên ý chí giành độc lập và chúc mừng Bác. Nhìn ra ngoài đường, tôi thấy anh em thợ điện tíu tít bắc thang chăng đèn kết hoa. Lễ mừng sinh nhật Bác được tổ chức vào tối hôm đó, tại Bắc Bộ phủ. Không khí ngày hội chảy tràn trên phố phường, tới tận hang cùng ngõ hẻm. Từng đoàn người biểu tình tuần hành trên các đường trung tâm hô vang khẩu hiệu chúc thọ Bác và các khẩu hiệu cách mạng khác. Các cháu thiếu nhi ăn mặc quần áo đẹp, gõ trống ếch ca hát quanh Bắc Bộ phủ.”
Lần sinh nhật thứ 2 đáng nhớ của Người đó là vào năm 1969 – trước khi Bác qua đời: Cũng như bao lần trước, Bác Hồ tiếp khách và mời những vị đồng chí chiến hữu của mình: “Các chú uống nước, ăn bánh kẹo và chúc thọ Bác đi. Nhớ lấy phần về cho các thím và các cháu”… Bác vẫn giữ thói quen 9h sáng đúng ngày sinh của mình, Bác xem lại và chỉnh sửa, bổ sung bản Di chúc. Vẫn bình thường trong ngày sinh của mình, Bác tiếp khách đến chúc thọ, gửi tặng tỉnh Nghệ An, Nhà máy Xi măng Hải Phòng tấm ảnh chân dung có ghi phía dưới lời nhắc nhở: “Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu trong mọi công tác, phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân”; viết thư cho các cháu thiếu niên HTX Măng non thôn Phú Mẫn, xã Hàm Sơn, huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Sau đó Bác gửi điện cảm ơn Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam; điện cảm ơn Chủ tịch Trịnh Đình Thảo và Ủy ban Trung ương Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam; thư cảm ơn chung Quốc hội, Chính phủ, Trung ương Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, các lãnh đạo, chính phủ và nhân dân các nước anh em, bạn bè quốc tế.
Trong suốt những năm cuộc đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn từ chối việc tổ chức sinh nhật cho mình; hoặc nếu có thì cũng chỉ gọn nhẹ, đầm ấm; vậy nên, thay vì quà cáp, mọi người thường gửi những lời chúc mừng và mua một ít bánh kẹo tặng Bác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống một cuộc đời giản dị, bữa cơm người ăn cũng như những người dân thường, quần áo Người mặc như những cụ già, ông Ké, chỉ thích câu cá trồng rau, từ chối những lễ nghi phiền phức của một lãnh tụ tối cao trong ngày sinh nhật … và cho đến những giờ phút cuối cùng Người cũng chỉ tiếc không được phụng sự nhân dân nhiều hơn nữa, ước mong nhìn thấy Nam Bắc một nhà.
 Năm nay sinh nhật Bác, đất nước rợp cờ hoa, Bắc Nam sum họp, nước nhà thống nhất đã 47 năm qua (30/4/1975-30/4/2022), đặc biệt là giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn về phát triển kinh tế-xã hội. Kinh tế vĩ mô ổn định vững chắc hơn, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Kinh tế chính trị ổn định, đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được nâng cao. Hòa chung trong không khí cả nước, tại quê nhà Nghệ An, nhiều chương trình hoạt động đã được tổ chức: Liên hoan tiếng hát Làng Sen; triển lãm ảnh nghệ thuật; chương trình nghệ thuật “Người mẹ Làng Sen”, “Người là niềm tin tất thắng”; triển lãm ảnh “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”; Lễ rước ảnh Bác Hồ qua các thời kỳ; liên hoan tuồng và dân ca kịch toàn quốc;... nhân dân phấn khởi hân hoan chào mừng ngày sinh nhật của Người.
Ngày sinh nhật Bác đã đi vào tâm thức của mỗi người dân Việt Nam. Đến tháng 5, mùa Sen nở trên mảnh đất quê hương nhớ ngày sinh nhật Bác: các cụ già nhắc nhở, lớp lớp con cháu hân hoan, các đơn vị, địa phương, các cơ quan đoàn thể phấn khởi thi đua lập thành tích chào mừng sinh nhật Bác, các cháu bé vẫn thuộc nằm lòng ngày sinh nhật của Người…Bác ơi, giờ Bác đã đi xa …Ngày sinh nhật của Bác vẫn giản dị, ấm áp như thuở nào nhưng là động lực để mỗi chúng con tiếp tục rèn luyện, phấn đấu dựng xây cuộc sống, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn như mong ước thiết tha của Người trước lúc đi xa./.
                                                                                                     Nguyễn Văn Định 
 

Tài liệu: - Phạm Văn Đồng - Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc, tinh hoa của thời đại, Nxb. Sự thật, H.1974, tr.17-31
                - Bác ơi! Tố Hữu ( Tập thơ Ra trận)

Thông tin tham quan

Liên kết website